Phân biệt khí hư bất thường và khí hư sinh lý
Khí hư - loại dịch tiết âm đạo khiến nhiều chị em lo lắng không biết là bất thường hay do sinh lý. Vậy làm sao để phân biệt khí hư bệnh lý với khi hư sinh lý? Cùng tìm câu trả lời qua chia sẻ của TS.BS Trần Nhật Thăng - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Hot Tiktoker Đô Nan Trinh.
1. Khí hư bất thường nên đến gặp bác sĩ, không nghe thông tin khác
Nhân chương trình hôm nay, Đô Nan Trinh cũng rất muốn nhận được lời khuyên từ chuyên gia:
- Viêm phụ khoa là gì, thế nào là khí hư bất thường ạ? Tình trạng này có nguy hiểm không và có khó chữa không ạ?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Khí hư hay huyết trắng các bác sĩ gọi là tiết dịch âm đạo bất thường, dùng để mô tả vấn đề chảy dịch từ trong vùng kín ra nhiều hơn bình thường. Điều này không hoàn toàn là biểu hiện của viêm nhiễm hay sự thay đổi bất thường, thực chất tiết dịch âm đạo bất thường chỉ nói về việc ra dịch nhiều hơn.
Người bệnh cần kể cho bác sĩ tình trạng tiết dịch âm đạo nhiều như thế nào: thường xuyên ở tất cả các lần, các ngày trong suốt tháng hay chỉ tăng lên ở vài ngày trong một tháng, có kèm cảm giác ngứa rát, mùi khác biệt hay không (ví dụ, dịch ra và có mùi hôi bất thường sau quan hệ…) khi đó bác sĩ có thể định hình được là dấu hiệu của viêm nhiễm, rối loạn cân bằng vi khuẩn.
Trường hợp tiết dịch nhiều hơn xung quanh ngày rụng trứng là vấn đề sinh lý bình thường, xảy ra hàng tháng, không nên lo lắng.
Trường hợp bạn phát hiện có mùi khó chịu, cảm giác bỏng, rát, ngứa ngáy, ra thường xuyên không theo chu kỳ, ngày nào cũng bị thì là bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm, kiểm tra các tác nhân nhiễm khuẩn, đồng thời xác định các tác động ảnh hưởng gì cho cơ quan sinh sản của bạn và điều chỉnh bằng thuốc.
Lưu ý, nếu khí hư, dịch âm đạo khiến bạn khó chịu, việc đầu tiên hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, kể và hỏi kỹ, điều này giúp bác sĩ đánh giá được vấn đề. Bạn tuyệt đối không nghe người xung quanh, tự ý dùng thuốc cho đến khi đã rối loạn quá nhiều mới chịu đến gặp bác sĩ.
Cần nhấn mạnh rằng, việc đi hỏi người xung quanh hay tự tra cứu trên mạng không giúp bạn giải quyết được vấn đề, dẫn đến tự suy đoán bệnh, ngày càng hoang mang, và đôi khi từ không bệnh thành có bệnh.
2. Cân bằng môi trường sinh dục để chống lại viêm nhiễm
Thắc mắc của Đô Nan Trinh cũng là nỗi lòng của chị em phụ nữ, nhất là tình trạng viêm phụ khoa này cứ tái đi tái lại, Đô Nan Trinh có nghe các bạn chia sẻ hay bản thân có kinh nghiệm gì không?
KOC Đô Nan Trinh trả lời: Vấn đề viêm tái đi tái lại khiến em khá lo lắng vì nghe bạn bè xung quanh đồn thổi, bản thân bị tâm lý yếu nên rất sợ nghe các vấn đề đó. Bạn bè cũng nói khi đi khám phụ khoa sẽ dùng mỏ vịt nên càng sợ thêm.
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Nhắc đến chiếc mỏ vịt, nhân đây tôi xin “bào chữa” cho dụng cụ hành nghề của bác sĩ sản phụ khoa.
Dụng cụ mỏ vịt có hình dáng giống mỏ con vịt, mô tả này giúp những người chưa từng đi khám phụ khoa hoặc có tâm lý hoảng loạn khi vào phòng bác sĩ, không dám mở mắt nhìn sẽ dễ hiểu hơn.
Dụng cụ mỏ vịt giúp bác sĩ mở rộng đường sinh dục để nhìn vào bên trong, kiểm tra tiết dịch âm đạo bất thường đến từ đâu: ở thành âm đạo hay sâu bên trong tử cung chảy ra. Giống như con vịt có con nhỏ, con lớn thì dụng cụ mỏ vịt có nhiều kích thước khác nhau, bác sĩ sẽ lựa chọn dụng cụ phù hợp với từng người.
Ngoài ra, cần hiểu cơ thể người phụ nữ có phản xạ tự nhiên, tâm lý càng lo sợ đường sinh dục càng tự động co thắt. Trong công tác giảng dạy và làm việc, chúng tôi luôn trao đổi về vấn đề nhân viên y tế phải hiểu được tâm lý của bệnh nhân khi thấy bác sĩ cầm mỏ vịt, từ đó chuẩn bị tốt tâm lý cho người được thăm khám.
Cụ thể, bác sĩ phải cho bệnh nhân nhìn thấy dụng cụ khám, chia sẻ quy trình, giải thích quy trình thực hiện. Ví dụ bác sĩ dùng dụng cụ này mở rộng để hé nhìn vào trong, không mổ xẻ hay làm những điều đáng lo sợ.
Việc trao đổi thông tin, hỏi ra các triệu chứng trước đó là bước để tạo lập niềm tin, giúp bệnh nhân có sự thư giãn, thoải mái nhất định thì bác sĩ mới tiến hành thăm khám.
Khi bệnh nhân đã nằm trên bàn khám, bác sĩ nhẹ nhàng đặt mỏ vịt vào, mở ra để quan sát bên trong mà không gây đau. Sau đó lấy mẫu xét nghiệm nhằm phân tích có sự hiện diện của các loại vi khuẩn bất lợi hay không? Còn tồn tại vi khuẩn cộng sinh có lợi không? Từ đó điều chỉnh, bổ sung các loại vi khuẩn có lợi, loại bỏ vi khuẩn bất lợi, tạo lại sự cân bằng cho cơ quan sinh dục của người phụ nữ.
Sự cân bằng đó sẽ giúp phụ nữ điều chỉnh viêm nhiễm, tránh tái phát, vì chính sự mất cân bằng là nguồn cơn tái đi tái lại của viêm nhiễm.
3. Tại sao viêm nhiễm phụ khoa dễ bị tái phát?
Tại sao viêm nhiễm phụ khoa lại có tình trạng tái đi tái lại ạ, thưa BS?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Bác sĩ thường ví cơ quan sinh dục của phụ nữ giống như một khu chung cư, vi khuẩn cộng sinh như người dân sống lâu năm tại đây và vi khuẩn bất lợi là người lạ đến sinh sống. Thực tế không chỉ ở cơ quan sinh dục mà kể cả khoang miệng, làn da, mọi vị trí trên cơ thể đều có các vi khuẩn cộng sinh có lợi.
Đặc biệt, tại cơ quan sinh dục, khi vi khuẩn cộng sinh sống ở đây một thời gian dài tạo ra môi trường tự nhiên, sinh lý và trở thành hàng rào bảo vệ. Khi có nấm, vi khuẩn có hại hiện diện trong cơ quan sinh dục cũng chỉ ở dạng tiềm ẩn, không thể gây bệnh, bởi vì hàng rào bảo vệ đã kiềm chế các yếu tố gây hại này.
Tuy nhiên nếu người phụ nữ không tôn trọng sự cân bằng đó, tự ý sử dụng thuốc điều trị không có chỉ định của bác sĩ, ví dụ như tự pha thuốc ngâm, thụt rửa, pha dung dịch rửa… vô tình đưa hóa chất vào cơ quan sinh dục, điều trị không đúng cách, diệt đi các con vi khuẩn tự nhiên làm môi trường âm đạo và pH âm đạo ngày càng thay đổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại tấn công cơ quan sinh dục.
Ngoài ra, việc quên tái lập cân bằng cơ quan sinh dục cũng là nguyên nhân tái viêm nhiễm.
Khi các loại vi khuẩn cộng sinh tự nhiên không còn, dù điều trị bằng thuốc hay các phương pháp đặc hiệu vẫn có nguy cơ tái viêm nhiễm.
Điều quan trọng là phải phát hiện đúng bệnh, xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời điều trị ổn định và tái lập lại môi trường tại chỗ, tư vấn đúng cách vệ sinh, không làm thay đổi môi trường âm đạo và pH âm đạo. Làm được tất cả các vấn đề này sẽ tạo nên sức khỏe nội tại bên trong để chống lại viêm nhiễm, trở lại sự cân bằng.
4. Không quan hệ tình dục, không đặt thuốc trước khi đi khám phụ khoa
Xin hỏi BS, trước khi đi khám, các chị em cần chuẩn bị hay lưu ý những gì ạ? Có cần kiêng quan hệ tình dục trước khi đi khám phụ khoa?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Trước khi đi khám phụ khoa, khuyến cáo người bệnh không nên quan hệ tình dục, không đặt thuốc vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và nhận định của bác sĩ. Bởi vì khi thăm khám, việc đầu tiên bác sĩ nhìn, quan sát và có thể lấy mẫu xét nghiệm.
Một số hoàn cảnh khác, ví dụ đang hành kinh rất nhiều có thể gây khó khăn cho nhận định của bác sĩ, lúc máu đang chảy ra sẽ không thể làm xét nghiệm, không nhìn thấy tiết dịch bất thường gây khó chịu cho người bệnh trước đó. Vì vậy khám phụ khoa nên đi vào thời điểm chị em không hành kinh.
Đặc biệt, vấn đề rất quan trọng là nếu chị em đang có triệu chứng thì nên đi khám liền.
>>> Khám phụ khoa: hiểu rõ để khỏi ngại ngần
Trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Nhật Thăng, TikToker Đô Nan Trinh và nhãn hàng Lavima đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình