Hotline 24/7
08983-08983

Ông ngoại nhiễm chất độc da cam, cháu có bị dị tật?

Em có thai 14 tuần, siêu âm thấy 2 bàn tay bé bị khèo. Ông ngoại em ngày trước là bộ đội bị nhiễm chất độc da cam. Em lo quá.

Chào các BS, Em có thai 14 tuần, nhưng đi khám thấy 2 bàn tay bé bị khoèo. Em rất buồn, gia đình em quyết định không sinh bé vì sợ sẽ khổ sau này. BS cho bé ra ngoài thì thấy tay chân bé đều bị khoèo. AloBacsi ơi, liệu em mang thai lần 2 có bị vậy nữa không?

Em vô cùng lo lắng và không biết có nên mang thai tiếp? Làm thế nào để lần mang thai sau không bị dị tật?

Ông ngoại em ngày trước là bộ đội. Trong 10 người con của ông có 2 dì và 1 cậu bị chất độc màu da cam, nhưng mẹ em và các cậu còn lại bình thường.

Liệu em có liên quan gì không? Các anh chị em họ đều sinh con khỏe mạnh, lành lặn, không hiểu sao đến lượt em lại như vậy. Em đang rất hoang mang và mong câu trả lời của AloBacsi. Xin cảm ơn nhiều ạ. (G. Hoa - hoa…@gmail.com)


Ảnh minh họa - nguồn internet 
Ảnh minh họa - nguồn internet

Bạn Hoa thân mến,

Khi mang thai, một trong những lo lắng phổ biến của các bậc cha mẹ tương lai là sợ điều gì đó không may xảy ra cho con mình.

Phần lớn các trẻ bị dị tật bẩm sinh đều có cha mẹ không có vấn đề gì về sức khỏe, hay yếu tố nguy cơ nào được ghi nhận. Một người phụ nữ có thể làm mọi thứ theo khuyến cáo của BS để sanh con khỏe mạnh, nhưng cuối cùng vẫn sinh ra trẻ dị tật.
 
Hiểu rõ về bản chất và nguyên nhân của dị tật bẩm sinh, có thể giúp bạn và các cặp vợ chồng chuẩn bị làm cha mẹ giảm lo lắng, sợ hãi hay mặc cảm tội lỗi khi không may sinh con dị tật.

Theo cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, mỗi 4.5 phút có một trẻ sanh ra bị dị tật bẩm sinh. Dị tật bẩm sinh gây ra thay đổi cấu trúc của một hay nhiều cơ quan của cơ thể, và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng, sự phát triển và sức khỏe của trẻ.

Cứ 33 trẻ chào đời sẽ có một trẻ bị dị tật bẩm sinh. Dị tật bẩm sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ, và cứ 5 trẻ tử vong thì có hơn 1 trẻ dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh có nhiều khả năng mắc bệnh tật và khuyết tật kéo dài so với trẻ không dị tật.

Như vậy, dị tật bẩm sinh không phải là hiếm gặp, và mỗi phụ nữ đều có khả năng sanh con bị dị tật, bất kể tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tiền căn về bản thân, gia đình hay lối sống.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ nào gây ra dị tật bẩm sinh?

Dị tật bẩm sinh xảy ra trước khi trẻ ra đời. Phần lớn xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi hệ thống cơ quan của trẻ đang hình thành. Đây là giai đoạn rất quan trọng của sự phát triển. Tuy vậy, một số dị tật bẩm sinh ở giai đoạn sau của thai kỳ, khi mô và các cơ quan tiếp tục lớn và phát triển.

Trong thực tế, có khoảng 60% dị tật bẩm sinh không xác định được nguyên nhân. Phần còn lại là do yếu tố di truyền và môi trường hay có sự kết hợp giữa hai yếu tố.

Di truyền

Di truyền đóng vai trò quan trọng trong một số dị tật bẩm sinh. Mỗi tế bào trong cơ thể có nhiễm sắc thể chứa những gene để xác định đặc điểm riêng biệt của mỗi người. Một gene bị mất hoặc lỗi có thể gây ra dị tật bẩm sinh; điều này rất có ý nghĩa khi mỗi người có khoảng 25.000 gene trong tế bào xác định tất cả mọi thứ từ chiều dài của ngón chân đến màu mắt.

