Hotline 24/7
08983-08983

Đau thần kinh trung tâm khiến nam giới sau phẫu thuật vẫn tiếp tục đau bìu

Phương pháp phẫu thuật nào điều trị đau bìu mạn tính? Phẫu thuật có giúp cắt hoàn toàn cơn đau bìu mạn tính? Người bệnh đau bìu mạn tính cần lưu ý những gì? ThS.BS Lê Anh Tuấn - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân sẽ giải đáp những vấn đề này.

1. Phẫu thuật cắt thần kinh thừng tinh không đảm bảo hết đau hoàn toàn

Bạn đọc tham khảo thấy một số cơ sở y tế có “phẫu thuật cắt thần kinh tinh hoàn” để chấm dứt đau bìu mạn tính. Theo BS phương pháp này có khả thi không? Và có bất lợi gì về sau này khi nam giới lập gia đình không ạ?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Phương pháp phẫu thuật cắt thần kinh thừng tinh để điều trị mạn tính đã có trên y văn từ năm 1970 đến nay, vấn đề quan trọng là cần áp dụng phương pháp này theo đúng hướng dẫn điều trị, là khi không còn phương pháp nào khác để áp dụng.

Bởi vì, khi phong bế thần kinh của tinh hoàn, vùng này sẽ không còn cảm giác, tuy nhiên, có những bệnh nhân sau khi mổ vẫn còn cảm giác đau do chuyển qua đau thần kinh trung tâm, vì không chỉ có tín hiệu thần kinh từ vùng bìu gây đau, mà sau khi phẫu thuật, tín hiệu trên não sẽ luôn có cảm giác đau thần kinh trung tâm, khi đau thần kinh trung tâm, dù đã mổ vẫn sẽ có cảm giác đau.

Đôi khi việc phẫu thuật bóc tách thừng tinh để phong bế tinh hoàn là việc khá khó, đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm để bóc tách được thừng tinh. Nếu bóc tách không tốt sẽ gây tổn thương tinh hoàn, tổn thương mạch máu và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân về sau.

Do đó, khi tư vấn cho bệnh nhân, cần phải hỏi bệnh nhân đã có gia đình chưa, vấn đề đau hiện tại có ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân quá nhiều hay không, nếu có ảnh hưởng, không đáp ứng điều trị thuốc, và bệnh nhân chấp nhận một phần nguy cơ có thể gây tổn thương tinh hoàn, lúc này sẽ chỉ định phẫu thuật.

Không bao giờ đảm bảo sau phẫu thuật sẽ hết đau hoàn toàn, theo toàn thế giới hiện nay về tỷ lệ mất cảm giác đau hoàn toàn sau phẫu thuật trung bình khoảng 20%, nghĩa là cứ 10 bệnh nhân mổ sẽ có 2 bệnh nhân không còn đau; 50% giảm được cảm giác đau; 20% bệnh nhân còn đau, đây là những trường hợp đau thần kinh trung tâm, bắt buộc phải sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.

Vấn đề quan trong là bệnh nhân phải chọn được đơn vị có kính phẫu thuật vi phẫu, sẽ phong bế được thần kinh tốt nhất, nếu phẫu thuật với mắt thường sẽ gây tổn thương thừng tinh, tinh hoàn rất nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống bệnh nhân về sau.

2. Thói quen không mặc quần lót khiến bìu giãn nhiều hơn

Việc hạn chế chạy nhảy có giúp giảm tình trạng đau bìu mạn tính?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đau bìu mạn tính xuất phát hàng đầu từ những tín hiệu thần kinh giả từ vùng bìu, gây ảnh hưởng đến bệnh nhân. Vì vậy, khi chạy nhảy nhiều sẽ gây kích thích vùng này, một số trường hợp sẽ tăng kích thích, nhưng không có cảm giác cụ thể, rõ ràng.

Do đó, khi thăm khám cần hỏi bệnh nhân những việc như chạy nhảy, quan hệ tình dục, các động tác kích thích lên vùng bìu có gây đau cho bệnh nhân hay không, nếu có nên khuyên bệnh nhân hạn chế, còn nếu không ảnh hưởng, bệnh nhân không cần hạn chế chạy nhảy.

Tuy nhiên, cần hiểu đôi khi đau bìu mạn tính xuất phát từ giãn tĩnh mạch tinh hoàn. Nghĩa là bệnh nhân có tình trạng đau bìu bởi những tổn thương trước đó, đồng thời có giãn tĩnh mạch tinh hoàn. Nếu có giãn tĩnh mạch tinh hoàn, vùng mạch máu tại vị trí tinh hoàn bị giãn ra.

Cần hiểu tại sao nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn, có thể hình dung bằng hình ảnh con vượn, động vật này không bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn do đứng bằng 4 chân, còn con người đứng bằng 2 chân, do đó, khoảng cách từ trái tim đến vùng bìu rộng hơn, con vượn khi bò, cơ thể nằm ngang, còn con người đứng thẳng nên áp lực tĩnh mạch lên vùng bìu cao hơn động vật rất nhiều.

Một số thói quen ở nam giới Việt Nam là không mặc quần lót khiến bìu giãn ra, khoảng cách nhiều hơn, tình trạng máu dễ ứ đọng khi tĩnh mạch tinh hoàn đã giãn ra, tổn thương và gây ảnh hưởng mạch máu này có thể dẫn đến tình trạng đau tinh hoàn, đồng thời, sự giãn tĩnh mạch tinh hoàn sẽ gây kích thích tín hiệu thần kinh nhiều hơn, bệnh nhân có tình trạng giãn và gây đau. Đồng thời, bệnh nhân có kích thích thần kinh và khuếch đại tín hiệu lên, khiến bệnh nhân bị đau nhiều hơn.

Ngoài ra, một số bệnh nhân khi stress sẽ bị đau khắp nơi, không chỉ đau vùng bìu. Bên cạnh đó, bệnh nhân khi càng stress, càng căng thẳng sẽ đau nhiều hơn, và ngược lại, người bệnh càng đau, tình trạng stress càng nghiêm trọng, đó là vòng xoáy bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến người bệnh.

Vì vậy, với những bệnh nhân bị đau bìu mạn tính, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên làm những việc họ cảm thấy thoải mái nhất. Nếu chạy nhảy, vận động nhiều, nên sử dụng các loại quần lót hỗ trợ nâng bìu cho bệnh nhân, còn nếu bệnh nhân không thích mặc quần lót, bệnh sẽ tái phát.

3. Không sử dụng thuốc giảm đau có tác dụng kháng viêm khi bị đau bìu

BS có lời khuyên dành cho nam giới bị đau bìu mạn tính: dấu hiệu nào là nguy hiểm? Những kiêng cữ hợp lý?...

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh bìu hoặc ảnh hưởng tới đau bìu mạn tính ở bệnh nhân là vùng bìu có thay đổi so với ngày thường hay không, vùng bìu có sưng đau, có thay đổi về cấu trúc hay không, quan trọng là người bệnh có thấy an tâm với vấn đề đau hiện tại hay không. Nếu cảm thấy không an tâm khi có cơn đau bìu, bệnh nhân nên đi khám, cảm giác của bệnh nhân là cảm giác quan trọng nhất. Bên cạnh đó, những dấu hiệu sưng hơn, đau nhiều hơn và không đáp ứng giảm đau với paracetamol, người bệnh nên đi khám.

Đặc biệt, bác sĩ không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng các loại thuốc giảm đau khác trừ paracetamol, bởi vì, paracetamol chỉ có tác dụng giảm đau, không có tác dụng kháng viêm. Vì vậy, nếu sử dụng các thuốc giảm đau có tác dụng kháng viêm, bệnh nhân sẽ làm che lấp các tổn thương tinh hoàn như viêm tinh hoàn hoặc các phản ứng nặng nề trên tinh hoàn như xoắn tinh hoàn, điều này sẽ làm ảnh hưởng và trì hoãn việc bệnh nhân đi khám.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải cảm nhận cơ thể, nếu thấy không an tâm, nên đi khám. Bên cạnh đó, nếu thấy vùng bìu có thay đổi về kích thước, màu sắc, cảm giác đau nhiều hơn, người bệnh nên đi khám.

Đối với những bệnh nhân bị đau bìu mạn tính, bác sĩ khuyến cáo, thứ nhất, bệnh nhân nên sống thoải mái. Thứ hai, xem xét chế độ công việc và quan hệ tình dục có ảnh hưởng đến đau bìu mạn tính hay không, những yếu tố ảnh hưởng quá nhiều, gây kích thích, người bệnh nên tránh, nếu không tránh được, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ.

Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân, nếu bệnh nhân đau do giãn tĩnh mạch tinh hoàn, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc; đau do những tổn thương khác, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật; hoặc đau do những vấn đề không cơ năng, bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ chăm sóc phù hợp ở từng bệnh nhân.

>>> Phần 1: Phẫu thuật phong bế thần kinh nếu đau bìu mạn tính không đáp ứng với thuốc giảm đau

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X