Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật phong bế thần kinh nếu đau bìu mạn tính không đáp ứng với thuốc giảm đau

Việc chỉ định phẫu thuật chỉ được áp dụng khi bệnh nhân đã được áp dụng tất cả các phương pháp nhưng không hiệu quả, cơn đau bìu ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, xác định nguyên nhân cụ thể. Đó là những chia sẻ của ThS.BS Lê Anh Tuấn - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân.

1. Đau bìu chiếm 40% lý do nam giới đến khám nam khoa và tiết niệu trên thế giới

Số lượng bệnh nhân đau bìu mạn tính đến với Bệnh viện Bình Dân?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân nam trẻ tuổi đến Bệnh viện Bình Dân để thăm khám vấn đề đau bìu mạn tính. Vấn đề này tại Việt Nam chưa có con số thống kê rõ ràng nhưng tại nước ngoài, đau bìu chiếm 40% các lý do nam giới đến khám nam khoa hoặc tiết niệu.

2. Rất khó phân biệt cảm giác đau ở tinh hoàn, dương vật hay vùng bìu

Rất nhiều bạn nam gửi câu hỏi về AloBacsi mô tả rằng bị đau bộ phận sinh dục, nhưng hiểu khi chính các bạn cũng không chắc cảm giác đau này là đau tinh hoàn hay đau bìu. Vậy BS có thể chỉ ra cách nhận diện đau bìu?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Rất khó để phân biệt cảm giác đau ở tinh hoàn, dương vật hay vùng bìu, bởi vì hệ thần kinh ở vùng cơ quan sinh dục này dính liền với nhau, khi đau một cơ quan, đồng thời, bệnh nhân có thể có cảm giác đau ở các cơ quan khác. Có một số bệnh nhân luôn than đau bìu nhưng đồng thời sẽ có các triệu chứng khác như kích thích đường tiểu, triệu chứng bệnh lý khác như đau vùng chân, đau vùng hạ vị…

Đau là vấn đề rất khó phân biệt, vì vậy, trên lý thuyết sẽ không xác định đau tại một vùng cơ quan nào cụ thể, mà sẽ là hội chứng đau bìu mạn tính hoặc đau vùng chậu mạn tính, theo đó, sẽ xác định được là bệnh nhân đau cơ quan sinh dục.

3. Đau bìu mạn tính là đau kéo dài hơn 3 tháng, âm ỉ kéo dài

Đau bìu chia làm mấy loại, thế nào được gọi là đau bìu mạn tính ạ?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đau bìu mạn tính là tình trạng đau kéo dài hơn 3 tháng, đặc biệt, cơn đau này không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa, uống thuốc… bệnh nhân có cảm giác ảnh hưởng đến cuộc sống, đó là đau bìu mạn tính.

Cơn đau này được phân biệt rõ với đau bìu cấp tính, đau bìu cấp tính diễn ra ngắn nhưng có cảm giác đau nhiều, còn mạn tính có thể đau ít, đau nhiều và thời gian đâu kéo dài. Lý do 3 tháng bệnh nhân sẽ cần quay tại tái khám, vì cơn đau này không quá nguy hiểm, nhưng để lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân nhiều hơn đau bìu cấp tính.

Khi bệnh nhân bị đau bìu cấp tính, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn, bệnh nhân sẽ đến gặp bác sĩ liền. Nhưng với cơn đau bìu mạn tính sẽ diễn ra từ từ, âm ỉ, bệnh nhân quen với điều đó nhưng cơn đau này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh rất nhiều so với các cơn đau khác.

4. Triệt sản, chấn thương, viêm nhiễm, nguyên nhân gây đau bìu mạn tính

BS có thể cho biết nguyên nhân thường gặp gây đau bìu? Với trường hợp đau bìu mạn tính thì nguyên nhân là gì?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đau là khái niệm mơ hồ, vì vậy, có những nguyên nhân tiềm ẩn trước đó, ở nước ngoài, đa số nguyên nhân đau bìu mạn tính được xác định bắt nguồn từ cơ quan sinh dục.

Tại Việt Nam, việc phẫu thuật triệt sản không được phổ biến rộng rãi, nhưng ở nước ngoài sẽ thực hiện phẫu thuật triệt sản, và khoảng 5-10% bệnh nhân có cơn đau bìu kéo dài sau phẫu thuật triệt sản, cơn đau không có dấu hiệu giảm.

Những trường hợp bệnh nhân có phẫu thuật vùng bẹn, bìu, cơ quan sinh dục như phẫu thuật thoát vị bẹn, phẫu thuật tràn dịch tinh mạc… sẽ gây kích thích cơn đau. Hoặc những bệnh nhân có chấn thương tinh hoàn trước đó, có thể là các chấn thương khi bệnh nhân bị té, bị đá, bị bóp…

Hay bệnh nhân bị tổn thương do viêm nhiễm như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh và đã được điều trị. Khi bệnh nhân được chữa khỏi nhưng cơ quan này vẫn có cảm nhận đang bị tổn thương. Đó là sự khác biệt giữa cấp và mạn tính. Tức là có những tín hiệu thần kinh vùng bìu sẽ phát tín hiệu bệnh nhân đang đau tại vị trí đó, nhưng sự thật là tổn thương đã được giải quyết, đó chỉ là tín hiệu giả, dẫn tới tình trạng đau mạn tính của bệnh nhân.

5. Bệnh nhân nên đi khám khi có cơn đau bìu

Liệu nam giới có cách nào xử trí tại nhà khi bị đau bìu không ạ?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đau có thể chỉ là đau vùng cơ hoặc do mạch máu giãn hoặc các vấn đề khác đều là bệnh lý mạn tính. Đầu tiên, nếu có điều kiện, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa, ít nhất sẽ có một chẩn đoán dựa trên siêu âm, phương pháp lâm sàng để biết nguyên nhân.

Bởi vì, có một số vấn đề đau mạn tính không cần điều trị quá sớm như đau do tình trạng giãn màng tinh, đau do co thắt cơ vùng vùng bìu, có khi bệnh nhân chỉ cần căng thẳng có thể gây đau vùng bìu, hay khi bệnh nhân hoạt động, làm việc quá nhiều sẽ gây ứ trệ máu vùng tinh hoàn và gây đau… Những trường hợp này nếu bệnh nhân có điều kiện nên đến thăm khám, biết được nguyên nhân mạn tính hay cấp tính, có cần can thiệp hay không.

Nếu không thể đi khám, có thể sử dụng một số thuốc giảm đau nhẹ, loại phổ biến là paracetamol, điều này không quá gây hại, bệnh nhân có thể uống 1-2 viên/ngày, uống 1-2 ngày xem tình trạng có thuyên giảm hay không.

Bệnh nhân nên cẩn thận đối với đau bìu mạn tính, nghĩ đó là mạn tính nhưng thực chất là cấp tính. Bệnh nhân đã có tình trạng mạn tính, luôn có cảm giác tức bìu, nhưng đến nay có cơn đau tương tự trên nền cơn đau trước đó, có thể đây là cơn đau cấp tính do tổn thương, ví dụ như viêm tinh hoàn.

Bệnh nhân nghĩ đó là cơn đau mạn tính, nhiều bệnh nhân khi đến với bác sĩ từng có tiền căn giãn tinh hoàn, nhưng đến nay đi khám là viêm tinh hoàn. Vấn đề viêm tinh hoàn không thể thuyên giảm khi sử dụng thuốc giảm đau thông thường, cần sử dụng kháng sinh, kháng viêm và hàng loạt các loại thuốc khác để điều trị.

6. Chỉ định phẫu thuật khi đã điều trị bằng mọi phương pháp nhưng không hiệu quả

Tại BV Bình Dân, bệnh nhân bị đau bìu mạn tính được điều trị như thế nào, có cần phẫu thuật không ạ?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đa phần các trường hợp đau bìu mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa trước với điều kiện đã biết được nguyên nhân gây đau bìu có thể can thiệp được hay không.

Ví dụ, bệnh nhân đau bìu mạn tính từ các phẫu thuật trước đó như: phẫu thuật triệt sản, phẫu thuật thoát vị bẹn… Những phẫu thuật này đã kết thúc và tổn thương bệnh nhân gặp phải là tổn thương giả, nghĩa là tín hiệu thần kinh báo hiệu mô này bị tổn thương, phát tín hiệu giả. Lúc này, bệnh nhân có thể uống thuốc giảm đau, giảm ức chế thần kinh để cắt tín hiệu, bệnh nhân sẽ tạm thời ổn định và giảm cơn đau bìu.

Tuy nhiên, nếu là tình trạng mạn tính thật sự như các tổn thương mạn tính tinh hoàn, viêm mào tinh mạn tính, cần thực hiện phẫu thuật để cắt khối niêm mạc, khi đó, bệnh nhân sẽ hết đau, hoặc khi bệnh nhân có các nguyên nhân cụ thể như giãn tĩnh mạch tinh trước đó hay các vấn đề khác, bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân và điều trị cho bệnh nhân.

Nếu đã tìm hết mà không có nguyên nhân nào cụ thể, sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau, ức chế thần kinh để tạm thời điều trị từ 3-6 tháng xem tình trạng có thuyên giảm hay không.

Nếu bệnh nhân không đáp ứng giảm đau, có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật mới hơn như phẫu thuật phong bế thần kinh. Đây là phẫu thuật can thiệp xâm lấn trên bệnh nhân, do đó, đòi hỏi phải thử hết tất cả các cách mà bệnh nhân vẫn còn đau, cơn đau này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân quá nhiều, lúc đó sẽ chỉ định can thiệp.

Đau không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của bệnh nhân, trong các nghiên cứu tại khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân, những bệnh nhân đau bìu mạn tính đều là người trẻ, trung bình khoảng 25-35 tuổi, đây là độ tuổi bệnh nhân có hoạt động tình dục nhiều, nếu cơn đau diễn ra liên tục, sự tận hưởng cuộc sống sẽ ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí, có những bệnh nhân stress và căng thẳng, đó là yếu tố cần can thiệp cho bệnh nhân.

>>> Phần 2: Đau thần kinh trung tâm khiến nam giới sau phẫu thuật vẫn tiếp tục đau bìu

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X