Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt đột quỵ với đột tử, liệt dây thần kinh số VII

Hiện nay, nhiều người bị nhầm lẫn giữa 3 khái niệm đột quỵ với đột tử, liệt dây thần kinh số VII, vì các triệu chứng gần như tượng giống nhau. ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa mới đây đã có cuộc trò chuyện để chia sẻ về vấn đề này.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vì sao không khí lạnh và stress có thể dẫn đến đột quỵ?

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, nhưng vào một số thời điểm như thời tiết lạnh cũng như căng thẳng do lễ Tết khiến tình trạng này gia tăng. Xin hỏi BS, không khí lạnh và những áp lực tác động đến thần kinh thế nào? Vì sao vào những thời điểm này lại dễ xảy ra đột quỵ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Mùa lạnh là thời điểm số lượng bệnh nhân đột quỵ tại các bệnh viện có sự gia tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Thứ nhất, do yếu tố lạnh. Nhiều nghiên cứu cũng như các bằng chứng chỉ ra rằng, khi thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mạch máu, gây ra hiện tượng co mạch. Khi mạch máu co lại làm tăng huyết áp, trong khi đó huyết áp cao lại là yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ não.

Tăng huyết áp có thể dẫn tới đột quỵ thiếu máu não, tức là mạch máu não bị tắc nghẽn; hoặc trong một vài trường hợp nếu huyết áp tăng cao cũng có thể là nguyên nhân chính gây đột quỵ xuất huyết não.

Ngoài ra, khi thời tiết lạnh làm tình trạng máu tăng đông và dễ đông máu hơn, từ đó hình thành cục huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu gây ra đột quỵ não.

Thứ 2, do căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, cũng ảnh hưởng ít nhiều tình trạng bệnh lý của người bệnh. Ví dụ, người bệnh có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, thì tình trạng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến các bệnh lý nền này của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, việc gia tăng căng thẳng, stress trong cuộc sống cũng gây tác động và lối sống tiêu cực như ngủ nhiều hơn, ăn uống kém lành mạnh và sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá.

Bản thân những vấn đề này cũng là yếu tố nguy cơ cao của việc gia tăng đột quỵ não, đối với bệnh nhân có căng thẳng và stress trong cuộc sống.

2. Đột quỵ ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân do đâu?

Lâu nay, chúng ta thường nghĩ đột quỵ là nguy cơ của tuổi già, nhưng nay tỷ lệ căn bệnh này xảy ra ở người trẻ đang có xu hướng tăng, nhất là trên 50 tuổi. Xin hỏi BS, vì sao đột quỵ ngày càng trẻ hóa, có phải do tác động của đời sống hiện đại?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Về mặt lý thuyết, đột quỵ não có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ tới già. Nhưng trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đột quỵ có xu hướng trẻ hóa.

Theo thống kê, có khoảng 10% số lượng bệnh nhân đột quỵ thuộc nhóm dưới 50 tuổi.

Đối với đột quỵ, việc đầu tiên cần phải kiểm soát được yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng lipid máu, rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, hút thuốc lá, sử dụng chất có cồn. Khi không kiểm soát tốt sẽ dễ dẫn tới đột quỵ.

Ngoài ra, ở lứa tuổi trẻ cũng có một vài nguyên nhân liên quan đến tình trạng di truyền. Nhưng nhóm này thấp hơn.

Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ thuốc nhóm tuổi cao trên 60 hay nhóm trẻ tuổi đều giống nhau cả. Cho nên, muốn ngăn ngừa đột quỵ thì quan trọng vẫn phải kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ.

Trong cuộc sống bộn bề hiện nay và đặc biệt năm 2020 với nhiều biến động của đại dịch COVID-19 thì bản thân stress, căng thẳng cũng tác động lên người trẻ rất nhiều. Vì vậy, tỷ lệ đột quỵ ngày càng trẻ hóa cũng không khó để nhận ra.

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng NghĩaThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trong buổi Livestream Tết đến Xuân về, làm sao phòng ngừa đột quỵ cho người trên 50 tuổi?, phát sóng lúc 14g ngày 6/2/2021

3. Đối tượng nguy cơ cao của đột quỵ

Ai là người dễ bị đột quỵ trong thời điểm này và thường gặp nhất là trong những tình huống nào (đang làm gì) ạ? BS có thấy có sự dịch chuyển về tuổi, về giới, về nghề nghiệp trước căn bệnh đang được xem là “sát thủ” này không?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ là nhóm yếu tố nguy cơ thay đổi được và không thay đổi được.

Những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như: tuổi tác, giới tính.

Những yếu tố nguy cơ thay đổi được như: tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia.

Đầu tiên, muốn ngăn ngừa đột quỵ thì phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này.

Ví dụ, nếu bạn bị tăng huyết áp thì phải thăm khám định kỳ và sử dụng thuốc để giữ huyết áp ở mức an toàn.

Hoặc phát hiện cholesterol tăng cao thì phải có biện pháp phòng ngừa để không bị vượt ngưỡng.

Song song đó, việc tập thể dục và có lối sống lành mạnh cũng giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ.

Tuy nhiên, với những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như tuổi, giới, nghề nghiệp thì ví dụ tuổi đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên hiện tại người ta thấy đột quỵ cũng đang trẻ hóa dần và đặc biệt ở nhóm dưới 50 tuổi.

Đối với giới tính, ví dụ ở phụ nữ mang thai hoặc đang sử dụng thuốc ngừa thai thì tỷ lệ bị đột quỵ sẽ cao hơn so với nam giới. Ngược lại, ở nam giới việc sử dụng thức uống có cồn hoặc hút thuốc lá cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Riêng nghề nghiệp, cho dù bạn làm bất kể nghề gì thì nguy cơ mắc đột quỵ đều như nhau; quan trọng có kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ hay không.

Bên cạnh đó, cho dù bạn ở tuổi nào, giới nào, nghề nghiệp nào nếu nhận biết sớm các triệu chứng của đột quỵ và tới các cơ sở y tế có điều trị đột quỵ (tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học) thì cũng có thể giảm được những vấn đề về di chứng và thậm chí tử vong.

4. Phân biệt giữa đột tử và đột quỵ

Hiện nay nhiều người bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm đột quỵ và đột tử. Xin hỏi BS đột quỵ khác đột tử như thế nào? Dấu hiệu nhận biết và hướng xử trí cho mỗi tình huống này có gì giống và khác nhau?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đột quỵ não tức là ảnh hưởng đến não, gồm đột quỵ thiếu máu não (nhồi máu não) tức là mạch máu bị tắc nghẽn và xuất huyết não là mạch máu não bị vỡ tràn ra ngoài.

Khi đột quỵ xảy ra sẽ gây khiếm khuyết về mặt thần kinh, ví dụ bệnh nhân đột ngột yếu hoặc tê nửa người, mất nói hoặc rối loạn ngôn ngữ, hay méo miệng, méo mặt. Nó sẽ kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, nếu không được cứu chữa kịp thời rất dễ gây tàn phế và tử vong.

Còn đột tử là tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn ở tim, cụ thể là mạch vành hay nói cách khác là nhồi máu cơ tim cấp.

Khi đột tử xảy ra, quả tim sẽ ngưng đột ngột và bệnh nhân có thể chết ngay tức khắc nếu không được đưa đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về mạch vành.

Do vậy, đột quỵ sẽ nhắc nhiều đến tắc nghẽn mạch máu hoặc xuất huyết não đối với cơ quan não. Trong đột quỵ não quả tim vẫn còn toàn vẹn.

Còn đột tử là tình trạng tắc nghẽn mạch vành, mà mạch vành lại có tác dụng nuôi quả tim. Khi đột tử xảy ra sẽ dẫn đến tử vong rất sớm (khoảng 30 phút - 1 tiếng đồng hồ) nếu không được cứu chữa kịp thời.

5. Phân biệt đột quỵ và liệt dây thần kinh số VII

Thời tiết lạnh cũng dễ xảy ra tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, với triệu chứng liệt mặt, méo miệng tương tự như đột quỵ, vậy làm sao để phân biệt được 2 tình huống này ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Liệt dây thần kinh số VII có 2 nhóm là liệt dây thần kinh số VII ngoại biên và liệt dây thần kinh số VII trung ương.

Nói nôm na, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên không liên quan đến đột quỵ, còn liệt dây thần kinh số VII trung ương có liên quan đến đột quỵ.

Liệt dây thần kinh số VII khi xảy ra sẽ khiến bệnh nhân méo miệng, nhắm mắt không kín, lệch nhân trung; một số trường hợp có thể giảm thính lực hoặc chảy nước mắt, nước miếng nhiều ở bên dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên thường không đi kèm các triệu chứng khác, nhưng liệt dây thần kinh số VII trung ương lại có đi kèm các triệu chứng như: yếu/tê nửa người, lú lẫn, thậm chí hôn mê.

Vậy làm sao để phân biệt được liệt dây thần kinh số VII nào là của đột quỵ não hoặc do vấn đề nhiễm lạnh hay nhiễm virus thì điều này tương đối khó khăn.

Một số khuyến cáo của các chuyên gia từ Anh, Mỹ đối với người dân của họ là khi nhận diện được liệt dây thần kinh số VII (méo mồm, nhắm mắt không tín, giảm thính lực, chảy nước mắt) thì nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế. Tại đây, bác sĩ có thể nhận diện được liệt dây thần kinh số VII này có liên quan đến đột quỵ hay không.

Riêng bản thân tôi muốn chia sẻ đến mọi người rằng, nếu gặp tình phải trạng liệt dây thần kinh số VII kèm theo triệu chứng yếu/tê nửa người hoặc thay đổi giọng nói thì ngay tức khắc phải tìm tới cơ sở y tế gấp.

Còn đối với liệt dây thần kinh số VII đơn độc, có thể không đi kèm các triệu chứng thần kinh khác ví dụ yếu/tê nửa ngừơi, hôn mê, lú lẫn, chóng mặt thì có thể trì hoãn đôi chút, nhưng lời khuyên của tôi vẫn là nên tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

6. Nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ khi tập thể dục?

Trong nhiều năm qua, các tai biến xảy ra trong lúc vận động được cảnh báo ngày càng nhiều, thậm chí trước đó người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện đáng ngờ. Thưa BS, nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ khi tập thể dục? Vì sao những môi trường làm việc hoặc nơi sống thiếu oxy cũng có thể dẫn đến đột quỵ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đầu tiên, luyện tập thể dục thể thao có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, không chỉ với sức khỏe tim mạch, não bộ mà còn rất nhiều vấn đề khác.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, với việc tập luyện ít nhất 30 phút/ngày và 5 lần/tuần sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Những người đang bình thường khi tập thể dục thể thao muốn phòng ngừa đột quỵ xảy ra thì:

Thứ nhất, cần khám sức khỏe định kỳ, để xác định xem mình có thật sự khỏe mạnh không, hay có yếu tố nguy cơ đột quỵ, ví dụ tăng huyết áp chẳng hạn.

Do đó, để an toàn trong lúc tập thể dục thì cần hết sức lưu ý giữa việc sử dụng thuốc huyết áp và thời gian tập thể dục.

Thứ 2, thời gian tập luyện và cường độ tập luyện đã phù hợp với cơ thể chưa.

Rõ ràng tập luyện là tốt, nhưng nếu chúng ta tập luyện với cường độ và thời gian quá sức sẽ dễ gây ra biến cố, đặc biệt là đột quỵ, một biến cố mạch máu.

7. Nơi làm việc và sinh hoạt thiếu oxy có dẫn tới đột quỵ?

Môi trường làm việc hoặc nơi sống trong điều kiện thiếu oxy có liên quan tới đột quỵ không, thưa bác sĩ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đúng là trong môi trường làm việc, đặc biệt là trong các tòa nhà văn phòng, những người làm việc văn phòng thường xuyên sử dụng máy tính thì việc thông thoáng oxy có vai trò hết sức quan trọng.

Bản thân oxy có vai trò lớn đối với hoạt động của tế bào thần kinh; khi lượng oxy trong không khí giảm nó sẽ dẫn đến tình trạng oxy trong cơ thể và cung cấp cho mô não cũng giảm.

Nhẹ thì bệnh nhân có thể cảm thấy choáng váng, đau đầu; trong những trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê, lú lẫn.

Vậy tình trạng thiếu oxy kéo dài có gây đột quỵ không? Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc này có gây ra tổn thương có thể là đột quỵ do nguyên nhân thiếu máu não. Thiếu máu não ở đây được hiểu là thiếu oxy não.

Tình trạng mô não không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, oxy sẽ gây ra tổn thương và những tổn thương không hồi phục được rất dễ dẫn đến đột quỵ não.

Do vậy, nếu làm việc trong môi trường thiếu oxy với những người khỏe mạnh cũng gây ra những khó chịu nhất định đối với hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), nặng thì lú lẫn, hôn mê.

Còn với bệnh nhân đã có yếu tố nguy cơ đột quỵ mà lại làm việc trong môi trường thiếu oxy thì rõ ràng nguy cơ dẫn đến đột quỵ thực thụ sẽ cao hơn so với nhóm bình thường.

8. Tình trạng đông máu có thể dẫn đến đột quỵ?

Trước đó, có thông tin tại nhiều bệnh viện ở Mỹ phát hiện bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 bị đông máu trong các động mạch lớn, dẫn đến đột quỵ nghiêm trọng. Thậm chí, trường hợp điển hình là bé trai 3 tuổi tại Mỹ bị đột quỵ sau khi mắc COVID-19.

Bác sĩ có thể chia sẻ thêm thông tin để bạn đọc được biết về tình trạng đông máu, có thể dẫn đến đột quỵ này được không ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu chưa có bằng chứng rõ rệt cho thấy virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng lên não bộ.

Tuy nhiên, ở những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thông thường sẽ ảnh hưởng rất nhiều mô của cơ thể. Trong đó, cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chính là phổi.

Khi phổi bị ảnh hưởng thì lưu lượng oxy trong máu cũng sẽ giảm. Từ đó làm giảm lưu lượng oxy cung cấp tới mô và kể cả mô não.

Và khi lưu lượng oxy đến não đã bị ảnh hưởng thì ít nhiều nó cũng gây ra các triệu chứng thần kinh như lơ mơ, hôm mê, trong nhiều trường hợp dẫn đến đột quỵ thiếu máu não.

Những nguyên nhân trực tiếp của SARS-CoV-2 lên hệ thần kinh trung ương đến thời điểm này thì vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng. Tuy vậy, người ta ghi nhận rằng khi mắc SARS-CoV-2 thì tình trạng tăng đông máu cũng sẽ cao hơn so với nhóm khác.

Còn việc liệu SARS-CoV-2 có làm tăng nguy cơ đột quỵ hay không thì bằng chứng vẫn chưa cụ thể. Và việc SARS-CoV-2 có gây ra viêm não không thì tới nay các nghiên cứu và các chuyên gia trên thế giới cũng chưa tìm ra được bằng chứng thuyết phục.

Tuy vậy, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 với các ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương là có.

Trong thời gian tới, tôi hy vọng với khoa học hiện đại và các bác sĩ chuyên khoa thần kinh giỏi sẽ tiếp tục có nhiều nghiên cứu đánh giá sâu sắc hơn về việc liệu SARS-CoV-2 có ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương hay không.

9. Cách phòng ngừa đột quỵ

Làm sao để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ tuổi, bệnh nhân đã hồi phục sau điều trị COVID-19, nhất là trong thời tiết lạnh?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Với những bệnh nhân đã được điều trị khỏi COVID-19 thì bất kể lứa tuổi nào việc phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt đột quỵ tiên phát thì đều quan trọng như nhau.

Nếu muốn ngăn ngừa đột quỵ thì bạn phải nhận biết được các yếu tố nguy cơ của chính mình, ví dụ tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, sử dụng rượu bia, hút thuốc lá.

Cho dù bạn có nhiễm COVID-19 hay sau khi điều trị COVID-19 khỏi thì việc phòng ngừa đột quỵ thông thường là như nhau ở mọi nhóm đối tượng.

Với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, ngoài những vấn đề xuất hiện ở nhóm bệnh nhân cao tuổi hay bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đột quỵ cao, thì có 1 nhóm nhỏ liên quan tới dị dạng mạch máu não, ví dụ đột quỵ xuất huyết não do vỡ túi phình; với những trường hợp đặc biệt này rất khó để có thể có phương pháp phòng ngừa tuyệt đối.

Tuy nhiên, chúng ta nên lắng nghe cơ thể để xem có những thay đổi bất thườn nào hay không, ví dụ 1 cơn đau đầu đột ngột, hoặc đau đầu xưa giờ chưa gặp phải, nó khác hẳn các cơn đau đầu bình thường thì nên đi khám sớm.

Từ đây, nếu có yếu tố nguy cơ của đột quỵ xuất huyết não do vỡ túi phình hay dị dạng mạch máu não thì bằng 1 xét nghiệm thông thường như MRI sọ não, cộng với dựng hình mạch máu thì chúng ta có thể dễ dàng tầm soát yếu tố đột quỵ này. Qua đó, các bác sĩ sẽ có các phương án điều trị nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra đột quỵ trong những trường hợp này.

10. Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ sắp xảy ra?

Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ đang xảy đến là gì, thưa BS? Đột quỵ có dấu hiệu báo trước 1 tuần, 30 ngày không ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T

F (viết tắt Face): Đột ngột méo miệng, liệt mặt

A (viết tắt Arm): Đột ngột tê/yếu nửa người

S (Speech): Giọng nói đột ngột thay đổi hoặc mất nói

T (Time): nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Vậy đột quỵ có dấu hiệu báo trước 1 tuần, 30 ngày không? Tôi cho rằng đây là vấn đề khó. Nếu khoa học hoặc trong thời gian tới chúng ta có thể tiên đoán được điều này thì rõ ràng đây là điều tuyệt vời cho người bệnh.

Tuy nhiên, trước khi bị đột quỵ bạn có thể từng bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). TIA cũng gây nên các triệu chứng thần kinh giống đột quỵ, tuy nhiên nó xuất hiện đột ngột và mất đi nhanh chóng, đôi khi bạn sẽ không để ý và chủ quan nên không đi khám hay tầm soát đầy đủ các yếu tố nguy cơ đột quỵ.

Do vậy, với trường hợp nếu bạn xuất hiện cơn TIA như đột ngột tê/yếu nửa người, mất nói nhưng xuất hiện và mất đi nhanh chóng thì đây cũng là cảnh báo mọi người cần tới cơ sở y tế gần nhất để được tầm soát và dự phòng.

Một vấn đề hiện nay được thế giới và Việt Nam quan tâm là liệu chăng đột quỵ não có liên quan tới gen hay không, hoặc có yếu tố gia đình hay không, thì bản thân nhóm nghiên cứu của tôi và phối hợp với một viện di truyền cũng đang làm đề tài nghiên cứu vấn đề này. Nếu chúng ta xác định được trong quần thể người Việt chúng ta có những gen làm gia tăng nguy cơ đột quỵ thì đây cũng là điều giúp tiên đoán sớm đột quỵ.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì việc kiểm soát yếu tố nguy cơ cũng như nhận diện sớm dấu hiệu đột quỵ sớm có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều.

Cho dù bạn có thể biết trước 15, 30 ngày nhưng khi đột quỵ xảy ra bạn không nhận diện được hoặc không tới cơ sở y tế sớm vì việc đáng tiếc cũng sẽ xảy ra.

(còn tiếp Phần 2)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X