Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi: Bạn có hiểu hết về hội chứng bệnh này?

Rối loạn nhận thức là gì? Hiện trạng về hội chứng bệnh lý này hiện nay ra sao? Làm thế nào khi gia đình có người thân bị rối loạn nhận thức?... Mọi thắc mắc về rối loạn nhận thức sẽ được TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Ai có nguy cơ bị rối loạn nhận thức?

Tình trạng nhận thức ở người lớn tuổi tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Rối loạn nhận thức là một khái niệm ảnh hưởng đến nhiều bệnh lý và triệu chứng hiện nay ở bệnh nhân mắc những bệnh lý nội khoa như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn; bệnh lý thần kinh như tai biến mạch máu não, viêm não, chấn thương sọ não, u não…; bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn hưng trầm cảm…

Hầu hết các bệnh nhân này đều có thể có nguy cơ bị rối loạn nhận thức. Tỷ lệ rối loạn nhận thức tại Việt Nam và trên thế giới ngày càng gia tăng vì có ảnh hưởng lên nhiều lứa tuổi, càng lớn tuổi nguy cơ suy giảm nhận thức càng cao. Bên cạnh đó các bệnh lý đi kèm ở bệnh nhân như bệnh nội khoa, thần kinh, tâm thần, nội tiết… đều có nguy cơ rối loạn nhận thức. Một số trường hợp có cuộc sống căng thẳng gây mất ngủ đều mang yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn nhận thức.

Hay những người trẻ hiện nay, đặc biệt là người làm việc trong môi trường công sở, áp lực căng thẳng; những người lệ thuộc vào các loại thuốc kích thích như thuốc lá, heroin, ma túy… những nhóm người này dễ có nguy cơ mắc rối loạn nhận thức.    

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

2. Điều trị suy giảm nhận thức có những giải pháp nào?

Có những giải pháp điều trị rối loạn nhận thức an toàn và hiệu quả nào cho người lớn tuổi, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Để điều trị suy giảm nhận thức cần xác định một bệnh nhân đã bị suy giảm nhận thức hay chưa? Suy giảm nhận thức ở bệnh nhân này đang ở mức độ nào? Nếu đang ở giai đoạn đầu như các rối loạn trí nhớ, tập trung, tư duy, tính toán hay các hành vi vẫn còn có thể điều chỉnh, kiểm soát. Do đó nên nhận thức rằng bạn có thể rơi vào tình trạng suy giảm nhận thức, cần thay đổi lối sống sớm, nên đi khám một chuyên gia về thần kinh, tâm thần để có hướng điều trị thích hợp.

Nếu ở giai đoạn trung bình với dấu hiệu rối loạn các hành vi, quên nhiều, không còn khả năng tư duy, tính toán hay lên kế hoạch như trước đây, khi đến một địa điểm mà không nhớ đường về nhà… Điều này đồng nghĩa rằng phải dùng các biện pháp điều trị rối loạn nhận thức và sa sút trí tuệ.

Nặng hơn là các triệu chứng về suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ đã ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh đời sống, không còn tự phục vụ cho bản thân, tự ăn uống dinh dưỡng hay vệ sinh cá nhân được nữa, mọi hoạt động sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân. Điều này rất nặng nề và ảnh hưởng đến chất lượng sống, thời gian sống của người bệnh.

3. Rối loạn nhận thức nguy hiểm thế nào?

Trong quá trình thăm khám và điều trị rối loạn nhận thức, BS nhận thấy đâu là thách thức, rào cản trong điều trị căn bệnh này ở những người lớn tuổi?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Rào cản và thách thức lớn nhất đối với căn bệnh rối loạn nhận thức và sa sút trí tuệ là ở giai đoạn đầu. Thời điểm này bệnh nhân thường nghĩ rằng đây là triệu chứng nhẹ, thoáng qua, bản thân chỉ bị đãng trí, có thể hồi phục lại được và không cần quan tâm đến rối loạn nhận thức, không cần đến phòng khám bác sĩ.

Đến giai đoạn trễ, rào cản và ảnh hưởng lớn nhất đến việc điều trị là bệnh nhân đã bị lệ thuộc tất cả việc chăm sóc, sinh hoạt lên người thân. Lúc này chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm rất nhanh chóng, nếu người thân biết cách chia sẻ với bệnh nhân thì cuộc sống có thể còn kéo dài. Tuy nhiên nếu người nhà bỏ bê, cuộc sống rơi vào bế tắc và có thể đời sống rút ngắn lại đáng kể. Bởi vì các biến chứng khi bị sa sút trí tuệ làm người bệnh rơi vào tình trạng ăn uống không được phải lệ thuộc vào người khác, nếu như không có ai chăm sóc, bệnh nhân dễ bị suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, người bệnh không thể kiểm soát vệ sinh cá nhân, nếu không có ai hỗ trợ, người bệnh có thể rơi vào tình trạng mất vệ sinh dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng da, loét da nặng nề; các hệ lụy nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng huyết... ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tính mạng của người bệnh.

4. Thông cảm và chia sẻ với những triệu chứng của bệnh nhân rối loạn nhận thức

Đối với những rào cản trên, chúng ta có thể giải quyết và khắc phục bằng cách nào? Có biện pháp nào trọng tâm mà người nhà và bệnh nhân cần lưu ý, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Đầu tiên, khi có vấn đề rối loạn nhận thức ảnh hưởng lên trí nhớ, suy nghĩ, tính toán, kế hoạch, hành vi, cần cảnh giác bản thân có nguy cơ sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức hay không. Chính nhận thức đó sẽ giúp người bệnh cảnh giác và thăm khám điều trị sớm.

Đối với những người có người thân trong gia đình bị suy giảm nhận thức cần có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng tốt cho người thân khi bị bệnh. Những người bị suy giảm nhận thức sẽ rất dễ quên, hành vi, cử chỉ không còn phù hợp, do đó nên để đồ vật và đồ dùng hàng ngày của họ tại những nơi quen thuộc.

Ví dụ quần áo nên để ở nơi trước đây bệnh nhân thường sử dụng, bàn chải đánh răng nên để ở nơi người bệnh thường lui tới để tự đánh răng, vệ sinh cá nhân. Trong nhà vệ sinh, nhà tắm nên thiết kế đơn giản giúp những người còn khả năng tự chăm sóc bản thân có thể vệ sinh mà không cần nhờ đến sự hỗ trợ. 

Đến giai đoạn trễ, người bệnh không còn khả năng tự chăm sóc bản thân sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình. Vì vậy người thân cần hiểu rằng đó là các biểu hiện của sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức của người bệnh, bệnh nhân hoàn toàn không muốn những điều này xảy ra nhưng khi đã mắc bệnh, người thân nên thông cảm và chia sẻ với những triệu chứng khó chịu của bệnh nhân.

Cần tránh các tình huống khó chịu của người nhà đối với bệnh nhân, hãy hiểu rằng những điều đó do bệnh gây ra, triệu chứng của bệnh, người bệnh không cố ý làm những hành động đó. Cho nên phải thông cảm, chia sẻ và giải thích cho người bệnh hiểu rằng đó là triệu chứng của bệnh, người bệnh hãy yên tâm chia sẻ với người thân trong gia đình.

Caption

 

5. Điều trị rối loạn nhận thức bằng cách nào?

Những bệnh nhân rối loạn nhận thức hiện nay được điều trị thế nào, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Đầu tiên cần khám, chẩn đoán, xác định bệnh nhân đã bị sa sút trí tuệ hau chưa?

Thứ hai, trong điều trị có điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó các biện pháp không dùng thuốc có thể tập luyện trí não, thể dục thể thao, thay đổi lối sống. Còn biện pháp phải dùng dược phẩm để hỗ trợ có các loại thuốc làm tăng dẫn truyền thần kinh, tăng chống oxy hóa gốc tự do để chống lại sự thoái hóa của các tế bào não, tăng cường oxy và lượng máu lên não. Đó là các biện pháp để giúp bệnh nhân ngăn chặn sự tiến triển của sa sút trí tuệ.

Một số loại thuốc chiết xuất từ cao bạch quả hay thuốc kháng men… có thể dùng để hỗ trợ quá trình lão hóa tiến triển chậm lại, ngăn chặn quá trình oxy hóa, gốc tự do của não, giúp trí nhớ cải thiện. Nếu không dùng các biện pháp ngăn chặn, điều trị thì tiến triển tự nhiên của suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ có thể tiến triển nhanh hơn, dẫn đến bệnh nhân rơi vào giai đoạn trễ rất sớm.

6. Thuốc triết xuất từ cao bạch quả giúp cải thiện các triệu chứng về suy giảm nhận thức

Thuốc triết xuất từ cao bạch quả đặc biệt được tiêu chuẩn hóa EGP 761 có tác dụng thế nào trong điều trị rối loạn nhận thức, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Hiện nay có rất nhiều thuốc được sử dụng điều trị các bệnh lý rối loạn nhận thức và sa sút trí tuệ, các dẫn chất như cao bạch quả… có thể làm tăng lưu lượng máu, tăng cung cấp oxy cho các tế nào não, chống lại các gốc tự do và tăng dẫn truyền thần kinh, từ đó cải thiện các triệu chứng về suy giảm nhận thức của bệnh nhân.

7. Người thân nên làm gì trong chăm sóc bệnh nhân rối loạn nhận thức?

Thân nhân và người chăm sóc có thể làm gì giúp việc điều trị rối loạn nhận thức thuận lợi và đạt nhiều hiệu quả hơn, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Khi người bệnh suy giảm nhận thức dẫn đến sa sút trí tuệ ở giai đoạn muộn, tất cả sinh hoạt đều dựa vào sự hỗ trợ của người nhà. Do đó cần thông cảm, thấu hiểu các triệu chứng của người bệnh là do bệnh lý gây ra, không nên giận hay buồn bực trước các hành vi của bệnh nhân.

Đồng thời cần chăm óc người bệnh thật tốt vì mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều phụ thuộc vào việc chăm sóc của người thân. Cần nuôi dưỡng cho người bệnh có đủ các dưỡng chất, khi đến bữa ăn cần cho bệnh nhân ăn đầy đủ. Bổ sung các chất dinh dưỡng giúp ích cho hệ thần kinh như các loại đậu, các loại thực phẩm nhiều dầu cá, các chất này sẽ tác động lên dẫn truyền thần kinh, cải thiện trí nhớ của người bệnh.

Khi bệnh nhân nằm một chỗ vì sa sút trí tuệ không thể thực hiện các hoạt động cá nhân, người thân cần vệ sinh thân thể cho bệnh nhân, tránh nhiễm trùng và các bệnh lý kết hợp khác sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

8. Người bệnh rối loạn nhận thức cần có cuộ sống thoải mái để cải thiện hành vi, suy nghĩ

Nhờ BS chia sẻ một số bí quyết giúp nâng cao tinh thần cho những người đang điều trị rối loạn nhận thức ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Một khi người bệnh có suy giảm nhận thức dẫn đến sa sút trí tuệ, cần tạo cuộc sống, môi trường sống cho bệnh nhân thật thoải mái. Người bệnh có chế độ ăn uống nghỉ ngơi thật phù hợp, tham gia nhiều hoạt động xã hội hớn trước. Bên cạnh đó có thể cho người bệnh đi du lịch, tham gia hoạt động cộng đồng, câu lạc bộ (CLB) như CLB dành cho người trung niên, CLB cho người lớn tuổi… giúp suy nghĩ, tư tưởng, hành động của người bệnh cải thiện một cách tích cực hơn. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X