Y học cổ truyền là hướng điều trị mới trong bệnh lý miễn dịch dị ứng lâm sàng
Đây là nhận định của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch LCH Đông - Tây y kết hợp TPHCM tại Hội nghị khoa học - Đào tạo y khoa liên tục năm 2024 với chủ đề “Kết hợp Đông - Tây y trong phòng và điều trị một số bệnh miễn dịch dị ứng lâm sàng”.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch LCH Đông - Tây y kết hợp TPHCM cho biết: “Miễn dịch là khả năng của cơ thể đối phó với những tác nhân gây bệnh từ môi trường xâm nhập vào cơ thể. Nhờ hoạt động này mà cơ thể chúng ta phòng được bệnh”.
Đầu tiên về Y học cổ truyền, học thuyết Tam tài nhấn mạnh mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Từ thế kỷ XII, XIII Y học hiện đại mới bắt đầu phát triển, trước đó con người tồn tại dựa vào các liệu pháp tự nhiên, những giải pháp mà ngày nay Tổ chức y thế giới (WHO) vào cuộc và quản lý.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, miễn dịch dị ứng lâm sàng có một số khái niệm chung nhưng khác nhau về cách tiếp cận giữa 2 nền y học. Y học cổ truyền dựa vào quan sát và mô tả, trong khi Y học hiện đại nhấn mạnh vào tri thức, cơ thế tác động và diễn biến của các bệnh cảnh này.
Miễn dịch dị ứng lâm sàng là thuật ngữ của y học hiện đại. Y học cổ truyền không có thuật ngữ này mà có những khái niệm tương ứng nói về chứng trạng. Khi định nghĩa bệnh là phải có nguyên nhân gây bệnh, vị trí xảy ra bệnh và có những biểu hiện lâm sàng, triệu chứng học. Còn triệu chứng chỉ là đơn độc một dấu hiệu của bệnh cảnh đó.
Nhưng Y học cổ truyền trước đây không dùng thuật ngữ “triệu chứng” hay “bệnh” mà dùng chung là “chứng trạng”. Chứng trạng đôi khi là triệu chứng, đôi khi là hội chứng và cũng có thể là bệnh.
Ngày nay, khi WHO vào cuộc đã có sự đồng thuận, cũng như cố gắng để các tiêu chuẩn chẩn đoán và cách gọi các hội chứng lâm sàng tương đối thống nhất để tránh mỗi chuyên gia có một ý kiến khác nhau, dẫn đến khó phát hiện Y học cổ truyền.
Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của Y học cổ truyền, theo kinh điển mô tả về các loại bệnh thường nói nguyên nhân là ngoại nhân - bất nội ngoại nhân - nội nhân.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay chia sẻ: “Phân tích dựa trên diễn biến của miễn dịch dị ứng lâm sàng theo Tây y thì các bệnh miễn dịch dị ứng hầu hết là bản chất cơ địa, gen, di truyền. Vì vậy, phải đề cập đến nội nhân - theo Y học cổ truyền là tình chí (7 loại cảm xúc) tác động vào làm ảnh hưởng đến chức năng của các tạng phủ bên trong cơ thể làm thể chất, cơ địa suy hư”.
Cơ thể để hoạt động được cần có năng lượng và phối hợp với hệ miễn dịch tự nhiên để có được chính khí trong cơ thể con người. Nguyên nhân gây bệnh của miễn dịch dị ứng lâm sàng do phản ứng của chính khí và tà khí, chính khí suy hư thì tà khí mới có thể tấn công vào cơ thể và sinh ra các loại bệnh.
Về bất nội ngoại nhân bao gồm: chế độ ăn uống, các bệnh lý khác gây tổn thương hay lao động, côn trùng cắn, nhiễm độc chất…
Tùy vào thuộc tính gây ra tác động trên bệnh cảnh mà quy ước về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên các tà khí này thường phối hợp với nhau để tác động vào gây bất thường. Ví dụ, viêm khớp dạng thấp phải có đủ phong - hàn - thấp phối hợp với thúc đẩy cho bản chất cơ địa có yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, hệ thống hóa theo học thuyết Đông phương, học thuyết Ngũ hành, trong cơ thể có 5 nhóm chức năng hoạt động được thể hiện là tâm hỏa - can mộc - tỳ thổ - phế kim - thận thủy.
Đối với rối loạn thường gặp trong miễn dịch dị ứng lâm sàng có mối tương quan. Ví dụ, khí hư liên quan đến các rối loạn, suy giảm công năng hoạt động của cơ thể. Hoặc khí uất liên quan đến sự lưu thông của khí huyết bên trong cơ thể. Hay huyết hư, huyết ứ cũng liên quan đến sự nuôi dưỡng và sự lưu thông của huyết trong cơ thể con người.
Vai trò của Y học cổ truyền trong điều trị các bệnh miễn dịch dị ứng
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay cho biết: “Nguyên tắc điều trị Y học cổ truyền có nhiều phương pháp. Đầu tiên là pháp khu tà. Đây là nhóm các vị thuốc có công năng trục giải ngoại tà ra khỏi cơ thể qua các con đường như phát hãn (đưa tà ra theo đường mồ hôi), lợi thủy (đường tiểu tiện), công hạ (đường đại tiện)”.
Trong các giai đoạn mạn tính không thể thiếu pháp bổ khí. Các bài thuốc có thể sử dụng như hoàng kỳ, bạch truật nhân sâm, đảng sâm, hoài sơn, bạch linh, đỗ trọng, ngưu tất,…
Ngoài ra, còn có một số phương pháp khác như hành khí giải uất; hoạt huyết, phá huyết ứ là những bài thuốc, phương pháp, huyệt,…
Dưỡng sinh có thể áp dụng trong chăm sóc sức khỏe để duy trì, nuôi dưỡng sự sống, giúp tăng cường chất lượng sự sống. Bên cạnh đó còn tham gia vào quá trình điều trị và phòng bệnh với 4 nội dung:
- Lối sống: Làm việc, sinh hoạt, vui chơi điều độ.
- Ăn uống: Điều hòa ngũ vị, đúng giờ, điều độ.
- Tập luyện: Tập dưỡng sinh, thái cực quyền, thiện, xoa trung tiêu.
- Tinh thần: Cân bằng cảm xúc.
Theo các guideline, ôn phế chỉ lưu thang (khu phong tán hàn, ích khí) và tân cầm hoàn (khu phong tán hàn thanh nhiệt, ích khí) được hướng dẫn trong điều trị bệnh lý viêm mũi dị ứng của trẻ em.
Bổ trung ích khí và kim quỹ thận khí là những bài thuốc bổ khí nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia.
Các công trình nghiên cứu ghi nhận, châm cứu để điều trị hen suyễn cho người lớn đem lại nhiều lợi ích.
Trong nghiên cứu điều trị viêm khớp dạng thấp, quế chi thược dược tri mẫu thang, độc hoạt ký sinh thang, hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang, ích thận quyên tý đạt hiệu quả tốt.
Lupus ban đỏ là bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 25 - 35 tuổi. Thông thường phác đồ điều trị là corticosteroid nên khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến tuyến thượng thận gây hội chứng cushing,… Nghiên cứu sử dụng bài thuốc tri bá lục vị địa hoàng (bài thuốc bổ âm) ghi nhận có tác dụng hỗ trợ và giúp giảm liều cortisol trong điều trị lupus ban đỏ.
Trong điều trị vảy nến, lương huyết giải độc thang, lương huyết hoạt huyết thang, lương huyết hoạt huyết phụ phương, tiêu ẩn thang, thổ linh ẩm,… có mức độ khuyến cáo cao trong sử dụng điều trị.
Trong điều trị viêm giáp Hashimoto, phương pháp ích khí hóa ứ, lý khí tiêu anh và sơ can tán kết đạt hiệu quả cao nhất.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay đặc biệt lưu ý: “Cần lấy điều trị chính khí làm gốc và dựa trên hội chứng lâm sàng Y học cổ truyền, cá thể hóa điều trị. Xu hướng hiện nay là cá thể hóa trong điều trị và điều trị bệnh cho người chứ không điều trị con bệnh, không chỉ dùng phương pháp tấn công trúng đích mà phải điều trị toàn diện”.
Theo chuyên gia, bằng chứng hiện tại cho thấy Y học cổ truyền có tiềm năng lớn trong điều chỉnh hệ thống miễn dịch. Đây là hướng điều trị mới trong tương lai cho bệnh lý miễn dịch dị ứng lâm sàng.
Tích hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại cần dựa trên nguyên tắc cân nhắc lợi ích và nguy cơ. Đối với Việt Nam cần thêm rất nhiều các nghiên cứu khoa học để đưa ra các guideline tích hợp điều trị dựa trên bằng chứng và ý kiến chuyên gia.
>>> LCH Đông - Tây y kết hợp TPHCM tổ chức đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình