Phân biệt đột quỵ và động kinh
Đột quỵ và động kinh đều ảnh hưởng đến chức năng não. Tuy nhiên, nguyên nhân và ảnh hưởng của hai bệnh này đối với sức khỏe não là khác nhau. Bài viết sau sẽ cung cấp dấu hiệu nhận biết và cách điều trị của hai bệnh này đến bạn đọc.
I. Ảnh hưởng của đột quỵ và động kinh lên cơ thể
Đột quỵ xảy ra do quá trình tuần hoàn máu lên não bị gián đoạn. Một cơn động kinh xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát.
Ngoài ra, đột quỵ có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến suy nghĩ và khả năng kiểm soát cơ của người bệnh. Ảnh hưởng của cơn động kinh thường là tạm thời.
Đột quỵ và động kinh đều gây tổn thương não nhưng ở mức độ khác nhau
II. Các triệu chứng của động kinh và đột quỵ như thế nào?
Đột quỵ và động kinh có chung một số triệu chứng, bao gồm:
- Đau đầu;
- Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở các bộ phận của cơ thể;
- Nhầm lẫn;
- Khó nói hoặc khó hiểu người khác nói;
- Bất tỉnh (nếu đột quỵ hoặc động kinh nghiêm trọng).
1. Các triệu chứng động kinh
a. Động kinh cơn nhỏ (kéo dài 5 đến 10 giây)
- Cơn vắng: mất ý thức ngắn, không co giật. Tự nhiên ngừng hoạt động, ngừng nói, nét mặt đờ đẫn. Hết cơn lại tiếp tục làm việc hoặc nói tiếp lời nói đang bỏ dở.
- Cơn mất trương lực: mất trương lực cơ đột ngột, ngắn làm người bệnh ngã khuỵu đầu cúi về phía trước. Sau đó ngồi dậy đi lại bình thường.
- Cơn giật cơ hai bên: hay giật cơ chi trên, còn ý thức, xảy ra lúc buồn ngủ hoặc mới thức dậy, hay gặp ở trẻ em.
b. Động kinh cơn lớn (kéo dài từ 3 đến 5 phút)
- Triệu chứng báo trước: đau đầu, cảm giác có tia lửa chớp trong đầu, sau đó đột ngột mất ý thức và ngã vật ra.
- Giai đoạn tiếp theo: Người bệnh mất ý thức, toàn thân co cứng, mắt trợn, mặt tím tái. Sau đó co giật toàn thân, đặc biệt là tay chân. Khi hết giật, các cơ duỗi, cơ thể mềm hơn, thở trở lại. Có bệnh nhân nửa tỉnh nửa mê vùng dậy và có thể gây hành vi nguy hiểm. Sau cơn người bệnh không nhớ điều gì xảy ra.
Nói đến bệnh động kinh, mọi người thường nghĩ đến hình ảnh một bệnh nhân co giật, sùi bọt mép, tuy nhiên còn có dạng hiếm gặp khác kèm các triệu chứng như cảm giác đau đớn, cảm giác chóng mặt... Tức là bệnh nhân lên cơn chóng mặt xong rồi hết, hoặc bỗng nhiên có cảm giác đau đớn một bộ phận cơ thể xong rồi hết. Những tình trạng này lặp lại thành nhiều cơn.
Chú ý: Các cơn động kinh có thể lặp lại theo chu kỳ hoặc không có chu kỳ.
Người bệnh khi lên cơn động kinh thường bị co cứng tay chân
2. Các triệu chứng của đột quỵ
Bệnh nhân có thể đột nhiên bị đau đầu dữ dội và các triệu chứng khác, bao gồm:
- Tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể;
- Xệ mặt;
- Khó đi lại;
- Thiếu phối hợp các chi;
- Lời nói không mạch lạc, không hiểu người khác nói.
III. Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ và động kinh?
1. Nguyên nhân đột quỵ
Hai loại đột quỵ chính là nhồi máu não và xuất huyết não.
Đột quỵ nhồi máu não phổ biến hơn nhiều so với đột quỵ xuất huyết não, xảy ra do hẹp tắc động mạch cung cấp máu cho não. Sự tắc nghẽn có thể là do cục máu đông đọng lại trong động mạch hoặc động mạch cảnh bị hẹp do mảng bám tích tụ.
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ. Kết quả là máu rò rỉ vào mô não xung quanh. Dòng chảy của máu bị ngưng ở điểm mạch máu bị vỡ. Nguyên nhân phổ biến nhất là huyết áp cao. Bên cạnh đó, dị dạng mạch máu não và phình mạch máu não cũng là những nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não.
2. Nguyên nhân động kinh
Hơn 50% trường hợp động kinh không rõ nguyên nhân. Còn lại, bệnh có thể xảy ra do một số nguyên nhân bao gồm:
- Di truyền;
- Tổn thương não: do giảm oxy và thiếu máu, chấn thương sọ não, chấn thương trước khi sinh…;
- Nhiễm khuẩn: viêm não, viêm màng não, sán não…;
- Nhiễm độc thuỷ ngân, chì, asen, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột;
- Dùng thuốc quá liều (như Amphetamine) hoặc đang cai thuốc (Benzodiazepine, rượu);
- Các bệnh của não: u não, bệnh lý mạch máu não hoặc tiền sử tai biến mạch máu não, tăng huyết áp;
- Những nguyên nhân khác.
Động kinh là một chứng rối loạn não dẫn đến co giật thường xuyên nếu thuốc không kiểm soát được.