Một đứa trẻ thừa hưởng một trong mỗi cặp nhiễm sắc thể từ cha mẹ. Đôi khi, một bệnh hoặc dị tật có thể xảy ra nếu chỉ cha hoặc mẹ truyền gene bệnh (gene trội) như trường hợp bệnh loạn sản sụn (tình trạng lùn), hay một số dị tật chỉ xảy ra khi hai bố mẹ khỏe mạnh cùng truyền một gene bị lỗi (gene lặn) cho trẻ như bệnh xơ nang chẳng hạn...

Cuối cùng, một số bé trai được thừa hưởng chính gene bệnh từ mẹ. Những khuyết tật, trong đó bao gồm các bệnh: ưa chảy máu, mù màu được xem là liên kết với nhiễm sắc thể X. Bởi vì nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X mà họ nhận được từ mẹ của mình, một gene bị lỗi trên các nhiễm sắc thể X mà họ nhận được có khả năng gây ra vấn đề bởi họ không có một bản sao bình thường của gene trên nhiễm sắc thể X khác mà phụ nữ có.

Số lượng hoặc cấu trúc của nhiễm sắc thể cũng có thể gây dị tật bẩm sinh. Một lỗi trong quá trình hình thành trứng hoặc tinh trùng có thể gây cho trẻ có quá ít hoặc nhiều nhiễm sắc thể, hoặc với một nhiễm sắc thể bị tổn thương. Dị tật bẩm sinh gây ra bởi nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Turner...

Môi trường

Bà mẹ trước khi mang thai phơi nhiễm với chất độc và chất gây ô nhiễm môi trường, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Một số chất độc như thuốc diệt cỏ (chất độc da cam) ở vùng phơi nhiễm có tỉ lệ dị tật bẩm sinh tăng gấp 3 lần bình thường.
 
Các thói quen uống rượu cũng gây các khuyết tật cơ quan, đặc điểm khuôn mặt bất thường, và chậm phát triển tâm thần.

Tương tự, hút thuốc lá trong khi mang thai cũng có liên quan đến tăng nguy cơ thai chết lưu, thai kém phát triển, hở môi hoặc hở vòm miệng...

Mẹ phơi nhiễm với tia bức xạ (tia X), hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn như rubella... cũng nguy cơ cao sinh con bị dị tật.

Một số phụ nữ có nguy cơ cao sanh con bị dị tật:

- Mắc bệnh tiểu đường không được điều trị hay bị béo phệ

- Trên 35 tuổi

- Có người trong gia đình bị dị tật bẩm sinh

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy dioxin (chất độc da cam) gây tổn thương trực tiếp về di truyền. Có thể có một khả năng nhỏ gây tổn thương gián tiếp về di truyền. Do đó, đứng về mặt di truyền không thể xác định mối liên kết giữa sự phơi nhiễm chất độc da cam mà ông ngoại bạn bị gây dị tật cho con của bạn (hoặc thế hệ cháu chắt).

Cơ hội sinh em bé khỏe mạnh vẫn có cho bạn ở lần mang thai tới. Bạn cần chuẩn bị trạng thái sức khỏe và tâm lý tốt trước khi mang thai. Không nên quá lo lắng, buồn phiền để ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chúc vợ chồng bạn có em bé khỏe mạnh ở thai kỳ sau.


 
Làm thế nào để phòng ngừa sinh con bị dị tật?

Nguy cơ dị tật bẩm sinh cho bất kỳ em bé nào vào khoảng 4%, bất kể tình huống nào trong lúc mang thai. Điều này có nghĩa là một em bé có khả năng bị dị tật ngay cả điều kiện sức khỏe của cha mẹ tốt.

Hướng dẫn sau sẽ giúp bạn giảm nguy cơ sinh con bị dị tật:

- Tiêm ngừa đầy đủ trước khi mang thai các bệnh: viêm gan siêu vi B, thủy đậu..., đặc biệt bệnh Rubella

- Bổ sung acid folic: bạn nên uống 400 microgram acid folic trong suốt 3 chu kỳ kinh nguyệt trước khi có em bé, hoặc ít nhất một tháng trước khi thụ thai.

- Tránh hút thuốc lá, thuốc có chất gây nghiện

- Không uống rượu hoặc các thức uống có cồn

- Giữ cân nặng hợp lý trước khi mang thai (nếu có béo phì phải giảm cân)

- Tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng và lo âu

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh các thức ăn nhanh, nhiều mỡ

- Khi mang thai chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của BS

- Điều trị ổn định, nếu có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp trước khi mang thai.


BS Nguyễn Vỹ



 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X