Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn thần kinh thực vật, hiểu đúng để điều trị hiệu quả!

Bạn hồi hộp, hay đánh trống ngực. Bạn khó ngủ, lo lắng và buồn bực vô cớ. Có thể bạn đã mắc phải rối loạn thần kinh thực vật. Căn bệnh này đang ngày càng phổ biến. Vậy làm sao để chấm dứt tình trạng khó chịu do các triệu chứng trên gây ra?

Rối loạn thần kinh thực vật là gì?


Trong cơ thể con người hệ thống thần kinh trung ương được chia làm hai loại:

- Hệ thống thần kinh động vật chi phối cơ vân, đây là các hoạt động theo ý muốn.

- Hệ thống thần kinh thực vật chi phối cơ trơn (các cơ trơn chủ yếu thuộc các cơ quan nội tạng như dạ dày, ruột, tim, phổi và một số tuyến ), hoạt động không theo ý muốn.

Trong đó, hệ thần kinh thực vật lại gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Sự mất cân bằng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm dẫn đến bệnh lý của hệ thần kinh thực vật. Đây không phải là một bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động hệ thần kinh tự động trong cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa...

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

 
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật. Ngoài rối loạn di truyền có thể gây ra bệnh thì còn phải kể đến các nguyên nhân đặc trưng như: các bệnh tự miễn (hội chứng Sjogren và Lupus ban đỏ hệ thống).

Rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể được gây ra bởi một cuộc tấn công hệ miễn dịch của một số bệnh ung thư (hội chứng cận ung thư). Hoặc do tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc xạ trị.

Ngoài ra, rối loạn thần kinh thực vật có thể một biến chứng của một số bệnh hay tác dụng phụ của một số thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc tim mạch. Bệnh mạn tính như bệnh Parkinson.

Những biến đổi do tuổi hay bệnh lý của những cơ quan chi phối mà khả năng sẵn sàng hoạt động chức năng đã bị suy giảm hay những biến đổi bất thường như: bệnh đái tháo đường, một số bệnh truyền nhiễm do virut và vi khuẩn, như ngộ độc thức ăn, bệnh bạch hầu...... cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể.

Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

 
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Rối loạn thần kinh thực vật có thể ảnh hưởng một phần nhỏ hay toàn bộ hệ thần kinh thực vật. Biểu hiện của căn bệnh này rất đa dạng và thay đổi tùy theo từng người. Có những người cảm thấy cuộc sống vẫn bình thường đối với những rối loạn này nhưng có những người thì cảm thấy những rối loạn này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Một số triệu chứng có thể chỉ ra sự dấu hiệu của bệnh rối loạn thần kinh thực vật bao gồm:

- Rối loạn vận mạch gây đau đầu khi thay đổi thời tiết; rối loạn tuần hoàn não, giảm trí nhớ, giảm tập trung, ngủ kém, lo âu, buồn bực vô cớ.

- Khó thở, tăng khi thay đổi thời tiết hoặc căng thẳng. Hụt hơi khó thở, tức ngực. Ngạt mũi do giãn cuốn mũi.

- Hoa mắt hay ngất khi đứng dậy, hay hạ huyết áp tư thế đứng.

- Mất khả năng thay đổi nhịp tim khi tập thể dục, hay không gắng sức được.

- Vã mồ hôi bất thường, có thể thay đổi giữa vã mồ hôi quá nhiều hay vã mồ hôi quá ít, ảnh hưởng tới khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể, thân nhiệt nóng lạnh bất thường.

- Khó tiêu hóa, như ăn mất ngon, tiêu chảy, táo bón, hay nuốt khó, cảm giác nhanh no sau khi ăn, kích thích đại tiện khi căng thẳng.

- Các vấn đề về tiết niệu, như khó bắt đầu đi tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu không tự chủ, kích thích tiểu tiện khi căng thẳng và tiểu không hết nước tiểu và không làm trống bàng quang hoàn toàn.

- Các vấn đề sinh dục ở nữ, như khô âm đạo hay khó đạt cực khoái, rối loạn kinh nguyệt.

- Các vấn đề thị lực, như nhìn mờ hay đồng tử mất khả năng phản xạ nhanh với ánh sáng.

Ngoài ra, một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, ớn lạnh, mỏi vai gáy - cột sống, rối loạn lo âu, có bệnh nhân có cảm giác không sống nổi, như sắp chết.

Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?


Rối loạn thần kinh thực vật thường tự khỏi trong vòng khoảng 2 - 3 năm và rối loạn này không có gì nghiêm trọng đe dọa cuộc sống. Tuy nhiên nó có thể làm hạn chế những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng.     

Điều trị và phòng ngừa như thế nào?

 
Cách điều trị cũng như đối phó phổ biến hiện nay với rối loạn thần kinh thực vật vẫn là điều trị nội khoa và ngoại khoa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Do việc xác định nguyên nhân dẫn tới rối loạn thần kinh thực vật ở từng người bệnh là rất khó khăn. Vì thế điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu vẫn là điều trị theo triệu chứng chứ không phải điều trị theo nguyên nhân. Do vậy giải quyết không triệt để và bệnh thường hay tái phát.

Cách điều trị cũng như đối phó phổ biến hiện nay với căn bệnh này vẫn là điều trị nội khoa và ngoại khoa. Dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm với triệu chứng lo âu, hồi hộp, mất ngủ. Dùng những thuốc chống suy nhược cơ thể hoặc những biện pháp làm thích nghi dần với hạ huyết áp tư thế như là nâng cao đầu giường, ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, hạn chế ăn mặn…

Đôi khi việc điều chỉnh triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật gây nên mang tính cục bộ như: bệnh mồ hôi tay chân, loét dạ dày - tá tràng... khá phức tạp, có khi phải phẫu thuật. Xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng sẽ giúp quá trình trị bệnh hiệu quả hơn.

Ngoài ra, có quan điểm cho rằng do căng thẳng tâm lý mà dẫn tới rối loạn thần kinh thực vật, nên ngoài việc sử dụng các thuốc để điều trị các triệu chứng biển hiện ở bệnh nhân (điều trị theo triệu chứng) thì cần kết hợp liệu pháp tâm lý như: Tránh các sang chấn tân lý trong cuộc sống hàng ngày kể cả tình huống căng thẳng trên phim ảnh và sách báo, thư giãn luyện tập để tạo tâm lý thư giãn, bớt căng thẳng, tập thở kiểu yoga để điều hoà chức năng hoạt động của thần kinh thực vật, ngồi thiền giúp tĩnh tâm… Đặc biệt là nên sống vui vẻ, lạc quan, thoải mái, không quá lo nghĩ, đồng thời đừng quên tập thể dục thường xuyên để rèn luyện sức khỏe.

Rối loạn thần kinh thực vật nên khám chuyên khoa nào?


Rối loạn thần kinh thực vật là căn bệnh khó phát hiện vì các triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác. Nhưng khi phát hiện được nguyên nhân gây bệnh là thì quá trình chữa trị bệnh khá đơn giản và chỉ cần người bệnh kiên trì bệnh sẽ sớm thuyên giảm.

Là bệnh liên quan tới hệ thần kinh và tâm lý, cho nên khi mắc rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh (để xác định rõ tổn thương thực thế) hoặc bác sĩ chuyên khoa Tâm thần (khi khám Thần kinh nhưng không phát hiện nguyên nhân gây bệnh). Rối loạn thần kinh thực vật chỉ có một vài trường hợp thuộc chuyên khoa Tâm thần.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X