IV. Các yếu tố nguy cơ gây động kinh và đột quỵ?
1. Các yếu tố nguy cơ gây động kinh
- Tuổi tác: Mặc dù động kinh xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng bệnh thường khởi phát ở trẻ nhỏ và người lớn hơn 60 tuổi (đặc biệt là những người bị sa sút trí tuệ);
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình có bệnh nhân động cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Chấn thương đầu làm tăng nguy cơ động kinh, nhưng bệnh có thể không xuất hiện ngay lập tức mà có thể sau vài tháng, thậm chí cả năm;
- Đột quỵ và các bệnh mạch máu gây tổn thương não và khởi phát cơn động kinh;
- Nhiễm trùng não như viêm não, viêm màng não gây phản ứng viêm ở não hoặc tủy sống, làm tăng nguy cơ động kinh;
- Động kinh ở trẻ em: Sốt cao ở trẻ có thể kèm theo cơn co giật.
2. Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Bên cạnh tuổi tác, chủng tộc, giới tính và tiền sử gia đình là không thể phòng ngừa được, những yếu tố gây đột quỵ có thể phòng ngừa được bao gồm:
- Huyết áp cao;
- Cholesterol cao;
- Bệnh tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ;
- Bệnh tiểu đường;
- Hẹp động mạch cảnh;
- Hút thuốc lá;
- Thừa cân, béo phì;
- Uống nhiều bia rượu.
Tăng huyết áp là yếu tố rủi ro cao gây đột quỵ
V. Đột quỵ và động kinh được chẩn đoán như thế nào?
Nếu nghi ngờ đang bị đột quỵ hay động kinh, hãy gọi ngay 115 hoặc bệnh viện gần nhất.
Nếu bị đột quỵ, bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT hoặc MRI để phân biệt đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não hoặc u não. Điện tâm đồ, siêu âm tim, siêu âm Doppler, xét nghiệm máu cũng được sử dụng trong chẩn đoán.
Điện não đồ, CT, MRI cũng có thể giúp chẩn đoán cơn động kinh. Xét nghiệm máu và khám sức khỏe (gồm khai thác tiền sử bệnh, hỏi bệnh, khám thần kinh) cũng là một phần của quá trình chẩn đoán. Điều quan trọng là người nhà hoặc người chứng kiến cơn động kinh cung cấp thông tin cho bác sĩ về những gì đã xảy ra.
VI. Các phương pháp điều trị đột quỵ và động kinh?
1. Điều trị đột quỵ
Nếu người bệnh đến bệnh viện trong vòng 4 tiếng rưỡi với đột quỵ nhồi máu não, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rtPA) có tác dụng làm tan cục máu đông và khôi phục lưu lượng máu. Nguy cơ chính với rtPA là chảy máu não, xuất huyết não hoặc chấn thương vùng đầu.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể loại bỏ cục máu đông thông qua can thiệp lây huyết khối, khôi phục lưu lượng máu.
Nếu bị đột quỵ xuất huyết não, người bệnh sẽ được bác sĩ cho sử dụng các thuốc kiểm soát huyết áp và ngăn chảy máu, đồng thời hỗ trợ chăm sóc tích cực bằng nhiều biện pháp chuyên môn như thở oxy, thở máy… Nếu không đáp ứng thuốc và điều trị tích cực, người bệnh cần phải phẫu thuật hoặc can thiệp DSA.
Việc chăm sóc sau khi bị đột quỵ sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Vật lý trị liệu thường được yêu cầu, đặc biệt nếu đột quỵ làm ảnh hưởng đến khả năng đi lại hoặc cử động tay. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc làm loãng máu và giảm huyết áp; khuyến cáo người bệnh thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, giảm cân và tập thể dục.
Nếu cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng, bệnh nhân có khả năng hồi phục cao, hoặc hạn chế tối thiểu các biến chứng. Nhưng nếu quá trễ giờ vàng, tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng, người bệnh bị tàn tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
2. Điều trị động kinh
Nhiều loại thuốc có thể kiểm soát và ngăn ngừa co giật do động kinh. Loại thuốc phù hợp tùy thuộc vào loại động kinh mà người bệnh mắc phải. Mục đích là kiểm soát các cơn co giật với thuốc ở liều thấp nhất ít gây tác dụng phụ.
Khi tìm được loại thuốc phù hợp để kiểm soát cơn động kinh, bệnh nhân có thể sống chung với bệnh.
Nếu bệnh nhân thất bại với điều trị bằng thuốc, phẫu thuật là phương án điều trị nhằm trong hạn chế các di chứng về tâm thần xã hội nếu loại động kinh cho phép phẫu thuật.
Bệnh nhân động kinh hay sau đột quỵ đều cần phải dùng thuốc để kiểm soát các nguy cơ.
VII. Phòng ngừa động kinh và đột quỵ
Nếu bị co giật hoặc nghi ngờ động kinh, hãy nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi được chỉ định dùng thuốc, cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và không ngừng thuốc đột ngột.
Giảm thiểu các chấn thương não bằng cách đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi sử dụng xe ô tô, hoặc các hoạt động có nguy cơ chấn thương đầu.
Trẻ nhỏ sốt cao trên 38 độ cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ điều trị và chăm sóc.
Nếu có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc hút thuốc lá, hãy thực hiện các bước ngay bây giờ để kiểm soát:
- Không hút thuốc lá;
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh;
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần;
- Uống thuốc do bác sĩ chỉ định.
Động kinh và đột quỵ có thể diễn tiến nghiêm trọng. Nhưng bạn có thể ngăn ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống bằng cách thực hiện các bước phòng ngừa và chăm sóc thích hợp ngay bây giờ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình