Hotline 24/7
08983-08983

Nội soi có polyp đại tràng, cần làm gì để không tiến triển thành ung thư?

Theo TS.BS Trần Bảo Nghi - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, nếu nội soi phát hiện polyp đại tràng, bác sĩ sẽ cắt và gửi cục polyp đi kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu ác tính, bệnh nhân sẽ nhập viện để điều trị chuyên sâu hơn. Còn đối với người có polyp lành tính, cần có chương tình theo dõi, lịch hẹn khám định kỳ.

1. Polyp có thể hóa ung thư

Polyp đại tràng là gì? Có phổ biến hay không và nguy cơ diễn tiến thành ung thư đại tràng của polyp như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Polyp đại tràng ngày càng trở thành một vấn đề thời sự. Polyp là một vùng tổn thương có hình dạng giống khối u và phát triển từ niêm mạc của đại tràng. Polyp có thể có cuống hoặc phẳng.

Đầu tiên, đa số polyp lành tính, nhưng theo thời gian polyp có thể hóa ung thư khiến nhiều người lo sợ.

Theo thống kê, tỷ lệ người có polyp đại tràng dao động khoảng 7-10% dân số tùy từng nghiên cứu. Có nhiều nghiên cứu kỹ hơn phát hiện polyp rất nhỏ, khi nội soi dễ dàng bỏ sót. Polyp của đường tiêu hóa dưới xuất hiện nhiều ở trực tràngđại tràng sigma, càng lên cao của đại tràng tỷ lệ sẽ ít hơn. Tùy từng nhóm người, sự kích thích mà theo thời gian polyp sẽ phát triển to lên và có thể hóa ung thư.

2. Từ 40 tuổi nên một lần nội soi đường tiêu hóa trên và dưới

Đối với bà con khi đã chẩn đoán có polyp, những trường hợp nào cần cảnh giác với ung thư trực tràng, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán polyp, cần đưa bệnh nhân vào nhóm theo dõi. Tùy vào số lượng và kích thước polyp mà bác sĩ sẽ có chế độ thăm khám, theo dõi bệnh nhân và thăm khám cho bệnh nhân sát sao hơn.

Đối với số đông bệnh nhân đến để tầm soát và chưa biết bản thân có polyp hay không, bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử: tiền căn gia đình (người thân bố mẹ, anh, chị, em ruột có polyp đường tiêu hóa ở đại tràng, trực tràng, dạ dày… hoặc ung thư đường tiêu hóa) để xếp những người này vào nhóm nguy cơ. Hỏi về các thói quen sinh hoạt là yếu tố nguy cơ để đưa những người đó vào nhóm người cần lên kế hoạch điều trị.

Theo thống kê tại châu Á ở cả hai giới từ 40 tuổi trở lên, nên một lần nội soi đường tiêu hóa trên và dưới để tầm soát viêm loét dạ dày, polyp dạ dày.

Còn đối với những người có tiền sử gia đình mắc polyp hoặc ung thư đại tràng, độ tuổi tầm soát cần sớm hơn (khoảng 30-35 tuổi).

3. Khi phát hiện bệnh nhân có polyp, cần làm gì?

Đối với bà con, khi có polyp đại tràng sẽ có hướng điều trị, xử lý thế nào? Khi nào họ cần thực hiện đánh giá chuyên sâu nguy cơ polyp chuyển biến thành ung thư, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Bệnh nhân đến với Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh nội soi sẽ được tư vấn, nếu trong quá trình nội soi có phát hiện polyp và bác sĩ cắt được qua nội soi sẽ tiến hành ngay trong lúc đó.

Sau khi cắt xong, bác sĩ sẽ gửi cục polyp đến phòng xét nghiệm, xem dưới kính hiển vi để kiểm tra thuộc dạng nào. Đa số polyp ra giải phẫu bệnh sẽ có hai dạng chính là tăng sinh lành tínhu tuyến. Trong đó, polyp u tuyến có thể tăng sinh phát triển thành ung thư. Còn đối với polyp khi đã hóa ác tính, bác sĩ sẽ gửi bệnh nhân vào viện để điều trị triệt để hơn.

Bệnh nhân có thể qua một cuộc mổ nội soi xâm lấn nhiều, cắt ruột, nối ruột…

4. Cần xử lý polyp ngay khi phát hiện

Một số trường hợp khi phát hiện polyp đại tràng không được cắt bỏ, những trường hợp này làm sao có thể ngăn ngừa sự phát triển của ung thư đại tràng, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Polyp đại tràng có khả năng xuất hiện khá cao ở cả hai giới. Trong 40-50 tuổi thường xuất hiện polyp đại tràng. Polyp khi phát triển ngày càng lớn sẽ hóa ác tính, nên về mặt chuyên môn và ích lợi cho cộng đồng, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên nội soi tầm soát sớm và khi đã phát hiện ra polyp cần cắt bỏ.

Đồng thời người bệnh nên chọn cơ sở, phòng khám hay bệnh viện uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, không nên trì hoãn.

5. Người đã cắt polyp đại tràng, bao lâu nên nội soi lại?

Đối với trường hợp đã cắt polyp đại tràng liệu có thể yên tâm rằng nó không diễn tiến thành ung thư, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Sau một cuộc nội soi cắt polyp, trước khi bệnh nhân ra về, bác sĩ có nhiệm vụ phải trả lời cho bệnh nhân đã có thể yên tâm về vấn đề phát triển thành ung thư của polyp hay chưa. Nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi về việc cần làm gì sau đó? theo dõi thế nào? Bao lâu cần nội soi lại?

Vấn đề này cần chia làm nhiều trường hợp: Nếu polyp ác tính, cần chuyển hướng điều trị tích cực, cho bệnh nhân nhập viện có chuyên khoa tiêu hóa để được điều trị chuyên sâu hơn.

Còn đối với người có polyp lành tính, cần có chương tình theo dõi, lịch hẹn khám định kỳ. Ví dụ lần nội soi đầu tiên bệnh nhân cắt 2 polyp nhỏ, bác sĩ sẽ hẹn nội soi lại từ 5-6 năm sau.

Nếu nội soi ra có từ 3-4 polyp nhỏ sẽ được hẹn nội soi 3-5 năm sau. Nếu bệnh nhân soi ra có nhiều polyp (khoảng 10 polyp nhỏ trở lên), tần suất hẹn nội soi lại sẽ sát hơn, thường từ 1-3 năm sau. Đặc biệt, đối với bệnh nhân có số lượng polyp nhiều, kích thước to (>10cm) hoặc polyp nghi ngờ sẽ được bác sĩ hẹn nội soi sớm trong vòng 6 tháng - 1 năm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X