Những cây cầu trong tim
Có nhiều mạch máu trong cơ thể được dùng làm cầu nối, trong đó thường sử dụng là động mạch ngực trong, động mạch quay, tĩnh mạch hiển.
Trong giao thông, những cây cầu vượt đóng vai trò không nhỏ: nối liền hai bờ sông, giải toả ùn tắc cho những nút giao lộ… Trong tim cũng có những “cầu vượt” được bác sĩ phẫu thuật “xây” để tái lập sự lưu thông của dòng máu qua những chỗ tắc tị của hệ mạch vành.
Khi nào tim phải xây cầu?
Mạch vành là hệ thống mạch máu nuôi cơ tim. Bệnh mạch vành xảy ra do lớp nội mạc mạch vành bị tổn thương, thường do mảng xơ vữa gây hẹp, hoặc huyết khối gây tắc mạch máu này. Nếu một hoặc nhiều nhánh mạch vành tắc có thể gây ra nhồi máu cơ tim, một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới. Điều trị bệnh mạch vành cần kết hợp một hoặc nhiều phương pháp: điều chỉnh lối sống, dùng thuốc, can thiệp động mạch vành qua da (nong bằng bóng, đặt giá đỡ), phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Dùng thuốc và can thiệp là các phương pháp điều trị tốt, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, với tổn thương ở những vị trí quan trọng, vị trí không phù hợp để can thiệp hay hẹp nhiều chỗ lan toả… thì kết quả còn hạn chế. Khi đó phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phương pháp điều trị được lựa chọn, mang lại kết quả tốt và lâu dài nhất với mục đích phòng ngừa suy tim, nhồi máu cơ tim.
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành đã được chứng minh có thể cải thiện khả năng sống còn, ngay cả ở những bệnh nhân có tổn thương nặng như hẹp nặng động mạch vành trái, hẹp nhiều nhánh mạch vành, giảm chức năng co bóp của tim…
“Họ đã làm điều đó như thế nào?”
Những đoạn hẹp hoặc tắc trong lòng mạch vành làm giảm lượng máu đi qua nuôi cơ tim. Trong phẫu thuật bắc cầu mạch vành, các đoạn mạch máu của chính bệnh nhân (lấy từ những vị trí khác) được dùng làm “cầu vượt” qua chỗ hẹp. Một đầu mạch máu ghép nối với nơi cung cấp máu, đầu kia nối với động mạch vành ở vị trí sau chỗ hẹp. Như vậy, dòng máu sẽ đi qua mạch máu ghép đến sau chỗ hẹp của mạch vành, phục hồi lưu thông.
Có nhiều mạch máu trong cơ thể được dùng làm cầu nối, trong đó thường sử dụng là động mạch ngực trong (động mạch nằm trong lồng ngực), động mạch quay (động mạch ở cẳng tay), tĩnh mạch hiển (tĩnh mạch ở chân). Động mạch cho sự thông nối lâu hơn tĩnh mạch, nhất là động mạch ngực trong đã được chứng minh có kết quả lâu dài tốt. Sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành mười năm, chỉ có 60% trường hợp bắc cầu bằng tĩnh mạch vẫn còn thông so với 90% trường hợp bắc cầu bằng động mạch ngực trong.
Phương pháp bắc cầu mạch vành kinh điển có sử dụng máy tim phổi nhân tạo và cho ngưng tim. Máy này làm thay vai trò của tim, đưa máu đi nuôi cơ thể trong thời gian tim ngưng đập. Sau khi hoàn thành các cầu nối, tim được cho đập lại. Những vùng cơ tim thiếu máu sẽ tưới máu trở lại nhờ các cầu nối.
Hiện ở Việt Nam, một số trung tâm tim mạch đang áp dụng rộng rãi những phương pháp mới, đem lại hiệu quả hơn nữa trong phẫu thuật bắc cầu mạch vành: áp dụng kỹ thuật OPCAB (Off-Pump Coronary Artery Bypass), bắc cầu mạch vành khi tim vẫn đập và không sử dụng máy tim phổi nhân tạo, giúp tránh một số biến chứng và tai biến có thể xảy ra ở tim, phổi, thận, não, rối loạn đông máu… dùng hai động mạch ngực trong làm tất cả các cầu nối, giúp cầu nối thông suốt lâu dài, duy trì kết quả tốt của phẫu thuật nhiều năm sau…
Để cầu nối thông suốt
Bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu mạch vành cần hiểu rằng phẫu thuật rồi không phải hoàn thành
“Phẫu thuật bắc cầu mạch vành đã được chứng minh có thể cải thiện khả năng sống còn ngay cả ở những bệnh nhân có tổn thương nặng...” |
Loại thuốc kháng đông được sử dụng là nhóm kháng tiểu cầu và aspirin (chống lại kết dính tiểu cầu). Aspirin là một trong những thuốc an toàn, tuy nhiên vẫn có thể gây tác dụng phụ như làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, đôi khi gây loét, xuất huyết tiêu hoá, đi tiêu phân đen. Ngoài ra, do có tác dụng kháng đông, aspirin có thể gây chảy máu khó cầm, trên da có những chấm xuất huyết, mảng bầm máu, nặng hơn là xuất huyết não (tỷ lệ không cao, khoảng 1/1.000).
Bệnh nhân cần uống aspirin khi bụng no (sau bữa ăn), không dùng chung với thức uống có cồn và cần liên hệ ngay với bác sĩ khi nhận thấy những dấu hiệu nêu trên. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần duy trì chế độ điều trị nội khoa nhằm hỗ trợ tim co bóp, giảm nhu cầu ôxy của cơ tim, điều trị bệnh lý kèm theo nếu có như tăng huyết áp, tiểu đường… điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như rối loạn chuyển hoá mỡ máu, béo phì…
Vì những lẽ trên, bệnh nhân cần áp dụng lối sống điều độ (ăn lạt, cữ mỡ, tập thể dục mỗi ngày, không hút thuốc lá, không uống rượu bia…), tái khám đúng lịch hẹn, tuân thủ triệt để chế độ điều trị, không tự ý ngưng thuốc dù cảm thấy khoẻ mạnh. Đó chính là những ích lợi cho sức khoẻ bệnh nhân.
Theo BS.CKI Ngô Bảo Khoa - Sài Gòn tiếp thị
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình