Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát ung thư vú, siêu âm không thể thay thế chụp nhũ ảnh

GS.BS Mikael Hartman - chuyên gia người Thụy Điển và đã 10 năm nay làm việc tại BV Đại học quốc gia Singapore (NUS) cho biết: “Chụp nhũ ảnh là cách tốt nhất để phát hiện ung thư vú. Siêu âm không thay thế cho chụp nhũ ảnh được”.

GS cũng nhấn mạnh rằng, tầm soát ung thư vú không chỉ đơn thuần là chụp nhũ ảnh, mà còn cần phải có một cơ sở hạ tầng y tế phát triển về nhân sự cũng như kỹ thuật để hỗ trợ thì việc tầm soát mới đem lại hiệu quả.

GS.BS Mikael Hartman cho biết, siêu âm không thay thế cho chụp nhũ ảnh được, bởi siêu âm có thể cho kết quả dương tính giả, dẫn đến trường hợp sinh thiết tế bào không cần thiết

Ngày 23/7 vừa qua, nhà vô địch thế giới, vô địch SEA Games - hoa khôi đá cầu Nguyễn Huyền Trang qua đời ở tuổi 33 vì căn bệnh ung thư vú đã gây chấn động làng cầu Việt Nam, thậm chí là thế giới. Bởi khi mới 14 tuổi, Trang đã được gọi lên ĐTQG và trở thành trụ cột suốt nhưng năm 2000-2007. Đó cũng là thời đỉnh cao nhất của Trang, với những thành tích vang dội như 2 HCV nội dung đồng đội nữ và đôi nữ tại SEA Games 22, 2 HCV thế giới năm 2005, 2007…

Phát hiện ung thư vú đã di căn vào xương bởi những cơn đau ở ngực năm 2013, sau 5 năm kiên cường chiến đấu với hàng trăm lần vào viện xạ trị, truyền máu nhưng rồi Huyền Trang đã không chiến thắng được số phận.

Thông tin Trang ra đi vì căn bệnh ung thư vú ở tuổi đời còn rất trẻ khiến hàng triệu chị em phụ nữ tiếc thương, đồng thời cũng lo lắng về căn bệnh có thể lấy đi quyền được sống bất cứ lúc nào. Đây được xem như là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho phụ nữ trên thế giới.

Đúng vào thời điểm này, sáng ngày 24/7, GS.BS Mikael Hartman - BS phẫu thuật ung thư vú đồng thời là Giám đốc Y khoa của Phòng khám Ung bướu Singapore - Việt Nam (SVCC) cùng hơn 40 bác sĩ chuyên ngành ung thư tại TPHCM đã trao đổi, thảo luận về tầm quan trọng của tiếp cận đa mô thức trong điều trị ung thư vú.

Hơn 40 khách mời là bác sĩ chuyên ngành ung thư đang công tác tại các bệnh viện tại TPHCM như: BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV Vinmec, BV Quốc tế City...

Kết hợp liên chuyên khoa để tế bào ung thư không có cơ hội “lẩn trốn”


Mở đầu buổi hội thảo, GS.BS Mikael Hartman cho hay, ung thư vú ngày càng gia tăng, nguy cơ mắc phải căn bệnh này ở thế hệ của bạn gấp đôi thời của mẹ và thế hệ con gái của bạn sẽ tiếp tục gấp đôi hiện tại.

Theo thống kê, năm 1990 tại Singapore cứ 40 người thì có 1 người mắc ung thư vú nhưng hiện tại con số này đã tăng lên, trong 17 người thì sẽ có 1 người bị ung thư vú. Tại Thuỵ Điển, tỷ lệ mắc đang là 1/9. Còn tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng theo GS Mikael Hartman con số này khá cao và tương lai sẽ còn tăng vì nguy cơ ngày càng nhiều.

Mặc dù số người mắc ung thư vú ngày càng tăng nhưng điều đáng mừng là tỷ lệ tử vong do căn bệnh này lại giảm, đó là do chất lượng điều trị đã được cải thiện. Theo các nghiên cứu, nếu chỉ phẫu thuật, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú sống sót chỉ 25%, ngược lại nếu được điều trị phối hợp nhiều mô thức (phẫu trị-hóa trị-xạ trị-nội tiết-liệu pháp nhắm trúng đích) thì tỷ lệ tăng lên rất nhiều (80-90%).

Điều đó cho thấy, nhờ những đột phá trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú đã mang lại cơ hội sống cho rất nhiều chị em. Phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản và hiệu quả cao, chi phí cũng thấp hơn. Chính vì vậy, việc tầm soát phát hiện ung thư vú đóng vai trò rất quan trọng. Nó giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán, loại bỏ những mô đã bị tổn thương, loại bỏ tế bào ung thư trước khi nó phát triển sớm hơn.

Giáo sư nhấn mạnh: “Ở Singapore, phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi được khuyến cáo tiến hành tầm soát ung thư vú bằng cách chụp nhũ ảnh hàng năm, và từ 50 đến 79 tuổi thì chụp mỗi hai năm. Cho đến nay, chỉ có nhũ ảnh là kỹ thuật tầm soát đã được các nghiên cứu chứng minh là phương tiện tầm soát ung thư vú hiệu quả nhất và giúp giảm tỉ lệ tử vong. Siêu âm không thay thế cho chụp nhũ ảnh được vì chưa có nghiên cứu nào cho thấy siêu âm có thể giúp giảm tỉ lệ tử vong.”

Khi tiến hành thăm khám vú, bác sĩ sẽ dựa trên bộ ba để đánh giá (triple assessement), đó là khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh và siêu âm khi cần thiết, và cuối cùng là sinh thiết nếu có chỉ định.

Tại BV Đại học quốc gia Singapore, mỗi tuần sẽ có cuộc họp liên chuyên khoa bao gồm: bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ung thư, bác sĩ xạ trị, phẫu thuật viên tuyến vú, điều dưỡng chăm sóc tuyến vú, các chuyên viên quản lý hành chính… để bàn luận về từng trường hợp, từ đó đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị đúng nhất cho người bệnh.

“Với cách làm này, thì hầu như chúng ta sẽ không bỏ sót ung thư và đồng thời không cần phải sinh thiết các tổn thương lành tính không cần thiết. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí và tiết kiệm thời gian theo dõi không cần thiết” - GS Mikael Hartman cho hay.

Bên cạnh đó, một số ít bệnh nhân sẽ được khuyên xét nghiệm về di truyền theo công thức 3-2-1. Đó là nếu gia đình có 3 người bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, hay 2 người mắc 1 trong 2 căn bệnh này mà dưới 50 tuổi hoặc 1 người mắc ung thư vú dưới 35 tuổi hay ung thư buồng trứng dưới 35 tuổi. Yếu tố di truyền cần xét nghiệm là đột biến gen BRCA1 và BRCA2, như trường hợp diễn viên Angelina Jolie.

GS Mikael Hartman cũng khuyên các chị em phụ nữ cần biết tự khám cho mình thường xuyên mỗi tháng một lần. Khi tự khám cho mình tại nhà, phụ nữ có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường như sờ được khối u nhỏ ở vú, da lõm, thấy chảy dịch ở núm vú ngoài thời kỳ cho con bú, thay đổi màu da ở vú... thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn ngay.

Hiện nay, có 3 phương pháp phẫu thuật tuyến vú trong điều trị ung thư vú là đoạn nhũ, bảo tồn 1 phần vú, cắt hết và tái tạo lại vú. Bên cạnh phẫu thuật, người bệnh còn có thể phải được hóa trị, xạ trị, điều trị bằng nội tiết hay liệu pháp nhắm trúng đích.

GS.BS Mikael Hartman chia sể về tầm quan trọng của cách tiếp cận đa mô thức trong điều trị ung thư

Ung thư: Không điều trị căn bệnh mà điều trị người bệnh


Trong buổi hội thảo, trường hợp nữ bệnh nhân A.M (sinh năm 1985, người Canada, làm việc tại Campuchia) cũng được đưa ra thảo luận. Đây là một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn IV, ung thư đã di căn đến phổi.

Được biết, chị M mới sinh con được 5 tháng, sau khi thăm khám tại một bệnh viện ở Campuchia thì phát hiện ung thư vú, bác sĩ “trả về”. Không đầu hàng trước bệnh tật, chị M. quyết tâm sang Singapore điều trị. Tại đây, chị gặp BS Sue Lo. Sau khi cân nhắc các yếu tố về tình trạng bệnh, chi phí... BS giới thiệu chị đến với Phòng khám Ung bướu Singapore - Việt Nam bởi cùng phương pháp, chất lượng điều trị nhưng nếu tiến hành tại Việt Nam, người bệnh sẽ giảm tải được rất nhiều chi phí.

TS.BS Trần Việt Thế Phương

Do bệnh đã ở giai đoạn trễ nên bệnh nhân không được mổ ngay mà được BS Sue Lo phối hợp với BS Trần Vương Thảo Nghi, điều trị hóa trị tại Phòng khám Ung bướu Singapore - Việt Nam. Sau một số lần hóa trị và dùng liệu pháp nhắm trúng đích, điều ngoạn mục là khối u di căn ở phổi của chị M đã tan hết. Khi đó, bệnh nhân được GS Mikael Hartman phối hợp với TS Trần Việt Thế Phương phẫu thuật cắt tuyến vú, nạo hạch và tái tạo lại một tuyến vú mới cho bệnh nhân.

Mặc dù ung thư đã ở giai đoạn cuối nhưng chị M. đáp ứng tốt với phương pháp điều trị, tâm lý lạc quan, may mắn hơn nữa khi toàn bộ chi phí từ xét nghiệm đến phẫu thuật… đều được công ty bảo hiểm chi trả. Đến nay là 4 tháng sau mổ, sức khỏe của chị vẫn ổn định và chị vẫn đi làm hàng ngày, các xét nghiệm cho thấy mọi chỉ số đều tốt.

Trong câu chuyện này, điều ấn tượng nhất khi AloBacsi trao đổi thì được biết, người bệnh thực sự xem phòng khám như gia đình thứ 2 của mình, có thể chia sẻ mọi lúc mọi nơi, bởi hầu hết toàn bộ nhân viên đều luôn đồng hành trong quá trình điều trị của chị M.

Nhiều câu hỏi đặt ra trong ca lâm sàng mà BS Thế Phương và GS Mikael Hartman đã thực hiện.

ThS.BS Lê Diên Thịnh - Phó khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân dân 115 nêu thắc mắc: “Người bệnh ung thư vú giai đoạn IV, điều trị đa mô thức nhưng có hạch, như vậy mức độ an toàn cho người bệnh như thế nào? Hơn nữa, sau phẫu thuật đến nay chỉ mới theo dõi 4 tháng, vậy có đảm bảo tỷ lệ tái phát cho bệnh nhân?”.

Trả lời câu hỏi này, GS Mikael Hartman cho hay, thông thường ở những bệnh nhân ung thư vú giai đoạn IV khả năng trị khỏi là rất thấp, không quá 10%. Trường hợp của chị M. rất may mắn vì bệnh đáp ứng rất tốt với hóa trị. Khối u ở phổi tan hết, xét nghiệm sau phẫu thuật cho thấy cũng không còn tế bào ung thư ở trong vú và hạch. Dĩ nhiên, đối với giai đoạn IV như thế này thì không ai dám chắc chắn là bệnh sẽ không trở lại, nhưng các bác sĩ đã cố gắng làm những điều tốt nhất có thể được để chữa bệnh và bảo đảm chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Nhà báo Hồng Tâm trao đổi với các chuyên gia, bác sĩ đến từ Singapore và TPHCM

AloBacsi cũng có câu hỏi cho các bác sĩ là thời gian vừa qua AloBacsi có những bạn đọc bị ung thư vú cũng giai đoạn IV như chị M. nhưng sau phẫu thuật, người bệnh phải uống thuốc để ngăn ngừa tế bào ác tính tái phát. “Vậy, vì sao trường hợp của bệnh nhân M. lại ngưng hẳn tất cả các loại thuốc? Việc ngưng thuốc có ảnh hưởng đến quá trình ung thư tái phát hay không?” - Nhà báo Hồng Tâm, người sáng lập AloBacsi, đặt ra câu hỏi.

BS Thế Phương cho biết: “Thực ra không nhiều bệnh nhân ung thư vú giai đoạn IV mà tiến hành phẫu thuật như thế này. Trường hợp đặc biệt này là do chị M. đáp ứng rất tốt với điều trị toàn thân nên người bệnh và bác sĩ đã thống nhất tiến hành phẫu thuật. Trường hợp của chị M. khi làm xét nghiệm thì tam âm, do đó sau khi phẫu thuật không điều trị duy trì thêm mà tiếp tục theo dõi, nếu tái phát mới tiến hành hóa trị tiếp. Chỉ những trường hợp ung thư vú khi xét nghiệm thụ thể nội tiết dương mới phải sử dụng thuốc điều trị nội tiết sau đó”.

BS Trần Vương Thảo Nghi giải đáp thắc mắc của khách mời. Theo quan điểm của BS Thảo Nghi, khi điều trị ung thư không phải điều trị căn bệnh mà chính là điều trị người bệnh.

BS Trần Vương Thảo Nghi của Phòng khám Ung Bướu Singapore - Việt Nam bổ sung thêm để làm tròn vẹn ý của BS Thế Phương là đối với điều trị ung thư vú hiện nay thì không chỉ đặt tiêu chí trị bệnh mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống bệnh nhân tốt nhất có thể. Do đó, trường hợp này tại sao vẫn thực hiện phẫu thuật, thậm chí tái tạo bởi đây là cách để giúp bệnh nhân có thể tự tin sống tiếp khoảng thời gian còn lại.

Hơn nữa, quan điểm điều trị ung thư vú trên thế giới hiện nay là điều trị cụ thể hóa từng trường hợp chứ không phải cứng ngắc điều trị giống nhau cho tất cả mọi người bệnh. Từ đặc thù của khối u, đặc tính của bệnh, đặc điểm cơ thể của người bệnh… bác sĩ sẽ có chương trình điều trị khác nhau. “Điều này đã làm thay đổi khái niệm của các y bác sĩ, không điều trị căn bệnh mà điều trị người bệnh vì khi mình đặt con người lên hàng đầu thì sẽ quan tâm đến chất lượng tâm lý, cuộc sống về mặt tinh thần, xã hội hơn” - BS Thảo Nghi trải lòng.

BS Thế Phương trò chuyện cùng nhà báo Hồng Tâm

Khách mời tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm dành cho người bệnh ung thư tại hội thảo


Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X