Hotline 24/7
08983-08983

Nội soi dạ dày trẻ em: Sao quá dễ dãi?

Sự kiện cháu bé 6 tuổi - một kỳ thủ cờ vua - chết tức tưởi sau nội soi dạ dày tại BV Hoàn Mỹ (TPHCM) khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Có một thực trạng: cho dù bệnh nhân là người lớn hay trẻ con, bất kể đau bụng do nguyên nhân gì đến khám thì thường BS cho nội soi...

Nguyễn Dư Thịnh (bìa trái) lúc dự thi cờ vua toàn quốc năm 2008 ở Vũng Tàu - Ảnh tư liệu gia đình

Một bà mẹ có con 8 tuổi hay đau bụng vặt, đến khám tại một phòng mạch tư, BS nói phải đi soi dạ dày xem có loét không. Chị đưa thông tin lên mạng hỏi ý kiến: "Mình lo quá. Ai có kinh nghiệm về chuyện này không? Mình đã nhờ liên hệ viện N vì trong đó có ống soi mềm cho trẻ em, nhưng vẫn thấy thương con quá chừng...

Ở viện N cháu nào không tiêm thuốc mê thì soi sống, cháu nào tiêm thuốc mê thì lờ đờ, tụi trẻ con nội soi dạ dày nhiều lắm... Con mình tiêm thuốc vào chẳng thấy mê gì cả. Nó phản ứng rất dữ dội, nôn cả mật xanh, mật vàng, giãy giụa khủng khiếp".

Những điều cần làm rõ

Trở lại trường hợp Nguyễn Dư Thịnh (Đắc Lắc), cha cháu cho biết lâu lâu một lần sau khi ăn cơm hoặc uống sữa khoảng năm phút, cháu bị đau bụng vài phút thì hết. BS ở Buôn Ma Thuột nghi đau dạ dày, cho uống các men tiêu hóa.

Đợt này có dịp vào TPHCM nên gia đình đưa cháu đến phòng mạch của BS N.H.L. (Q.7) được BS cho xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi và giới thiệu sang Bệnh viện Hoàn Mỹ thực hiện. "Sáng 13-7 tôi đưa con tới Bệnh viện Hoàn Mỹ.

BS siêu âm kết luận "siêu âm bụng chưa phát hiện bất thường". Tôi dẫn con tới phòng nội soi. Vô phòng nội soi để gây mê, BS lấy kim bơm thuốc mê rồi BS bảo tôi ra ngoài. Mấy phút sau, tôi thấy nhân viên chạy ra chạy vô phòng nội soi như ong vỡ tổ. Khoảng một giờ sau cháu Thịnh chết".

BS Đồng Ngọc Khanh - giám đốc BV Hoàn Mỹ (cơ sở 1) - cho biết cháu Thịnh được gây mê tĩnh mạch bằng Ketamin và thực hiện nội soi dạ dày. Tuy nhiên khi nội soi xong (trong vòng hơn một phút) thì bệnh nhân có biểu hiện giảm sút thành phần oxy trong não và tử vong ngay sau đó mặc dù đã tích cực cấp cứu hồi sức.

Tổng liều Ketamin sử dụng là 30mg (liều lượng cho phép là 1-1,25mg/kg) pha vào 10ml dung dịch nước muối natri clorua đẳng trương và bơm chậm 60 giây. Ketamin là loại thuốc gây mê rất an toàn, tỉ lệ tai biến có khả năng gây tử vong là 1/12.000".

Thử lên mạng Internet sẽ thấy rất nhiều quảng cáo liên quan đến nội soi dạ dày:

"đây là phương pháp có thể giám sát trực tiếp thực quản, dạ dày và tá tràng chỉ trong khoảng 5 phút",

"Khi cần, BS sẽ sinh thiết để thử vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) có khả năng gây viêm loét và ung thư dạ dày","đây là một thủ thuật an toàn và rất hiếm khi có biến chứng",

"Người trên 50 tuổi nên tham gia chương trình tầm soát ung thư đường tiêu hóa"... Giá nội soi dạ dày và tầm soát HP ở người lớn: 150.000 đồng, trẻ em: 200.000 đồng"...

Nhìn chung, dao động từ 150.000, 200.000, 480.000, 1,2-1,5 triệu, có nơi 165 USD nếu tính cả công khám trên 5 triệu đồng... Trong khi đó, những cảnh báo liên quan đến nội soi dạ dày thì ít người biết đến.

Với thông tin trên, chúng tôi thử tìm hiểu về Ketamin. Một chuyên gia về gây mê hồi sức cho biết ở thập niên trước thì dùng, nhưng sau này Ketamin không phải là ưu tiên chọn lựa số một, hai mà đứng hàng thứ ba - nếu không có các loại thuốc khác.

Thế nhưng, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi có trong tay bản kết quả nội soi dạ dày tá tràng của bé Thịnh lúc 11h01 phút 49 ngày 13/7/2008. Thuốc: Lidocain 10% spray, Xylocain 2% gel. Kết luận: viêm sung huyết hang vị.

Câu hỏi đặt ra: vậy thì BS của Hoàn Mỹ sử dụng thuốc gây mê cho Thịnh là Ketamin hay Lidocain, Xylocain? Lidocain 10% spray? Đây là vấn đề cần phải được làm rõ.

Nội soi dạ dày khi nào? Lứa tuổi nào?

Tham khảo các công trình nghiên cứu cho thấy độ viêm và loét dạ dày ở trẻ dưới 10 tuổi chỉ chiếm 1,7% và 1,9% .

Bệnh loét dạ dày - tá tràng là bệnh không thường gặp ở trẻ em, vậy có nên chỉ định cho trẻ em nội soi dạ dày quá đại trà? Một BS nhi cho biết trẻ em đau bụng có nhiều nguyên nhân, nếu cần thiết làm các xét nghiệm chẩn đoán thì chọn cái đơn giản, dùng phương pháp ít xâm lấn.

Ngay ở Mỹ, cho dù hiện nay nội soi được coi là "tiêu chuẩn vàng" để chẩn đoán nhiễm HP, thì có nhiều trường phái cũng khuyên dùng những biện pháp ít xâm lấn như tìm kháng thể HP trong phân (thử phân) hoặc test urease.

Chỉ định nội soi chỉ khi nào ói ra máu, tiêu phân đen tái phát nhiều lần, rối loạn tiêu hóa trên bốn tuần kèm những biến chứng như biếng ăn, thiếu máu, giảm cân...

Ngay tại một bệnh viện nhi ở TPHCM, chúng tôi được biết nội soi tiêu hóa bắt buộc phải gây mê sao cho bé ngủ hoàn toàn mới đặt ống nội soi và không sử dụng Ketamin vì có nhiều phản ứng phụ, mà dùng các loại thuốc như Propofol, Midazolam...

Trước cái chết của bé Nguyễn Dư Thịnh còn rất nhiều câu hỏi: việc chỉ định nội soi cho bé có đúng không khi bé chỉ mới 6 tuổi? BV Hoàn Mỹ có đủ điều kiện từ đội ngũ chuyên môn như BS gây mê trẻ em, BS nội soi trẻ em, các thuốc sử dụng trong gây mê, phương tiện cấp cứu hồi sức ngay trong phòng nội soi... để nội soi ở trẻ em?

Theo Kim Sơn - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X