Hotline 24/7
08983-08983

Sáng ngời hai chữ Nhân Tâm

Bác sĩ Dương Quang Trung nhập viện cấp cứu vì vết mổ cũ tái phát, chưa kịp hẹn nhau vào thăm, thì chiều muộn thứ bảy 22/6 nhận được tin ông đã ra đi vĩnh viễn.

Bác sĩ Dương Quang Trung đang trực tiếp theo dõi một ca mổ nội soi

Dù quan hệ thâm giao hay chỉ quen biết bác sĩ, hầu hết đều bật lên hai tiếng: "Trời ơi" thảng thốt, cùng niềm tiếc nuối: một người hiền đã ra đi.

Năm 1997, bước ra khỏi những ràng buộc, thăng trầm và cả sóng gió của cương vị giám đốc sở Y tế TP.HCM, ông thanh thản sống trọn vẹn với cái nghiệp đã hình thành phẩm chất và nhân cách của ông: thầy thuốc và thầy giáo.

Ở chặng đường này, ông vẫn tha thiết với mục tiêu đào tạo đội ngũ thầy thuốc trẻ TP.HCM mà trên đó y đức - y nghiệp - y đạo phải trở thành máu thịt. Vì thế, mọi người không ngạc nhiên khi biết ở trung tâm Đào tạo cán bộ y tế, nay là đại học Y Phạm Ngọc Thạch mà ông vừa là người sáng lập, vừa đứng trên bục giảng, từng ngày, từng ngày ông chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm cả đời mình cho những bác sĩ tương lai, và để lại cho họ cả một chữ Tâm.

Ca mổ tách song sinh, nối lòng người

Sau ngày thống nhất đất nước, cuồng phong thời cuộc đã quét biết bao con người lìa xa Tổ quốc. Khoảng cách giữa trí thức trước năm 1975 ở Sài Gòn với chính quyền mới tưởng chừng khó thu hẹp. Trí thức ngành y cũng nằm trong quy luật đó. Một bác sĩ giám đốc bệnh viện Nhi TP.HCM từng ưu tư rằng: "Thời điểm ấy, những năm 1975 - 1985, cứ mỗi sáng vào bệnh viện lại nghe báo cáo một số bác sĩ đã vượt biên. Đau xót nhất là cho đến khi đi họ vẫn còn ghi lại y lệnh điều trị cho người bệnh. Tôi biết họ cũng khổ tâm lắm trước sự lựa chọn đi hay ở".

Sóng dữ trước chưa rút, sóng dữ sau lại dập tới. Những biến động dồn dập trút xuống ngành y: bác sĩ bỏ đi, thuốc cạn kiệt, xuyên tâm liên trở thành thần dược trị bá bệnh, cả đến dây truyền dịch cũng phải luộc lại để xài cho nhiều người… Là giám đốc sở Y tế TP.HCM, bằng cái Tâm và cả cái Dũng của người thầy thuốc đứng đầu ngành, ông đã gặp, trao đổi và được sự ủng hộ của bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt, khẩn trương tiến hành hàng loạt "phác đồ điều trị cấp cứu" cho thực trạng bác sĩ với năng lực chuyên môn được đề đạt, sử dụng xứng đáng, tiến hành chủ trương cho mở phòng mạch tư để nâng cao thu nhập cho người thầy thuốc… Rồi những khó khăn, thách đố mới nảy sinh.

Lần này không phải là cự ly giữa bác sĩ trước năm 1975 và chính quyền, mà bởi mỗi trí thức là một thế giới đầy phức tạp. Họ không phục nhau và từng lúc không hợp tác với nhau. Một lần nữa đẩy ông - bác sĩ Dương Quang Trung phải đảm nhận vị trí đứng mũi chịu sào trên con thuyền y tế.

Cho đến nay, nhiều người dân thành phố và cả nước vẫn chưa quên ca mổ tách đôi hai trẻ song sinh dính nhau Việt - Đức năm 1987. Không chỉ cứu sống hai sinh linh bé bỏng, tật nguyền mà điều bây giờ mới nói là qua ca mổ ấy, bác sĩ Dương Quang Trung đã tập hợp được một đội ngũ hơn 60 thầy thuốc chế độ cũ, khơi gợi cho thấy sự tin tưởng của Nhà nước khi đặt lên dao mổ của họ trọng trách: họ sẽ thành công trong một ca mổ gay go mà ngay cả ở Nhật Bản với những tiến bộ vượt bậc trong ngành y cũng từ chối!

Về phía mình, ngày ấy, bác sĩ Dương Quang Trung tự thân cũng vượt qua lắm ngăn trở, nhiều thị phi. Vầng trán ông như giãn ra khi cố Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng ra lệnh cho bộ Quốc phòng triển khai trong các đơn vị phòng không tạo điều kiện để chiếc máy bay Nhật Bản, sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất để đưa hai cháu Việt - Đức sang Nhật kiểm tra sức khoẻ, quyết định có mổ tách đôi được hay không.

Ca mổ thành công - sự thành công vang dội thế giới, những người thầy thuốc chế độ cũ bước ra khỏi ốc đảo của mình, cùng nhau hoà nhập vào chế độ mới. Cũng từ ca mổ, chuyến bay Nhật Bản - cũng là chuyến bay đầu tiên của một nước tư bản hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất, đã mở đầu cho hàng loạt chuyến bay khác nối lại quan hệ giữa Việt Nam và các nước qua con đường hợp tác nhân đạo.


Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung (1928 - 2013) tốt nghiệp tiến sĩ y khoa năm 1958 tại đại học Y khoa Bordeaux, Pháp. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông làm giám đốc sở Y tế TP.HCM từ năm 1981 - 1997. Năm 1991, ông được viện Hàn lâm quốc gia phẫu thuật Pháp bầu làm viện sĩ. Năm 1998, viện đại học Henri Poincaré (Nancy, Pháp) tặng ông bằng tiến sĩ danh dự. Trước khi mất, bác sĩ Dương Quang Trung là chủ tịch hội Y học TP.HCM, viện trưởng viện Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng TP.HCM.

Sau này, mọi người thấy là điều bình thường khi nhiều bác sĩ trước năm 1975 được giao giữ trọng trách ở nhiều cơ sở y tế: bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - giám đốc trung tâm Ung bướu, bác sĩ Phan Thanh Hải - giám đốc trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic, bác sĩ Trần Đông A - phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2, dược sĩ Tô Thị Bửu Châu - giám đốc trung tâm Xuất nhập khẩu y tế (Ytéco)… nhưng vào ngày ấy, thật không dễ dàng chút nào cho bác sĩ Dương Quang Trung khi đặt bút ký đề xuất bổ nhiệm hàng loạt bác sĩ trước năm 1975 mà lý lịch của từng người đều mang nhiều dấu chấm than, chấm hỏi của các cơ quan quản lý thời điểm ấy. Không ít lần đứng trước những vấn đề nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến cả sinh mạng chính trị của mình, ông vẫn hết sức điềm tĩnh nói vui: "Tôi, trâu già đâu nệ dao phay. Có thương tổn gì cho mình cũng được, miễn sao xây dựng được lực lượng thầy thuốc giỏi và tốt chăm sóc sức khoẻ cho người dân là mãn nguyện rồi".

Cũng trong những năm giữ cương vị giám đốc sở Y tế, bao giờ ông cũng sống và làm việc giữa những vây bủa trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội là đòi hỏi sức khoẻ được chăm sóc tốt, đuổi kịp các phương tiện điều trị hiện đại của thế giới. Chưa có mô hình nào trước mắt, khi tài chính, thiết bị y tế thiếu thốn trăm bề, ông vẫn quyết liệt triển khai xây dựng mạng lưới y tế với nhiều trung tâm chuyên sâu đầu ngành phía Nam như trung tâm Ung bướu, trung tâm Chấn thương chỉnh hình, trung tâm Mắt, trung tâm Lao, trung tâm Chẩn đoán y khoa…

Tại những nơi này, các trang thiết bị chuyên ngành được đầu tư tập trung điều trị tốt cho người bệnh, người thầy thuốc còn có điều kiện nghiên cứu chuyên môn và đào tạo đội ngũ kế thừa, và nhất là đủ tầm vóc để tiếp cận lĩnh vực y học thế giới.

Trong bề dày những cống hiến của ông, giữa lấp lánh biết bao những công trình đậm đà tính nhân bản thì viện Tim TP.HCM xứng đáng được đánh giá là thành quả sáng chói. Viện được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1990. Ít người biết rằng để có được cơ sở này, ba lần bác sĩ Dương Quang Trung kiên trì thuyết phục giáo sư bác sĩ Alain Carpentier, nhà phẫu thuật tim danh tiếng châu Âu, viện trưởng viện tim Broussière, Paris - Pháp. Và ba lần ông bị vị giáo sư này khước từ vì những lý do: Việt Nam có tiếp nhận được một cơ sở y khoa kỹ thuật cao không? Bác sĩ Việt Nam có đảm đương được viện Tim không? Và người bệnh Việt Nam có đủ chi phí trang trải cho một ca mổ tim hở không? Cuối cùng ông đã thuyết phục được giáo sư Alain Carpentier, và viện Tim đã ra đời. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, thống kê cho thấy trên 20.000 người mắc bệnh tim cả nước, phần lớn là trẻ em đã được cứu sống bằng phương pháp mổ tim hở. Nếu không có viện Tim, hàng chục ngàn con người đã thiệt mạng oan uổng và hàng chục ngàn gia đình đã đau đớn mất người thân.

Thưởng thức tiếng đàn của vợ tại tư gia.
Khóc một tượng đài

Khó mà mong tải được đầy đủ, trọn vẹn trong một bài viết những đóng góp, cống hiến của bác sĩ Dương Quang Trung - một thầy thuốc Nhân dân mà quá trình 60 năm công tác trong ngành y đã có 17 năm làm công tác điều trị, 23 năm làm công tác quản lý và một sự nghiệp cách mạng 65 tuổi Đảng. Thời chiến mọi người quen gọi ông là Hai Ngọ, còn thời bình là Tư Trung.

Ông hay khoe rằng mình được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất tận cùng phương Nam: xã An Xuyên, Cà Mau. Tuổi thơ của cậu bé Dương Quang Trung đã chứng kiến những người dân gai góc đi khai khẩn đất hoang nhưng lại chết vì thiếu một viên ký ninh chữa sốt rét hay những cái chết vì lao phổi không được điều trị đến nơi đến chốn… Mong muốn làm cái gì đó để cứu chữa người nghèo đã nhen nhóm trong lòng ông từ đó, để rồi 17 tuổi (năm 1945) ông tham gia lực lượng thanh niên giải phóng quân Giá Rai, tham gia đoàn cứu thương Khu 9 và hội Học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn.

Dòng chảy của thời cuộc, của định mệnh có lúc đẩy ông đi rất xa nơi chôn nhau cắt rún: 22 tuổi là sinh viên đại học Y khoa Bordeaux (Pháp), tiếp theo đó là hơn một thập niên sống ở Paris với phòng mạch tư và tiếp tục học thêm chuyên khoa phẫu thuật phổi. Theo tiếng gọi của quê hương, ông thanh thản bỏ lại sau lưng một Paris nhung lụa để cùng vợ con - một gia đình năm người về thẳng thủ đô Hà Nội, nơi cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc đang bước vào thời kỳ ác liệt. Và năm 1965, lần nầy ông chia tay vợ con, để lại những người thân yêu ở thủ đô, mang balô lên đường vào chiến trường miền Nam với tư thế là người thầy thuốc, người chiến sĩ. Và cho tận đến ngày thống nhất đất nước, với tấm áo blouse, ông đã cùng đội phẫu thuật tiền phương lăn xả trong bom đạn mổ xẻ, điều trị cho biết bao thương bệnh binh…

Bao giờ cũng vậy, nơi làm việc của ông: sở Y tế hay trung tâm Đào tạo cán bộ y tế, trên tường luôn có ảnh Hải Thượng Lãn Ông, Bác Hồ và bác sĩ Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch. Ở tuổi bát tuần, nhìn lại chặng đường qua, ông thường nhắc lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông: "Công danh trước mắt trôi như nước. Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương". Vì thế, mỗi khi có dịp tiếp xúc, trao đổi với các lớp bác sĩ trẻ, lớp học trò còn trên giảng đường y khoa, ông cũng thường nhắc các thầy thuốc tương lai rằng: "Không chỉ là người thầy thuốc giỏi, mà còn phải là thầy thuốc tốt với đất nước, với nhân dân, người bệnh của mình".

Và trong mắt của nhiều người dân, người bệnh, trong tâm trí của nhiều đồng nghiệp, bác sĩ Dương Quang Trung từ lâu lắm đã là Anh hùng Lao động, trước khi ông chính thức được phong tặng danh hiệu cao quý này năm 2003.

GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung, Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM:

"Thầy là người cống hiến không biết mệt"

Trong những tháng ngày có dịp làm việc, tiếp xúc với thầy Dương Quang Trung, tôi nhìn nhận, thầy luôn mong muốn tuyến y tế cơ sở nước mình lớn mạnh. Vì sự lớn mạnh này sẽ giúp giảm được sự quá tải tại các bệnh viện tuyến lớn hiện nay. Thầy cùng tham gia thực hiện dự án này với quận 10 của thành phố. Dự án vừa xong thì thầy ra đi. Ở tuổi 85, đáng lẽ phải nghỉ ngơi, an dưỡng, thầy vẫn làm việc. Là chủ tịch hội Y học thành phố, thầy là người đề ra việc tổ chức các hội thảo, vừa đào tạo nâng cao cho bác sĩ các tỉnh miền Nam. Hầu như tuần nào hội cũng tổ chức một hoặc hai hội thảo nâng cao chuyên môn. Ngay cả trước khi lâm bệnh nặng, thầy vẫn tham dự các hội thảo, cùng bộ trưởng bộ Y tế qua Pháp đàm phán những vấn đề ngành y giúp cho y tế nước nhà. Những việc làm này xuất phát từ cái tâm của thầy, cống hiến không hề biết mệt.

BS Trương Xuân Liễu, nguyên giám đốc sở Y tế TP.HCM:

"Thầy như người anh cả của ngành y"

Nói về những đóng góp của thầy Dương Quang Trung cho y tế của miền Nam thì không biết bao nhiêu mà đếm. Thầy như là người anh cả của ngành y tế. Điều quý báu nhất, thầy đã tập họp và sử dụng đội ngũ y tế từ rất nhiều nguồn, tạo mọi điều kiện để họ được đào tạo và cống hiến chuyên môn. Những đóng góp của thầy có tầm chiến lược đối với ngành y, rất nhiều dự án sau này nhân rộng ra cả nước.

Sau này mỗi lần gặp thầy, tôi thường nói thầy bớt việc lại để còn lo cho sức khoẻ. Thầy nói thầy còn nhiều việc phải làm, quỹ thời gian không nhiều nên thầy muốn làm việc cho đến thời gian cuối cùng. Và có lẽ đến lúc rời xa, thầy vẫn còn khắc khoải khá nhiều điều chưa hoàn thành. Thầy chỉ cho tôi nên làm thế nào cho đúng. Cũng rất nhiều lần thầy tâm sự với tôi về những mong muốn của thầy, làm sao để một người dân ở vùng sâu nhất, trong điều kiện thiếu thốn nhất vẫn có thể thụ hưởng những cơ hội y tế một cách công bằng. Thầy như là người cha, người chú, người thầy đã truyền cho tôi những bài học trong nghề và lý lẽ ở cuộc sống này.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, phó chủ tịch hội Tim mạch TP.HCM: "cả tấm lòng sau mỗi quyết định"

Với cá nhân tôi, chú Tư là một đồng nghiệp đàn anh, một người thầy lớn mà tôi được làm việc cùng và học hỏi thêm. Trên dưới 30 năm có điều kiện làm việc khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp, tôi nghiệm ra bấy lâu nay mình học được ở chú sự trầm tĩnh trong quyết định công việc, đặc biệt là công việc chuyên môn. Mà để lý giải cho điều đó có lẽ phải nói đến sự hết lòng của chú với ngành y tế. Đằng sau mỗi quyết định là sự đau đáu, suy ngẫm cẩn trọng từ trước mà tất cả đều xuất phát từ tấm lòng đối với nghề, như chủ trương cho bác sĩ mở phòng mạch tư, tạo điều kiện để các bác sĩ trẻ được ra nước ngoài tu nghiệp...

Trà My - Trung Dũng (ghi)



AloBacsi.vn
Theo Minh Thu - Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X