Nổi mề đay do những nguyên nhân nào gây ra?
Nổi mề đay là bệnh về da phổ biến và gây khó chịu, thậm chí còn choáng váng, ngất xỉu. Điều đáng lo ngại là từ 80-90% các ca bệnh mề đay mãn tính đều không xác định được nguyên nhân chính xác, gây khó khăn trong điều trị.
Thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có từ 15-20 người bị nổi mề đay và bệnh này có khả năng tái phát nhiều lần trong đời, đặc biệt phụ nữ dễ nổi mề đay hơn nam giới ở độ tuổi từ 20-40.
Mề đay thông thường bắt đầu đột ngột và rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng, lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ, mề đay lặn mất không để lại dấu vết.
Đặc biệt mề đay mãn tính là bệnh lý khá phức tạp với rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau như ký sinh trùng, thức ăn hay thời tiết. Nguyên nhân gây bệnh có thể còn do thuốc, phấn hoa, bụi, men mốc. Để điều trị mề đay, cách tốt nhất là loại bỏ yếu tố gấy bệnh nếu biết; tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng.
Nguyên nhân gây nổi mề đay
Mề đay là bệnh ngoài da rất phổ biến, cơ chế phức tạp, đa số thông qua kháng thể IgE, trong đó có vai rò quan trọng của các hóa chất trung gian, nhất là histamine. Bệnh do rất nhiều nguyên nguyên nhân gây ra, chẩn đoán khá dễ nhưng xác định chính xác nguyên nhân thì rất khó.
Theo diễn tiến, mề đay chia thành hai thể: cấp tính và mãn tính. Cấp tính là phản ứng xảy ra tức thì trong vòng 24h và có thể kéo dài đến 6 tuần. Mãn tính tồn tại trên 6 tuần và có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Trên cùng một bệnh nhân có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân cùng phối hợp gây bệnh.
Nguyên nhân đầu tiên là thức ăn. Những loại thức ăn thường gặp như trứng, sữa, socola, phô mai, đồ hộp... Những loại thực phẩm phải ngâm ủ lâu ngày như mắm, tương, chao, dưa chua... Thức uống lên men như rượu bia. Hải sản như tôm, cua, sò, ốc… Và ngay cả những loại thức ăn thông thường nhất, lành nhất như cà chua, cải xoong… cũng có thể gây nổi mề đay.
Những người bị dị ứng trứng có thể bị nổi mề đay
Nguyên nhân thứ hai là do thuốc. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây nổi mề đay. Trong đó thường gặp nhất là kháng sinh nhóm Beta lactam, Macrolid và ngay cả những loại thuốc thường dùng để điều trị mề đay như thuốc kháng histamine tổng hợp hoặc corticoid cũng có thể gây mề đay.
Nguyên nhân thứ ba là do tác nhân đường hô hấp. Bệnh nhân hít phải bụi, phấn hoa, bụi nhà, rơm rạ, lông súc vật, khói thuốc, men mốc.
Nguyên nhân thứ tư là nhiễm khuẩn. Bệnh nhân nhiễm virus như viêm gan siêu vi B, C, tai mũi họng, răng miệng, tiếp xúc với các hóa chất như thuốc nhuộm tóc, phấn son, nước sơn móng và thậm chí ngay cả chất bảo quản thực phẩm, phẩm màu cũng có thể gây mề đay.
Cách điều trị mề đay
Điều trị dứt điểm bệnh mề đay nói riêng cũng như tất cả các bệnh lý khác nói chung là mong muốn chính đáng của bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế. Tuy nhiên, thực tế điều này rất khó thực hiện do bệnh mề đay thông qua cơ chế miễn dịch rất phức tạp và do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó trên 50% trường hợp là vô căn tự phát, tức là không có nguyên nhân.
Vì vậy mục tiêu điều trị là điều trị chậm tái phát hoặc tái phát nhưng bệnh nhẹ.
Những người bị mề đay cần lưu ý những loại thực phẩm như thế nào?
Như đã nói ở trên, bệnh mề đay do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân do thức ăn. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân có thể không dị ứng với bất kỳ loại thức ăn nào hay dị ứng với một hoặc nhiều loại thức ăn khác nhau. Điều này đòi hỏi có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, tránh kiêng ăn quá mức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển chung của bệnh nhân, nhất là bệnh nhân trẻ em.
Đài Truyền hình Đồng Tháp
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình