Những điều cần biết khi lựa chọn, sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và hậu COVID-19
Đại dịch COVID-19 tác động trên toàn cầu từ nguồn lực y tế, sức khỏe con người. Song sau cơn đại dich này cần cảnh giác với “cơn sóng thần” thứ 2 có thể sẽ dữ dội hơn - đề kháng kháng sinh. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh hợp lý là vấn đề cấp bách, đặc biệt trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và hậu COVID-19.
Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình đào tạo y khoa liên tục trực tuyến “Lựa chọn, sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và hậu COVID-19” do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam tổ chức, với sự đồng hành của Nhãn hàng Klamentin - Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, AloBacsi.
Chương trình có sự tham dự của GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Tai Mũi Họng TPHCM và PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thu hút gần 1000 lượt xem cùng lúc tại thời điểm phát sóng trên các nền tảng zoom, youtube, facebook.
1. Lựa chọn và sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp trên, dựa vào nguyên tắc nào?
Với bài báo cáo “Những điểm cần chú ý khi sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp trên”, PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân nhấn mạnh, nhiễm khuẩn hô hấp trên là bệnh lý phổ biến ở người lớn và trẻ em, tác nhân gây bệnh chủ yếu là virus, vi khuẩn. Trong đó đa phần là do virus, chỉ có một phần và vi khuẩn. Do đó, không cần thiết phải sử dụng kháng sinh nếu tác nhân gây bệnh là do virus.
PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân ví việc sử dụng kháng sinh là nghệ thuật. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng nhiễm khuẩn hô hấp sẽ giúp ngăn ngừa được biến chứng, đặc biệt là trẻ em, thuận lợi cho người bệnh, tiết kiệm chi phí (trực tiếp, gián tiếp) và giảm tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh.
“Vì vậy, để tối ưu hóa vấn đề sử dụng kháng sinh, cần tối ưu hóa việc chẩn đoán cũng như đánh giá độ nặng. Trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên, bệnh nhẹ thường có thể tự khỏi; kháng sinh chỉ dùng cho trường hợp trung bình/ nặng/ tái phát” - chuyên gia bày tỏ quan điểm.
PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Theo PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân, trước khi điều trị cần cân nhắc việc sử dụng kháng sinh (khi nào nên dùng, liều dùng bao nhiêu và nên dùng trong bao lâu, bệnh nhân có đề kháng kháng sinh không), để tránh lạm dụng kháng sinh và đề kháng kháng sinh.
Trong đó, quyết định sử dụng kháng sinh dựa vào các yếu tố: Thứ nhất là triệu chứng lâm sàng (có dấu hiệu nặng hoặc trở nặng/ xuất hiện triệu chứng mới); thứ hai thời gian mắc bệnh (kéo dài trên 7-10 ngày); thứ ba tiền sử (đã dùng kháng sinh, nhập viện, dị ứng…); và thứ tư yếu tố dịch tễ.
Việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh sẽ tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, đồng thời cân nhắc dựa trên kinh nghiệm (lâm sàng, vị trí nhiễm khuẩn, dấu hiệu nặng…), guidelines (có phác đồ bộ y tế, các bệnh viện, thế giới…). Lý tưởng nhất là sử dụng kháng sinh dựa trên kết quả vi trùng học, mặc dù mất thời gian khoảng 3-5 ngày nhưng kết quả sẽ cho biết chính xác tác nhân gây bệnh cũng như tác nhân đó sẽ nhạy cảm với kháng sinh nào.
PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân cũng đưa ra các vấn đề trọng điểm để lựa chọn kháng sinh trong điều trị các bệnh lý điển hình như viêm mũi xoang cấp, viêm tai giữa cấp, viêm họng và viêm amidan. Trong đó, kháng sinh được lựa chọn điều trị đầu tay (first line) vẫn là Amoxicillin/ Clavulanate. Liều thông thường có thể sử dụng trong trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ/ trung bình. Ngược lại, đối với những bệnh nhân có nguy cơ đề kháng kháng sinh bắt buộc phải tăng liều.
Điều quan trọng chuyên gia nhấn mạnh đó là, dù sử dụng kháng sinh nào điều bắt buộc phải theo dõi, nếu không phải thiện, cần cân nhắc dùng kháng sinh khác. Riêng đối với trường hợp viêm tai giữa cấp tái phát, PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân lưu ý, kháng sinh không được dùng để ngăn ngừa tái phát, chỉ được chỉ định để điều trị.
2. Xử trí hội chứng hậu nhiễm COVID-19 trong Tai Mũi Họng, đâu là lựa chọn đầu tay?
Bên cạnh các bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp ở đường hô hấp trên như viêm mũi xoang cấp, viêm tai giữa cấp, viêm họng và viêm amidan, hậu COVID-19 là chủ đề sức khỏe nổi trội trong năm vừa qua. Trong chủ đề “Xử trí hội chứng hậu nhiễm COVID-19 trong Tai Mũi Họng”, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu cho thấy, hậu COVID-19 tác động trên đa cơ quan. Trong đó, có 80% bệnh nhân hậu COVID-19 có tổn thương ít nhất 1 - 2 cơ quan.
Riêng đối với chuyên khoa Tai Mũi Họng, chuyên gia dẫn chứng một thống kê cho thấy, tỷ lệ giảm hoặc mất khứu giác ở bệnh nhân mắc COVID-19 chiếm khoảng 10-13%. Hiện nay, một trong những phương pháp điều trị các triệu chứng giảm hoặc mất khứu giác hiệu quả nhất chính là huấn luyện khứu giác. Nghiên cứu chỉ ra, việc điều trị bằng huấn luyện khứu giác có hiệu quả lên đến 71%. Vấn đề tiên lượng sau khi mất khứu giác của những bệnh nhân hậu nhiễm COVID-19 rất tốt.
Hiện nay, các phương pháp điều trị hậu COVID-19 hứa hẹn đang tiếp tục được nghiên cứu. Điển hình như Ivermectin, Pred (không những sử dụng trong điều trị giai đoạn COVID-19 cấp mà được sử dụng trong điều trị hậu COVID-19 nếu bệnh nhân bị xơ phổi, ho kéo dài; Vitamin C (giúp đề kháng histamin và “dọn dẹp” các hóa chất trung gian của quá trình viêm), Omega 3 (có vai trò giảm bớt phản ứng viêm); Melatonin (giúp hỗ trợ giấc ngủ cho những bệnh nhân hậu COVID-19 do họ thường có cảm giác lo lắng, trầm cảm hay mất ngủ); Vitamin D (giúp tăng cường sức đề kháng); Atorvastatin (giúp điều chỉnh hoạt động macrophage). Song song đó là phục hồi chức năng thể chất và tinh thần.
Một vấn đề được GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu nhấn mạnh trong chương trình đó là đề kháng kháng sinh xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nhiều bệnh nhân sử dụng kháng sinh vô tội vạ, điều này sẽ đóng góp vào tỷ lệ kháng kháng sinh tăng tốc sau này.
Do đó, để sử dụng kháng sinh tối ưu, chuyên gia hướng dẫn, đối với những trường hợp có triệu chứng COVID-19 nhưng không có bằng chứng bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính ở vùng Tai - Mũi - Họng thì không nên dùng kháng sinh. Nếu có biểu hiện nhiễm trùng thì nên điều trị theo phác đồ ở địa phương. Đặc biệt, vùng địa phương nào có tỷ lệ đề kháng Pseudomonas aeruginosa hoặc MRSA phải thật thận trọng khi dùng kháng sinh.
“Đối với trường hợp bệnh nhân bị COVID-19 nặng phải nằm ICU, thở máy thì kháng sinh là một phần trong chống nhiễm trùng, nhất là với những bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng” - GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu cho biết.
GS Phạm Kiên Hữu đề cập đến đề kháng kháng sinh gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Chương trình đào tạo y khoa liên tục kéo dài hơn 90 phút, trong đó, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi thú vị xung quanh các vấn đề như: chia sẻ kinh nghiệm dùng phối hợp kháng sinh khi có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn trong trường hợp mắc COVID-19; ưu điểm - nhược điểm của việc sử dụng kháng sinh kết hợp Amoxicillin/ Clavulanate so với việc dùng đơn chất trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên; cách đối phó với tác dụng phụ tiêu chảy khi sử dụng Amoxicillin/ Clavulanate…
Tóm lại, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu và PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân đều nhận định, đối với COVID-19, chỉ sử dụng kháng sinh khi có những dấu chứng do nhiễm vi khuẩn. Dựa vào kinh nghiệm, guideline, dựa vào kết quả vi trùng học, kháng sinh đồ sẽ quyết định dùng kháng sinh. Cho đến nay, các chuyến cáo đều cho biết nên sử dụng một loại kháng sinh và không phải lúc nào phối hợp kháng sinh cũng cho tác dụng hiệp lực. Chỉ nên sử dụng kháng sinh phối hợp khi nhiễm nhiều loại vi khuẩn, hoặc trường hợp nặng-biến chứng.
Ngoài ra, với câu hỏi “lấn sân” sang lĩnh vực Phổi như với người bị viêm phổi bội nhiễm do COVID-19, nên kết hợp thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh sao cho phù hợp, hai chuyên gia do rằng, bệnh nhân COVID-19 có viêm phổi thường là biểu hiện nặng, bắt buộc phải dùng kháng sinh. Để tránh đề kháng kháng sinh, bắt đầu bằng kháng sinh đầu tay, đồng thời phải theo dõi sát, đánh giá mức độ đáp ứng về mặt lâm sàng (bệnh nhân có sốt, ho, hay khó thở), SPO2 để quyết định kháng sinh. Thông thường, kháng sinh đầu tay - “first line” là Amoxicillin/ Clavulanate, nhưng nếu không đáp ứng đôi khi phải chuyển sang cephalosporin thế hệ 3.
“Để tránh đề kháng kháng sinh, người ta khuyến cáo nên dùng kháng sinh phổ hẹp, nghĩa là tác nhân là vi khuẩn nào thì dùng kháng sinh điều trị vi khuẩn đó, không cần sử dụng kháng sinh phổ rộng hoặc phối hợp nhiều kháng sinh. Để biết tác nhân gây bệnh, cần dựa vào triệu chứng lâm sàng, công trình nghiên cứu về vi khuẩn học tại bệnh viện hoặc vùng quốc gia, guideline trên thế giới, Bộ Y tế, bệnh viện. Như vậy, sử dụng kháng theo vi khuẩn gây bệnh là cách tốt nhất để phòng tránh kháng kháng sinh” - hai chuyên gia nhận định.
Chương trình có sự đồng hành của Nhãn hàng Klamentin - Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang và được thực hiện bởi AloBacsi
Để theo dõi đầy đủ nội dung chương trình, mời quý bác sĩ, dược sĩ truy cập TẠI ĐÂY.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình