Nỗi buồn giấu kín của thiếu nữ 'rậm lông'
Chứng rậm lông, nhất là ở những nơi nhìn thấy được dễ gây mất thẩm mĩ, nó thường xuất hiện ở các bạn gái sau độ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai.
Trước chuyến đi dã ngoại, Nhung (24 tuổi, Hải Phòng) lôi chiếc dao cạo râu ra cạo lớp lông cứng đen, để lộ ra đôi chân trắng bóc như em bé. Thấy vậy, cô bạn cùng phòng húng hắng "Lại chuẩn bị diện quần sooc à?". Trời phú cho Nhung nước da trắng hồng nhưng lại không cho phép cô được phô bày ưu điểm đó bởi Nhung thuộc dạng con gái "rậm lông". Ngay từ khi dậy thì, cô nàng đã phải giấu đi khuyết điểm này của mình.
Nhung ao ước: "Chỉ mong lớp lông dù có rậm nhưng sợi mảnh thì đã đỡ. Đằng này lông của tôi cứng đen nhìn vào lại tưởng chân đàn ông". Vậy là không thể cứ mặc quần dài, cũng không thể để lộ lông ra cho các bạn trêu, Nhung phải thường xuyên làm bạn với chiếc dao cạo của nam giới.
Đó là cách làm phổ biến trước đây. Từ khi đi làm, Nhung "ngụy trang" bằng tất chân nhiều hơn. Có điều kiện kinh tế, đôi khi Nhung cũng chuyển sang dùng cao dán lên chân. Cô nàng cho biết loại cao dán này được mua bên Singapore. Sau khi dán nó lên da, để một lúc rồi bóc thì lớp lông sẽ biến mất. Ưu điểm của loại này là thời gian lông mọc lâu hơn, đôi chân nhìn láng bóng, đẹp hơn.
"Tuy nhiên giá của nó rất mắc, hơn 300.000 đồng mà chỉ 2 tấm, sử dụng được một lần. Lúc dán lên da còn nóng và đau hơn so với dùng dao cạo nên thỉnh thoảng mình mới dùng. Đôi khi hết nó thì vẫn phải dùng đến cách cũ", Nhung tiết lộ.
Nỗi khổ của Nhung có lẽ còn chưa thấm tháp gì với Hồng Anh - sinh viên một trường đại học ở Cầu Giấy, Hà Nội. Hồng Anh cũng có nước da trắng, thân hình hơi mập. Cô nàng luôn phải sống co mình, ít bạn bè hay ít tham gia các hoạt động tập thể chỉ vì sợ những cái nhìn không mấy thiện cảm từ phía bạn bè vì chứng "rậm lông.
Người bạn cùng phòng, cũng là bạn thân nhất của Hồng Anh cho biết ngoài nhiều "vi - ô - lông" ở chân, tay, vùng da dưới nách... thì vùng lông ở mép của Hồng Anh rất đậm, chỉ cần nhìn qua cũng thấy nó như ria mép của đàn ông.
"Em ở cùng nó nên em biết nó rất mặc cảm vì cơ thể của mình. Dù ở phòng mùa hè nóng nực nó cũng đánh đeo lấy chiếc quần dài, chẳng bao giờ mặc áo sát nách hay diện váy. Riêng phần mép không thể giấu được nó đành phải chấp nhận", cô bạn này nói.
Cúi đầu, lí nhí từng câu đứt quãng, Hồng Anh nói từ sau tuổi dậy thì cơ thể em đột nhiên nhiều lông. "Mẹ em bảo thường xuyên lấy khăn rửa mặt chà mạnh vào vùng mép cho lông rụng bớt nhưng em làm không có kết quả. Ngày đó sợ các bạn trêu nên em hay lén dùng lưỡi lam cạo phần lông trên mép. Cũng có thể vì lý do đó nữa mà giờ đây lông ở mép rậm và đen lắm".
Theo lương y Vũ Quốc Trung, chứng rậm lông là do androgen kích thích lên các nang lông. Một phụ nữ có lông mọc nhiều, dày ở những vị trí mà phụ nữ khác mọc ít hoặc không có như ở mép, mặt, vú, ngực thì gọi là rậm lông. Ngoài nguyên nhân di truyền thì còn do nguyên nhân béo phì. Mặc dù hiếm nhưng người mắc chứng rậm lông là do nguyên nhân bệnh lý như u buồng trứng, u nang thượng thận, tuyến yên... biểu hiện bằng việc có bất thường về kinh nguyệt.
Chứng rậm lông, nhất là ở những nơi nhìn thấy được dễ gây mất thẩm mĩ, nó thường xuất hiện ở các bạn gái sau độ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai. Theo lương y Trung không nên dùng biện pháp cạo, nhổ vì đây là biện pháp không triệt để, gây đau, làm lớp lông mọc sau nhanh, sậm và dày hơn trước đó.
"Nên dùng các biện pháp tẩy lông vĩnh viễn như bôi hóa chất tẩy lông, làm rụng lông nhưng không nên dùng hóa chất với các vùng da nhạy cảm như mép, vùng kín. Với những người bị rậm lông nặng ở các vùng này tốt nhất nên tìm đến bác sĩ để có cách chữa trị an toàn nhất", lương y Vũ Quốc Trung nói.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình