Hotline 24/7
08983-08983

Những tiến bộ mới trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Sáng 18/3, tại GEM Center (TPHCM) đã diễn ra hội thảo khoa học “Những tiến bộ mới trong điều trị GERD: Từ lý thuyết đến ứng dụng vào thực tế lâm sàng” với sự tham dự của các chuyên gia về Tiêu hóa - Gan mật của Việt Nam và thế giới cùng đông đảo các bác sĩ, dược sĩ ở các trường đại học, bệnh viện, phòng khám…

Không gian Hội thảo rộng rãi, đầy đủ các thiết bị nghe, nhìn
Không gian Hội thảo rộng rãi, đầy đủ các thiết bị nghe, nhìn

Mở đầu hội thảo, TS.BS Quách Trọng Đức - Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội - ĐH Y dược TPHCM - Tổng thứ ký Hội khoa học Tiêu hóa TPHCM cập nhật tình hình bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, viêm thực quản trào ngược xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, những đối tượng thừa cân, béo phì, béo bụng cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.

TS.BS Quách Trọng Đức - Báo cáo viên đầu tiên của hội thảo
TS.BS Quách Trọng Đức - Báo cáo viên đầu tiên của hội thảo

Phần lớn các bệnh nhân có triệu chứng GERD tìm đến phòng khám Tai mũi họng bởi các nguyên nhân: vướng họng, khàn tiếng, ho dai dẳng, nuốt nghẹn, ợ nóng ợ chua… Ở Việt Nam, thường thì bệnh tiêu hóa trên phổ biến hơn, chủ yếu vẫn là thể NERD (trào ngược không viêm thực quản) và ERD nhẹ (viêm trợt niêm mạc thực quản).

Điều trị GERD gặp nhiều thách thức bởi bệnh nhân vẫn còn triệu chứng trào ngược gây khó chịu và không đáp ứng sau khi điều trị PPI (thuốc ức chế bơm proton) liều chuẩn ≥ 8 tuần.

Nguyên nhân GERD kháng trị là do nhầm lẫn giữa các triệu chứng của các bệnh tiêu hóa, liều điều trị chưa đủ hoặc do bệnh nhân không tuân thủ.

BS Đức đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiên trì dùng thuốc theo phác đồ và những chỉ dẫn của BS dành cho bệnh nhân. Có khi người bệnh dùng thuốc chưa đủ liệu trình nhưng cảm thấy giảm triệu chứng nên tự ý ngưng thuốc, điều này làm cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn bởi bệnh sẽ trở nặng và gây nên tình trạng kháng trị.

Nhiều bệnh nhân vẫn còn triệu chứng trào ngược khi đang dùng PPI thường xảy ra vào buổi tối, một số người tự ý sử dụng thêm thuốc, hoặc không uống PPI trước bữa ăn do quên, vội đi làm hay uống bù sau khi ăn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

Theo khuyến cáo của Hội Trào ngược dạ dày châu Á, PPI vẫn là thuốc điều trị nền tảng. Ở một số bệnh nhân GERD kháng trị có thể tăng liều PPI hoặc chuyển sang loại PPI khác, cũng có thể kết hợp với Anti-H2 hay alhinates giúp kiểm soát triệu chứng.

GS.TS.BS Ronnie Fass chia sẻ những lời khuyên quý giá cho bệnh nhân GERD
GS.TS.BS Ronnie Fass chia sẻ những lời khuyên quý giá cho bệnh nhân GERD

Để giúp các bệnh nhân GERD có thể ngủ ngon vào ban đêm, GS.TS.BS Ronnie Fass - Giáo sư Y khoa ở ĐH Case Western Reserve, Giám đốc Phân khoa Tiêu hóa và Gan mật, Chủ tịch Trung tâm Y khoa MetroHealth, Cleverlan, Ohio có lời khuyên: tránh ăn ít nhất 3 giờ trước khi ngủ; nâng cao đầu giường, tránh nằm nghiêng bên phải; tắt đèn khi nằm và hạn chế những quấy rầy để có giấc ngủ bình thường; điều trị và chia liều PPI trong suốt 24 giờ, uống thuốc đúng thời điểm, nếu các triệu chứng chủ yếu xảy ra vào ban đêm thì nên uống thêm H2RA, carafate, gaviscon… trước khi ngủ.

Bên cạnh đó GS Ronnie còn cho biết, ợ nóng chức năng và trào ngược do tăng nhạy cảm là 2 kiểu hình chính của không đáp ứng với PPI, hơn 90% bệnh nhân thất bại với PPI 2 lần mỗi ngày có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng này.

BS Trần Kiều Miên giới thiệu các ca bệnh lâm sàng
BS Trần Kiều Miên giới thiệu các ca bệnh lâm sàng

Bốn chuyên gia thảo luận, phân tích các ca bệnh lâm sàng và trả lời câu hỏi của khán giả
Bốn chuyên gia thảo luận, phân tích các ca bệnh lâm sàng và trả lời câu hỏi của khán giả

Tại buổi hội thảo, BS Trần Kiều Miên - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM mời BS.CK2 Trần Ngọc Bảo - Chủ tọa hội thảo, đồng thời là Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM cùng GS.TS.BS Ronnie Fass và TS.BS Quách Trọng Đức cùng phân tích, thảo luận điều trị 3 ca bệnh lâm sàng điển hình và giao lưu, nhận câu hỏi của các khán giả hội thảo.

Đông đảo bác sĩ, dược sĩ đến từ các bệnh viện, phòng khám lớn của TPHCM
Đông đảo bác sĩ, dược sĩ đến từ các bệnh viện, phòng khám lớn của TPHCM

Kết thúc hội thảo, BS.CK2 Trần Ngọc Bảo tổng kết 2 bài phát biểu của 2 báo cáo viên:

- Dịch tễ học ở nước ta chưa có những khảo sát chuyên sâu về cộng đồng để có cái nhìn rõ hơn về GERD nhưng chúng ta đã có những bước tiến đầu về nội soi: từ hầu như không có ca nào vào năm 1996 đến khoảng 15% năm 2004, 2005 và đến nay khoảng 18%. Sự gia tăng này một phần nhờ các BS nội soi có sự hiểu biết và cảnh giác về sự hiện diện của bệnh GERD nên phát hiện đúng và kịp thời.

- Những yếu tố, nguy cơ chưa khắc phục được của bệnh GERD: uống bia rượu, hút thuốc lá, đặc biệt là tình trạng béo phì đi đôi với nền kinh tế ngày càng phát triển.

- Đặc điểm bệnh GERD ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đa số nhẹ, tái phát và biến chứng ít.

- Tình hình GERD ngoài thực quản phổ biến nhưng không chuyên biệt.

- Những thông tin, kiến thức cập nhật của GS Ronnie Fass giúp cho chẩn đoán và điều trị GERD dựa trên lâm sàng, triệu chứng ợ nóng sẽ tiết kiệm chi phí.

- Về việc kháng trị và tái phát của GERD điều trị PPI lâu dài: PPI là nhóm thuốc hiệu quả và an toàn, tuy nhiên, việc dùng những thuốc này dài ngày cũng có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài như giảm hấp thu một số khoáng chất và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Một khán giả hỏi: bệnh nhân GERD uống nước có gas sẽ ảnh hưởng như thế nào? GS Ronnie Fass trả lời: khi uống nước có gas, nồng độ CO₂ sẽ làm đầy dạ dày, điều này sẽ gây nên tình trạng dễ trào ngược. Mặt khác độ pH của loại nước này có tính axit cao. Vì vậy 2 yếu tố chính này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh trào ngược. Nếu bệnh nhân GERD uống vào buổi tối thì giấc ngủ sẽ bị rối loạn.


Theo Hải Yến - Ongbachau.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X