Quá trình lão hóa tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa cột sống
Theo ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà - Phó Trưởng khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Thoái hóa cột sống là một trong những bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan xem nhẹ cơn đau ở giai đoạn đầu, từ đó bỏ lỡ thời gian tốt nhất để điều trị.
1. Thoái hóa cột sống là gì?
Thưa BS, cột sống của con người thay đổi thế nào theo thời gian?
ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà trả lời: Thoái hóa cột sống là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi. Do quá trình lão hóa, khi trở nên lớn tuổi, đĩa đệm ở cột sống bị biến đổi, chẳng hạn bị mất nước, bị xơ hóa... Hệ thống dây chằng xung quanh cột sống cũng bị xơ hóa, lớp sụn bị thoái hóa.
Thoái hóa cột sống là tình trạng chung, có biểu hiện ở cột sống cổ, cột sống ngực hoặc cột sống thắt lưng.
Tình trạng này còn bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn thiếu canxi, magie, collagen... hoặc chế độ vận động. Người làm công việc văn phòng, ít vận động, người có thói quen kê cao gối khi ngủ, thường xuyên khuân vác nặng sai tư thế... cũng thúc đẩy tình trạng thoái hóa cột sống.
2. Thoái hóa cột sống liên quan đến quá trình lão hóa
Thoái hóa cột sống có phải điều hiển nhiên khi chúng ta trở nên lớn tuổi không, thưa BS?
ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà trả lời: Như đã chia sẻ, thoái hóa cột sống liên quan đến lão hóa. Người lớn tuổi có một số nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống. Thoái hóa cột sống được định nghĩa là tình trạng viêm ở vùng cột sống do nhiều yếu tố gây ra và là tình trạng mạn tính.
Thoái hóa cột sống không đột ngột xảy ra mà là một quá trình kéo dài, ngày càng trầm trọng hơn. Khi có những dấu hiệu, triệu chứng cũng là lúc bệnh ở giai đoạn từ trung bình đến nặng.
3. Những nguyên nhân thường gặp gây thoái hóa cột sống
Trong quá trình công tác, BS nhận thấy thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi thường do những nguyên nhân nào gây ra? Độ tuổi nào, nhóm người nào dễ bị thoái hóa cột sống hơn ạ?
ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà trả lời: Thoái hóa cột sống có 2 nguyên nhân: nguyên phát và thứ phát.
Nguyên phát là nguyên nhân ngay tại cột sống do tình trạng lão hóa. Càng lớn tuổi, đĩa đệm, dây chằng, hệ thống sụn càng bị biến đổi. Ngoài ra, chế độ luyện tập, làm việc, ăn uống cũng có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống.
Nguyên nhân thứ phát Chấn thương vùng cột sống không điều trị đúng cách làm tăng diễn tiến nguy cơ bị thoái hóa cột sống. Các vận động viên luyện tập với cường độ quá mạnh có thể bị thoái hóa cột sống về sau.
4. Đau là triệu chứng đầu tiên của các vấn đề cơ xương khớp
Thưa BS, thoái hóa cột sống nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây ra những vấn đề nào cho người lớn tuổi?
ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà trả lời: Người lớn tuổi thường chỉ chú ý đến thoái hóa cột sống khi đã có biểu hiện đau. Đau là triệu chứng đầu tiên báo hiệu vấn đề xương khớp.
Đau ở thoái hóa cột sống thường kéo dài, cường độ ngày càng tăng dần. Cơn đau mang tính chất cơ học, nghĩa là khi vận động, hoạt động sẽ bị đau nhiều hơn; khi nghỉ ngơi sẽ giảm bớt.
Tùy vào vị trí thoái hóa mà bệnh nhân có biểu hiện riêng biệt. Thoái hóa cột sống thắt lưng biểu hiện bằng cơn đau ở vùng cột sống thắt lưng, đau lan xuống mông hoặc đùi.
Khi bị đau, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được hướng dẫn, chẩn đoán phù hợp.
5. Triệu chứng đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày cần được thăm khám và điều trị
Ngoài đau, còn dấu hiệu nào khác cảnh báo tình trạng thoái hóa cột sống? Làm thế nào để phân biệt được tình trạng đau do thoái hóa cột sống và đau do những vấn đề khác, thưa BS?
ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà trả lời: Nhiều người vẫn nghĩ đau nhức xương khớp là vấn đề hiển nhiên khi về già. Với những cơn đau thỉnh thoảng mới xảy ra và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, có thể chỉ cần theo dõi tại nhà.
Khi đau quá nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày cũng như chất lượng cuộc sống, người cao tuổi nên đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
6. Chụp X-quang, MRI có thể phát hiện thoái hóa cột sống
Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được thăm khám cũng như thực hiện những cận lâm sàng nào để chẩn đoán đúng tình trạng thoái hóa cột sống?
ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà trả lời: Khi đến bệnh viện, ngoài thăm khám và hỏi các vấn đề liên quan đến bệnh lý, trong trường hợp bệnh nhân bị đau ở vùng cột sống, bác sĩ sẽ cho một số chỉ định để khẳng định chẩn đoán.
Những xét nghiệm thông thường như chụp X-quang cột sống để phát hiện tình trạng gai cột sống, gãy, lún, xẹp đốt sống. Cao cấp hơn, người bệnh được chỉ định chụp MRI. Dù không phổ biến như chụp X-quang nhưng chụp MRI cột sống giúp phát hiện những trường hợp thoát vị đĩa đệm có chèn ép dây thần kinh và giúp bác sĩ đưa ra chỉ định tiếp tục điều trị nội khoa hay can thiệp phẫu thuật.
Người bệnh còn được làm một số xét nghiệm máu để loại trừ bệnh lý viêm cột sống dính khớp hoặc các bệnh lý tự miễn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình