Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều người trẻ bị tăng huyết áp ở tuổi đôi mươi

Tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi ít có triệu chứng cảnh báo nhưng gây nhiều biến chứng nguy hiểm, từ tim, não đến thận… Đáng chú ý, nếu như trước đây, tăng huyết áp thường xảy ra ở người trung niên, lớn tuổi thì hiện nay gặp ở người trẻ tuổi đôi mươi, vì những thói quen rất phổ biến trong nhịp sống hiện đại.

ThS.BS Lê Ngọc Lan Thanh - Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã đưa ra những cảnh báo này trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nhịp sống hiện đại và tăng huyết áp, những vấn đề cần lưu ý” được phát sóng vào cuối tháng 9/2022 do Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ thực hiện với sự đồng hành của Công ty TNHH Merck healthcare Việt Nam và sự hỗ trợ của Alobacsi.

Chương trình thu hút gần 14.000 lượt xem, hàng trăm lượt bình luận, gửi thắc mắc mong muốn được chuyên gia giải đáp

Tập trung vào một vấn đề nóng hổi trong sức khỏe, chương trình được khán thính giả ưu ái đón nhận với gần 14.000 lượt xem, hàng trăm lượt yêu thích và bình luận. Bên cạnh ThS.BS Lê Ngọc Lan Thanh, khách mời đặc biệt - PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Giám đốc điều hành cấp cao - phụ trách chuyên môn Y khoa Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ còn mang đến những câu chuyện đời chuyện nghề thú vị xoay quanh Tập đoàn dẫn đầu trong khu vực y tế tư nhân. Đồng thời cũng lý giải nguyên nhân lựa chọn tăng huyết áp là chủ đề trong số phát sóng kỳ này cùng AloBacsi.

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư bày tỏ lo ngại, với sự phát triển kinh tế, thay đổi lối sống, ngày càng nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 vừa qua cũng cho thấy những bệnh nền mạn tính như tim mạch, tiểu đường là nguy cơ rất lớn làm tăng nguy cơ diễn tiến nặng. Vì thế việc quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trong dịch COVID-19, điển hình như tăng huyết áp là rất quan trọng.

“Trải qua 23 năm hoạt động, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ hiện đang quản lý mạng lưới chăm sóc sức khỏe tư nhân hàng đầu tại Việt Nam với hơn 2.800 giường bệnh hoạt động trên khắp 15 bệnh viện và 7 phòng khám, hơn 5.500 nhân viên phục vụ cho 3.800.000 bệnh nhân khám ngoại trú mỗi năm.

Bên cạnh việc khám, chữa bệnh, Hoàn Mỹ còn chú trọng giáo dục cộng đồng qua những chương trình tư vấn, phủ sóng kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trước bối cảnh về bệnh không lây nhiễm gia tăng, Hoàn Mỹ cùng công ty TNHH Merck healthcare tiếp tục đồng hành với AloBacsi lựa chọn chủ đề Tăng huyết áp đặc biệt là sau thành công của những số đã phát sóng" - PGS Anh Thư nói.

1. Việt Nam, trong 6 người trên 18 tuổi có 2 người bị tăng huyết áp

ThS.BS Lê Ngọc Lan Thanh thông tin, tăng huyết áp chiếm 15% nguy cơ tử vong trên toàn cầu. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2021, trên bản đồ thế giới hiện nay chỉ còn một số vùng như Bắc Mỹ, châu Âu tỷ lệ mắc tăng huyết áp “còn sáng sủa”.

Chuyên gia dẫn chứng một khảo sát toàn thế giới với 1,5 triệu người trên 18 tuổi ghi nhận kết quả, 34% người tham gia bị tăng huyết áp. Và trong 34% này, chỉ có 58,7% biết bị tăng huyết áp, còn lại hơn 40% người thừa nhận chỉ tình cờ biết đến bệnh khi khi tham gia khảo sát.

Tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Một cuộc điều tra dịch tễ năm 2019 với 23.307 người trên 18 tuổi, kết quả phát hiện 33,13% bị tăng huyết áp, trong đó có đến 47,49% người chưa từng biết đến tăng huyết áp trước đó. “Điều đó có nghĩa là trong 6 người lớn trên 18 tuổi thì có đến 2 người mắc tăng huyết áp. Và trong 2 người đó thì có 1 người chưa biết đến căn bệnh này” - BS Lan Thanh đề cập những con số đáng chú ý.

Điều đáng lo ngại là tần số tăng huyết áp không chỉ gia tăng mà còn trẻ hóa. Nếu như năm 1960, tần suất tăng huyết áp chỉ khoảng 1% thì đến năm 2008 con số này đã lên đến 25,1% dân số và năm 2019 là gần 33%.

Chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực tim mạch và có nhiều nghiên cứu khảo sát tình hình điều trị của các hướng dẫn quốc tế nhìn nhận “sự gia tăng này gần như một con dốc đứng. Hơn nữa, cách đây khoảng hơn 10 năm, tăng huyết áp thường có xu hướng xuất hiện ở người sau tuổi 40, nhưng hiện nay người trẻ ở tuổi đôi mươi bị căn bệnh này ngày càng nhiều”.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này, BS Lan Thanh cho rằng, cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực cuộc sống dẫn đến căng thẳng, stress triền miên và các thói quen xấu của giới trẻ như rượu bia, thuốc lá, thức ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động đã tác động không nhỏ đến tần số mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp.

Tăng huyết áp ngày càng gia tăng trên thế giới và tại Việt Nam

Chuyên gia cho biết thêm, trong tăng huyết áp có trên 90% không rõ nguyên nhân (vô căn), có thể do lối sống, môi trường hoặc cơ địa. Và chỉ có 10% bị tăng huyết áp có nguyên nhân (thứ phát) sau một bệnh lý (thận, nội tiết, bệnh tim mạch)/ sử dụng thuốc (thuốc chống giao cảm; NSAIDs; corticosteroid; thuốc kích thích thần kinh trung ương; estrogen và progestin; thực phẩm bổ sung như nhân sâm, cam thảo; thuốc dùng trong các bệnh về thần kinh).

Với tăng huyết áp vô căn, một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, giới tính, tiền sử gia đình có người cùng huyết thống bị tăng huyết áp, chủng tộc. Song, may mắn cũng có những yếu tố nguy cơ thường gặp ở người trẻ và trung niên có thể thay đổi được bao gồm chế độ ăn nhiều muối, hút thuốc lá, nghiện rượu, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, ít vận động thể chất.

Đối với tăng huyết áp thứ phát, khi giải quyết được nguyên nhân thì huyết áp có khả năng quay về bình thường. Do đó, BS Lan Thanh nhận định, đối với bệnh nhân trẻ tuổi (thường dưới 40 tuổi) khi đến khám và bị tăng huyết áp, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để tìm các nguyên nhân bệnh lý đồng thời kiểm tra tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân.

“Bên cạnh đó, hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức cũng chiếm đến hơn 50% tất cả các nguyên nhân của tăng huyết áp. Khi chúng ta gặp nhiều stress sẽ càng kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, gây ra tăng huyết áp” - BS Lan Thanh nói.

2. Tăng huyết áp: Không triệu chứng cảnh báo, biến chứng nguy hiểm

Sở dĩ tăng huyết áp được mệnh danh “kẻ giới người thầm lặng”, thứ nhất là bởi phần lớn không gây ra triệu chứng, điều đó dẫn đến nhiều người mắc căn bệnh này nhưng không biết. Chỉ đến khi tăng huyết áp quá cao (cơn tăng huyết áp, tăng huyết áp ác tính) người bệnh mới biểu hiện nhức đầu (vùng chẩm), chảy máu cam, chóng mặt, rối loạn thị giác, đau ngực, phù chân.

Do đó, BS Lan Thanh khuyến cáo, cách tốt nhất để phát hiện bệnh là đo huyết áp và việc này có thể thực hiện tại nhà, bất kỳ ai cũng làm được. Ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp tại nhà là ≥ 135 mmHg, ≥ 85 mmHg (trong đó 135 mmHg là huyết áp tâm thu - huyết áp tối đa khi tim bóp và 85mmHg là huyết áp tâm trương - huyết áp tối thiểu khi tim giãn). Tại phòng khám, con số này sẽ cao hơn, ở ngưỡng ≥140 mmHg và ≥90 mmHg do môi trường đo không được yên tĩnh và bệnh nhân không có nhiều thời gian nghỉ như ở nhà.

Thứ hai là nếu tăng huyết áp không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tổn thương mắt (mất thị lực, ảnh hưởng khả năng nhìn), đau tim và suy tim, suy thận. “Ít ai biết rằng, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng gấp đôi với mỗi tăng 20/10 mmHg huyết áp. Khi người bệnh có huyết áp 180/110 mmHg sẽ làm tăng 8 lần nguy cơ tử vong so với người có huyết áp bình thường” - BS Lan Thanh cho biết.

Song vấn đề là, trong điều trị tăng huyết áp lại đối diện với 3 nghịch lý. Một là bệnh rất dễ chẩn đoán nhưng thường không được phát hiện. Hai là trị liệu đơn giản nhưng thường không được điều trị. Ba là có rất nhiều thuốc hiệu lực và điều trị cho mọi người nhưng thường lại không có hiệu quả. “Trên thực tế lâm sàng, tỷ lệ kiểm soát tốt huyết áp còn khá khiêm tốn” - chuyên gia nhìn nhận.

3. Thay đổi lối sống + thuốc: Sống vui, sống khỏe với tăng huyết áp

Để điều trị tăng huyết áp hiệu quả, theo BS Lan Thanh, điều quan trọng nhất là sự kết hợp chặt chẽ giữa thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc.

Trong đó, thay đổi lối sống cần bắt đầu từ việc bỏ thuốc lá, ăn hạn chế muối, khuyến cáo là nên dưới 5-6 gam mỗi ngày. Cần lưu ý, mỗi muỗng cà phê đã chứa 4g muỗi, do đó, trong một ngày không sử dụng quá 1 muỗng cà phê muối là tốt nhất. Song song đó là cần uống rượu vừa phải, với nam 20-30g ethanol/ ngày, nữ 10-20g ethanol/ ngày. “Với mức độ này, ước lượng với nam khoảng 1 lon bia 330ml/ ngày hoặc 1 ly rượu vang lớn, hay 40ml rượu nặng/ ngày”.

Về chế độ ăn uống, BS Lan Thanh chia sẻ các dẫn chứng cho thấy, chế độ ăn DASH giúp cải thiện chỉ số huyết áp nhiều hơn so với phương pháp truyền thống là chỉ ăn nhạt, giảm muối trong chế độ ăn. Bên cạnh đó, nên tập thể dục đều đặn, loại hình thể thao giúp điều chỉnh huyết áp tốt nhất là đi bộ, đạp xe và tập bơi. Mỗi lần tập nên ít nhất 30 phút, 5-7 ngày mỗi tuần, mức độ gắng sức trung bình mỗi ngày. Cùng với đó là chú ý giảm BMI (xuống < 25kg/m2), và giảm vòng bụng (nam < 90 cm, nữ< 80 cm).

Đối với thuốc, hiện nay có rất nhiều “vũ khí” để hạ huyết áp hiệu quả, bao gồm ứ chế men chuyển (các thuốc có đuôi “il”), ức chế thụ thể (các thuốc có đuôi “an”), chẹn bêta (các thuốc có đuôi “ol”), chẹn canxi (các thuốc có đuôi “pine”, lợi tiểu… Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nên dùng thuốc đúng giờ, liên tục, đều đặn và uống đủ liều lượng, không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc và cũng không được tự ý bỏ thuốc.

Đồng thời, đừng quên tái khám theo lịch hẹn, nếu có bất kỳ vấn đề nào hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ. BS Lan Thanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của người thân trong việc giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tăng huyết áp, bằng cách note nhắc nhở, chuẩn bị hộp chia liều thuốc.

“Về mục tiêu huyết áp sẽ có sự khác nhau giữa các nhóm người, độ tuổi. Chẳng hạn, đối với người dưới 65 tuổi nên duy trì huyết áp từ 120 đến < 130 mmHg. Người trên 65 tuổi nên duy trì huyết áp từ 130 đến < 140 mmHg. Người bệnh đái tháo đường, bệnh mạch vành được khuyến cáo nên duy trì huyết áp từ 130 mmHg hoặc thấp hơn. Người bệnh thận mạn nên duy trì từ 130 đến < 140 mmHg. Sau đột quỵ/ TIA nên duy trì 120 đến < 130 mmHg” - BS Lan Thanh chia sẻ các khuyến nghị đồng thuận từ Việt Nam đến thế giới.

Bên cạnh nội dung tổng quan về bệnh lý tăng huyết áp, BS Lan Thanh còn giải đáp rất nhiều thắc mắc từ khán thính giả

4. Điều trị tăng huyết áp, kiểm soát chỉ số huyết áp đã đủ chưa?

Theo chuyên gia, trong điều trị tăng huyết áp, kiểm soát chỉ số huyết áp là đúng nhưng chưa đủ, mà song song đó cần lưu ý đến tần số tim. Các nghiên cứu ghi nhận, khi tần số tim lúc nghỉ trên 80 lần/ phút là yếu tố ảnh hưởng nguy cơ tim mạch ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp.

BS Lan Thanh lấy ví dụ làm nổi bật thêm cho nhận định này. Loài chim ruồi có tốc độ bay nhanh lên đến 50km/ giờ, tần số tim có thể từ 500 - 1.200 nhịp/ phút. Trong khi đó, rùa - loài động vật có tốc độ di chuyển chậm, tần số tim chỉ từ 25 - 50 lần/ phút. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tuổi thọ của chim ruồi chỉ từ 4 - 6 năm, còn với loài rùa có thể sống đến 50 - 100 năm.

“Đối với con người, các nhà khoa học đã thấy rằng, cứ giảm mỗi 10 nhịp tim sẽ giảm 26% nguy cơ tử vong do tim mạch. Nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp được kiểm soát tốt cả về nhịp tim và số huyết áp thì giảm được 53% tỷ lệ biến cố so với bệnh nhân chỉ kiểm soát được huyết áp nhưng nhịp tim còn cao. Do đó, trong các khuyến nghị điều trị tăng huyết áp hiện nay, tần số tim mục tiêu nên là 80 lần/ phút để giúp huyết áp ổn định” - chuyên gia nhấn mạnh.

Cuối chương trình, BS Lan Thanh một lần nữa khẳng định, tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, ngày càng gia tăng trong cuộc sống và có sự trẻ hóa. Trong điều trị tăng huyết áp, cần giữ vững thế kiềng 3 chân “ăn uống hợp lý, thuốc men đều đặn và luyện tập thường xuyên”, cùng với đó là kiểm soát tần số tim hiệu quả, tuân thủ các khuyến nghị điều trị để có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Trong chương trình, chuyên gia cũng dành hơn 30 phút để giải đáp các thắc mắc của khán thính giả xoay quanh bệnh tăng huyết áp như: Vì sao uống thuốc nhưng không kiểm soát được huyết áp? Kiểm tra tim mạch với người bệnh tăng huyết áp sao cho đúng? Cách xử lý cơn tăng huyết áp khẩn cấp ra sao? Mất ngủ có phải là do tăng huyết áp?... Để đón xem chương trình đầy đủ, mời bạn truy cập TẠI ĐÂY.

Hướng dẫn đo huyết áp tại nhà

Lưu ý trước khi đo huyết áp:

- Nghỉ ngơi 30 phút.

- Không hút thuốc lá

- Không uống cà phê

- Không uống rượu bia

- Không ăn

- Không vận động

Môi trường đo huyết áp:

- Yên tĩnh

- Nhiệt độ phòng dễ chịu, thoáng mát

- Nên nghỉ ngơi tại chỗ 3-5 phút trước khi đo

Trong khi đo:

- Không nói chuyện

- Ngồi lưng thẳng tựa vào ghế, chân đặt thẳng trên sàn, với một vòng quấn phù hợp với kích thước của bắp tay

- Tay không cầm nắm, thả lỏng, khuỷu tay đặt ngang tim

Để đo huyết áp chính xác thì cần đo 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút. Lấy số trung bình 2 lần sau.

Đo huyết áp tại bệnh viện

- Huyết áp có thể cao hơn so với khi đo ở nhà

- Tốt nhất thì nên đo huyết áp ở hai tay

- Nếu khác biệt > 10 mmHg sử dụng tay có huyết áp cao hơn

- Nếu khác biệt > 20 mmHg cân nhắc các khảo sát tiếp theo tùy theo đánh giá của bác sĩ

ThS.BS Lê Ngọc Lan Thanh - Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

VN_GM_CV_275;exp:31/12/2022

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X