Những điều cần biết về phơi nhiễm và điều trị dự phòng HIV
BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, không phải trường hợp nào những người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc sẽ bị nhiễm HIV. Khi gặp trường hợp rủi ro, việc xử trí sau phơi nhiễm là rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, giúp cho bạn và người thân hạn chế được nguy cơ lây nhiễm HIV.
Phơi nhiễm HIV là gì?
Xin hỏi BS, khái niệm “phơi nhiễm HIV” được hiểu chính xác như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: “Phơi nhiễm” trong tiếng anh là exposure, nghĩa là tiếp xúc với nguồn có thể lây bệnh. Phơi nhiễm HIV có nghĩa là tiếp xúc với nguồn có thể chứa HIV và có thể bị lây theo đường lây của HIV.
Tương tự, con người có thể phơi nhiễm với virus dại, với nhiều virus, tác nhân gây bệnh khác nhưng chưa chắc bị mắc bệnh.
Phòng ngừa sau khi phơi nhiễm HIV
Nhiều người cho rằng phơi nhiễm HIV đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Quan niệm này có đúng không, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan điểm đó không đúng. Ngay cả khi một người biết chắc bản thân phơi nhiễm với một tác nhân có khả năng nhiễm HIV và gần như chắc chắn nhiễm thì vẫn có biện pháp phòng ngừa.
Không phải 100% các trường hợp phơi nhiễm hay có tiếp xúc với virus HIV đều bị nhiễm. Điều này còn tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc và tải lượng virus của đối tượng phơi nhiễm, cách tiếp xúc như thế nào.
Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm HIV nên gặp bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp phòng ngừa vì một khi nhiễm HIV thì gần như phải chữa suốt đời. Việc phòng ngừa sau khi phơi nhiễm HIV rất quan trọng.
Các trường hợp phơi nhiễm HIV
Xin hỏi BS, một người có thể bị phơi nhiễm HIV trong những trường hợp nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: HIV lây qua đường máu, nghĩa là virus sẽ xuyên qua da theo đường máu. Tương tự, virus HIV có thể xuyên qua niêm mạc do quan hệ tình dục hoặc lây từ mẹ sang con, tiêm chích, truyền máu.
Trong thực tế, phơi nhiễm HIV có thể do quan hệ tình dục không an toàn hoặc đạp phải kim tiêm nghi ngờ chứa máu của người bị HIV. Trong công việc, bác sĩ hoặc điều dưỡng bị kim đâm vào tay mà không biết rõ nguồn cũng là một dạng phơi nhiễm.
Gặp bác sĩ chuyên khoa để được phân tích rõ nguy cơ
Một người có thể tự đánh giá nguy cơ phơi nhiễm HIV của bản thân được không? Những trường hợp nào được xem là nguy cơ cao hoặc nguy cơ thấp, trường hợp nào thì không đáng lo?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Máu dính vào da không có vết trầy xước, rửa sạch ngay sau đó thì không thể nhiễm HIV được. Tuy nhiên, nếu có vết thương lớn, dính máu từ người không rõ có nhiễm HIV không thì được xếp vào tình huống nguy cơ cao.
Quan hệ tình dục với một người không biết có nhiễm bệnh hay không, bị đứt tay, rách tay trong khi phẫu thuật cũng là các dạng nguy cơ.
Để biết chắc được nguy cơ cao hay nguy cơ thấp, nên đến tư vấn với một bác sĩ chuyên về HIV. Bác sĩ sẽ phân tích tình huống để xem có cần uống thuốc hay không, uống thuốc hoặc xét nghiệm máu như thế nào.
Nặn máu từ vết thương làm tăng nguy cơ virus HIV xâm nhập vào cơ thể
Cần phải làm gì nếu bản thân rơi vào trường hợp nguy cơ cao và nên làm gì trong trường hợp nguy cơ thấp, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi gặp tai nạn và cảm thấy bản thân có nguy cơ, cần phải đi gặp bác sĩ ngay. Trong tình huống bị đứt tay và có nguy cơ bị virus xâm nhập, không nên nặn máu ra và cũng không nên cầm máu. Hãy để máu chảy tự nhiên, rửa dưới vòi nước sạch và sát khuẩn bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Chảy máu là phản xạ tự nhiên để tống virus ra ngoài, việc nắn bóp vết thương sẽ vô tình tạo ra thêm nhiều tổn thương viêm, làm tăng nguy cơ virus HIV xâm nhập vào cơ thể.
Việc uống thuốc dự phòng HIV phải thực hiện trong vòng 72 giờ, càng sớm càng tốt. Sau 72 giờ, thuốc không còn tác dụng nữa. Một số người quan hệ tình dục không kiểm soát dược sẽ uống loại thuốc ngừa 1 viên mỗi ngày, uống thuốc trước cả khi phơi nhiễm.
Sau khi gặp tai nạn, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được hướng dẫn, trong trường hợp có nguy cơ cao phải uống thuốc càng sớm càng tốt.
Tất cả các trường hợp có nguy cơ đều phải uống thuốc kháng virus
Xin BS cho biết, điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ được chỉ định trong những trường hợp như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tất cả các trường hợp có nguy cơ, dù cao hay thấp, đều phải uống thuốc dự phòng. Trừ trường hợp biết chắc chắn nguồn máu không bị nhiễm HIV.
Thuốc dự phòng phơi nhiễm không còn tác dụng sau 72 giờ
Thời gian tốt nhất để điều trị phơi nhiễm là bao lâu sau khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ? Liệu trình điều trị phơi nhiễm như thế nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, cần phải lập tức đến gặp bác sĩ và phải uống thuốc càng sớm càng tốt.
Thời gian càng lâu, khả năng khống chế virus của thuốc sẽ chậm hơn. Sau 72 giờ, thuốc không còn giá trị. Thông thường phải uống 2, 3 loại thuốc, thời gian uống kéo dài khoảng 1 tháng.
Trước đó, phải xét nghiệm máu để xem đối tượng đã bị nhiễm hay chưa. Nếu chưa nhiễm thì việc uống thuốc mới có ý nghĩa, sau khi uống sẽ tiếp tục theo dõi và định kỳ xét nghiệm máu để khẳng định phơi nhiễm không làm lây HIV.
Theo dõi tác dụng phụ của thuốc và xét nghiệm máu định kỳ
Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, chúng ta cần phải theo dõi như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Uống thuốc ARV sẽ gây nôn ói, khó chịu, mất ngủ,... trong 1 tuần đầu, sau đó ổn dần. Việc theo dõi thì cần theo dõi những tác dụng phụ của thuốc. Nếu có các biểu hiện vàng da, nôn ói nhiều, nên quay lại gặp bác sĩ.
Quan trọng là phải xét nghiệm máu định kỳ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xét nghiệm HIV lại sau 3 tháng để có kết quả chắc chắn
Sau khi điều trị xét nghiệm HIV, cần xét nghiệm lại vào những thời điểm nào để chắc chắn bản thân đã an toàn, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Xét nghiệm sau 3 tháng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ để đảm bảo an toàn. Hiện nay đã có những xét nghiệm với thời gian 1 tuần hoặc 1 tháng nhưng để chắc chắn không bị nhiễm thì phải đợi đến 3 tháng sau để xét nghiệm lại.
Nhân viên y tế có thể được cấp thuốc điều trị phơi nhiễm HIV miễn phí
Có thể đến đâu để được điều trị phơi nhiễm HIV và việc điều trị này có miễn phí không, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các phòng khám ngoại trú HIV đều có chương trình điều trị phơi nhiễm. Nhân viên y tế hoặc sinh viên y khoa gặp tai nạn có thể được cấp thuốc miễn phí. Các nghề nghiệp khác đa số phải trả tiền cho thuốc điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình