Hotline 24/7
08983-08983

10 thắc mắc thường gặp nhất về hen suyễn

Bệnh hen hiện nay đã có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán, điều trị, theo dõi và kiểm soát nhưng vẫn xảy ra các trường hợp tử vong. Điều đáng tiếc là các nguyên nhân này đều có thể phòng ngừa được. Vậy người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc nào để kiểm soát bệnh hen tốt hơn? Câu hỏi này đã được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Ý nghĩa Ngày hen toàn cầu là gì?

Trước tiên, xin nhờ BS chia sẻ thêm về ý nghĩa cũng như thông điệp mà Ngày hen toàn cầu năm 2024 truyền tải ạ? Bệnh hen suyễn được định nghĩa như thế nào ạ? Nguyên nhân gây bệnh?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Ngày 7/5 là ngày được Sáng kiến Toàn cầu về Bệnh Hen phế quản (GINA) chọn làm Ngày hen toàn cầu. Với thông điệp, giáo dục về hen sẽ làm tăng sự hiểu biết và sức mạnh cho tất cả mọi người. Đây là thông điệp hết sức quan trọng và cũng là tất cả những gì mà AloBacsi và các bác sĩ cố gắng để đưa đến người dân.

Hen suyễn là bệnh mạn tính (kinh niên), đến thời điểm này chưa thể điều trị dứt gốc, bệnh có khoảng 50% yếu tố di truyền. Với tình trạng ô nhiễm hiện nay, GINA nhận định ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 có thể gây hen suyễn.

2. Bệnh hen suyễn gây những biến chứng nào?

Bệnh hen suyễn đã, đang và sẽ để lại gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội như thế nào, thưa BS? Các biến chứng mà người bệnh có thể đối diện gồm những gì?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Hen suyễn làm viêm đường dẫn khí, từ đó tiết ra chất nhầy làm co thắt cơ trơn đường dẫn khí. Do đó, nếu bệnh nhân hen suyễn không được kiểm soát tốt sẽ bị ho, khò khè, khó thở,…

Điều mà bệnh nhân, gia đình, cũng như các nhân viên y tế rất lo sợ là bệnh nhân rơi vào cơn kịch phát của hen suyễn. Lúc đó, đường thở bị siết lại và không thể hít vào hay thở ra được làm bệnh nhân cực kỳ khó thở, các cơ hô hấp phụ co kéo gây thở rất nhanh. Ở trẻ em có thể thấy lõm cả lồng ngực, trên xương ức và xương đòn co kéo, cánh mũi phập phồng, em bé có thể tím tái, không nói được nguyên câu.

Đây là những tình trạng hết sức nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng. Mặc dù hiện nay đã có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán, điều trị, theo dõi và kiểm soát nhưng vẫn còn các bệnh nhân tử vong do hen (450.000 người/năm tử vong do hen trên toàn cầu). Điều nhấn mạnh là 90% các ca tử vong do hen xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là rất đáng tiếc khi những tử vong đó có thể phòng ngừa được.

Khác với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen có thể từ nhũ nhi đến người già. Các trường hợp tử vong có thể là học sinh, giáo viên, công nhân,… những người ở độ tuổi đang rất dồi dào về thể lực. Vì vậy, việc hiểu biết đúng về hen, kiểm soát hen và nhận biết các trường hợp cần tìm đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế là điều rất quan trọng.

3. Những tiến bộ trong chẩn đoán bệnh hen suyễn

Trong chẩn đoán, tiếp cận và điều trị bệnh hen suyễn hiện nay đã có những bước tiến bộ ra sao, thưa BS? Những điều này đã mang lại thuận lợi gì trong kiểm soát bệnh hen suyễn ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Nếu các bác sĩ chỉ ngồi tại bệnh viện và chờ bệnh nhân đến thì thường là giai đoạn muộn của hen. Vì vậy, Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng từ lâu đã phát triển ra bộ câu hỏi (gồm 8 câu hỏi) rất đơn giản, trạm y tế phường hay tiệm thuốc tây cũng có thể áp dụng. Sau khi trả lời, nếu có 2/8 câu trả lời “có” thì nên tầm soát hen.

Thứ nhất, để chẩn đoán hen suyễn, GINA đòi hỏi phải hỏi về bệnh sử. Những triệu chứng rất điển hình như ho, khạc đàm, khò khè, khó thở… thường thay đổi nên bệnh nhân hen suyễn thấy mình như người “giả vờ”, lúc lên cơn suyễn không thở được nhưng khi hết cơn thì sống như bình thường. Điều này rất nguy hiểm vì bệnh nhân nghĩ rằng cơn suyễn đã qua và không lưu tâm đến việc kiểm soát hen.

Thứ hai, hiện nay đã có những phương tiện để chẩn đoán bệnh nhân bị tắc đường dẫn khí và khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc hen, đường dẫn khí sẽ mở ra. Điều quan trọng là thay đổi trong triệu chứng, thay đổi trong tắc nghẽn đường dẫn khí.

Thứ ba là bác sĩ sẽ chụp phim phổi để loại trừ lao phổi, nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân khác. Khi đã có 3 yếu tố này, bác sĩ sẽ cho ra chẩn đoán hen rất dễ dàng. Tuy nhiên, điều kiện là phải có hô hấp ký hoặc lưu lượng đỉnh chứng tỏ có sự tắc nghẽn luồng dẫn khí thay đổi.

4. Đâu là những khó khăn khi điều trị, kiểm soát bệnh hen suyễn?

Ngay cả khi y học đã tiến bộ, theo BS, đâu là những điểm khó khăn, thách thức trong điều trị, kiểm soát bệnh hen suyễn vẫn còn tồn đọng?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Vì là bệnh kinh niên nên bệnh nhân chán nản, không muốn tuân thủ, chỉ mong bệnh chấm dứt. Hen cứ đến rồi đi, nên mỗi lần qua cơn hen, bệnh nhân cứ nghĩ bệnh suyễn đã qua.

Do đó, sự phối hợp của bệnh nhân với bác sĩ là vô cùng quan trọng. Ví dụ như bác sĩ hẹn 1 hoặc 3 tháng quay lại tái khám thì bệnh nhân phải tuân thủ dù có triệu chứng hay không.

Điểm mà GINA thường xuyên nhấn mạnh là họ sợ những nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam sẽ không đủ thuốc để kiểm soát hen. Trong khi đó, hen là viêm và cần có thuốc trị viêm. Thuốc trị viêm tốt nhất và chuẩn mực nhất là Corticosteroid dạng hít. Rất may, ở Việt Nam chúng ta có hệ thống BHYT, BHXH cực kỳ tốt, bao phủ đến 93% bệnh nhân và trong hệ thống BHYT đó có thuốc hen. Thậm chí, bệnh nhân hen đến bệnh viện tuyến quận (không cần đến tuyến Thành phố) đã có được những loại thuốc hen chất lượng tốt.

Vấn đề đặt ra là: Hầu hết các bệnh viện tuyến quận trở lên đã có hô hấp ký là phương tiện chuẩn mực để chẩn đoán và chúng ta đã có thuốc - thậm chí được BHYT chi trả đến 80%, vậy vì sao vẫn còn trường hợp tử vong? Đó là do bệnh nhân không kiểm soát, không tuân thủ sử dụng thuốc, không tuân thủ tái khám. Để kiểm soát tốt hen, 50% do thuốc và 50% là do kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

5. Để kiểm soát hen hiệu quả bệnh nhân cần lưu ý gì?

Theo BS, để kiểm soát bệnh hen hiệu quả, bệnh nhân cần phải làm gì và nên lưu ý điều gì ạ? Bệnh nhân nên chọn giải pháp nào để chủ động thở khỏe cùng bệnh hen thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Nếu có những triệu chứng điển hình của hen (ho, khò khè, khó thở từng đợt) hoặc trong gia đình (ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột) có người mắc bệnh hen hoặc có cơ địa dị ứng (viêm mũi dị ứng, chàm) thì phải nghĩ ngay đến hen. Khi đó, cần đến các cơ sở y tế để kiểm soát, kiểm tra có phải đang mắc bệnh hen hay không.   

Khi đã được hướng dẫn và có toa thuốc thì phải tuân thủ điều trị, hít thuốc đúng cách, đúng liều. Bác sĩ luôn luôn nói với bệnh nhân là thuốc chỉ chiếm 50% và 50% còn lại là bệnh nhân phải kiểm soát yếu tố nguy cơ.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ như: dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn. Quan trọng, hen là bệnh của đường hô hấp nên chúng ta phải kiểm soát chất lượng không khí hít vào.

6. Làm sạch không khí trong phòng rất quan trọng với bệnh nhân hen

Bên cạnh sự đồng hành của bác sĩ, chính bản thân người bệnh sẽ quyết định hiệu quả điều trị. Vậy, bệnh nhân hen suyễn cần trang bị những gì để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn của bản thân, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Thứ nhất là dùng thuốc đúng liều, đúng cách. Thứ hai là tạo một sức khỏe chung cho toàn bộ cơ thể bằng cách: uống sữa, tập thể dục, phơi nắng sáng, ăn cam, chanh, quýt, bưởi và đặc biệt không khí trong nhà phải thật sạch. Thời gian ở nhà khá nhiều vì vậy trong nhà không nên hút thuốc lá. Khói thuốc lá cực kỳ nguy hiểm vì sẽ dính vào đồ đạc, trong phòng, trong nhà,… và lưu lại ít nhất 4 tiếng đồng hồ.

Bên cạnh đó là thói quen đốt nhang và đóng cửa. Nhang hiện nay cực độc vì có nhiều hóa chất. Thậm chí có bệnh nhi 15 tuổi tử vong do nhà đốt nhang, vì vậy bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên đốt nhang. Nếu vẫn có nhu cầu cúng kiếng sẽ chuyển qua nhang điện.

Chúng ta không thể tránh được bụi, khói, nấm mốc. Ví dụ để xe gắn máy trong nhà là đang đem cacbon monoxit, cacbon đioxit và các chất hữu cơ bay hơi vào. Nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa ra thông thoáng cho ánh sáng, không khí vào, tạo luồng gió trong nhà.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta không làm được vì nhà không thông khí hoặc không khí quá ô nhiễm hay quá nóng cần phải đóng cửa phòng. Vì vậy, việc làm sạch không khí trong phòng hết sức quan trọng.

7. Người bệnh hen suyễn thường gặp vấn đề gì và làm sao để đối phó?

Các vấn đề sức khỏe thường gặp phải trên người bệnh hen suyễn là gì và làm thế nào để đối phó với các tình trạng này, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Thứ nhất, việc sử dụng thuốc suyễn khá phức tạp vì là những bệnh xịt định liều nên người bệnh phải biết cách đưa thuốc vào đường hô hấp. Các bác sĩ luôn kiểm tra, hướng dẫn để bệnh nhân sử dụng thuốc đúng.

Thứ hai là đúng liều. Ví dụ, bác sĩ hướng dẫn sáng xịt 2 nhác, chiều xịt 2 nhát thì người bệnh phải tuân thủ, không được tự ý gia giảm liều theo triệu chứng mình cảm nhận vì không chính xác.

Thứ ba là bảo vệ không khí, bảo vệ đường hô hấp. Thứ tư, nên tiêm ngừa vì đây là thời điểm chuẩn bị chuyển mùa, thích hợp để tiêm vắc xin cúm mùa.

8. Yếu tố nào là nguy cơ khởi phát cơn hen?

Những nguyên nhân hay yếu tố nào trở thành nguy cơ tác động cơn hen khởi phát, thưa BS? Chất lượng không khí, dị ứng, vi khuẩn, bụi mịn sẽ gây khởi phát cơn hen suyễn ra sao ạ? Chế độ dinh dưỡng, tập luyện với người bệnh hen suyễn cần chú ý ra sao?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Những nguyên nhân gây khởi phát cơn hen rất đa dạng và bất ngờ. Vì vậy, bệnh nhân hen phải luôn trong tư thế bảo vệ cơ thể tối đa, mang theo thuốc cấp cứu bên người.

Các yếu tố gây kịch phát cơn hen gồm: bệnh nhân xúc động, hít phải mùi khó chịu, nhiễm siêu vi, hít phải bụi mịn, ăn hoặc uống thuốc bị dị ứng… Các tác nhân gây kịch phát cơn hen thay đổi rất đột ngột, chúng ta không biết trước và không phòng ngừa được. Do đó, những bệnh nhân nhẹ cũng phải kiểm soát thật tốt và luôn chú ý bảo vệ môi trường của mình, kể cả về mặt tinh thần, cũng như thể chất.

Cũng giống như người bình thường, chúng ta phải giữ được sức khỏe về mặt tinh thần và thể chất. Bệnh nhân nên uống 3 ly sữa/ngày (750ml sữa). Việc làm cơ thể ấm lên cũng rất tốt, vì vậy nên tập thể dục 30 phút/ngày và phơi nắng buổi sáng trước 8 giờ hoặc sau 16 giờ. Mặc dù có thể bổ sung vitamin D, vitamin K2, canxi nhưng không thuốc nào có thể thay thế việc phơi nắng buổi sáng. Bên cạnh đó, nên ăn thức ăn có múi như cam, chanh, quýt, bưởi sẽ rất tốt, bảo vệ cho đường hô hấp.

Tóm lại, bệnh nhân nên uống sữa; tập thể dục; phơi nắng sáng; ăn cam, chanh, quýt, bưởi; dùng thuốc đúng cách, đúng liều; tiêm ngừa và giữ môi trường không khí hít thở sạch sẽ, tránh các tác nhân kích thích, dị nguyên, bụi nhà, mạt nhà, khói thuốc lá, khói xe,…                                                   

9. Bảo vệ hơi thở cho bệnh nhân hen quan trọng như thế nào? 

Việc bảo vệ hơi thở cho bệnh nhân hen quan trọng như thế nào? Môi trường sống, sinh hoạt của người bệnh trong lành sẽ giữ vai trò như ra sao với người bệnh hen suyễn ạ? 

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Đường dẫn khí của bệnh nhân hen suyễn là đường dẫn khí đang bị viêm. Tưởng tượng giống như tay bị trầy, nếu như tay lành lặn thì tiếp xúc với bất cứ thứ gì cũng không sao, nhưng nếu tay bị trầy thì mọi thứ đều có thể gây kích thích, nên cần được bảo vệ.

Môi trường hiện nay ngày càng xấu. Chúng ta vừa trải qua đợt nắng nóng kinh khủng, khi đó các dị nguyên sẽ mạnh hơn bình thường và gây dị ứng cao hơn. Môi trường, khí hậu thay đổi, ẩm mốc,... tất cả đều xấu đi đối với bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là bệnh nhân hen. Điều này càng thấy rõ trong thời điểm chuyển mùa (tháng 5 sắp tới).

10. Giải pháp nào mang lại không khí trong lành cho người bệnh hen suyễn?

Hiện nay có những giải pháp nào để mang lại không khí trong lành, người bệnh hen suyễn thở khỏe trong bối cảnh ô nhiễm không khí trong nhà liên tục được cảnh báo, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Chúng ta phải kiểm soát nguồn ô nhiễm. Đầu tiên, không gây ô nhiễm trong nhà, không đốt nhang và đóng cửa lại, đừng hút thuốc lá hay đốt thang, củi bằng những chất gây quá nhiều bụi, CO và CO2 trong nhà.

Thứ hai, nếu có điều kiện hãy mở cửa để luồng khí đi qua, ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà, đó là những nguyên tắc vệ sinh hết sức cơ bản, thông khí tốt cho nhà. Thứ ba, nên rửa tay thường xuyên với xà phòng, lau các mặt phẳng thường tiếp xúc như cánh cửa, tay nắm, công tác điện,… giảm tiếp xúc gần gũi không cần thiết, những nơi đóng kín (như để mở điều hòa) cần phải làm sạch không gian.

Phần 2: Làm sao chủ động giúp bệnh nhân hen phế quản sống khỏe, thở lành?

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM và Tập đoàn Điện tử Sharp đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X