Đau nửa đầu migraine và đau do đột quỵ, làm sao phân biệt?
Đau nửa đầu migraine là một loại suy nhược đi kèm với một loạt các triệu chứng khó chịu khác như: Buồn nôn, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng... Để phân biệt đau nửa đầu với bệnh đột quỵ nguy hiểm, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Thế nào là đau nửa đầu?
Trong các chứng đau đầu do nguyên nhân mạch máu thì đau nửa đầu (Migraine) là bệnh phổ biến nhất. Đau nửa đầu migraine hay gặp ở lứa tuổi trưởng thành, nữ bị nhiều gấp 3 lần nam, bệnh có tính chất gia đình, đau thường biểu hiện khu trú ở một bên đầu, cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi, có tính chu kỳ khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng lo lắng, giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
- Migraine điển hình không thấy biểu hiện thoáng báo: Là loại đau nửa đầu theo cơn, cơn đau kéo dài từ 4 - 72 giờ, đau một bên đầu và có thể lần lượt đổi bên, có hiện tượng mạch đập ở vùng thái dương. Cường độ đau có thể đau vừa hoặc đau dữ dội tuỳ theo từng bệnh nhân, đau tăng khi gắng sức. Cơn đau đầu có kèm theo nôn hoặc buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
- Migraine có biểu hiện thoáng báo: trước khi xuất hiện cơn đau nửa đầu khoảng 1 giờ thì người bệnh có triệu chứng rối loạn cảm giác ở nửa người, rối loạn thị giác, rối loạn ngôn ngữ, các biểu hiện này chỉ thoáng qua và mất đi sau vài phút. Sau khoảng 1 giờ thì bắt đầu xuất hiện cơn đau đầu như loại migraine điển hình.
Nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xác định nguyên nhân chính xác của chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa tìm thấy một kết luận vững chắc. Cũng giống như những cơn đau đầu điển hình, nguyên nhân của chứng đau nửa đầu có vẻ khác nhau giữa người này sang người khác.
Một số nguyên nhân có thể gặp là căng thẳng, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, uống quá nhiều caffeine, kinh nguyệt, mất cân bằng nội tiết tố, do chuyến du lịch dài, hút thuốc, một số loại thực phẩm, thức ăn thường béo, thịt chế biến và rượu…
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng chứng đau nửa đầu có thể do di truyền. Nếu mẹ của bạn có một lịch sử của chứng đau nửa đầu, bạn cũng rất có khả năng bị như vậy.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Ngày nay, cuộc sống chịu nhiều áp lực từ công việc, gia đình… khiến chúng ta luôn bận rộn mà quên đi việc phải chăm sóc cho bản thân, để những triệu chứng bệnh “phát tác” mạnh mẽ mới chịu đến gặp bác sĩ hoặc tự cho triệu chứng đau nửa đầu là bình thường mà ngó lơ không đi khám.
Tuy nhiên, cần lưu ý dù bất cứ độ tuổi nào khi gặp các triệu chứng sau thì nên đi khám ngay: nhức đầu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trên 50 tuổi; nhức đầu khởi phát đột ngột khi gắng sức; nhức đầu xảy ra ở bệnh nhân nhiễm HIV, ung thư, phụ nữ mang thai; nhức đầu xảy ra trên bệnh nhân bị chấn thương sọ não trong vòng 3 tháng trước; tình trạng đau đầu tệ hơn bình thường; loại thuốc thường dùng không có hiệu quả; bị sốt và đau đầu hoặc nôn mửa nghiêm trọng; cứng gáy, gặp khó khăn khi nói, động kinh, nhìn mờ…
Việc chẩn đoán đau nửa đầu migraine hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng mà chưa có xét nghiệm hoặc dấu ấn sinh học nào đặc hiệu để chẩn đoán kể cả chẩn đoán hình ảnh, tuy nhiên các kết quả thăm dò hình ảnh và chức năng như chụp cộng hưởng từ sọ não-mạch não, xét nghiệm dịch não tủy, điện não đồ, siêu âm Doppler hệ mạch cảnh, soi chụp các xoang vùng hàm mặt... giúp các bác sĩ loại trừ được các nguyên nhân gây đau đầu khác trước khi đi đến chẩn đoán xác định là cơn đau đầu migraine.
Điều trị như thế nào?
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm chứng đau nửa đầu, mà chỉ có các loại thuốc cắt cơn và thuốc phòng ngừa cơn đau tái phát. Cần phải phối hợp giữa điều trị cắt cơn với điều trị dự phòng cơn, nhằm các mục tiêu giảm tần số, cường độ, thời gian và các triệu chứng kèm theo của cơn đau.
Điều trị cắt cơn (điều trị cấp tính) giúp làm giảm ngay cơn đau. Được áp dụng trong mọi trường hợp Migraine. Bệnh nhân điều trị ngừa cơn đau (điều trị mãn tính) được dùng thuốc lâu dài làm cơn đau không xuất hiện. Điều trị này chỉ định cho những bệnh nhân có cơn đau nhiều, trên 3 cơn mỗi tháng hoặc ở bệnh nhân có số cơn đau tuy ít nhưng khó cắt cơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể được kê thêm thuốc giảm đau và chống nôn.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị thế nào, dùng thuốc ra sao… thì cần đến bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để thăm khám, làm thêm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết để tìm lý do và chữa trị. Không nên tự ý mua thuốc đến bệnh không khỏi mà có khi thêm nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Phân biệt đau nửa đầu migraine và đau do đột quỵ não
TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cho biết: “Đau đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Mất ngủ cũng gây đau đầu. Áp lực do công việc, cuộc sống, buồn, giận hay uống rượu bia nhiều cũng gây đau đầu. Khi diễn tiến đột ngột, đau dữ dội hoặc kéo dài, uống thuốc giảm đau thấy đỡ nhưng sau đó lại tiếp diễn thì chúng ta cần nghĩ triệu chứng đau đầu này cảnh báo một căn bệnh nào đó.
Trong đó, đau đầu do đột quỵ thường đau đến mức mất kiểm soát, khó tiết chế. Một số người đã mô tả rằng cơn đau từ một cơn đột quỵ chính là loại đau đầu kinh khủng nhất, đau đột ngột, dữ dội. Khi đau đầu kèm theo một số triệu chứng như: mờ mắt, mất mùi, nói khó, tê yếu tay chân, đau nửa bên, sụp mi mắt… thì đó chính là biểu hiện cảnh báo đột quỵ”.
Đau nửa đầu migraine thường có những triệu chứng như: những cơn đau kéo dài từ 4 - 72 giờ, sợ ánh sáng, tiếng động, rối loạn tiêu hóa, tần suất cơn đau trung bình tùy theo hoạt động cơ thể… Bệnh tuy ít nguy hiểm hơn nhưng cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống và nếu không được điều trị, lâu ngày bệnh dẫn đến suy giảm trí nhớ, mất trí, trầm cảm, mất thị lực và mù vĩnh viễn.
TS Cường cho biết thêm, trường hợp đau đầu kèm theo sốt thì có thể báo hiệu một bệnh lý nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm siêu vi, sốt xuất huyết… Còn đau đầu thông thường sẽ liên quan đến yếu tố tác động bên ngoài. Chẳng hạn như tháng này bị nợ lương, con sắp phải đóng tiền học, vợ chồng bất hòa nên đau đầu... thì chúng ta chưa vội quy kết là đau đầu do bệnh.
Phòng bệnh đau nửa đầu
Để phòng bệnh đau nửa đầu, điều đầu tiên cần làm là tránh yếu tố khởi phát cơn đau thường gặp như: rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích… Một số thực phẩm có khả năng gây phát cơn như sôcôla, phomat, mì chính… Tùy theo cơ địa và kinh nghiệm của từng bệnh nhân mà tránh những loại thức ăn cụ thể và không phù hợp với quá trình phòng bệnh.
Nếu bạn bị chứng đau nửa đầu, không ép buộc bản thân để đi làm hoặc đi học. Giảm stress giúp bạn không chỉ trong việc loại bỏ chứng đau nửa đầu mà còn trong việc thúc đẩy sức khỏe tổng thể của bạn. Bạn cần phải nghỉ ngơi để cho phép cơ thể của có đủ năng lượng. Bạn có thể thử với một số kỹ thuật thư giãn như thiền và các bài tập thở. Hoặc hãy lên một kế hoạch cho các hoạt động hàng ngày của mình để có thể giải quyết được hết những việc cần làm trong ngày.
Giấc ngủ cũng là yếu tố quan trọng để phòng bệnh hiệu quả. Một giấc ngủ sẽ giúp các tế bào trong cơ thể được nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng và cân bằng nội tiết tố. Để phòng bệnh, nên duy trì một thời gian ngủ hàng ngày hợp lý và có giờ giấc cụ thể. Chế độ dinh dưỡng phù hợp và ăn uống điều độ đúng giờ giấc cũng sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, những thói quen như: Đặt miếng vải lạnh hoặc túi đá lên đầu hay lên mặt khi cơn đau đầu xảy ra, nằm trong phòng tối, yên tĩnh, nghỉ ngơi, giảm thiểu tiếng ổn, ánh sáng và các mùi hương… cũng sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến đau nửa đầu.
Bắt đầu từ 1/6 đến hết tháng 12/2018, AloBacsi phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược phẩm Hậu Giang mở chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ”
với tiêu chí: tư vấn - giải đáp câu hỏi hàng ngày, tổ chức các chương
trình truyền hình trực tuyến, livestreams trò chuyện với bác sĩ về các
vấn đề đột quỵ và tổ chức các sự kiện thực tế tại các TP lớn như TPHCM,
Hà Nội, Cần Thơ... Mời bạn đọc có các thắc mắc về bệnh tim mạch, nội thần kinh, đột quỵ, tai biến... gửi câu hỏi về email: tuvan@alobacsi.vn để được TS.BS Trần Chí Cường, TS.BS Lê Văn Tuấn và ThS.BS Bùi Diễm Khuê tư vấn. |
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình