Khám phụ khoa: hiểu rõ để khỏi ngại ngần
Khám phụ khoa là vấn đề khiến nhiều chị em ngần ngại, thậm chí lo sợ khi nhắc đến. Vậy đâu là nguyên nhân khiến chị em ngại khám phụ khoa? Làm sao để giải quyết tình trạng này? Vấn đề sẽ được giải đáp bởi TS.BS Trần Nhật Thăng - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Hot Tiktoker Đô Nan Trinh.
1. Hãy xem đi khám phụ khoa là buổi tư vấn, chia sẻ vấn đề khúc mắc
Bình thương Đô Nan Trình rất tươi tắn, hào hứng, năng động nhưng nay gặp BS có cảm giác co ro giống tâm lý đi khám phụ khoa.
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Đây là một vấn đề tâm sinh lý bình thường. Bởi vì dù chúng ta có thay đổi tư tưởng, cởi mở trong văn hóa nhưng tâm lý ngại ngùng khi đề cập tới khám phụ khoa vẫn là phản ứng bình thường của nhiều chị em, thậm chí giữa hai người phụ nữ với nhau vẫn không thể thoải mái chia sẻ.
Một ví dụ khá tương đồng, tôi thấy có hiện tượng các bạn nữ rủ nhau vào nhà vệ sinh chung, ban đầu tôi thắc mắc tại sao đi vệ sinh chung như vậy, sau đó mới biết là các bạn cùng vào nhà vệ sinh để dặm phấn, tám chuyện cùng nhau.
Do đó, khám phụ khoa không hẳn là khám bệnh mà có thể đó là một buổi đến để chia sẻ thông tin, tư vấn, hỏi ra khúc mắc trong lòng. Tuy nhiên, để gỡ được đúng khúc mắc bạn phải có một tâm lý thoải mái khi đi khám, nói ra chính xác các vấn đề bản thân đang ưu tư và bác sĩ cũng cần thời gian để hỏi ra vấn đề người bệnh đang gặp phải.
Vì vậy, nhắc đến khám phụ khoa hãy bỏ tư tưởng là đi khám bệnh, đôi khi đó là tư vấn về sức khỏe sinh sản, không phải chỉ khám phụ khoa.
Nhờ BS chia sẻ về tầm quan trọng của khám phụ khoa với sức khỏe của chị em phụ nữ ? Khám phụ khoa sẽ gồm những gì và khi nào cần đi khám ạ?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Nếu cởi mở trong suy nghĩ, đôi khi khám phụ khoa không phải câu chuyện bệnh lý. Người phụ nữ có một số vấn đề rối loạn chức năng của cơ quan sinh sản không bắt buộc điều chỉnh bằng thuốc mà nhiều trường hợp chỉ cần thông tin tốt, hiểu được thế nào là thay đổi sinh lý và thích nghi với nó.
Chẳng hạn, chúng tôi nhận nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến khí hư tăng lên, giảm xuống trong chu kỳ sinh lý, chu kỳ tháng của người phụ nữ.
Đôi khi chuyện đi khám phụ khoa chỉ là chia sẻ, hỏi ra cho đúng thông tin, tiếp nhận thông tin chính xác, khoa học, và việc chăm sóc hiện tại của chị em có phù hợp hay không, có cân bằng, sinh lý hay không.
Đồng thời, ở buổi chia sẻ bạn có thể hỏi thêm các vấn đề chăm sóc và phòng ngừa những bệnh lý có thể tái đi tái lại, một trong những chuyện khiến chị em khó chịu là viêm nhiễm đã điều chỉnh, sau đó xuất hiện lại nhưng không biết lần này có giống tình trạng trước đó hay không, tất cả các vấn đề này đều là các việc chị em đến gặp bác sĩ để hỏi, trong y khoa gọi đây là bác sĩ hỏi bệnh. Việc hỏi bệnh không phải khai báo cái gì nghiêm trọng mà chỉ là để bác sĩ xác nhận đúng thông tin.
Tôi có một bệnh nhân khá trẻ, nói qua điện thoại rằng “em không còn thấy gì”, trong y khoa sẽ cho rằng trường hợp này có thể là mất thị lực đột ngột. Tuy nhiên khi đến thăm khám trực tiếp, tôi phát hiện bệnh nhân này bị chóng mặt.
Về phụ khoa, nếu người bệnh thông tin cho bác sĩ là “em có huyết trắng, khí hư”… nhưng mỗi người có một cách diễn tả khác nhau, đôi khi hiểu sai thành vấn đề trầm trọng. Khi người bệnh lên google tìm kiếm các thông tin như huyết trắng bệnh lý, huyết trắng viêm nhiễm… sẽ ra rất nhiều thông tin khủng khiếp, những chuyện này khiến chị em càng sợ hơn khi đến gặp bác sĩ.
2. Gen Z sợ đi khám phụ khoa, giải quyết thế nào?
Trong các nguyên nhân cần đi khám thì viêm phụ khoa là vấn đề phổ biến, đặc biệt là tình trạng khí hư khiến các chị em, đặc biệt là các bạn trẻ khó chịu nhưng lại ngại bày tỏ và cũng ngại đi khám.
- Thực tế khi đối diện với các vấn đề này, ở thế hệ gen Z, theo Đô Nan Trinh nhận thấy, điều gì khiến các bạn trẻ lo ngại khi đối diện với các vấn đề nhạy cảm như viêm phụ khoa, khí hư như vậy?
KOC Đô Nan Trinh trả lời: Ở độ tuổi của em sẽ có tâm lý sợ đau và sợ đi khám. Ngoài ra đi khám phụ khoa còn sợ người xung quanh đánh giá đã quan hệ sớm nên rất ngại
- Đô Nan Trinh với vấn đề viêm nhiễm phụ khoa bạn có những lo lắng gì?
KOC Đô Nan Trinh trả lời: Khi đến tuổi dậy thì, kinh nguyệt ra sớm nên tụi em gặp khó khăn trong việc không biết phải làm thế nào để vệ sinh sạch sẽ.
Có những ngày mưa, đồ phơi khô không kịp mà đang gấp nên em mặc đại một bộ đồ và nghĩ rằng đi ra đường một lúc sẽ khô. Nhưng một thời gian sau em thấy có mùi và có khí hư nên khá lo lắng và không biết làm thế nào, không dám chia sẻ với gia đình vì bản thân em là một người hướng nội. Lúc đó em chỉ biết dùng điện thoại tìm kiếm các thông tin về vấn đề của bản thân nhưng không có kết quả.
- Nhờ BS chia sẻ giúp các bạn trẻ như thế nào là viêm phụ khoa, thế nào là khí hư bất thường?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Những vấn đề các bạn nữ gặp phải, đầu tiên là câu chữ, từ ngữ nói ra khác với từ khóa trong kết quả tìm kiếm. Thứ hai là tâm lý ngại ngần.
Khi muốn đề cập về vấn đề ra dịch lạ, không biết đó là bình thường hay bất thường, tuy nhiên vì có rất nhiều từ mô tả khác nhau, ví dụ như khí hư, có người mô tả là huyết trắng, sau đó từ huyết được hiểu sang thành máu, dẫn đến các kết quả tra cứu được là các vấn đề bất thường khác, dần dần các thông tin ngày càng sai lệch so với mô tả ban đầu. Đó là vấn đề xảy ra nếu không gặp nhân viên y tế để trò chuyện đúng, mà thay tất cả bằng google, chat GPT, AI…
Bên cạnh đó, việc không đi đúng hướng có thể dẫn đến vấn đề đi quá xa, vì vậy việc có kênh trao đổi, có cách tiếp cận với nhân viên y tế là chuyện rất cần thiết.
Về việc tìm kiếm một kênh y tế tốt, người bệnh ngại ngần những vấn đề gặp phải khá bình thường, tuy nhiên độ tuổi của các bạn hiện nay nằm trong nhóm người ngày càng thoáng hơn, chủ động hơn trong mọi thứ của cuộc sống, do đó không bắt buộc phải đến bệnh viện khám phụ khoa.
Thay vào đó các bạn có thể hỏi ở những môi trường khác nhau, các phòng khám riêng tư vẫn có thể hỏi được thông tin chính xác, bỏ qua những lo lắng, ngại ngần ban đầu.
Lưu ý lần khám đầu tiên đôi khi chỉ đề hỏi, tư vấn, trao đổi cho ra vấn đề, còn việc đó có phải viêm hay không, nhiễm trùng hay không, và tình trạng nhiễm trùng có nguy hiểm hay chỉ ở mức cân bằng các rối loạn thoáng qua mà chính cơ thể có thể tự điều chỉnh vì bản thân là người khỏe mạnh bình thường. Không chắc chắn các dịch bất thường là biểu hiện của viêm nhiễm.
Trường hợp khác, có thể bạn bị viêm nhiễm nhưng không có khả năng kiểm tra thông tin bệnh, cuối cùng tự suy diễn, nói với bạn bè xung quanh rồi cho rằng hai trường hợp giống nhau, dùng loại thuốc mà bạn mình đang sử dụng, việc này có thể làm tăng các rối loạn.
Thực tế môi trường ở vùng kín người phụ nữ có thể tự cân bằng và tự điều chỉnh lại, nhưng chính sự mất cân bằng làm cơ thể ngày càng dễ bị viêm nhiễm thật sự. Có thể ban đầu bạn không bị giống người bạn đó nhưng do chia sẻ không đúng, điều trị sai dẫn đến bản thân bị bệnh giống như vậy.
3. Khám phụ khoa không bắt buộc kiểm tra sâu vào bên trong âm đạo
Đối với các bạn còn rất trẻ như thế hệ gen Z, khi đi khám phụ khoa sẽ khám những gì ạ, thưa BS?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Khi đi khám phụ khoa, việc đầu tiên là bác sĩ hỏi ra vấn đề tại sao bạn lo lắng và quyết định phải đi khám.
Việc khám có đúng hướng và có lợi ích cho bạn hay không phụ thuộc vào việc bạn phải cởi mở, kể đúng vấn đề. Khi bạn kể đúng câu chuyện, có thể bác sĩ sẽ nhận diện đó chỉ là những thay đổi thường gặp, không phải vấn đề cần khám kỹ, kiểm tra đến tận các cơ quan bên trong.
Thậm chí một người phụ nữ trong một năm có thể bị nấm ở cơ quan sinh dục 1-2 lần sẽ khá thường thấy. Cơ thể yếu đi sẽ làm các tác nhân đang nằm bình thường bùng lên, nhưng khi cơ thể khỏe lên các tác nhân sẽ lùi lại và ngủ yên. Vì vậy không bắt buộc lúc nào cũng cần khám bên trong, điều này sẽ làm các bạn sợ, đau và bị ngại.
>>> Phần 2: Phân biệt khí hư bất thường và khí hư sinh lý
Trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Nhật Thăng, TikToker Đô Nan Trinh và nhãn hàng Lavima đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình