Những điều bố mẹ cần biết giúp bé yêu hạn chế tình trạng dị ứng thức ăn
Dị ứng thức ăn ở trẻ có phải do tiền sử gia đình? Có cần xét nghiệm dị ứng trước khi cho bé ăn bất kỳ loại thực phẩm nào? Đâu là dấu hiệu dị ứng thức ăn bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay? Tất cả sẽ được TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM giải đáp.
1. Tiền sử gia đình làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ
Những nhóm trẻ nào cần đề phòng dị ứng ứng thực phẩm? Có phải tiền sử gia đình có ảnh hưởng đến vấn đề này không, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Tiền sử gia đình có thể có ảnh hưởng đến dị ứng thức ăn ở trẻ, nhưng vấn đề này chỉ làm tăng nguy cơ chứ không phải tất cả yếu tố thúc đẩy tình trạng dị ứng. Nếu 1 trong 2 người là bố hoặc mẹ có bệnh lý dị ứng thì con cái có dị ứng là một phần. Tuy nhiên nếu cả bố lẫn mẹ có bệnh lý dị ứng thì nguy cơ con bị dị ứng sẽ tăng lên, đó là một trong các yếu tố nguy cơ.
Thứ hai, nếu trẻ có anh, chị, em ruột, có thể xem xét tình trạng dị ứng xảy ra ở đứa trẻ đó. Ngoài ra, ở những trẻ bị dị ứng thức ăn, thông thường trước đó trẻ có nền viêm da cơ địa (chàm). Nếu một đứa trẻ bị chàm kiểm soát chưa đầy đủ, có thể trẻ có nguy cơ bị dị ứng thức ăn về sau.
Tuy nhiên vấn đề này chỉ làm tăng nguy cơ, không thể chắc chắn bố mẹ bị dị ứng con cũng bị. Vì vậy phụ huynh nên cân nhắc và theo dõi con mình.
2. Không cần làm xét nghiệm dị ứng ở trẻ
Với những trẻ em bị hen suyễn, chàm sữa có nhất thiết phải xét nghiệm để biết tất cả các món trẻ có thể bị dị ứng hay không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay không có một xét nghiệm nào có thể trả lời hết tất cả mọi thứ, vì xét nghiệm đều có một giới hạn nhất định. Các khuyến cáo không bắt buộc làm test dị ứng trước khi cho trẻ ăn, thông thường các test dị ứng sẽ phối hợp với các triệu chứng của trẻ.
Ví dụ bố mẹ có dị ứng, nên thử cho trẻ ăn 1/16 quả trứng vào bữa đầu tiên, nếu thấy trẻ vui chơi bình thường, không có triệu chứng, nên cho trẻ ăn và không cần làm xét nghiệm trước đó. Vì vậy đối với những trẻ bắt đầu vào giai đoạn tập ăn, phụ huynh nên cho con ăn thử, sau đó quan sát triệu chứng của trẻ.
Tuy nhiên đối với những trẻ càng có nhiều nguy cơ dị ứng sẽ có các cách tiếp cận linh hoạt hơn. Ví dụ cho con thử những thức ăn ít có nguy cơ gây dị ứng trước, sau đó thử các loại thức ăn có nguy cơ gây dị ứng cao hơn. Lưu ý mỗi lần chỉ nên thử một nhóm, như vậy sẽ khoanh vùng được thức ăn đó có gây dị ứng hay không.
3. Nên cho con ăn đa dạng thực phẩm để tập tính đa dạng cho trẻ dễ hấp thu
Quan niệm của ông bà xưa là nên cho con ăn đa dạng thức ăn để tránh trường hợp sau này con kén ăn. Còn đối với những trẻ bị dị ứng thực phẩm có nên cho các bé ăn thử những món bé dễ bị dị ứng để tập dần hay không, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Quan điểm của ông bà rất đúng, khi cho trẻ ăn nhiều món sẽ tập tính đa dạng cho trẻ dễ hấp thu. Và trong giai đoạn đầu khi trẻ mới ăn dặm sẽ không thể biết được trẻ dị ứng với những món nào, tất cả những thực phẩm dễ gây dị ứng chỉ dựa trên tỷ lệ, nhưng quanh đó có thể còn các món ăn gây dị ứng với tỷ lệ thấp hơn.
Vì vậy đối với trẻ ở giai đoạn tập ăn nên cho thử nhiều món, mỗi lần chỉ nên thử một nhóm thức ăn. Phụ huynh cần cho con thử liên tục trong vài ngày để xem đáp ứng của trẻ, nếu thật sự có dị ứng cần có sự can thiệp của chuyên gia y tế, còn nếu không có thì tiếp tục cho trẻ ăn loại thực phẩm đó.
Đối với những trẻ có nguy cơ cao, phụ huynh nên bắt đầu thử với những thức ăn ít gây dị ứng trước, sau đó quan sát triệu chứng của trẻ.
Phụ huynh có thể quan sát triệu chứng của con xem có thật sự cần kiêng khem, nếu chỉ bị nhẹ, có thể chấp nhận để giúp trẻ có chất lượng cuộc sống tốt, bản thân người chăm sóc thoải mái hơn và kiểm soát được triệu chứng.
Nếu kiêng khem quá mức rất ảnh hưởng đến sự phát triển quả trẻ. Vì khi một em bé chỉ ăn một món duy nhất trong nhiều ngày thì khả năng tiếp thu món ăn của con sẽ bị giảm đi, con từ chối ăn, ngán… ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng của trẻ. Đồng thời tạo gánh nặng tâm lý cho người chăm sóc bởi vì ngày nào cũng có một loại thực phẩm duy nhất.
4. Những dấu hiệu dị ứng thức ăn bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay
Đối với các bé bị dị ứng thức ăn, những trường hợp nào bố mẹ có thể tự điều trị tại nhà và những trường hợp nào cần đưa ngay đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với trẻ bị dị ứng thực phẩm, những trường hợp sau bố mẹ cần đưa ngay đến bệnh viện, bao gồm:
Trẻ có triệu chứng nặng rõ ràng như: sau khi ăn trẻ xuất hiện tình trạng khò khè, khó thở, đau bụng, nổi mề đay… Đó là triệu chứng của phản vệ cần lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu.
Nếu trẻ không có triệu chứng nặng, nhẹ hơn thì có thể trì hoãn trong thời gian ngắn nhưng vẫn nên sắp xếp đưa trẻ đến khám bác sĩ dị ứng. Bởi vì cần một kế hoạch cho trẻ ăn và kiêng khem khi cần thiết.
Một trường hợp kín đáo hơn là khi thấy trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, chậm tăng cân so với lứa tuổi của trẻ, đó có thể là biểu hiện của bất dụng nạp, kém dung nạp có liên quan đến dị ứng thức ăn. Vì vậy cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám bác sĩ về dị ứng và bác sĩ dinh dưỡng.
Ngoài ra, ở những trẻ kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vi chất như sắt rất thường gặp, do đó cần thăm khám để bổ sung vi chất, sắt hoặc thay đổi chất độ ăn phù hợp hơn.
5. Lời khuyên dành cho phụ huynh về hạn chế dị ứng thức ăn ở con trẻ
Cuối cùng, nhờ BS đưa ra một số lời khuyên làm thế nào để hạn chế tình trạng dị ứng thực phẩm xảy ra cho con mình? Bên cạnh lưu ý về lựa chọn thực phẩm còn lưu ý nào khác, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với các bậc cha mẹ đều mong muốn con có cuộc sống tốt nhất, do đó họ luôn hi vọng con không bị dị ứng. Việc con bị dị ứng là gánh nặng đối với các bậc cha mẹ.
Do đó, bố mẹ cần nhớ 8 loại thực phẩm thường gây dị ứng. Ngoài ra một số trẻ có thể dị ứng với các loại thực phẩm hiếm gặp hơn nhưng tỷ lệ đó không cao. Như vậy để biết con có dị ứng với loại thức ăn đó, bố mẹ cần cho con ăn thử. Cần có một chiến lược, nhật ký thức ăn để cho con ăn thử từng loại, từ đó có thể xác định loại thức ăn con bị dị ứng (nếu có).
Nếu con thật sự có dị ứng, bố mẹ nên học cách đồng hành cùng con, đảm bảo cho con an toàn, tránh những món gây nguy hiểm để con có cuộc sống tốt và chất lượng dinh dưỡng tốt. Đó là cách giúp đối phó với tình trạng dị ứng thức ăn.
Cuối cùng, đối với dị ứng thức ăn, bố mẹ cần nhận biết những tình trạng có thể tự chăm sóc con tại nhà và dấu hiệu dị ứng cần đưa con đến bệnh viện. Bên cạnh phối hợp với nhân viên y tế, tinh thần của bố mẹ rất quan trọng trong việc giúp một đứa trẻ dị ứng thức ăn có cuộc sống tốt nhất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình