Giải mã Top 10 tin đồn và sự thật về khám phụ khoa
Khám phụ khoa là việc không còn xa lạ với chị em phụ nữ, nhưng với những người chưa từng đi khám, việc nghe lời đồn thổi về vấn đề khám phụ khoa khiến họ lo sợ. Trong bài viết dưới đây, BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương sẽ giải đáp những tin đồn và mang đến thôn tin chính xác về khám phụ khoa.
1. Khám phụ khoa quan trọng như thế nào?
Nếu chưa từng quan hệ tình dục và kinh nguyệt đều thì không cần khám phụ khoa, liệu có đúng?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Nếu có suy nghĩ chưa từng quan hệ tình dục và kinh nguyệt đều nên không đi khám phụ khoa, người phụ nữ đã bỏ qua rất nhiều cơ hội phát hiện các bệnh lý có thể điều trị được.
Đã là phụ nữ, bản thân sẽ có buồng trứng và tử cung, không chỉ thể hiện ra bên ngoài bằng kinh nguyệt đều đặn. Nếu không đi khám, sẽ không thể phát hiện các bệnh lý như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
Do đó, khi đến khám bệnh, bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp các cô gái chưa lập gia đình có suy nghĩ mình bị tăng cân, bụng tròn lên, nhưng sự thật là cơ thể đang mang khối u 2 - 3kg và thậm chí lớn hơn. Đó có thể là những khối u lành tính hoặc ác tính gây ung thư.
Vì vậy, việc khám phụ khoa đối với phụ nữ là chuyện cần thiết, bác sĩ sẽ có cách khám khác nhau cho từng nhóm người. Phương pháp khám và siêu âm đối với người chưa lập gia đình khác với phụ nữ đã lập gia đình, nên chị em có thể yên tâm về vấn đề đi khám phụ khoa.
2. Khám phụ khoa để tầm soát sớm ung thư cổ tử cung
Phụ nữ 40 tuổi trở đi mới cần phám phụ khoa định kỳ, còn trẻ hơn chỉ cần khám khi có triệu chứng bất thường có đúng hay không, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Phụ nữ phải trải qua các giai đoạn phát triển, bắt đầu từ một bé gái, đến tuổi dậy thì, sinh sản, cho tới giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Mỗi giai đoạn đều là một cột mốc quan trọng của cuộc đời.
Các vấn đề về rối loạn kinh nguyệt hoặc u nang buồng trứng có thể gặp ở các bé gái từ rất sớm. Ngay với phụ nữ trẻ, nếu không được khám phụ khoa định kỳ, người bệnh sẽ không biết bản thân đã mắc bệnh u nang buồng trứng, u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung, hay những bệnh lý lây qua quan hệ tình dục hoặc viêm nhiễm phụ khoa.
Đồng thời, nếu không khám phụ khoa định kỳ, phụ nữ sẽ không được tầm soát các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Do đó, đã là phụ nữ, đặc biệt là các cô gái trẻ, nên đi khám phụ khoa để đánh giá về tình trạng sức khỏe phụ khoa và đảm bảo mặt sinh sản trong tương lai.
3. Khám phụ khoa nên mặc gì?
Đi khám phụ khoa, mặc váy là tiện nhất, đừng nên mặc quần dài, điều này liệu có đúng, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khi đi khám phụ khoa, việc mặc váy sẽ rất thuận tiện, tuy nhiên điều này không bắt buộc, vì tại các phòng khám Sản phụ khoa, có chuẩn bị váy mới cho mỗi người khi đến khám. Do đó, trang phục nào cũng có thể đi khám được, bác sĩ sẽ chuẩn bị cho bệnh nhân đến khám, đảm bảo sự thoải mái và riêng tư.
4. Khám phụ khoa có đau không?
Chị em chưa từng sinh nở thì khi khám phụ khoa sẽ đau lắm, phụ nữ từng sinh nở sẽ không đau, có đúng không, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Phụ nữ chưa sinh nở được chia thành 2 trường hợp. Đối với những người chưa từng quan hệ tình dục, bác sĩ sẽ có phương pháp thăm khám riêng. Còn với phụ nữ đã quan hệ tình dục nhưng chưa có con, khi khám phụ khoa bác sĩ lựa chọn những dụng cụ có kích thước nhỏ, phù hợp với nhóm người này. Do đó, khi đi khám, chị em có thể yên tâm vì bác sĩ sẽ đưa ra phương án thăm khám phù hợp và hoàn toàn không đau.
5. Khám phụ khoa thời điểm nào tốt nhất?
Thưa BS, dù là khám bệnh phụ khoa gì thì vẫn nên khám ngay sau khi sạch kinh là tốt nhất có đúng hay không?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khi đi khám phụ khoa định kỳ (6 tháng - 1 năm), nên để sạch kinh sẽ thuận tiện cho việc thăm khám. Tuy nhiên, nếu chị em đang có các vấn đề về phụ khoa như rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh kéo dài, không thể chờ đợi thêm thì bệnh nhân nên đi khám. Tóm lại, có thể khám phụ khoa ở mọi thời điểm mà chị em cảm thấy lo lắng, có vấn đề cần gặp bác sĩ.
6. Khám phụ khoa có lây “bệnh xã hội”?
Đi khám phụ khoa, mặc dù BS dùng mỏ vịt riêng cho từng người nhưng vẫn có thể lây “bệnh xã hội” từ chiếc ghế ngồi khám, có đúng hay không, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khi đi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt riêng cho từng người, các dụng cụ khám sử dụng được hấp tiệt trùng đạt chuẩn nên không cần lo lắng vấn đề lây truyền bệnh.
Việc ngồi chung ghế khi đi khám phụ khoa không gây lây nhiễm “bệnh xã hội”, những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục chỉ có thể nhiễm qua con đường này, còn tiếp xúc thông thường không gây ảnh hưởng.
7. Khám phụ khoa có phát hiện đã quan hệ tình dục?
BS khám phụ khoa có thể biết bạn đã quan hệ tình dục nhiều hay ít, thậm chí quan hệ với người khác như thế nào?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khi khám phụ khoa, bác sĩ chỉ có thể biết bạn đã quan hệ tình dục hay chưa. Đồng thời, nguyên tắc trước khi khám là hỏi bệnh nhân về vấn đề này và có cho phép khám vào bên trong hay không.
Bác sĩ không thể biết bạn đã quan hệ với nhiều người hay nhiều lần, vì đây là vấn đề riêng tư, không đề cập trong khi khám.
8. Sợ người nhà biết đã quan hệ khi đi khám phụ khoa phải làm sao?
Con gái đã quan hệ tình dục mà không muốn người nhà biết thì đừng cho người nhà đi theo khi khám phụ khoa, liệu rằng điều này có đúng hay không?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Nguyên tắc của một bàn khám phụ khoa là riêng tư, kín đáo và tôn trọng người bệnh. Do đó, người nhà khi đi theo sẽ ngồi bên ngoài, trong phòng khám chỉ có bác sĩ và bệnh nhân, phòng khám trang bị đầy đủ màn che và không gian riêng, người bệnh hoàn toàn được tôn trọng sự riêng tư của mình.
9. Trước khi khám phụ khoa có được vệ sinh vùng kín?
Thưa BS, người bị viêm âm đạo thì vùng kín rất nặng mùi, để lịch sự thì nên dùng dung dịch vệ sinh rửa sạch trước khi vào khám có nên hay không?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Người bệnh có thể vệ sinh trước khi đi khám phụ khoa để tự tin hơn khi bác sĩ thăm khám, điều này không làm ảnh hưởng đến kết quả khám. Vì khám phụ khoa, ngoài việc nhìn bên ngoài, bác sĩ còn có dụng cụ như mỏ vịt để khám bên trong. Nếu có khí hư, bác sĩ sẽ dùng que xét nghiệm để lấy khí hư ra, làm xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây bệnh lý phụ khoa.
10. Khám phụ khoa xuyên suốt với một bác sĩ tại bệnh viện bằng cách nào?
Khám phụ khoa ở bệnh viện rất khó được một BS theo dõi xuyên suốt, bởi vì ngày tái khám dựa theo chu kỳ kinh nguyệt, do đó khi tái khám có thể gặp bác sĩ khác, điều này có đúng không thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khi đến khám, bác sĩ sẽ hẹn ngày tái khám kế tiếp dựa trên chu kỳ kinh nguyệt hoặc lịch làm việc của người bệnh. Thông thường ở bệnh viện, các bác sĩ đều được bố trí giờ làm việc liên tục, tuy nhiên, nếu có trường hợp không gặp lại bác sĩ đã khám trước đó, dựa trên hồ sơ khám bệnh, bác sĩ tiếp theo có thể nắm được tình trạng bệnh và điều trị tốt như bình thường. Trường hợp nếu muốn khám một bác sĩ xuyên suốt, bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn khám với bác sĩ đó trong bệnh viện, vì vậy bệnh nhân có thể yên tâm với vấn đề này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình