Hotline 24/7
08983-08983

Phương pháp tầm soát và điều trị ung thư, cái nào mới, cái nào cũ, cái nào thừa?

Tại Hội thảo Khoa học của Liên chi hội Đông - Tây kết hợp TPHCM, GS.TS Nguyễn Sào Trung báo cáo chủ đề “Tổng quan về ung thư theo y học hiện đại: nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và tiên lượng trong điều trị”, đem đến nhiều thông tin hữu ích về cách nhìn nhận về ung thư hiện nay.

2 “anh em” u lành và ung thư: người thiện, kẻ ác

Mở đầu bài báo cáo “Tổng quan về ung thư theo y học hiện đại: nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và tiên lượng trong điều trị”, GS.TS Nguyễn Sào Trung Phó chủ tịch Hội Y học TP HCM, Ủy viên hội Ung thư Việt Nam cho rằng, các khối u - bướu có lịch sử cổ xưa song hành với lịch sử phát triển của con người. Một điểm đặc biệt là bất kỳ chỗ nào có tế bào đều có thể có bướu, kể cả con người, thực vật hay động vật.

Bướu hình thành do tế bào sinh sản bất thường. Hầu hết các trường hợp ung thư đều hình thành u - bướu, trừ ung thư máu hoặc ung thư bạch cầu.

GS.TS Nguyễn Sào Trung cho biết: “U bướu thường tồn tại lâu dài và rất hiếm xảy ra trường hợp y khoa ghi nhận một khối u xuất hiện rồi biến mất. Bên cạnh đó, u bướu cũng ít phụ thuộc vào cơ thể. Ví dụ như người bệnh có bướu mỡ trên tay, dù họ gặp vấn đề về răng miệng khiến việc ăn uống khó khăn, cơ thể suy yếu thì khối bướu mỡ vẫn có thể phát triển bình thường.”

U bướu diễn tiến theo 2 hướng: u lành (số lượng tế bào ít) và ung thư (số lượng tế bào nhiều). Điều may mắn là ung thư ít gặp hơn nhiều so với u lành.

Đa số u lành thường có hình thái rõ rệt; bề mặt nhẵn; vỏ bao rõ; thuần nhất; đơn dạng; cấu trúc mô đơn dạng; nhân, bào tương ít biến đổi; tiến triển chậm và ít gây chết người. Một số loại u lành thường gặp có thể kể đến như: u mỡ, nevus sắc tố, u cơ trơn (u xơ) tử cung, u xơ vú, mụn cóc, mụt ruồi…

Mặc dù vậy, u lành vẫn có thể gây chết người trong một số trường hợp, chẳng hạn như u màng não lành nếu nằm ở vị trí “sinh tử” nhưng không được điều trị thì có thể gây tăng áp lực nội sọ khiến bệnh nhân tử vong do u lành chèn ép. Hoặc nếu bệnh nhân bị u xơ tử cung không điều trị sẽ dễ bị biến chứng xuất huyết cũng có thể gây tử vong.

Trái với u lành, ung thư lại phát triển rất nhanh; có sức hủy hoại lan rộng; có thể tái phát; gây di căn và chết người. Ví dụ như: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày.

Ngoài ra, còn có một loại u nằm “lưng chừng” giữa u lành và ung thư, được gọi là u giáp biên ác. Theo đó, u giáp biên ác có tế bào tăng sinh bất thường; tiến triển chậm; di căn không hằng định và rất muộn, chẳng hạn như u đại bào xương (có thể giáp biên ác hoặc ác rất rõ rệt).

Đôi khi, có một số bệnh gây ra u nhưng lại không phải là u bướu, hay còn gọi là u giả, ví dụ như: u do viêm; u do dị vật (silicoma); khối máu tụ…

Có thể thấy, u - bướu có đặc điểm là đủ kích cỡ; đa dạng; có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào và bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể xuất hiện u.

GS.TS Nguyễn Sào Trung Phó chủ tịch Hội Y học TP HCM, Ủy viên hội Ung thư Việt Nam với báo cáo chủ đề “Tổng quan về ung thư theo y học hiện đại: nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và tiên lượng trong điều trị”

Việt Nam dẫn dầu châu Á về tỷ lệ mắc ung thư

GS.TS Nguyễn Sào Trung trích dẫn một thống kê năm 2020 cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư hàng đầu châu Á, trên 70%. Các quốc gia có tỷ lệ tử vong tiếp đó là Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc, khoảng 60 - 70%.

Hiện, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 165.000 ca ung thư mới, 115.000 ca tử vong (25%). Trong đó, 3 loại ung thư thường gặp nhất là phổi, gan, dạ dày với tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao.

GS.TS Nguyễn Sào Trung cũng chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân khiến tần suất mắc ung thư tăng cao bao gồm: dân số tăng và già hóa; ô nhiễm môi trường; phơi nắng và phơi nhiễm không khí ô nhiễm; truyền thông về ung thư tốt hơn; nhận thức của người dân về sức hơn ngày càng tốt hơn; hệ thống ghi nhận ung thư trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế tốt hơn; các phương pháp phát hiện và chẩn đoán bệnh ngày càng tốt hơn.

Một thống kê khác (năm 2020) cho thấy, trong số 10 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày ung thư bạch cầu có tử suất gần bằng với tần suất, nghĩa là không điều trị được. Một số loại ung thư khác mặc dù rất phổ biến nhưng vẫn có thể điều trị tốt như ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư tuyến giáp, ung thư thân tử cung ung thư đại tràng.

Riêng ở giới nam, ung thư gan chiếm tỷ lệ hàng đầu, sau đó đến ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, lượng bệnh nhân ung thư gan chiếm tỷ cao ở Việt Nam là điều không đáng ngạc nhiên bởi Việt Nam là vùng dịch tễ của HCV, đồng thời thói quen “nhậu” cũng phổ biến (số lượng bia Việt Nam tiêu thụ đứng hàng đầu thế giới).

Sơ yếu lý lịch của “kẻ sát nhân” - ung thư

GS.TS Nguyễn Sào Trung nhận định, bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh ung thư. Mỗi lứa tuổi sẽ gặp một số loại ung thư giống nhau. Đáng chú ý, người càng lớn tuổi sẽ càng dễ bị ung thư hơn. Hiện nay, ung thư đang có khuynh hướng trẻ hóa, đặc biệt là ung thư ống tiêu hóa, ung thư vú và ung thư gan.

Ung thư cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đa số là nơi có tiếp xúc với môi trường bên ngoài do viêm nhiễm, hóa chất,… Ví dụ như ung thư dạ dày là do thức ăn chúng ta tiêu thụ vào, ung thư phổi là do hút thuốc lá…

Diễn tiến thường gặp của ung thư nếu không được điều trị đúng lúc và kịp thời là phát triển rất nhanh, sau đó gây hủy hoại, lan rộng, tái phát và di căn, từ đó dẫn đến tử vong.

Ví dụ, ung thư cổ tử cung bắt đầu từ tiền ung thư (những tổn thương chưa thành ung thư) sau đó phát triển thành ung thư tại chỗ, ung thư xâm nhập, ung thư lan rộng, ung thư tái phát và chuyển sang ung thư di căn đến gan.

Đường di căn của ung thư bao gồm đường máu, đường bạch huyết, đường tự nhiên có sẵn và lan rộng do tai biến từ chẩn đoán và điều trị.

“Đó cũng là lý do mà ông bà xưa có câu “không đụng dao kéo vào cục bướu” bởi chính lưỡi dao sẽ là con đường làm rơi vãi các tế bào ung thư ra xung quanh gây ra ung thư tái phát và di căn.” -  GS Sào Trung giải thích.

Do đó, nguyên tắc của bác sĩ phẫu thuật ung bướu là “cách ly không đụng tới”, nghĩa là trong cuộc phẫu thuật bác sĩ không được chạm vào cục bướu nữa mà phải cắt xa vị trí ung thư, nếu không chính bác sĩ sẽ là người gieo rắc tế bào ung thư.

Chẳng hạn như bệnh nhân bị ung thư đại tràng bên phải thì bác sĩ phải cắt nguyên nửa đại tràng phải, bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp phải cắt bỏ nguyên thuỳ có cục bướu hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Như vậy, quá trình thực hiện kỹ thuật FNA (tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ) để chẩn đoán ung thư cũng có thể làm rơi vãi các tế bào ung thư. Chính vì thế, ngay khi có kết quả chẩn đoán ung thư, bệnh nhân cần phải được điều trị ngay để ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.

Một điểm đáng quan ngại ở “kẻ sát nhân” - ung thư là nó để lại nhiều tác động nghiêm trọng như: gây chảy máu; thiếu máu; tắc mạch máu; rối loạn tâm thần; làm nghẹt đường thở, ống tiêu hóa…; nhiễm khuẩn; chèn ép mô, tạng kế cận; đông máu nội mạch…

“Bệnh tùng khẩu nhập”

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới, phần lớn các trường hợp ung thư đều liên quan đến lối sống, trong đó 1/3 có thể phòng ngừa, 1/3 có thể phát hiện sớm và điều trị tốt, 1/3 còn lại chẩn đoán trễ.

Ung thư xảy ra khi tế bào phát triển bất thường. Trên thực tế, tế bào là nơi chịu nhiều tác động như: vật lý; hóa học; gen; virus, vi khuẩn; thần kinh tâm lý; nội tiết tố; viêm và chấn thương…

Hiện nay, người ta vẫn chưa biết được nguyên nhân chính thức gây ung thư, song có một số yếu tố nguyên nhân ung thư. Khoảng 1/3 số ca ung thư tử vong có liên quan đến 5 yếu tố nguy cơ, gồm: chỉ số khối cơ thể cao; ít ăn rau và trái cây; ít rèn luyện thể lực; hút thuốc lá và uống rượu bia. Trong đó, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, liên quan với khoảng 22% ca ung thư tử vong.

Bên cạnh đó, các bệnh nhiễm như viêm gan virus, HPV, liên quan 25% các ca ung thư ở nước có thu nhập thấp đến trung bình.

Trong bài báo cáo, GS.TS Nguyễn Sào Trung cũng đề cập đến câu nói dân gian “bệnh tùng khẩu nhập”, tức miệng ăn bậy mà sinh bệnh tật, để giải thích rất nhiều nguyên do khiến con người dễ bị ung thư.

Cụ thể, các yếu tố nguyên nhân ung thư thường gặp gồm: khói thuốc lá, khí thải công nghiệp (ung thư phổi, khí quản, hốc miệng, thực quản); uống rượu bia thường xuyên (ung thư gan, thực quản, dạ dày, ruột); ăn ít chất xơ hoặc dùng mỡ động vật cháy (ung thư đại tràng, trực tràng); tiếp xúc với các hóa chất (ung thư bàng quang, phổi, màng phổi); béo phì (ung thư vú, thân tử cung); dược phẩm; sóng điện tử; phóng xạ (ung thư tuyến giáp, máu, da); nhiễm virus, vi khuẩn (ung thư gan, cổ tử cung, hạch, dạ dày; sinh đẻ nhiều (ung thư cổ tử cung); tia tử ngoại (ung thư da)…

Trong đó, GS.TS Nguyễn Sào Trung chỉ ra các yếu tố chính gây ung thư bao gồm: ô nhiễm không khí, khói thuốc lá (30%); chế độ dinh dưỡng (35%) và bệnh nhiễm (20%).

“Như vậy, để phòng ngừa ung thư, chúng ta cần tránh tự “đầu độc” (tránh hút thuốc lá, rượu bia, ăn trầu, không giữ vệ sạch răng miệng, thực phẩm không lành mạnh hoặc cách sống không lành mạnh); có chế độ dinh dưỡng cân bằng; rèn luyện thể chất; tránh căng thẳng, nhìn lạc quan, nghĩ và hành động tích cực” - GS.TS Nguyễn Sào Trung khuyến cáo.

Với phong cách trình bày hóm hỉnh, GS.TS Nguyễn Sào Trung không những khiến cả khán phòng tràn ngập tiếng cười mà qua đó còn đem lại nhiều thông điệp ý nghĩa.

Lạm dụng xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu để chẩn đoán ung thư, rước lo vào người!

Theo GS.TS Nguyễn Sào Trung, để phát hiện sớm ung thư, người dân nên tự khám và để ý đến 7 triệu chứng báo động ung thư sau: (1) có thay đổi thói quen của ruột, bóng đái; (2) một chỗ lở loét không chịu lành; (3) chảy máu hoặc dịch bất thường; (4) có một cục hoặc một vùng dày lên, đặc biệt là ở vú; (5) ăn không tiêu hoặc khó nuốt; (6) nốt ruồi thay đổi tính chất (7) ho dai dẳng hoặc khàn tiếng.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp chẩn đoán ung thư, chẳng hạn như: khám lâm sàng; xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu; X-quang, CT, MRI; nội soi; chất đồng vị phóng xạ; siêu âm; tế bào học; sinh thiết; PET Scan; xạ hình; xét nghiệm sinh học phân tử; hóa-mô-miễn dịch…

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Sào Trung lưu ý rằng: “Thời gian qua, có nhiều người lạm dụng PET Scan để tầm soát ung thư. Trên thực tế, cơ chế của PET Scan là ghi nhận những tế bào có ăn đường. Người ta cho rằng, tế bào ung thư hoạt động nhiều nên ăn nhiều đường. Tuy nhiên, tế bào ăn nhiều đường chưa chắc đã ung thư bởi tình trạng viêm cũng ăn nhiều đường. Vì vậy, PET Scan không phải là phương tiện để tầm soát hay chẩn đoán ung thư mà là phương tiện bổ túc cho những chẩn đoán trước.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang lạm dụng xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu (marker ung thư). Mặc dù các nhà khoa học và công ty dược phẩm lớn cho biết xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu không giúp tầm soát ung thư mà chỉ có một số giá trị nhất định nhưng hầu hết các công ty khi cho nhân viên khám sức khoẻ định kỳ đều được gợi ý thực hiện xét nghiệm này, dẫn đến việc nhiều người “xanh mặt” khi thấy chỉ số này cao hơn bình thường nhưng thực tế các chỉ số này không có ý nghĩa gì.”

GS.TS Nguyễn Sào Trung cũng nhấn mạnh rằng, xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu chỉ giúp phát hiện được một số ung thư nhất định, xét nghiệm dương tính chưa chắc là bị ung thư mà chỉ để bác sĩ tham khảo. Thông thường, xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu chỉ dùng khi trong gia đình đã có người từng bị ung thư.

Đối với xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu, PSA tăng cao có thể do ung thư, tuy nhiên cũng có thể do các bệnh lành tính của tiền liệt tuyến (tăng sinh, viêm, chủng. tộc, tuổi…). Đa số người có PSA tăng cao vẫn không có ung thư tiền liệt tuyến. Ngoài ra, CA 125 tăng cao có thể do ung thư buồng trứng nhưng cũng có thể do các bệnh khác lành tính. Vì vậy, người ta chỉ thử CA 125 khi siêu âm bụng thấy có khối u buồng trứng, nếu không việc thử CA 125 là vô ích.

GS.TS Nguyễn Sào Trung kết luận, xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu không có giá trị tầm soát và phát hiện ung thư sớm mà chỉ giúp đánh giá giai đoạn, theo dõi bệnh, dự đoán tiên lượng và xác định tái phát. Đôi khi, xét nghiệm tìm dấu ấn u trong máu còn giúp hướng dẫn điều trị (ER, PR và HER2/neu trong ung thư vú) và đánh giá hiệu quả điều trị nhưng không chắc chắn.

Một vấn đề mà rất nhiều người thắc mà là “ung thư có di truyền không” cũng đã được GS.TS Nguyễn Sào Trung giải đáp. Theo đó, GS Trung cho biết, có một số ung thư có di truyền, đặc biệt người có đột biến gen đôi khi có thể mắc nhiều loại ung thư. Vì vậy, xét nghiệm sinh học phân tử rất quan trọng và thường được sử dụng khi người bệnh đã xác định mình bị ung thư để nếu có đột biến gen thì điều trị ngay hoặc khuyến cáo gia đình tầm soát ung thư.

Khi chẩn đoán ung thư vú bằng phương pháp chọc hút bằng kim, bác sĩ buộc phải chọc vỡ bướu để lấy được tế bào, vô tình kim có thể mang theo tế bào ung thư. Do đó, nếu chẩn đoán xác định bệnh nhân bị ung thư thì các bác sĩ phải cố gắng giúp bệnh nhân điều trị càng sớm càng tốt để ngừa phát tán bệnh.

Hóa-mô-miễn dịch cũng là một kỹ thuật bổ sung cho giải phẫu bệnh khi không thể phân biệt u này với u khác.

Ngoài các phương pháp kể trên, một trong những kỹ thuật mới giúp chẩn đoán ung thư hiệu quả là sinh thiết lỏng (máu). Nếu như sinh thiết mô u để lại nhiều nhược điểm như xâm lấn, khó sinh thiết, không đại diện di truyền của khối u và khó lập lại sinh thiết thì sinh thiết lỏng có thể cải thiện được những điểm yếu này.

GS.TS Nguyễn Sào Trung cho biết: “Tế bào ung thư muốn phát triển luôn cần có mạch máu. Vì vậy, tế bào ung thư sẽ xuyên qua lòng mạch máu và luân lưu trong máu, được gọi là tế bào ung thư du hành (circulating tumor cell). Trường hợp tế bào ung thư vỡ ra thì DNA ung thư cũng sẽ chui vào máu, được gọi là DNA ung thư du hành (circulating tumor DNA). Như vậy, thay vì sinh thiết mô u thì sinh thiết máu sẽ giúp phát hiện tế bào ung thư du hành hoặc DNA ung thư du hành cũng dễ dàng hơn, giúp hạn chế xâm lấn, giảm đau đớn và ít tốn kém hơn”.

Điều trị ung thư cần phải cá thể hóa!

Hiện nay, điều trị ung thư bao gồm các phương pháp như: phẫu thuật; xạ trị; hóa trị; PDT, laser, siêu âm, gen…; liệu pháp nội tiết tố; liệu pháp miễn dịch; liệu pháp đích phân tử…

Trong đó, các phương pháp kinh điển bao gồm: phẫu trị, hóa trị, xạ trị và liệu pháp nội tiết tố.

Theo đó, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất với từng loại ung thư, giai đoạn bệnh và cơ địa của mỗi bệnh nhân.

Nhìn chung, hầu hết các bệnh nhân ung thư đều phải điều trị bằng 2 - 3 phương pháp phối hợp với nhau, được gọi là điều trị đa mô thức.

Ví dụ, đối với ung thư vú, phẫu trị là chủ yếu, hóa trị và xạ trị sẽ tuỳ theo giai đoạn của ung thư. Hay đối với ung thư tuyến giáp, phẫu trị là chủ yếu, rất hiếm khi sử dụng xạ trị và không dùng phương pháp hóa trị. Đối với ung thư dạ dày, đại tràng, phẫu trị là chủ yếu, hóa trị là bổ túc và không dùng phương pháp xạ trị. Riêng ung thư hạch, sử dụng hóa trị là chủ yếu, xạ trị là bổ túc là không phẫu thuật.

Một số liệu pháp khác hỗ trợ điều trị ung thư gồm: kháng thể đơn dòng (liệu pháp đích phân tử), liệu pháp quang động học; laser; siêu âm; sóng radio; liệu pháp miễn dịch và liệu pháp gen.

Theo đó, liệu pháp laser chỉ dùng cho sang thương nông như ung thư da, ung thư sớm của cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, dương vật…; giúp làm giảm triệu chứng nghẹt của ung thư của ung thư thực quản, khí quản…; đưa qua ống nội soi vào chữa ung thư sớm của dạ dày, thực quản, khí quản, đại tràng. Nhìn chung, hiệu quả của liệu pháp laser không chắc chắn.

Phương pháp siêu âm giúp đốt nóng và “nướng” mô u, giữ mô xung quanh còn nguyên. Cách đây khá lâu, phương pháp HIFU được dùng để điều trị ung thư tiền liệt tuyến nhưng về sau người ta thấy phương pháp này không còn hiệu quả nữa.

Phương pháp RF (sóng radio) chủ yếu dùng để phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và chẩn đoán hình ảnh. Kỹ thuật này thường dùng trong các trường hợp u nhỏ hoặc nốt di căn ở gan, phổi, tuỵ, thận, xương. Sóng đi vào đầu dò dạng kim đưa vào bướu, làm tăng nhiệt độ để “đốt” bướu, có thể phối hợp với hóa trị tại chỗ (trong HCC). Tuy nhiên, phương pháp này cũng không mang lại nhiều hiệu quả.

Ngày nay, liệu pháp đích phân tử được áp dụng điều trị cho rất nhiều loại ung thư. Nếu hóa trị như một cuộc “dội bom” vừa “giết” tế bào ung thư lẫn tế bào lành lân cận để lại nhiều tác dụng phụ rất dữ dội (rụng tóc, sạm da, tiêu chảy,…) thì liệu pháp đích phân tử chỉ “giết” tế bào ung thư mà không giết tế bào lành.

Mặc dù vậy, khi tế bào ung thư chết đi cũng để lại độc tố gây ra một số tác dụng phụ nhưng vẫn ít hơn so với hóa trị thông thường. Song, nhược điểm lớn nhất của liệu pháp đích phân tử là chi phí điều trị rất cao.

Liệu pháp tương lai mà đang con người đang hướng tới là dùng thuốc kháng thể đơn dòng cao cấp hơn để chuyển tế bào ung thư thành tế bào lành.

GS.TS Nguyễn Sào Trung cũng nhấn mạnh rằng: “Để điều trị ung thư thì cần phải cá thể hóa bệnh nhân. Bởi có những bệnh nhân cùng một loại ung thư giống nhau nhưng sau điều trị lại có người khỏi, có người tái phát, đáp ứng ít hoặc kháng thuốc. Vì vậy, các nhà giải phẫu bệnh hiện nay phải nâng cao trình độ kiến thức và phối hợp với kỹ thuật khác như sinh thiết lỏng, phân tích gen, phân tích protein,… để cho ra kết quả cuối cùng và từ đó bác sĩ ung bướu sẽ lựa chọn thuốc và liệu pháp nhắm trúng đích cho phù hợp.”

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang điều trị tốt các loại ung thư như: ung thư cổ tử cung, tuyến giáp, vú, đại - trực tràng, da và tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số loại ung thư chưa được điều trị tốt như: ung thư não, phổi, xương, gan, tuỵ tạng, thận.

Gánh nặng của ung thư nằm ở chính suy nghĩ của chúng ta

“Người ta thường than phiền rằng ung thư tạo gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cái nhìn lạc quan thì gánh nặng này sẽ rất nhẹ. Trên thực tế, gánh nặng lớn nhất mà chúng ta mang theo chính là những suy nghĩ trong đầu.” - thông điệp ý nghĩa này cũng là lời kết thúc báo cáo của GS.TS Nguyễn Sào Trung tại Hội thảo Khoa học và Đào tạo Y khoa liên tục lần 1 - năm 2022.

Anh Thi, AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X