Hotline 24/7
08983-08983

Phác đồ điều trị bệnh lao và những nguyên tắc “vàng” cần nắm kỹ

Sau đại dịch COVID-19, tình hình bệnh lao ngày càng trầm trọng hơn. Vậy tại sao việc phòng ngừa và điều trị bệnh lao vẫn gặp nhiều trở ngại? Dưới đây, PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sẽ giải đáp những vấn đề thường gặp xung quanh bệnh lao.

1. Vẫn chưa thanh toán được bệnh lao do vắc xin chưa thật sự hiệu quả

Nguyên nhân nào khiến lao phổi khó phòng tránh và chữa trị dứt điểm, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra. Mặc dù bệnh lao đã xuất hiện từ lâu nhưng vắc xin phòng bệnh chưa thật sự hiệu quả. Tiêm vắc xin chỉ phòng những thể lao nặng như lao màng não chứ không ngăn cản được việc có mắc bệnh hay không.

Hiện nay, số người mắc bệnh lao rất nhiều. Bệnh lao ở giai đoạn đầu ít có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Việc không thể phòng tránh khiến bệnh lây lan từ người này qua người khác. Và cho đến hiện tại vẫn chưa thanh toán được bệnh lao.

2. Không thể thanh toán bệnh lao trong vài năm tới

Tại Việt Nam, tình hình mắc lao phổi hiện nay như thế nào, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Tổ chức Y tế Thế giới dự định chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, tình hình mắc lao ở Việt Nam lẫn thế giới gia tăng, khiến mục tiêu cao cả này dời lại ít nhất đến năm 2050.

Sau COVID-19, tần suất mắc bệnh lao tăng hẳn nên rất khó thanh toán bệnh lao trong vòng vài năm tới.

3. Bệnh lao lây qua đường hô hấp, giọt bắn

Nguyên nhân gây lao phổi là gì? Bệnh này lây lan qua những con đường nào, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Lao phổi do vi khuẩn Mycobacterium Tubercolosis gây ra. Bệnh chủ yếu lây khi chúng ta hít thở. Không giống COVID-19, virus SAR-CoV-2 dễ lây hơn lao rất nhiều khi có thể lây qua khí dung.

Lao chủ yếu lây qua giọt bắn. Khi tiếp xúc, sinh hoạt, nói chuyện chung với người đang bị lao tiến triển, có vi khuẩn dương tính trong đàm; chúng ta có thể hít phải những giọt bắn mang vi khuẩn lao và mắc bệnh lao.

Vi khuẩn Mycobacterium Tubercolosis gây bệnh lao. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

4. Tiếp xúc với người bệnh lao làm tăng nguy cơ mắc lao

Nhóm người nào có nguy cơ mắc bệnh lao nhiều hơn, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Những người có nguy cơ mắc bệnh lao:

Những người suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, HIV, sử dụng thuốc ung thư, thuốc ức chế miễn dịch như corticoid có nguy cơ mắc lao. Những người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh nền cũng vậy.

Nếu họ ở trong môi trường không có vi khuẩn lao, họ sẽ không mắc bệnh. Chính vì vậy, người tiếp xúc với người bệnh lao, chăm sóc người bệnh lao, làm tăng nguy có mắc lao.

5. Không thể phát hiện sớm bệnh lao phổi bằng triệu chứng điển hình

Triệu chứng điển hình của lao phổi là gì, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Triệu chứng điển hình của lao phổi thường xuất hiện vào giai đoạn trễ. Vì vậy, muốn phát hiện sớm, đừng quá mong chờ vào triệu chứng điển hình.

Một số triệu chứng điển hình của lao phổi là ho kéo dài, sốt, sụt cân, ho ra máu. Những triệu chứng này thường bệnh nặng mới xuất hiện.

6. Chụp X-quang kịp thời phát hiện và điều trị sớm bệnh lao

Khi nào cần đến bệnh viện xét nghiệm kiểm tra? Người bệnh sẽ được chẩn đoán những chức năng gì, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Tỷ lệ mắc lao phổi ở Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới.

Có 2 tình huống phát hiện bệnh lao:

Một là khi kiểm tra sức khỏe thường xuyên.  Chương trình khám sức khỏe thường niên của công ty, xí nghiệp luôn bao gồm X-quang lồng ngực thẳng - đây là một chẩn đoán hình ảnh quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh lao. Khi bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng điển hình, nhìn vào X-quang nếu thấy tổn thương ở đỉnh, gợi ý mắc bệnh lao.

Hai là nếu đã từng tiếp xúc với bệnh nhân lao, khi có các triệu chứng như ho kéo dài hơn 2 tuần, nên tiến hành chụp X-quang để kiểm tra và phát hiện sớm.

7. Vi khuẩn lao có thể tấn công hầu hết các cơ quan trong cơ thể

Bệnh lao phổi còn tấn công cơ quan nào ngoài phổi hay không? Biến chứng nào có thể xảy ra nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Phòng bệnh lao phổi rất quan trọng vì có thể lây qua người khác, khiến chuỗi lây kéo dài mãi. Tuy nhiên, lao phổi không phải là bệnh lao duy nhất. Vi khuẩn có thể gây nhiều bệnh khác như lao màng phổi, lao ruột, lao tinh hoàn, lao buồng trứng, lao màng não, lao khớp, rất nhiều nơi. Gần như mọi cơ quan trong cơ thể đều có thể bị vi khuẩn lao tấn công.

Bệnh nặng nhất là lao màng não làm bệnh nhân hôn mê, co giật, mất ý thức; để lại di chứng như co giật, liệt vĩnh viễn khó điều trị. Đây là một trong những bênh  nguy hiểm nhất.

Theo chuyên gia, vi khuẩn lao có thể tấn công hầu hết các cơ quan trong cơ thể

8. Bệnh lao có thể điều trị khỏi hẳn không?

Liệu trình điều trị lao như thế nào? Có thể điều trị khỏi hẳn hay không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Nhìn chung, bệnh lao có thể điều trị được. Ung thư phổi không thể điều trị, nhưng bệnh lao có thể. Do đó, chương trình chống lao quốc gia là nền tảng quan trọng để dựa vào điều trị.

Điều trị lao đầu tiên bằng thuốc uống, bằng kháng sinh diệt vi khuẩn lao. Bệnh nhân phối hợp nhiều thuốc, uống đủ liều, đủ thời gian theo chương trình có thể kiểm soát được bệnh.

Ngoài thuốc còn có một số phương pháp phối hợp như phẫu thuật, điều trị bằng lối sống, sinh hoạt cũng giúp kiểm soát bệnh lao tốt hơn.

9. Chính sách mới trong việc điều trị bệnh lao

Người mắc lao phổi có được điều trị miễn phí không? Nếu có, nên đến đâu để được cấp thuốc miễn phí? Việc điều trị này có đảm bảo thông tin cá nhân của bệnh nhân hay không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Hiện nay, các cơ sở y tế luôn bảo mật thông tin cá nhân cho người bệnh.

Từ rất lâu, thuốc lao đã được phát miễn phí. Tuy nhiên, gần đây có sự thay đổi về chính sách. Người bệnh lao sẽ được điều trị theo bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân là công nhân sẽ được bảo hiểm thanh toán 80% chi phí, trong khi thuốc lao không quá mắc. Bệnh nhân chỉ đóng góp 20% chi phí điều trị, tuy nhiên rất rẻ, giá thành trong tầm tay mọi người.

Tuy nhiên, tùy vào mức bảo hiểm của bệnh nhân: người lớn tuổi, thương binh,... bảo hiểm có thể lên tới 100%.

10. Điều trị lao đòi hỏi thời gian dài, uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian

Nguyên nhân nào thúc đẩy lao kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Vi khuẩn lao có tính kháng thuốc tự nhiên. Tỷ lệ người bệnh lao càng nhiều khiến vi khuẩn càng nhiều, khiến chúng dễ đột biến và tăng tính kháng thuốc.

Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn do con người. Quá trình điều trị lao đòi hỏi thời gian lâu dài, cần uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian. Do bận rộn, không hiểu biết, bệnh nhân rút ngắn quá trình đó, không sử dụng thuốc theo đúng chỉ định. Do đó, đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm gia tăng đề kháng thuốc.

11. Nên điều trị đúng - đủ ngay từ đầu để ngăn chặn nguy cơ lao kháng thuốc

Điều gì xảy ra nếu lao kháng mọi thuốc điều trị? Còn trường hợp nào để điều trị cho bệnh nhân không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Tùy vào loại kháng thuốc sẽ kéo dài thời gian điều trị, có thể 9 tháng, có thể 18 tháng. Những thuốc chống lao hàng thứ 2 nhiều tác dụng phụ hơn thuốc hàng thứ nhất.

Vì vậy, không nên để vi khuẩn lao kháng thuốc, cũng như không để vi khuẩn lao kháng thuốc lây cho người khác. Tuy nhiên, vẫn còn hi vọng cho bệnh nhân bị lao kháng thuốc. Hiện tại, có nghiên cứu phát hiện nhiều thuốc lao rất hiệu quả.

Đối với người bị lao bình thường có thể rút ngắn thời gian điều trị lao. Bệnh nhân lao kháng thuốc có thể điều trị được. Tuy nhiên, việc điều trị vi khuẩn lao kháng thuốc vừa tốn kém cả về thời gian, tiền bạc lẫn sức khỏe; dẫn đến cơ hội chữa lành thấp hơn. Vì vậy, nên điều trị đúng, đủ ngay từ đầu để không bị lao kháng thuốc.

13. Những nguyên tắc “vàng” trong điều trị bệnh lao

Để năng cao hiệu quả điều trị lao phổi, tránh tình trạng lao kháng thuốc, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc nào trong điều trị, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Quan trọng nhất, bệnh nhân cần tuân thủ nguyên tắc của bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân đối toa thuốc theo cân nặng, chức năng gan thận của bệnh nhân, hướng dẫn uống một lần vào buổi sáng lúc đói; bệnh nhân cần tuân thủ tất cả điều này.

Phác đồ điều trị nhiều trường hợp kéo dài 6 tháng. Trong quá trình này, bệnh nhân phải uống đủ thuốc, lúc nào cũng mang thuốc theo bên mình tránh trường hợp quên.

Bên cạnh đó, bệnh nhân không uống rượu bia, không hút thuốc lá; không thực phẩm gây tăng axit uric.

14. Điều trị sớm, bệnh lao khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng

Sau điều trị, lao phổi có để lại di chứng hay không? Cần làm gì để nhanh chóng hồi phục sau liệu trình điều trị dài, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Nếu điều trị lao thể nặng sẽ để lại sẹo, giãn phế quản, hoặc những di chứng thường gặp ở lao.

Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Việc có di chứng hay không phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, điều trị càng muộn càng nhiều di chứng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X