Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về khám tiền mê

Trong bài viết này, ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi - Phó khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Bình Dân sẽ chia sẻ các thông về khám tiền mê. Đây là cách giúp bác sĩ có được các thông tin về vấn đề sức khoẻ của người bệnh. Từ đó, có kế hoạch gây mê hồi sức và giảm đau sau phẫu thuật phù hợp cho bệnh nhân.

1. Quy trình chuẩn bị để tiến hành phẫu thuật gồm những gì?

BS có thể cho biết ở Bệnh viện Bình Dân, bệnh nhân từ khi nhập viện cho đến khi lên bàn mổ để tiến hành ca phẫu thuật, họ được chuẩn bị những gì?

ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi trả lời: Khi người bệnh có vấn đề sức khỏe đến khám, bác sĩ sẽ cho hẹn để đến ngày nhập viện đi mổ. Thông thường bệnh nhân sẽ nhập viện vào buổi sáng và được hướng dẫn nhịn ăn uống trước đó để khi đến khoa thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu thường quy.

Sau khi xét nghiệm, bác sĩ ở khoa người bệnh nằm sẽ trình bày trường hợp với ban chủ nhiệm khoa đó để có phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất với tình trạng của người bệnh.

Tiếp theo, người bệnh sẽ được khám tiền mê, chuẩn bị và đi mổ. Thông thường, tùy theo cuộc mổ và tình trạng bệnh của người bệnh mà có thể khám tiền mê trước 1 ngày hay nhiều ngày rồi mới đi mổ.

2. Mục đích của khám tiền mê là gì?

Khám tiền mê là để làm gì, có phải bất cứ phẫu thuật nào cũng cần khám tiền mê hay không?

ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi trả lời: Khám tiền mê giúp bác sĩ có được các thông tin về các vấn đề sức khoẻ của người bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch gây mê hồi sức và giảm đau sau phẫu thuật phù hợp cho người bệnh.

Ngoài ra, qua thăm khám tiền mê các bác sĩ có thể đánh giá các nguy cơ người bệnh có thể gặp phải khi gây mê và phẫu thuật để tư vấn, giải thích cho người bệnh hoặc thân nhân để có thể hiểu và an tâm tin tưởng, chuẩn bị phù hợp và hợp tác tốt với nhân viên y tế để cuộc mổ thuận lợi hơn. Với mục đích này, tất cả các bệnh nhân cần đi mổ đều phải khám tiền mê.

3. Gây tê tại chỗ và gây mê ngắn có cần khám tiền mê hay không?

Trường hợp người bệnh chỉ gây tê cục bộ, hoặc chỉ gây mê ngắn như khi nội soi dạ dày, nội soi đại tràng thì có cần khám tiền mê không ạ?

ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi trả lời: Các trường hợp chỉ gây tê tại chỗ, không có bệnh lý đi kèm nặng và không cần vô cảm (gây mê) như không sử dụng các thuốc gây ngủ, các thuốc sử dụng chuyên biệt giúp người bệnh bớt lo lắng, bớt đau thì có thể không cần khám tiền mê.

Các trường hợp còn lại đều cần gây mê bằng các thuốc sử dụng chuyên biệt trong gây mê giúp bệnh nhân bớt lo lắng, bớt đau hoặc bệnh nhân có bệnh lý nền nặng thì cần phải được thăm khám tiền mê trước khi thực hiện.

4. Khi khám tiền mê bác sĩ sẽ trao đổi những gì?

Cụ thể, khi khám tiền mê thì bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh những nội dung gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi trả lời: Khi thăm khám tiền mê bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám và giải thích các nguy cơ của cuộc gây mê và phẫu thuật.

Bác sĩ gây mê sẽ hỏi về các vấn đề như: Bệnh nhân đã mổ lần nào chưa? Mổ gì? Các vấn đề liên quan đến lần mổ trước (đau, ói,...), dị ứng thuốc, thức ăn? Tìm hiểu về một số thói quen sinh hoạt liên quan như uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng thuốc ngừa thai hay thuốc ngủ, chất kích thích, gây nghiện,…

Bác sĩ sẽ hỏi về các bệnh lý mạn tính của người bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bướu giáp, bệnh tim, bệnh lý phổi,... Hoặc các thuốc điều trị, theo dõi của người bệnh, các triệu chứng bất lợi liên quan.

Tốt nhất người bệnh nên mang theo sổ khám bệnh hoặc toa thuốc, các thuốc đang uống để bác sĩ gây mê hồi sức biết rõ, từ đó, bác sĩ sẽ có thể cho làm thêm xét nghiệm, khám chuyên khoa sâu hay hướng dẫn người bệnh cách uống/ngưng các thuốc, cũng như hướng dẫn nhịn ăn uống trước mổ.

Để chuẩn bị cho việc khám tiền mê tốt hơn, người bệnh thường được điền trước những thông tin về tình hình sức khoẻ vào phiếu khảo sát tiền mê được cung cấp trước buổi khám.

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về sinh hoạt thường ngày của người bệnh để biết được khả năng về tim mạch và hô hấp của bệnh nhân có chịu đựng được cuộc mổ hay không? Và thăm khác các vấn đề chuyên biệt liên quan đến công tác vô cảm (gây mê, gây tê).

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ giải thích các nguy cơ, giúp người bệnh giảm lo lắng, tạo sự tin tưởng. Những trường hợp phẫu thuật đặc biệt hay bệnh nhân có nguy cơ cao, sẽ chia sẻ quyết định điều trị (bệnh nhân và người nhà sẽ cùng với bác sĩ cân nhắc có mổ hay không).

5. Khám tiền mê có cần người nhà tham gia không?

Khám tiền mê có cần người nhà tham gia không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi trả lời: Thông thường, khám tiền mê không bắt buộc phải có người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu có người nhà tham gia cùng sẽ tốt hơn. Vì đôi khi bệnh nhân quá nhỏ hay lớn tuổi, hoặc có bệnh lý về tâm thần kinh sẽ cần có người thân đi cùng để hỗ trợ ghi nhớ các hướng dẫn. Trường hợp bệnh nhân không nhớ hết người nhà có thể ghi vào giấy ghi chú các vấn đề đặc biệt cần lưu ý như thời gian uống thuốc, uống nước.

6. Nên khám tiền mê trước hay xét nghiệm tiền phẫu trước?

Khám tiền mê và xét nghiệm tiền phẫu thì việc nào thực hiện trước ạ?

ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi trả lời: Đa số người bệnh sẽ được làm xét nghiệm tiền phẫu trước khi gặp bác sĩ khám tiền mê. Vì thời điểm bệnh nhân nhập viện đã có chỉ định thường quy xét nghiệm tiền phẫu và được hướng dẫn nhịn ăn để buổi sáng đến lấy máu ngay, giúp người bệnh không phải nhịn ăn kéo dài.

Tuy nhiên, không bắt buộc phải có xét nghiệm tiền phẫu mới khám tiền mê. Những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm nặng, phẫu thuật đặc biệt hoặc gây mê ngắn (nội soi) có thể khám tiền mê trước khi làm xét nghiệm tiền phẫu.

Nếu xét nghiệm tiền phẫu trước, khi khám tiền mê bác sĩ thấy cần cho thêm xét nghiệm thì người bệnh phải lấy máu lần nữa.

Khi khám tiền mê trước, nếu bệnh nhân có các bệnh đi kèm thì bác sĩ có thể cho xét nghiệm chuyên biệt luôn (không nằm trong các xét nghiệm tiền phẫu thường quy).

7. Lưu ý dành cho thân nhân khi có người nhà thực hiện phẫu thuật

Tại các bệnh viện lớn, dễ dàng bắt gặp tình trạng người nhà tập trung đông đúc chờ đợi hàng giờ trước khu phẫu thuật. Bản thân họ cũng rất lo lắng, mệt mỏi. BS có lưu ý gì thêm dành cho người nhà bệnh nhân không ạ?

ThS.BS.CK2 Hà Ngọc Chi trả lời: Tuỳ theo mỗi bệnh viện sẽ có những phương thức khác nhau để báo tin cho người nhà. Đa số các bệnh viện, bệnh nhân chỉ được đưa đến phòng mổ khi gần đến giờ dự kiến phẫu thuật khoảng 30 phút.

Bên cạnh đó, các bệnh viện đều thông báo cho người thân về thời điểm bệnh nhân đã mổ xong (thông báo qua màn hình điện tử hoặc tin nhắn qua số điện thoại đã đăng ký với bệnh viện).

Sau khi người bệnh mổ xong, sẽ được theo dõi tại phòng chăm sóc sau gây mê. Tuỳ theo tính chất cuộc phẫu thuật và tình trạng mà bệnh nhân sẽ được chuyển về khoa/phòng trước đó ở những thời điểm khác nhau. Thông thường có thể từ 3 - 4 giờ, nhưng cũng có những bệnh nhân phải nằm theo dõi đến 24 giờ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X