Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa hư khớp háng từ nhỏ

Bà L.T.K.L., 50 tuổi, đến khám vì khớp háng vẫn đau sau khi uống thuốc. Trên phim X-quang, hình ảnh thoái hóa khớp háng bên phải khá rõ, nhưng ngạc nhiên là bên trái bình thường.

Ẵm nách có thể giúp khớp háng bé phát triển tốt - Ảnh: T.T.D.
Ẵm nách có thể giúp khớp háng bé phát triển tốt - Ảnh: T.T.D.

Tình trạng đau đớn của bà kéo dài gần 2-3 năm nên phải thay khớp háng để có thể đi lại bình thường.

Khiếm khuyết bẩm sinh thường gặp

Quan sát kỹ trên phim X-quang và khi mổ, chúng tôi thấy ổ cối vùng khớp háng nhỏ hơn so với chỏm xương đùi. Có thể hình tượng việc này giống như cái chày to hơn cái cối nên khi đặt chày vào cối, một phần chày nằm ngoài cối và sẽ làm cả chày lẫn cối mau chóng bị hư, không sử dụng được. Đây là biểu hiện của tình trạng loạn sản phát triển khớp háng - một khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến. Trên toàn thế giới ước tính có 1/1.000 trẻ em được sinh ra có một khớp háng bị trật và khoảng 10/1.000 trẻ em có khớp háng mất vững hoặc loạn sản.

"Nếu khi trẻ biết đi mà có dáng đi lạch bạch như vịt, phụ huynh cần đưa trẻ khám ở bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình"

Trẻ có khớp háng bị trật bẩm sinh sẽ phát hiện dễ hơn, được điều trị sớm và tránh được nguy cơ hư khớp háng sau này. Trong khi đó, trẻ có khớp háng bị mất vững hoặc loạn sản rất khó phát hiện trừ phi được siêu âm định kỳ từ lúc sinh đến khi lớn. Tình trạng loạn sản hay mất vững khớp háng khiến việc thoái hóa khớp háng xảy ra nhanh hơn và bệnh nhân mau chóng bị hư khớp khi còn trẻ. Mặt khác, sự giảm phát triển của ổ cối khớp háng cũng như tình trạng trật khớp háng làm ổ cối này không phát triển, dẫn đến việc thay khớp gặp nhiều khó khăn, kết quả lâu dài thường không tốt.

Trẻ nào thường gặp?

Thói quen quấn tã cho trẻ ở tư thế khép, duỗi hai khớp háng cùng với nhau được cho là nguyên nhân của tình trạng mất vững khớp háng. 80% trẻ bị thường là trẻ gái. Háng trái chiếm 60%, háng phải 20% và cả hai háng chiếm 20%. Nguyên nhân bé gái hay bị bệnh lý này được cho là do tình trạng dây chằng lỏng lẻo tạm thời dưới tác dụng của estrogen đi từ mẹ qua nhau thai.

Ngày xưa ông bà, ba mẹ chúng ta thường giao em cho các anh chị ẵm, các bé được cõng hoặc ẵm nách. Chúng ta sợ các bé lớn lên sẽ đi chân hai hàng nhưng các bác sĩ đã chứng minh tư thế này làm cho khớp háng bé phát triển tốt nhất và như vậy ít có nguy cơ bị hư khớp háng về sau. Cuộc sống hiện đại hơn nên các bé ngày nay thường được quấn tã và đặt trong nôi ở tư thế háng khép và duỗi. Đây lại là yếu tố khiến tỉ lệ mất vững khớp háng tăng cao hơn và tương lai sẽ có nhiều người bị thoái hóa khớp háng hơn.

Ngoài ra, loạn sản phát triển của khớp háng hay gặp ở trẻ sinh ra ngôi ngược (mông ra trước). Lời khuyên đối với các bậc phụ huynh có con sinh ngôi ngược (dù là sinh mổ hay sinh thường) nên cho bé đi siêu âm kiểm tra sự phát triển khớp háng lúc mới sinh, sáu tháng sau và khi bé biết đi 2-3 tuổi để phát hiện tình trạng mất vững khớp háng. Đối với các bé bình thường, khi quấn tã cho bé nên quấn tã tư thế háng giạng, hơi gấp.

Nếu khi trẻ biết đi mà có dáng đi lạch bạch như vịt, phụ huynh cần đưa trẻ khám ở bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để có thể phát hiện tình trạng loạn sản khớp háng. Điều trị sớm khi còn bé sẽ tránh được tình trạng hư khớp và phải thay khớp ở tuổi trung niên.

AloBacsi.vn
Theo Ths.BS Tăng Hà Nam Anh - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X