Hotline 24/7
08983-08983

Nước tiểu đục cảnh báo bệnh gì, điều trị ra sao?

Nước tiểu đục cảnh báo bệnh gì? Phụ nữ mang thai nước tiểu màu trắng đục như gạo có nguy hiểm? Trẻ em đi tiểu có màu đục, cha mẹ nên làm thế nào?... Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Màu nước tiểu thế nào là bình thường?

 
Nước tiểu của người khỏe mạnh sẽ có màu vàng nhạt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 
 
Thông thường ở một người khỏe mạnh nước tiểu sẽ có màu trong hoặc màu vàng nhạt. Điều này chứng tỏ bạn uống đủ nước, mọi hoạt động của cơ thể diễn ra tốt đẹp và không có gì đáng lo ngại.

Có một trường hợp ngoại lệ, ngay cả khi cơ thể khỏe mạnh, nước tiểu cũng sẽ có sự thay đổi từ màu trong đến vàng nhạt sang vàng đục nếu bạn uống ít nước, đang uống thuốc hoặc ảnh hưởng của loại thực phẩm (gia bị, thịt, thực phẩm có dầu sẽ khiến nước tiểu màu vàng đục, củ cải đường, nước cam hay rượu bia cũng làm màu nước tiểu kém trong). Lúc này, bạn không cần quá lo ngại vì nước tiểu sẽ trở lại bình thường khi bạn thay đổi khẩu phần mỗi ngày.

Tiếp đó, trong thời gian bạn uống một loại thuốc nào đó như vitamin C, B1, B2… nước tiểu của bạn cũng sẽ bị đổi màu. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi bạn ngưng dùng thuốc.

Nước tiểu đục là bệnh gì?

 
Nước tiểu đục cảnh báo sự thay đổi của cơ thể, đó có thể là viêm niệu đạo do lậu, tiểu dưỡng chấp... Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Tiểu đục là tình trạng nước tiểu đục như nước vo gạo, có những trường hợp nước tiểu đục lẩn vẩn như có hiện tượng kết tủa. Nhưng đặc tính của bệnh là đi tiểu vẫn thông, không bí tiểu, không buốt và không đau.

Đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi nghiêm trọng đến sức khoẻ như viêm niệu đạo do lậu, chlamydia, tiểu dưỡng chấp hay tiểu phosphate… Cụ thể:

Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đây là bệnh lý rất thường gặp, đặc biệt là ở nữ. Khi mắc vi khuẩn hoặc virut có thể xâm nhập và gây tổn thương, gây bệnh bên trong đường tiết niệu, làm cho nước tiểu chuyển sang màu đục. Tuy nhiên, nam giới cũng thể gặp phải căn bệnh này. Nhiễm khuẩn tiết niệu ở nam thường đi đôi với những nguyên nhân gây tắc đường bài niệu hoặc do những vi khuẩn đặc hiệu: lậu, lao. Ngoài ra, khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh cũng có thể kèm theo cảm giác đau, và nóng rát khi đi tiểu.

Viêm niệu đạo do lậu, Chlamydia. Ngoài triệu chứng nước tiểu đục, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác như tiểu gắt buốt, sốt, đau hông lưng. Thậm chí tiểu có mủ.

Tiểu dưỡng chấp là do có đường rò từ hệ thống mạch bạch huyết vào đường tiết niệu, làm cho có dưỡng chấp trong nước tiểu. Dưỡng chấp là chất có trong hệ thống mạch bạch huyết, thành phần chủ yếu là lipid. Nguyên nhân gây tiểu dưỡng chấp thường do mắc bệnh giun chỉ. Triệu chứng của tiểu dưỡng chấp là nước tiểu trắng đục như sữa hoặc như nước vo gạo, có những váng mỡ, để lắng lại có những mảng keo, mảng trắng như sữa đông hoặc mỡ đông. Hiện tượng này không xảy ra liên tục mà theo từng đợt.

Nếu là tiểu phosphate (có nhiều phosphate trong nước tiểu) thì thường là buổi sáng nước tiểu có màu trắng đụng, để lắng lại thấy có cặn như vôi. Trong ngày đi tiểu màu nước tiểu lại bình thường. Nếu tình trạng này để kéo dài lâu sẽ dễ bị sỏi thận do tinh thể phosphate đọng lại.

Nước tiểu đục khi mang thai có nguy hiểm?


Khi chị em mang thai nếu đi tiểu có màu đục sau 2 ngày không biến chuyển thì cần đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Nước tiểu đục trong khi mang thai là một trong những thay đổi phổ biến dễ gặp phải và chị em khi mới phát hiện thay đổi này có thể sẽ cảm thấy lo ngại. Đa phần các trường hợp nước tiểu đục có thể hoàn toàn bình thường đối với các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe của mẹ và bé.

Nguyên nhân gây nước tiểu đục ở các chị em mang thai có thể là sự thay đổi nội tiết tố, do chế độ ăn uống, do protein (được gọi là protein niệu và có thể là dấu hiệu của tiền sản giật).

Bên cạnh đó, nước tiểu đục trong thời kỳ mang thai cũng có thể là do các bệnh lây qua đường tình dục với triệu chứng đi tiểu đau và nước tiểu đục. Nếu thấy có cả hai triệu chứng này cùng lúc, các mẹ chớ có coi thường mà phải tới phòng khám ngay để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con.

Giai đoạn mang thai rất quan trọng đối với các chị em phụ nữ. Do đó, cần theo dõi sát sao “tiếng nói” của cơ thể. Khi thấy nước tiểu của mình không bình thường, cụ thể là chuyển sang đục thì nên xem xét các nguyên nhân có thể có. Chẳng hạn như nên cân nhắc xem mình có uống quá nhiều sữa hoặc tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm gây dị ứng khác mà có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.

Nếu sau khi kiểm tra các nguyên nhân và đã ngưng các thực phẩm, thuốc… sau 2 ngày mà nước tiểu vẫn đục, đôi khi có kèm theo bọt thì chị em nên đi khám bác sĩ sớm vì rất có thể đây là  một dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng hơn. Đôi khi, các chị em và "đối tác" tình dục cũng cần được xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nước tiểu của trẻ trắng đục, phải làm sao?

 
Trẻ đi tiểu có màu đục kèm theo các triệu chứng như tiểu gắt buốt, tiểu đau, sốt cao... thì cha mẹ cần cảnh giác. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Không chỉ ở người lớn, phụ nữ mang thai mà tình trạng nước tiểu đục ở trẻ em cũng thường rất hay gặp. Với những trẻ nhỏ không thể diễn tả các triệu chứng cho cha mẹ, do đó nếu không quan tâm, chăm sóc thù sẽ không nhận ra các bất thường của trẻ.

Ở trẻ em, khi uống ít nước sẽ làm cho muối kết tinh chiết xuất, đóng cặn và khi đi tiểu sẽ thấy nước tiểu trắng đục. Vào mùa đông giá rét, các muối được sinh ra trong quá trình trao đổi chất, khó tan hơn, nên chiết xuất ra càng nhiều muối kết tủa, nước tiểu lại càng nhiều muối kết tủa thì nước tiểu lại càng đục hơn.

Nếu hiện tượng này ít xảy ra và không kèm theo các triệu chứng bất thường, cha mẹ chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước, ít ăn mặn và theo dõi. Nếu thấy tình hình tiến triển tốt thì không có gì đáng lo ngại.

Nếu đã áp dụng phương pháp trên mà trẻ vẫn không có chuyển biến và kèm theo một số hiện tượng như: tiểu gắt buốt, tiểu đau, tiểu đục, tiểu lắt nhắt, đái dầm trong nhiễm trùng đường tiểu dưới (còn gọi là viêm bàng quang), sốt cao, đau hông lưng, đau bụng trong nhiễm trùng đường tiểu trên… và các hiện tượng bất thường khác thì cha mẹ cần chú ý theo dõi. Bởi lúc này, tình trạng nước tiểu xuất hiện màu trắng đục giống màu nước vo gạo ở trẻ có thể dấu hiệu cơ thể đang bị virus xâm nhập và gây hại cho đường tiết niệu khiến nước tiểu có màu đục.

Để chẩn đoán chính xác và điều trị sớm mẹ nên cho bé đi bệnh viện để làm xét nghiệm nước tiểu cần thiết.

Điều trị nước tiểu đục như thế nào?


Khi xuất hiện tình trạng nước tiểu đục, bạn cần theo dõi xem nước tiểu lúc nào cũng đục hay chỉ đục vào buổi sáng, hoặc một lúc sau khi quan hệ tình dục. Khi nước tiểu có lẫn dịch âm đạo, tinh dịch sẽ bị đục, nhưng bạn không thấy đau hoặc khó chịu khi đi tiểu.

Sau khi đã loại trừ hết các nguyên nhân đã nêu trên, nếu bạn vẫn thấy nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có bất kỳ bất thường nào khi tiểu tiện: tiểu buốt, rắt... thì cần đến bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu để khám, làm thêm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm… giúp xác định chính xác nguyên nhân gây tiểu đục. Khi xác định được nguyên nhân gây triệu chứng nước tiểu đục thì mới có hướng điều trị cụ thể.

Hoàng Thúy (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X