Hotline 24/7
08983-08983

Polyp túi mật: Triệu chứng, cách điều trị và chế độ dinh dưỡng

92% polyp túi mật là lành tính, 8% có khả năng ác tính. Căn bệnh này ngày càng có xu hướng gia tăng do thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp. Do đó, khi bị polyp túi mật cần được theo dõi định kỳ để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường và đưa ra hướng xử trí phù hợp.

Chức năng của túi mật


Túi mật bình thường là một túi nhỏ, màu xanh lam, có dung tích 30-60 ml, dính vào phía dưới thùy gan phải, thông nối với đường mật qua ống túi mật. Chiếu lên thành bụng, túi mật nằm ở vùng bụng trên phải, ngay dưới bờ sườn. Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu, mỡ; túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.

Bệnh polyp túi mật là gì?


Hơn 92% các trường hợp polyp túi mật đều lành tính. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật.

Để có thể quan sát rõ ở túi mật, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện siêu âm. Polyp túi mật có thể quan sát được ở hình ảnh siêu âm và kích thước của chúng (cũng như mức độ nguy hiểm) sẽ được ghi lại. Mặc dù có thể phát hiện thấy hình ảnh polyp ở túi mật khá rõ ràng nhưng siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính để có chỉ định phẫu thuật.

Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) là những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có thể giúp xác định khả năng ung thư của các polyp túi mật tốt hơn so với siêu âm. Cả hai xét nghiệm này cũng đều có thể được sử dụng để theo dõi sự phát triển của polyp túi mật qua thời gian để phát hiện bất cứ thay đổi đáng ngờ nào có thể chỉ ra đó là ung thư túi mật.

Polyp túi mật có nguy hiểm không?


Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi (nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em) và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.

Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước polyp lên đến 20-40mm, hay vừa có polyp vừa có sỏi túi mật.

Điều may mắn là có đến hơn 92% các trường hợp polyp đều lành tính gồm có hai loại: u thật như u tuyến, u cơ, u mỡ...; u giả như u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u... 8% còn lại là polyp túi mật ác tính gồm có ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây polyp túi mật?


Polyp túi mật càng lớn, càng có nguy cơ ung thư túi mật. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Theo BS Trần Thị Bích Hạnh - Khoa Chẩn đoán chức năng - Bệnh viện TƯQĐ 108, có rất nhiều các yếu tố được cho là có liên quan việc hình thành polyp túi mật như: chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, béo phì, nhiễm virut viêm gan… Nhưng trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân hình thành polyp túi mật.

Bên cạnh đó, căn bệnh này ngày càng có xu hướng gia tăng do thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp như ăn nhiều mỡ, chất béo, làm tăng thêm lượng cholesterol trong cơ thể.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa polyp túi mật và bệnh sử gia đình của một số bệnh cho thấy các bằng chứng để thực hiện một số nghiên cứu di truyền. Bệnh nhân có hội chứng polyposis bẩm sinh như Peutz-Jeghers và hội chứng Gardner cũng có thể phát triển polyp túi mật.

Các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân polyp túi mật ác tính bao gồm độ tuổi trên 60, sỏi mật, viêm đường mật nguyên phát. Đặc điểm các yếu tố nguy cơ polyp bao gồm kích thước lớn hơn 6 mm, duy nhất và không có cuống. Sỏi mật, sỏi túi mật là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị polyp túi mật.

Triệu chứng cảnh báo polyp túi mật


Đau tức, co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải là dấu hiệu hay gặp nhất khi bị polyp túi mật. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng gì, vì vậy, polyp túi mật thường được phát hiện một cách tình cờ qua khám tổng thể hoặc khám một bệnh nào đó có siêu âm ổ bụng.

Tỷ lệ polyp túi mật có triệu chứng thường chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng từ 6-7% và thường gặp ở người có polyp kích thước lớn hoặc có nhiều polyp túi mật.

Triệu chứng hay gặp nhất là đau tức, co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải hay đau vùng thượng vị, (gần 80%), đau thường xuất hiện sau khi ăn, có thể đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.

Với triệu chứng đau ở dưới sườn tuy giống bệnh sỏi túi mật, nhưng khác với sỏi túi mật ở chỗ, polyp túi mật ít khi có biểu hiện cấp tính do viêm (đau, sốt, vàng da) hay những biến chứng của sỏi gây ra như viêm đường mật, tắc mật, trừ trường hợp polyp túi mật có kèm theo sỏi túi mật nhiễm trùng. Vì vậy, các triệu chứng của polyp túi mật khá giống với sỏi đường mật, túi mật mạn tính hoặc bệnh lý dạ dày - tá tràng.

Polyp túi mật khi nào cần điều trị?


Khi nói đến polyp túi mật, kích thước chắc chắn rất quan trọng: polyp càng lớn, càng có nguy cơ ung thư túi mật.

Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước thì polyp túi mật nếu xác định trên siêu âm có kích thước nhỏ hơn 10mm hầu hết lành tính. Do đó, với polyp nhỏ dưới 10mm có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng và nên xác định là chung sống hòa bình với nó.

Tuy nhiên, nếu khối u lớn trên 10mm hoặc polyp lớn nhanh, chân lan rộng, có hiện tượng xâm lấn, hình dạng không đều, kèm theo đau bụng vùng hạ sườn phải, thượng vị, rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn), đau sốt tái phát, kết quả xét nghiệm chức năng gan mật có những thay đổi đáng kể, khi đó có thể phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật.

Ngày nay, với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.

Quyết định làm thế nào để điều trị polyp túi mật đòi hỏi sự cân bằng kỹ lưỡng giữa các rủi ro tiềm tàng của phẫu thuật với các rủi ro tiềm ẩn của sự phát triển ung thư túi mật. Bạn có thể chú ý đến nguy cơ ung thư nói chung và thường xuyên theo dõi tình trạng của polyp túi mật để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Sau cắt túi mật có ảnh hưởng gì đến cuộc sống không?


Sau phẫu thuật cắt túi mật, bệnh nhân không cần phải dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa vì gan vẫn tiết ra dịch mật đầy đủ.

Một số ít trường hợp có chậm tiêu với thức ăn nhiều chất béo, trứng. Vì vậy, tốt nhất là sau mổ bệnh nhân nên hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo, trứng trong vòng 3 tháng để cơ thể kịp điều chỉnh dự trữ dịch mật.

Rất ít trường hợp có tiêu lỏng sau mổ, triệu chứng này thường tự khỏi sau vài tuần.

Polyp túi mật có thể quan sát được ở hình ảnh siêu âm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Polyp túi mật nên kiêng ăn gì?


Đối với người bị polyp túi mật thì chế độ ăn uống phải thanh đạm gần giống với người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tức là phải giảm cholesterol xấu trong máu.

Bạn có thể giảm cholesterol bằng các loại thực phẩm lành mạnh gồm: Yến mạch, các loại hạt, đậu, đậu tương, nên ăn rau xanh, hoa quả tươi vì giàu chất xơ, giàu vitamin như A, B1, C, những thực phẩm như nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt, bí ngô, cải bắp, su hào… và thay chất béo từ động vật bằng thực vật... Đặc biệt, không nên uống rượu, cà phê mà thay vào đó là uống trà xanh bởi trà xanh chứa catechins, là những hợp chất chống oxy hóa giúp giảm cholesterol xấu một cách khá tốt.

Hạn chế những món ăn nướng, rán, nước sốt hay kem sữa, thực phẩm giàu cholesterol như trứng, gan, bơ, tôm, da gà, thức ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán… Ngoài ra, nên đọc kỹ bao bì để chọn lựa những thực phẩm chứa ít chất béo (tối đa là 3g chất béo cho mỗi khẩu phần).

Hãy chọn những loại thịt nạc với tỷ lệ chất béo chiếm không quá 15% cho mỗi khẩu phần ăn. Cá hồi, cá biển, hải sản có vỏ, thịt gà đã bỏ da,  là những lựa chọn phù hợp nhất. Hạn chế tiêu thụ những thứ chế biến sẵn như xúc xích, thịt hộp, thịt xông khói, lạp xưởng, giăm bông… vì chúng chứa rất nhiều chất béo. Bạn cũng nên tránh dùng thịt và cá hộp ngâm dầu.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X