Hotline 24/7
08983-08983

Phương pháp điều trị viêm cân gan chân hiệu quả nhất là tập luyện

Đau gót chân là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau và phổ biến ở những người thường xuyên đứng lâu, đi nhiều… Vậy có bài tập nào để giảm thiểu tình trạng này? Đau gót chân cụ thể là dấu hiệu của bệnh gì?... Tất cả sẽ được ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

1. Đau gót chân thường gặp ở người đi nhiều hoặc mang giày cao gót

Thưa BS, đau gót chân do những nguyên nhân hay thói quen nào gây nên?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Vị trí gót chân bao gồm xương gót. Thực tế, phần xương này ít gây đau, tuy nhiên một số trường hợp hiếm gặp như viêm xương, nhiễm trùng xương có thể gây đau. Xung quanh xương là phần mềm bao gồm gân gót chân (gân Achilles), cân gan chân nằm dưới lòng bàn chân.

Viêm mô mềm hay còn gọi là viêm cân gan chân hoặc viêm Achilles là nguyên nhân thường gặp dẫn đến đau gót chân. Vấn đề này phổ biến ở những người đi nhiều hoặc mang giày cao gót.

2.Đau vùng dưới gót chân, đau phía sau gót là hai bệnh lý khác nhau

Dựa trên các vị trí đau (đau vùng dưới gót chân, đau phía sau gót) có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý thường gặp nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng thường gặp nhất là đau dưới lòng bàn chân ở vị trí gót chân, được gọi là viêm cân gan chân hoặc xơ cân gan chân. Đặc điểm của bệnh là đau ở vị trí gót, một số đau ở gần mũi chân.

Đau phía sau xương gót có thể do viêm gân Achilles hay viêm bao quanh gân, phần gân này giúp cử động gập bàn chân nên dễ bị viêm và gây đau khi đi lại nhiều.

Như vậy đau ở hai vị trí khác nhau là biểu hiện của hai bệnh khác nhau.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

3. Phân biệt dấu hiệu đau gót chân ở các bệnh

Tình trạng đau bên dưới gót chân được mô tả ra sao giữa viêm cân gan chân, gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Viêm cân gan chân thường có biểu hiện đau ở lòng bàn chân. Vấn đề gai xương gót thực chất chỉ là biểu hiện X-quang của viêm cân gan chân. Bệnh viêm cân gan chân thường có biểu hiện đau, nhưng một số trường hợp chỉ viêm âm ỉ hoặc đau nhẹ thoáng qua vào buổi sáng, đi lại một lúc sẽ hết.

Tình trạng viêm cân gan chân kéo dài chuyển thành mạn tính, vị trí viêm bắt đầu đóng vôi, tạo thành gai xương gót. Khi chụp X-quang sẽ thấy gai ở gót chân được gọi là gai xương gót. Bản chất của gai xương gót là hình ảnh trên X-quang hoặc hậu quả của viêm cân gan chân.

Thứ hai là hội chứng đường hầm cổ chân hoặc hội chứng ống cổ chân (khá giống hội chứng ống cổ tay). Đặc điểm của đường hầm ống cổ chân do chèn ép dây thần kinh. Biểu hiện đau gót chân hoặc lòng bàn chân, có cảm giác tê, nóng rát, buốt lòng bàn chân. Khi biểu hiện đau hết lòng bàn chân sẽ được phân biệt gai gót chân, hoặc giai đoạn đầu của suy tĩnh mạch.

Trường hợp hội chứng chân không yên có cảm giác rất mỏi, giống có con gì đó bò hoặc rất khó chịu khiến người bệnh phải cử động bàn chân mới hết. Dấu hiệu của hội chứng chân không yên vẫn là đau lòng bàn chân.

4. Phân biệt viêm cân gan chân với các bệnh lý khác

Tình trạng đau gót chân do chấn thường vùng gan chân xuất phát từ nguyên nhân đi lại thường được mô tả như thế nào và sẽ khác biệt ra sao so với các tình trạng bệnh lý kể trên ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Viêm cân gan chân có đặc điểm thường đau vào buổi sáng, người bệnh mô tả sáng ngủ dậy, bước chân đầu tiên xuống rất đau và thốn nhưng bước vài bước sẽ hết.

Một số trường hợp đã bị nặng, tình trạng đau sẽ còn kéo dài trong ngày nhưng đa số chỉ đau trong vòng vài phút.

Đối với nhân viên văn phòng ngồi làm khoảng 2-3 tiếng đến trưa, khi đứng lên bước những bước đầu tiên sẽ đau trở lại và đi một lúc sẽ hết đau. Đó là các đặc điểm khá đặc biệt ở viêm cân gan chân giúp phân biệt với các bệnh lý khác.

Một số bệnh lý khác có cảm giác đau khi đứng lên đi lại sau khi ngủ dậy. Người bị suy giãn tĩnh mạch thường bị đau nếu ngồi lâu, cảm giác đau sẽ bớt dần khi đứng lên đi lại. Hội chứng đường hầm cổ chân khiến người bệnh luôn ở trong tình trạng đau.

5. Tập luyện và lăn đá là phương pháp điều trị quan trọng nhất của viêm cân gan chân

Nhờ BS chia sẻ những giải pháp có thể chấm dứt tình trạng đau gót chân này áp dụng tại nhà ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Phương pháp điều trị viêm cân gan chân hiệu quả nhất là tập luyện. Nhiều bệnh nhân uống thuốc, chích thuốc không hết nhưng tập luyện sẽ hết đau.

Về điều trị, khi gặp bác sĩ thường sẽ được chỉ định uống thuốc kháng viêm, khoảng 2 tuần đến 1 tháng không hết bác sĩ sẽ đề nghị tiêm thuốc kháng viêm trực tiếp vào gân. Nếu vẫn không khỏi có thể bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.

Trong tất cả các trường hợp trên, bác sĩ luôn đề nghị người bệnh tập thêm ở nhà, việc tập luyện có thể giải quyết được tình trạng bệnh và thậm chí ngừa tái phát.

Một số trường hợp uống thuốc, phối hợp tập luyện đã điều trị khỏi, một thời gian rất lâu sau bệnh mới tái phát.

Những bài tập này khá đơn giản, chỉ có 2-3 bài tập, bác sĩ khuyên người bệnh nên tập vào buổi sáng khi mới ngủ dậy hoặc sau khi vận động nhiều, buổi tối.

Thứ nhất là bài tập làm giãn cân gan chân.

Thứ hai là bài tập chườm đá, giúp giảm tình trạng viêm.

Tóm lại việc điều trị tại nhà, tập luyện và lăn đá là phương pháp điều trị quan trọng nhất trong trường hợp viêm cân gan chân.

6. Bài tập giảm triệu chứng đau lòng bàn chân ở bệnh viêm cân gan chân

Bài tập 1: Lăn gót chân bằng chai nước đá

Chuẩn bị: 1 chai nước suối đông đá

Cách thực hiện: Đặt chai nước đá phía dưới lòng bàn chân, vị trí gót chân và thực hiện lăn trong 15 phút, một ngày thực hiện từ 3-4 lần.

Phương pháp này giúp làm giảm tình trạng viêm ở lòng bàn chân. Đặc biệt có thể áp dụng buổi sáng mới ngủ dậy, sau khi ngồi lâu và buổi tối trước khi đi ngủ.

Bài tập 2: Kéo căng cơ lòng bàn chân bằng khăn

Chuẩn bị: Khăn tắm dài

Cách thực hiện: Vắt khăn tắm phía dưới lòng bàn chân bị đau. Sau đó duỗi thẳng chân, thẳng đầu gối và kéo khăn mạnh về phía đầu gối để làm căng phần gót chân. Giữ tư thế trong 15 giây sau đó thả lỏng, lặp lại động tác 10 lần.

Động tác này giúp lòng bàn chân được kéo căng.

Bài tập 3: Đẩy tường

Cách thực hiện: Đứng đối diện tường, hai tay chống vào tường, chân bị đau để ở phía sau, chân còn lại để gần sát tường.

Khuỵu gối ở chân phía trước xuống và kéo căng phần gót chân phía sau, giữ trong vòng 15 giây sau đó thả lỏng, lặp lại động tác 10 lần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X