Hotline 24/7
08983-08983

Sốt siêu vi không thể nhanh khỏi, không tùy ý truyền dịch

Sốt siêu vi thường kéo dài 3-7 ngày, nhiều người nghĩ truyền dịch sẽ giúp mau khỏi. Tuy nhiên lạm dụng truyền dịch không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý truyền tại nhà có thể gây suy tim, không vô trùng, gây sốc. Đó là những cảnh báo của BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM.

1. Sốt siêu vi có khả năng tạo thành dịch nhưng không rầm rộ

Sốt siêu vi có khả năng bùng lên thành dịch hay không? Ghi nhận tại các bệnh viện nhi đồng trong thời gian vừa qua, số ca sốt siêu vi có thay đổi gì so với trước đây?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt siêu vi có thể tạo thành dịch nhưng không rầm rộ như các loại dịch kinh điển.

Có nhiều nguyên nhân gây sốt siêu vi, trong đó có sốt xuất huyết cũng là sốt siêu vi. Sốt siêu vi do virus gây ra, không phải do vi khuẩn, và thông thường, những mùa nắng nóng thật sự rất dễ gây ra sốt siêu vi. Còn hiện nay, không có dịch sốt siêu vi tại các bệnh viện nhi.

2. Siêu vi hô hấp có thể lây từ người sang người

Sốt siêu vi có lây truyền từ người này qua người khác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc lây truyền của sốt siêu vi tùy vào tác nhân, nếu do muỗi, sẽ lây truyền do muỗi chích người này qua người khác; sốt siêu vi do hô hấp có thể lây truyền qua hô hấp; hoặc siêu vi đường tiêu hóa, ăn uống có thể lây qua phân miệng, bàn tay… Tóm lại, sốt siêu vi có thể lây từ người sang người đối với loại siêu vi hô hấp.

3. Sốt đột ngột 48 tiếng không tìm ra nguyên nhân, nên nghĩ tới sốt siêu vi

Triệu chứng nào cảnh báo người bệnh sốt siêu vi, diễn tiến của sốt siêu vi thường biểu hiện thế nào, diễn tiến bệnh ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, sốt cao đột ngột kéo dài trên 48 tiếng, không tìm ra nguyên nhân, được chẩn đoán là sốt siêu vi. Nhưng nếu kèm theo ho, sổ mũi, có thể là viêm hô hấp, hoặc kèm theo tiêu chảy có thể là viêm đường tiêu hóa.

Vì vậy, một người sốt đột ngột liên tục 48 tiếng, không tìm được nguyên nhân, không có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp, không nhiễm trùng đường ruột, không có tổn thương da, được cho là sốt siêu vi.

4. Chỉ có xét nghiệm để phân biệt được sốt do siêu vi hay vi khuẩn (vi trùng)

Ngoài biểu hiện sốt, sốt siêu vi còn gây ra các triệu chứng khác hay không? Những triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nào khác và phân biệt ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt siêu vi sẽ sốt cao và kèm theo đau nhức cơ thể, khiến người bệnh mệt mỏi, tùy các nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau kèm theo.

Để phân biệt các triệu chứng của sốt siêu vi, thường phải phân biệt với các tình trạng sốt do vi khuẩn, trong đó, sốt do vi khuẩn đường họng có thể gây đau họng, vi khuẩn tấn công vào các bệnh lý trong đường hô hấp gây khó thở, vi khuẩn tấn công lên màng não gây vấn đề màng não.

Đa số, sốt siêu vi phân biệt với vi trùng, việc khám bên ngoài không thể phát hiện, lúc này, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu, kiểm tra bạch cầu, chỉ số CRP cao hay không, chỉ số PCT (Procalcitonin) trong máu, chỉ có xét nghiệm để xác định siêu vi hay vi khuẩn, còn khám thông thường rất khó phát hiện.

5. Uống đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để nhanh khỏi bệnh

Khi bị sốt siêu vi, nên chăm sóc tại nhà như thế nào? Sốt gây ra mệt mỏi, uể oải, làm sao để vực dậy tinh thần, sức đề kháng cho cơ thể sau giai đoạn bệnh, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh nhân sốt siêu vi cần phải:

- Uống nhiều nước, vì khi cơ thể đủ nước mới có thể hạ sốt;

- Ăn đủ dinh dưỡng nhưng những người bị sốt siêu vi rất biếng ăn, do đó, phải ăn thức ăn lỏng, ăn nhiều bữa, nếu không ăn được cơm, có thể ăn cháo hoặc uống sữa;

- Nghỉ ngơi: nếu quá khó chịu thì phải nghỉ ngơi;

- Tuân thủ uống thuốc

Sốt siêu vi có thể kéo dài 3-7 ngày, tùy mức độ, sức đề kháng và tổng trạng của người bệnh, sốt siêu vi không thể nhanh khỏi.

Khi chăm sóc bệnh nhân sốt siêu vi tại nhà, vấn đề quan trọng cần phân biệt đây không phải sốt xuất huyết, nếu sốt xuất huyết phải điều trị bằng cách khác và cần theo dõi kỹ hơn; hoặc vấn đề ban đầu của bệnh lý não (bệnh nhân lừ đừ hoặc bắt đầu thay đổi tri giác) cần đi bệnh viện ngay. 

Chỉ có hai yếu tố là sốt xuất huyết, bệnh lý não hoặc tay chân miệng không thể tìm ra nguyên nhân, người nhà cần chú ý nếu cho rằng bệnh nhân bị sốt siêu vi. Hoặc một vấn đề sốt nhiễm khuẩn, do vi khuẩn tiềm tàng, chỉ có thể làm xét nghiệm máu để xác định. Đó là những cách theo dõi tại nhà để tái khám.

6. Truyền dịch không đúng gây suy tim, không vô trùng, sốc

Khi người dân bị sốt siêu vi, người ta nghĩ ngay đến việc truyền dịch, truyền nước, quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào? Khi nào người bệnh cần truyền dịch hoặc truyền nước, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, bệnh nhân cho rằng sốt siêu vi khiến cơ thể mệt mỏi, việc truyền dịch giúp bệnh nhân nhanh hết sốt, hết mệt, đây là quan điểm hoàn toàn sai, bởi vì, dịch được truyền là một dung dịch điện giải hoặc nước đường, không thể làm người bệnh hết mệt.

Những chất này có thể đưa vào cơ thể bằng uống nước và ăn uống, trong khi truyền dịch có thể xảy ra rất nhiều tai biến. Nếu quyết định truyền dịch, cần được chỉ định từ bác sĩ.

Những người sốt siêu vi có tình trạng nôn ói quá nhiều, tiêu chảy, không ăn uống được. khi đó bác sĩ mới chỉ định truyền dịch. Bởi vì, truyền dịch có rất nhiều nguy cơ, nếu truyền không đúng, truyền dư dịch có thể gây suy tim, không vô trùng, gây sốc. Vì vậy, vấn đề này cần tham khảo ý kiến bác sĩ và phải được thực hiện tại bệnh viện.

7. Sốt siêu vi không thể nhanh khỏi

Sốt siêu vi bao nhiêu ngày thì khỏi? Nếu sốt không cao mà dai dẳng, người nóng nóng, hâm hâm, mệt mỏi có đáng lo ngại?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt siêu vi thường kéo dài 3-7 ngày, một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến một tuần, trường hợp này cần được chăm sóc kỹ, loại bỏ hết các vấn đề sốt nhiễm khuẩn, khi đó mới xác định là sốt siêu vi kéo dài.

Nếu sốt siêu vi có cảm giác gai gai, mệt mỏi, đó là tình trạng sau khi bệnh nhân bị cảm, sốt siêu vi khiến cơ thể mệt mỏi. Nếu gặp trường hợp này cần ăn uống đầy đủ, uống đủ nước sẽ hồi phục, bệnh cần thời gian hồi phục.

8. Sốc, tổn thương cơ quan, viêm não biến chứng do sốt siêu vi gây ra

Sốt siêu vi thường gây ra các biến chứng nào? Những biến chứng này xảy ra khi nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt siêu vi, sợ nhất là sốt xuất huyết, bởi vì, sốt xuất huyết là một loại sốt siêu vi do virus đen gây ra.

Sốt xuất huyết có thể trở nặng sau giai đoạn 48 giờ đến ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 7. Khi trở nặng, sốt xuất huyết đã gây ra các biến chứng như sốc hay tổn thương các cơ quan. Do đó, cần đến bệnh viện điều trị vì việc điều trị sốt xuất huyết rất khó khăn để đưa bệnh nhân thoát khỏi sốt xuất huyết, đặc biệt là khi bệnh nhân nhập viện trễ.

Nhóm thứ hai là sốt siêu vi từ máu hoặc từ đường hô hấp tấn công lên não, có thể gây viêm não, có khả năng thay đổi tri giác, sốt co giật, hôn mê, ngưng thở…

Đó là 2 nhóm bệnh rất nguy hiểm từ sốt siêu vi.

9. Có dấu hiệu sốt xuất huyết hoặc viêm não cần đến bệnh viện ngay

Với hai nhóm biến chứng nguy hiểm của sốt siêu vi, người chăm sóc bệnh nhân sốt siêu vi tại nhà cần lưu ý những triệu chứng nào thì đưa người bệnh đến bệnh viện ngay, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, nếu thấy sốt siêu vi quá 48 tiếng, cần đưa người bệnh đi xét nghiệm máu để bác sĩ xác định có mắc tình trạng sốt siêu vi do sốt xuất huyết hay không, bởi vì, sốt xuất huyết có một quy trình theo dõi khác.

Thứ hai, một người sốt siêu vi có triệu chứng đau đầu, nôn ói nhiều, có thể bị biến chứng não. Nếu bệnh nhân thay đổi về tri giác, lú lẫn, co giật, hôn mê, ngủ nhiều, chắc chắn đó là biến chứng não, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.

Hai vấn đề trên cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám, đối với viêm não, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nhập viện theo dõi và điều trị còn với sốt xuất huyết, có thể bác sĩ cho về nhà và thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn.

10. Sốt siêu vi lây qua đường hô hấp không thể phòng ngừa

Có thể phòng ngừa sốt siêu vi bằng những cách nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, sốt siêu vi do muỗi, cần diệt muỗi, còn những sốt siêu vi thông thường, lây qua đường hô hấp là không thể phòng ngừa, chỉ có thể chích ngừa các bệnh có vaccine như cúm, thủy đậu, sởi, viêm não Nhật Bản…

Ngoài ra, sốt siêu vi do loại virus có vaccine thì có thể chích ngừa còn những virus hô hấp chưa có vaccine như sốt siêu vi do hô hấp, không thể chích ngừa, chỉ có thể tăng sức đề kháng bằng ăn uống đủ chất, uống nước đủ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, tập luyện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X