Nhiệt miệng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Khi bị nhiệt miệng, cảm giác ăn uống không ngon, mệt mỏi. Do sợ vết đau rát nên phải cố gắng nhai một bên hoặc vùng miệng không bị đau khiến người bệnh gặp rất nhiều bất tiện. Vậy làm sao để hết tình trạng này?
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là một trong những bệnh lý khoang miệng rất dễ gặp ở mọi đối tượng. Bệnh thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày, tuy nhiên cũng có một số trường hợp bệnh trở nên nặng hơn và có những biến chứng nguy hiểm.
Nhiệt miệng hay còn được biết đến với tên gọi loét áp tơ, là một vết loét nhỏ, nông, phát triển ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu của bạn.
Một vết nhiệt miệng nói chung thường hình tròn hoặc oval, màu trắng hoặc vàng ở giữa và đỏ ở viền xung quanh, đường kính từ 2-10 mm. Miệng của bạn có thể bị ngứa hoặc rát một chút trước khi vết loét hình thành trong miệng.
Không giống như mụn nước hay lở miệng (gây ra từ virus herpes), nhiệt miệng không bao giờ nằm bên ngoài miệng, và chúng hoàn toàn không lây lan. Tuy nhiên, chúng có thể gây đau nhức, và sẽ càng đau khi ăn hoặc nói.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Nhiều người cho rằng nhiệt miệng là do nóng trong người hay do ăn phải những đồ “nóng” như các loại quả mít, xoài… Còn quan điểm của y học hiện đại thì chứng lở miệng (tổn thương ở niêm mạc miệng) có rất nhiều nguyên nhân như gây nên, có thể do răng sâu, viêm quanh răng, viêm quanh chóp răng, viêm tủy răng...; do những sang chấn từ bên ngoài; do nhiễm vi khuẩn, virut, do sự phản ứng của khoang miệng với thành phần hóa học nào đó (ví dụ thành phần hóa học có trong kem đánh răng không phù hợp…), hay chế độ ăn thiếu axit folic ở phụ nữ mang thai. Hiện nay người ta còn nhận thấy những người bị stress nặng và liên tục thì mức độ lở miệng cũng xảy ra nhiều hơn.
Phân loại nhiệt miệng và triệu chứng nhận biết
Nhiệt miệng được chia thành 3 thể chính là:
- Nhiệt miệng thể nhỏ hay còn gọi là RAS Minor. Dạng nhiệt miệng này xuất hiện ở môi, má, nền miệng. Thường có hình oval nhỏ với viền đỏ xung quanh, có thể gây đau nhức, đặc biệt là khi ăn. Kéo dài từ 1 đến 2 tuần và không để lại sẹo.
- Nhiệt miệng thể lớn hay còn gọi là RAS Major: Nhiệt miệng này ít gặp và thường có vết loét sâu và lớn hơn. Thường hình tròn và có viền nhất định, nhưng sẽ xuất hiện viền biến dạng khi chúng lớn hơn. Sâu và rộng hơn viêm đau nhiệt miệng nhỏ và có thể vô cùng đau nhức. Dạng nhiệt miệng này có thể kéo dài đến 6 tuần và để lại sẹo.
- Nhiệt miệng thể Herpes - Herpetiform RAS: Dạng nhiệt miệng thường ít gặp nhất. Nốt nhiệt có kích thước rất nhỏ từ 1 - 3mm nhưng thường thành một cụm lớn từ 10 - 100 vết loét. Thường lành sau từ 1 đến 2 tuần và không để lại sẹo. Một số triệu chứng đi kèm thông thường như: Sốt, khó chịu hoặc lo lắng (bất ổn), sưng hạch bạch huyết.
Nhiệt miệng khi nào cần gặp bác sĩ?
Như đã nói ở trên, các vết loét xuất hiện và tự khỏi trong vòng khoảng 1 tuần mà không cần một phương pháp điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên, người bệnh cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa khám nếu xuất hiện các dấu hiệu:
- Vết loét không lành sau 2 tuần hoặc có dấu hiệu loét lớn hơn so với ban đầu
- Có sự xuất hiện của nhiều nốt nhiệt hơn với tần suất dày
- Tổn thương xơ cứng, chồi dạng bông cải trong miệng.
- Mảng trắng/đỏ/đen trong miệng, ổ nhổ răng không lành.
- Trở ngại chức năng: khó nhai, khó nói, tăng tiết nước bọt, nhất là những người nghiện thuốc lá, thuốc lào cần khám định kỳ vì hút thuốc lá liên quan đến nhiều bệnh ung thư và các bệnh lý răng miệng.
- Nhiệt miệng kèm sốt cao, phát ban
- Có dấu hiệu tiêu chảy
- Đầu đau nhức
Phân biệt nhiệt miệng và ung thư lưỡi
Đã có nhiều trường hợp người bệnh bị ung thư lưỡi nhưng không được phát hiện sớm do nhầm lẫn với triệu chứng ung thư bờ lưỡi - một dạng ung thư khoang miệng. Thậm chí, có trường hợp khi phát hiện ra thì đã ở giai đoạn cuối, các bác sĩ phải tiến hành cắt bỏ hết lưỡi cho bệnh nhân.
Vậy có dấu hiệu nhận biết nào giúp phân biệt tình trạng nhiệt miệng kéo dài cần cảnh giác với ung thư lưỡi?
Nhiệt miệng |
Ung thư lưỡi |
- Các vết loét thường xuất hiện ở lưỡi, má trong, lợi và một số vị trí khác trong khoang miệng.
- Vết loét có màu trắng sữa, khiến vùng xung quanh bị sưng đau thậm chí là nổi hạch ở vùng quai hàm, hai bên má.
- Thông thường các vết loét sẽ tự khỏi từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu xuất hiện.
- Khi bệnh giảm thì tình trạng sưng, đau của các vết loét giảm dần đi, vùng niêm mạc có vết loét sẽ nhanh chóng lành lại sau đó.
- Một số trường hợp các áp xe miệng bị viêm sưng khiến thời gian lành bệnh sẽ kéo dài lâu hơn các dạng nhiệt miệng thông thường. |
- Lở loét ở lưỡi kéo dài, lâu khỏi, triền miền ở trên và dưới lưỡi, thậm chí lưỡi còn bị u cứng ở những vị trí nhất định. Kèm theo đó là các triệu chứng:
- Sụt cân nhanh chóng.
- Mệt mỏi toàn thân.
- Lười ăn.
- Lưỡi bị chảy máu.
- Có u ở vùng lưỡi.
- Gặp khó khăn khi há miệng, nuốt thức ăn, nói,… |
Bị nhiệt miệng uống thuốc gì?
Tùy từng bệnh cảnh mà có điều trị thích hợp trong đó có thể được chỉ định một số biện pháp để giảm viêm nhiễm phù nề tại ổ loét.
Nếu ổ loét gây đau nhiều, nhiệt miệng sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, vitamin PP, vitamin B2, vitamin C... theo chỉ định của thầy thuốc. Kháng sinh biseptol (cotrimoxazol) có hoạt chất sunfamethoxazon và trimethoprim có tác dụng tốt cho điều trị bệnh nhiệt miệng. Trường hợp có vết loét to và tồn tại dai dẳng gần như thường xuyên ở trong má, phải kết hợp uống thêm kháng sinh đặc hiệu vùng răng miệng là spiramycin và metronidazol.
Ngoài ra, có thể sử dụng kèm theo một số loại nước súc miệng hỗ trợ điều trị nhiệt miệng như: Diphenhydramine, nước súc miệng có chứa steroid, nước súc miệng kháng sinh chứa tetracycline...
Có một phương pháp mới được đưa ra để chữa trị chứng loét miệng với hỗn hợp 4 loại thuốc, đó là sulfamethoxazol, trimethoprim, serathiopeptit và hoạt chất tạo màng ngăn. Thuốc dạng bột nhưng vào trong miệng gặp nước bọt và dịch huyết tương rỉ ra từ chỗ tổn thương tạo thành màng đủ sức chịu đựng được sự tấn công của nước bọt và dịch thức ăn làm giảm đau và nhanh lành vết loét, đồng thời, thuốc có tác dụng kháng viêm làm ngăn chặn hiện tượng tái phát. Cứ 6 giờ bôi thuốc 1 lần.
Tuy nhiên, việc điều trị thế nào, dùng thuốc ra sao thì cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, vì tùy theo thể trạng, cơ địa của mỗi người mà sẽ có chỉ định khác nhau. Không nên tự ý mua thuốc theo tbài viết đã đề cập mà nên tham vấn với dược sĩ, bác sĩ.
Cách chữa nhiệt miệng nhanh nhất tại nhà
Nước súc miệng tự làm. Bạn có thể làm hỗn hợp nước súc miệng từ baking soda, nước ép lô hội và nước ấm. Súc miệng bằng hỗn hợp này trong 10 giây. Bạn nên thực hiện mỗi ngày một lần để nhanh hết nhiệt miệng.
Chườm lạnh. Đá lạnh có thể giảm đau và sưng, vì vậy khi đặt viên đả nhỏ lên vết nhiệt miệng sẽ làm dịu cơn đau và viêm.
Không ăn đồ ăn đồ cay nóng, các món nướng và rán. Những món ăn này chỉ làm tình trạng nhiệt miệng nghiêm trọng hơn.
Trà. Sau khi dùng trà túi lọc, thay vì bỏ đi, bạn hãy đắp túi trà vào vết thương. Chất tannin có trong trà có tác dụng làm dịu cơn đau và giảm viêm.
Mật ong: Để chữa nhiệt miệng với mật ong, có thể dùng tăm bông chấm vào mật ong rồi chấm vào vị trí bị nhiệt miệng. Bạn kiên trì làm ngày 3-4 lần như vậy vết đau sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trước khi thấm mật ong vào vết loét, phải uống nước. Bởi nếu uống nước sau khi chấm có thể khiến cho mật ong bị trôi hết. Đặc biệt quan trọng nhất là thấm mật ong vào vết loét trước khi đi ngủ.
Phòng ngừa nhiệt miệng bằng cách nào?
Muốn ngăn ngừa hoặc điều trị nhiệt miệng, làm giảm độ tái phát của bệnh, các bác sĩ thường khuyên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả tươi, hạn chế tối đa làm việc quá căng thẳng dẫn đến stress.
Không ăn quá nhiều thức ăn gây kích thích khoang miệng (ớt, hạt tiêu, giấm…). Việc cung cấp một chế độ ăn đầy đủ các loại vitamin (C, B1, B6, B12, PP…) và các yếu tố vi lượng như kẽm, đồng… cũng rất quan trọng vì đây là các yếu tố không thể thiếu đảm bảo cho da và niêm mạc khỏe mạnh, không bị tổn thương.
Cần bỏ hút thuốc lá, nghiên cứu cho thấy, việc hút thuốc lá không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe của bạn mà còn là tác nhân gây hầu hết các trường hợp ung thư miệng.
Hằng ngày, cần chăm sóc và giữ gìn vệ sinh răng miệng. Luôn đánh răng và dùng chỉ nha khoa để xỉa răng thường xuyên sau mỗi bữa ăn. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể dễ bị viêm nhiễm miệng.
Cần kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình