Hotline 24/7
08983-08983

Những điều chưa biết về rối loạn nuốt và vai trò của bột cô đặc

BS.CK2 Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Tình trạng rối loạn nuốt ở người bệnh sau đột quỵ hoặc do một số bệnh lý khác rất thường gặp, và nếu không được xử trí đúng mức thì có thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh”.

Rối loạn nuốt là gì?

Bình thường, quá trình nuốt thức ăn diễn ra theo ba giai đoạn: giai đoạn miệng, giai đoạn họng và giai đoạn thực quản. Trong giai đoạn miệng, thức ăn trong khoang miệng được làm mềm nhờ nước bọt, sau đó được nghiền nát rồi được vận chuyển xuống họng.

Họng là khu vực trung gian giữa miệng và thực quản và cũng chính là nơi mà quá trình nuốt thực sự bắt đầu, đó là khi thức ăn di chuyển dần từ miệng xuống thực quản. Ở họng có một “ngã ba” là nơi gặp nhau của đường thở (thanh quản) ở phía trước và đường ăn (thực quản) ở ngay phía sau.

Phía trên cùng của đường thở có một cấu trúc gọi là “nắp thanh môn”, có nhiệm vụ đóng kín thanh quản (để thức ăn không rơi vào) trong khi thức ăn đi qua ngã ba này để xuống thực quản. Khi vì một nguyên nhân nào đó mà thức ăn, nước uống không đi qua thực quản để xuống dạ dày như bình thường, mà lại “đi nhầm” vào thanh quản và rơi vào đường thở thì tình trạng này được gọi là “hít sặc” và đây chính là một biểu hiện điển hình và thường gặp nhất của rối loạn nuốt.

Ngoài ra, rối loạn nuốt còn do sự yếu liệt của các cơ nuốt, là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau mà thường gặp nhất là do đột quỵ, gây cản trở quá trình vận chuyển thức ăn, nước uống từ miệng xuống thực quản.

Quá trình nuốt (nguồn 山部歯科医院「嚥下障害支援サイトSwallow)

Các nguyên nhân gây ra rối loạn nuốt

Có rất nhiều bệnh lý có thể gây ra rối loạn nuốt. Thường gặp nhất là do các bệnh lý sau:

- Đột quỵ.

- Chấn thương sọ não.

- Chấn thương tuỷ sống.

- Parkinson.

- Bại não.

- Sa sút trí tuệ.

- Các khối u hoặc sẹo mổ ở vùng miệng, họng, thực quản.

Các biểu hiện của rối loạn nuốt

Rối loạn nuốt, đặc biệt là hít sặc, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Do đó, chúng ta cần biết các biểu hiện của rối loạn nuốt để từ đó có các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Các biểu hiện điển hình, thường gặp nhất của rối loạn nuốt bao gồm:

- Ho trong khi hay ngay sau khi ăn hoặc uống.

- Hắng giọng liên tục sau khi ăn hoặc uống.

- Thay đổi giọng nói sau khi ăn hoặc uống (giọng nói trở nên “ẩm ướt”) .

- Có cảm giác ngẹn ở họng hay ở sau xương ức sau khi ăn hoặc uống.

- Thời gian nhai và nuốt thức ăn lâu hơn đáng kể so với bình thường.

- Thức ăn, nước uống trào ra khỏi miệng trong khi ăn uống.

- Còn thức ăn ứ đọng trong khoang miệng sau khi ăn.

- Khó thở sau khi ăn hoặc uống.

Các hậu quả của rối loạn nuốt

Rối loạn nuốt có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như:

- Sợ ăn uống, đặc biệt khi phải ăn uống cùng với người khác.

- Suy dinh dưỡng.

- Trầm cảm, tự cô lập, xa lánh xã hội.

- Hít sặc, dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt là ở những người bệnh cao tuổi, do phản xạ ho kém nên có thể bị tình trạng “hít sặc thầm lặng”, nghĩa là không có biểu hiện gì rõ ràng và rất khó phát hiện cho đến khi đã có biến chứng.

Các phương pháp điều trị rối loạn nuốt

Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn nuốt. Lựa chọn phương pháp nào để áp dụng là tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra rối loạn nuốt. Các phương pháp thường gặp bao gồm:

- Thay đổi loại thức ăn, nước uống cho phù hợp.

- Thay đổi tư thế khi ăn uống để an toàn hơn.

- Tập mạnh các cơ nuốt, kích thích điện cơ nuốt.

- Đặt ống thông mũi – dạ dày hoặc làm phẫu thuật mở thông dạ dày ra da để nuôi ăn (áp dụng cho những trường hợp bệnh quá nặng, không thể làm gì khác).

- Sử dụng các “chất làm đặc”.

Vai trò của “chất làm đặc” trong điều trị rối loạn nuốt

Đối với người bình thường, trong khi ăn uống hoặc nói chuyện, nếu không cẩn thận thì thỉnh thoảng cũng có thể bị sặc. Đơn giản nhất là sặc nước bọt. Hay gặp hơn là sặc khi uống nước, nhất là ở người cao tuổi, khi các cơ nuốt đã bị suy yếu và phản xạ nuốt cũng kém hơn ở người trẻ. Khả năng bị sặc còn phụ thuộc vào mức độ đặc hay lỏng của thực phẩm.

Nhìn chung, thực phẩm càng lỏng thì càng dễ gây sặc, nghĩa là dễ bị rơi vào đường thở thay vì đường ăn. Ngược lại, thực phẩm quá rắn, quá khô thì lại có thể gây nghẹn, nghĩa là bị mắc kẹt lại trên đường đi xuống thực quản. Lý tưởng nhất để vừa có thể đi xuống dễ dàng, lại vừa có thời gian lưu chuyển đủ lâu để không “đi lạc” vào đường thở là các loại thực phẩm có độ đặc vừa phải như sữa chua, kem, bánh pút-đinh…

Tuy nhiên, trên thực tế không có ai chỉ ăn một vài loại thực phẩm như vậy. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để người bệnh bị rối loạn nuốt có thể ăn, uống bất kỳ loại thực phẩm nào theo mong muốn của họ mà không sợ bị sặc? Đó cũng là lý do của việc các “chất làm đặc” được đưa vào sử dụng trong điều trị lâm sàng.

Chất làm đặc dạng bột (nguồn ảnh: morinagamilk.co.jp)

“Chất làm đặc” (tiếng Anh: thickener) là những chất đặc biệt, có dạng bột hoặc dạng gel, được sử dụng để pha vào thức ăn, nước uống, giúp làm tăng độ đặc hay độ sệt của thực phẩm, từ đó giúp thực phẩm dễ di chuyển đúng vào đường ăn và không đi nhầm vào đường thở, tránh được tình trạng hít sặc cho người bệnh.

Chất làm đặc thường không có mùi vị hay màu sắc, do đó không làm thay đổi tính chất của thực phẩm, trừ việc làm tăng độ đặc của thực phẩm. Ở các nước phát triển, chất làm đặc đã được sử dụng trong điều trị lâm sàng từ rất lâu. Có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc sử dụng “chất làm đặc” là một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả và an toàn trong điều trị rối loạn nuốt nói chung và hít sặc nói riêng.

Chất làm đặc giúp cho người bệnh bị rối loạn nuốt có thể ăn uống hầu như tất cả các loại thực phẩm theo mong muốn của họ mà không sợ bị sặc (nguồn ảnh: focusasiatravel.com)

Hiện nay ở nước ta, tình trạng người bệnh có rối loạn nuốt do nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là đột quỵ, là rất phổ biến. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đa số người bệnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức đến việc điều trị rối loạn nuốt, mà quá trình điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc tập mạnh cơ chân tay bị liệt, tập di chuyển, đi đứng, sinh hoạt…

Vì vậy, trong thực tế lâm sàng, có rất nhiều trường hợp rối loạn nuốt chỉ được phát hiện khi người bệnh đã có các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, suy dinh dưỡng; và khi quá trình giải quyết các hậu quả này không kịp thời, không hiệu quả thì cuối cùng đã đưa đến kết cục người bệnh tử vong hết sức đáng tiếc.

Có nhiều lý do để giải thích cho thực trạng này. Thứ nhất là do hiểu biết của cộng đồng về vấn đề rối loạn nuốt còn nhiều hạn chế. Thứ hai, quan trọng hơn, là do đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu bài bản về xử trí rối loạn nuốt (chuyên gia âm ngữ trị liệu) vẫn chưa có nhiều. Thứ ba là do người bệnh sống ở những vùng xa xôi, không có khả năng tiếp cận các cơ sở y tế có khả năng điều trị rối loạn nuốt. Một lý do khác là các phương tiện hỗ trợ điều trị rối loạn nuốt như “chất làm đặc” cũng chưa có nguồn cung cấp chính thức như các dược phẩm, và do đó không phổ biến, không dễ tìm.

Ăn uống bình thường không chỉ là một trong những chức năng cơ bản giúp cho cơ thể chúng ta được khoẻ mạnh mà nó còn mang các ý nghĩa và giá trị về mặt cảm xúc, giao tiếp xã hội và văn hoá. Hy vọng rằng trong tương lai không xa các khó khăn nói trên sẽ được giải quyết, và chúng ta sẽ có thêm nhiều “vũ khí” hiệu quả để sử dụng trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, từ đó mang lại chất lượng điều trị tốt hơn và chất lượng cuộc sống cao hơn cho những người bệnh bị rối loạn nuốt.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/roi-loan-nuot-va-vai-tro-cua-chat-lam-dac-169211109104257328.htm

Bột cô đặc thực phẩm Tsururinko Quickly là sản phẩm nhập khẩu trực tiếp Nhật Bản hiện đang được phân phối trên toàn quốc. Liên hệ hotline 0989 169 703 để được tư vấn thêm về sản phẩm và đặt hàng.

Bạn có thể xem thông tin chi tiết tại: https://tsururinkoq-vn.com/

Hoặc Facebook: Bột Cô Đặc Thực Phẩm Tsururinko (facebook.com)

Hotline: 028 7108 7770 - 0989 169 703

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X