Những lầm tưởng và sự thật về phẫu thuật ung thư vú
Nhiều bệnh nhân ung thư vú lo lắng về việc phẫu thuật gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị. ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Phó trưởng khoa Ngoại Tuyến vú, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã có những chia sẻ về vấn đề này, qua đó nhắn nhủ rằng sự đồng hành, chia sẻ của người nhà là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân chiến thắng ung thư.
1. Phẫu thuật không còn phụ thuộc vào giai đoạn ung thư
- Ngày nay, chúng ta có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư, trong đó, việc phẫu thuật vẫn là một phương pháp điều trị kinh điển. Xin BS cho biết, phẫu thuật có thể tiến hành ở những giai đoạn nào của ung thư ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Câu hỏi này được rất nhiều bệnh nhân quan tâm.
Phương pháp điều trị nào cũng có mục đích mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Đối với ung thư vú, phẫu thuật có vai trò ở mọi giai đoạn nhưng giai đoạn can thiệp phải đem lại lợi ích cho người bệnh.
Ví dụ, ở những giai đoạn sớm, phẫu thuật thường được ưu tiên.
Hiện nay, giai đoạn không còn quan trọng trong việc chọn lựa điều trị mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sinh học cũng rất quan trọng.
Trước đây, bệnh nhân được biết là phẫu thuật ở giai đoạn sớm còn giai đoạn trễ thì không. Bây giờ, những phương pháp điều trị toàn thân (hóa trị) cũng sẽ giúp cho phẫu thuật thuận lợi hơn ở cả giai đoạn sớm.
Mục tiêu của phẫu thuật là an toàn và đẹp, việc giữ lại những cấu trúc thiên bẩm của người phụ nữ rất quan trọng.
Chúng tôi hay khuyên bệnh nhân, khi mất đi một bên bộ phận tuyến vú, những ảnh hưởng xáo trộn cuộc sống rất lớn, thường chúng ta nên giữ lại. Phẫu thuật giai đoạn nào không quan trong bằng việc phẫu thuật giữ được tuyến vú và mục đích phẫu thuật.
Hóa trị toàn thân, phẫu thuật giúp giảm những biến chứng bệnh lý ở những giai đoạn muộn hơn, trễ hơn. Ví dụ, bệnh nhân đau nhức hay lở loét, phẫu thuật mang tính chất làm sạch, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và hỗ trợ xạ trị sau phẫu thuật.
Đối với giai đoạn sớm, bác sĩ luôn mong muốn giữ lại tuyến vú cho người bệnh, điều này là quan trọng.
2. Điều trị ung thư vú theo nguyên tắc cá thể hóa
- Thường thì khối u của bệnh nhân ung thư sẽ phải đáp ứng những tiêu chí nào để có thể tiến hành phẫu thuật được ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Tiêu chí chọn lựa phẫu thuật dựa vào nhiều yếu tố: bệnh nhân, bệnh lý (có bướu, có hạch, mức độ lan rộng của bướu, sinh học của bướu, bệnh nền của bệnh nhân). Khối u chỉ là một phần trong chọn lựa.
Ví dụ, ở cùng giai đoạn, nhưng bệnh nhân lớn tuổi (60-70 tuổi) có mục tiêu điều trị khác, chỉ cần cắt rộng hết bướu rồi điều trị thuốc, rất đơn giản nhẹ nhàng.
Còn với người trẻ, diễn tiến sinh học sẽ khác cũng như mục đích điều trị phải khác. Đôi khi, phải dùng hóa trị trước sau đó mổ và xạ trị.
Nguyên tắc điều trị ung thư vú hiện nay gọi là cá thể hóa trên từng người bệnh, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, độ lan, độ sâu của bướu, sinh học bướu, bệnh nền của bệnh nhân.
Chúng ta sẽ có kế hoạch phù hợp với chính người bệnh - đây là điều quan trọng nhất. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ hội chẩn đa chuyên khoa để đưa ra hướng điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân.
3. “Kiềng ba chân” trong đánh giá khối u
- Thường thì các bác sĩ sử dụng phương tiện gì để có thể đánh giá cũng như khảo sát các tiêu chí để xem khối u này có thể phẫu thuật được hay không ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Thông thường, tất cả các bệnh nhân có bệnh lý vú đến bệnh viện sẽ nhập vào khoa Ngoại tuyến vú. Tại đây, bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá toàn diện.
Chúng tôi hay dựa vào “kiềng ba chân” để đánh giá.
Đầu tiên là phương pháp khám lâm sàng.
Thứ hai là phương tiện chẩn đoán hình ảnh, thường là siêu âm nhũ ảnh và đôi khi kết hợp phim MRI đánh giá thêm.
Thứ 3, phải có giải phẫu bệnh. Vì mỗi một loại tế nào, mỗi một nhóm sinh học sẽ có những diễn biến, kế hoạch điều trị khác nhau.
Như vậy, kiềng ba chân gồm: lâm sàng, hình ảnh và giải phẫu bệnh.
Khi đó, chúng ta sẽ tối ưu hóa trên từng người, có người được phẫu thuật trước, có người nên hóa trị trước, có những người nên uống thuốc trước một thời gian để ổn định rồi mổ. Điều này chúng tôi sẽ thảo luận với bệnh nhân.
Nếu là bệnh nhân lớn tuổi không có nhu cầu giữ tuyến vú thì đơn giản. Những bệnh nhân trẻ có nhu cầu giữ tuyến vú sẽ có kế hoạch phù hợp hơn. Chúng tôi cần giải quyết các vấn đề: Cách giữ tuyến vú, cách điều trị, cách tạo hình trong trường hợp phải cắt bỏ tuyến vú (bằng túi hay bằng vạt). Tất cả điều này phải được thảo luận chi tiết.
Chú thích ảnh: Siêu âm là một trong những yếu tố đánh giá nhu cầu can thiệp phẫu thuật đối với bệnh nhân ung thư
4. Hóa trị hỗ trợ điều trị ung thư giai đoạn sớm
- Với những khối u khó có thể lấy hết được thì liệu rằng chúng ta có phương pháp nào đó để có thể can thiệp thu gọn hay không ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Hiện này, điều trị toàn thân (hóa trị) phát triển vượt bật, không chỉ điều trị cho di căn hay bệnh lan rộng. Trong những giai đoạn sớm, diễn tiến có khuynh hướng xấu đi, hóa trị sẽ chặn đứng và hỗ trợ cho ca phẫu thuật rất tốt.
Tuy nhiên, có loại đáp ứng tốt, có những loại khoảng 10% tiến triển nặng lên. Bác sĩ phải chắc chắn rằng diễn tiến dựa vào y học chứng cứ và cho bệnh nhân biết, bệnh nhân cũng phải chia sẻ quyết định với bác sĩ.
5. Vì sao khối u phẫu thuật bị tái phát?
- Với những khối u bị tái phát lại có phải là do lần trước chúng ta phẫu thuật còn sót hay không? Hay có phải do chúng ta lựa chọn giữa cách mổ mở hay là mổ nội soi ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Đây cũng là câu hỏi nhiều người đặt ra.
Đối với ung thư vú, nội soi chưa phát triển nên trong thực hành lâm sàng hiện nay chưa có nhiều phần nội soi. Phương pháp nội soi được đặt ra nhiều cho những phương pháp mổ trong ổ bụng, trong lồng ngực, để đánh giá tính an toàn dựa vào tiêu chí tái phát và di căn.
Nếu tái phát lại, một phần có thể do lần phẫu thuật trước không an toàn. Có những thời điểm tái phát, ví dụ, trong vòng 6 tháng gọi là tiến triển, nền ung thư còn và bùng lên, diễn tiến rất xấu. Còn sau 6 tháng khi ổn định bệnh gọi là tái phát. Lúc tái phát này có vài điều cần lưu tâm.
Thứ nhất: Tái phát tại nơi mổ.
Thứ hai: Tái phát tại vùng. Ví dụ, chúng ta bị hạch nách hay hạch trên xương đòn bên phải. Đây gọi là “vùng” và tái phát dưới dạng di căn xa.
Như vậy, việc phẫu thuật chỉ giúp bệnh nhân tại chỗ hoặc tại vùng, nếu bệnh nhân di căn thì không phải vì phẫu thuật mà do diễn tiến.
Chính vì vậy, có rất nhiều bệnh nhân thắc mắc phẫu vì sao phẫu thuật xong vẫn phải hóa trị. Hiệu quả của hóa trị là giảm tái phát, di căn.
Trong ung thư, phẫu thuật có nguyên tắc gọi là “cách ly không đụng đến”, phải an toàn, phải bao trùm - bao phủ. Bác sĩ chuyên khoa phải lập kế hoạch từ đầu về độ lớn, độ sâu. Và không được phép có tình trạng cắt xong lại mau tái phát. Thậm chí những sẹo sinh thiết ra ung thư thì đều phải giải quyết trong những lần phẫu thuật sau.
Khi bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát, chúng ta sẽ điều trị hỗ trợ tiếp trong giới hạn cho phép, ví dụ hóa trị hoặc xạ trị.
Có trường hợp chọn lựa không đúng, ví dụ, ca bệnh đối với người chuyên khoa sâu đánh giá giai đoạn 3 nhưng người không chuyên sâu đánh giá nhẹ hơn, khi phẫu thuật lấy không đủ. Bác sĩ này sẽ cho hóa trị trước rồi mổ còn người kia cho mổ trước, điều này cũng có ảnh hưởng đến kết cục điều trị của bệnh nhân.
Tóm lại, khi chúng ta đánh giá đúng bản chất của bệnh lý, kế hoạch điều trị sẽ chuẩn mực và an toàn hơn.
6. Phẫu thuật không làm diễn tiến khối u nặng hơn
- Một câu hỏi lớn là có phải khi chúng ta phẫu thuật, giống như dân gian ví là “đang yên đang lành tự nhiên chọc vào tổ ong” làm cho khối u này, căn bệnh này tiến triển phức tạp hơn. BS có nhận định gì về vấn đề này ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Trong thực hành lâm sàng, nhiều câu hỏi như vậy được đặt ra bởi bệnh nhân hoặc người thân.
Nếu “đang yên đang lành” thì không ai đến bệnh viện. Tuy nhiên, đặc biệt của ung thư vú là sẽ không làm xáo trộn về mặt chức năng của người bệnh. Ngay cả giai đoạn tiến tiển, giai đoạn muộn thậm chí một số di căn, bệnh nhân vẫn đi lại, ăn uống sinh hoạt bình thường.
Không hẳn giống như người khỏe mạnh bình thường nhưng họ không suy kiệt như những bệnh ung thư đường ruột, ung thư phổi, ung thư gan.
Vậy nên, bệnh nhân nghĩ là “đang yên đang lành”.
Người ta cũng nghĩ nếu đụng dao kéo vào thì bệnh sẽ tiến triển. Đây là kinh nghiệm họ thấy qua thực tế và là một định kiến không tốt.
Nếu bệnh tiến triển, không an toàn phẫu thuật, chúng ta sẽ hóa trị trước. Nếu không làm như vậy mà mổ trước và mổ không đúng, không đủ rộng thì bệnh sẽ bùng lại.
Tuy nhiên, giống như người thợ nuôi ong, người ta vẫn phải lấy mật, vẫn phải tóm trọn cái ổ. Như vậy, người bác sĩ chuyên khoa sâu về bệnh lý tuyến vú phải nắm toàn diện như vậy để giúp cho người bệnh.
Tóm lại, những hoạch định đầu tiên về kế hoạch điều trị cho bệnh nhân là quan trọng nhất.
7. Sinh thiết bằng kim không phát tán tế bào ung thư
- Tương tự như vậy, khi tiến hành sinh thiết khối u thì nhiều người cũng có quan niệm rằng không biết tế bào ung thư có đi ra theo đường kim sinh thiết hay không ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Trước khi có những phương tiện sinh thiết bằng kim, người ta đặt tên “seeding” trong tiếng Anh, nghĩa là gieo rắc tế bào ung thư theo đường sinh thiết, việc này có thể.
“Có” trong trường hợp chúng ta chọc kim sinh thiết vào rồi nhưng không điều trị, bệnh nhân bỏ điều trị. Cũng có trường hợp lấy không đúng mẫu, tế bào ác tính nhưng chúng ta cho là lành tính nên chưa can thiệp điều trị. Một thời gian sau, tế bào sẽ “seeding” theo đường đó, gieo rắc và có thể tái phát.
Thay vì mổ sinh thiết, phương pháp dùng kim không có sẹo, lấy đủ mẫu, đạt được kết quả, sau đó điều trị cho người bệnh thì hoàn toàn an tâm.
Trong thực tế y khoa, người ta theo dõi và chứng minh được không có sự gieo rắc vào đường sinh thiết. Đây là phương pháp an toàn với điều kiện lấy đúng, lấy đủ cũng như phải điều trị sau đó.
8. Chuẩn bị tâm lý trước khi phẫu thuật là điều quan trọng nhất
- Nếu như có chỉ định phẫu thuật thì bệnh nhân cũng như người nhà chúng ta nên chuẩn bị tâm lý và chuẩn bị những gì trước và sau khi phẫu thuật ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Đúng là chuẩn bị rất nhiều. Tôi hay nói với bệnh nhân trong điều trị ung thư vú có 5 phần, phẫu thuật chỉ chiếm 1/5 đoạn đường điều trị. Gia đình mới là quan trọng nhất, gia đình phải hiểu, phải đồng hành cùng người thân, chia sẻ về trách nhiệm, về mọi thứ thì điều trị sẽ tốt nhất.
Bác sĩ nên có sự tư vấn về tâm lý trong ung thư để người bệnh và người thân hiểu, từ đó, họ đồng hành, an tâm, bớt lo âu. Kế hoạch điều trị sẽ tối ưu nhất.
Về mặt sức khỏe, đây là một bệnh lý điều trị nhẹ nhàng, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24 tiếng. Những ca mổ tạo hình kéo dài 5-6 tiếng, bệnh nhân chỉ cần nằm viện 3 ngày. Những ca phẫu thuật cho bệnh nhân 80-90 tuổi cũng rất đơn giản.
Vấn đề chính là về mặt tâm lý và sự chia sẻ bởi vì người bệnh mang cảm giác tổn thương tâm lý nặng. Tuổi mắc ung thư vú hiện nay thường khoảng 40-49 tuổi, là độ tuổi người phụ nữ đang có công việc, địa vị xã hội ổn định, trách nhiệm lớn đối với gia đình, con cái.
Khi họ bệnh, họ cứ nghĩ bản thân là gánh nặng, nếu không được chia sẻ rất khó có những quyết định điều trị.
Chú thích ảnh: Sự đồng hành, chia sẻ của gia đình đồng hành là một yếu tố quan trọng để người bệnh vượt qua ung thư
9. Trên 80% bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm có thể điều trị ổn định
- Đúng như BS chia sẻ là một cái tổn thương tâm lý, một cú sốc rất lớn khi đột nhiên nhận tin mình bị ung thư. Rồi từng bước tiến đến phẫu thuật và nhiều phương pháp khác. Nhờ BS gửi một vài lời khuyên chúng ta vững tâm hơn trong quá trình điều trị cũng như để gia đình và bệnh nhân an tâm hơn để có thể điều trị và đạt được kết quả một cách tốt nhất ạ?
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang trả lời: Đối với ung thư, có một khái niệm là “chia sẻ quyết định”, bác sĩ chỉ giúp dẫn đường, đưa ra kế hoạch còn người quyết định là người bệnh và thân nhân của họ.
Tôi có một lời khuyên cho mọi người khi có những người bạn bè, đồng nghiệp hay người thân không may mắc bệnh như vậy: Chúng ta nên chia sẻ quyết định trực tiếp với bác sĩ, chúng ta có quyền đặt câu hỏi, có sự lựa chọn. Bác sĩ chỉ biết tối ưu về mặt chuyên môn, người thân quyết định cái tối ưu đó thật sự tốt nhất cho bệnh nhân mới quan trọng nhất.
Người thân hỗ trợ giúp việc điều trị thành công nhiều nhất chứ không phải bác sĩ. Bác sĩ và phẫu thuật viên chỉ giúp 1/5, còn các vị trí như: bác sĩ nội khoa, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ xạ trị, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ giải phẫu bệnh, phục hồi chức năng, tâm lý. Tất cả hợp thành một ekip, mỗi người một phần, mỗi người hỗ trợ một đoạn, gia đình mới đồng hành xuyên suốt.
Và đây là loại bệnh điều trị rất tốt, hiệu quả. Hiện nay, trên 80% bệnh nhân giai đoạn sớm điều trị ổn định lâu dài, trên 10 năm sống khỏe mạnh và hòa nhập cộng đồng tốt. Chúng ta không phải điều trị để hết bệnh mà giúp người phụ nữ tái hòa nhập xã hội phải tự tin với hình thể và không ảnh hưởng hạnh phúc hôn nhân. Đó là điều mà tất cả mọi người cùng muốn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình