Hotline 24/7
08983-08983

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em: cần đếm nhịp thở để biết khi nào nguy hiểm

Bệnh hô hấp cấp tính là căn bệnh phổ biến hầu như trẻ nào cũng bị. BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn các bậc phụ huynh cách nhận biết và điều trị tại nhà, dấu hiệu nào cần đưa con đi bệnh viện, cách đếm nhịp thở thế nào?...

1. Số liệu về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

Nhờ bác sĩ cho biết số liệu thống kê về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em?

BS Trương Hữu Khanh:

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có nhiều mức độ khác nhau. Nó có thể bao gồm viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới thậm chí suy hô hấp. Nó rất rộng, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Đa số trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cấp tính. Tỷ lệ bệnh nhỏ sẽ bị nặng hơn, các em bé sau 6 đến 9 tháng sẽ có nguy cơ bị bệnh như thế.

Virus sẽ tấn công trẻ em theo mùa, tuy nhiên tỷ lệ tử vong về hô hấp ở Việt Nam không nhiều bởi vì chương trình quốc gia và hệ thống y tế của nước mình được huấn luyện rất tốt nên tỷ lệ tử vong giảm khá mạnh. Riêng tỷ lệ tử vong ở vùng Đông Á, Trung Á vẫn cao.

Tuy nhiên, trẻ có thể bị nhiễm hô hấp cấp từ nhỏ đến lớn khoảng 4 đến 5 lần. Trong bệnh viện nhi khoa, có 200 đến 300 em bé phải được điều trị. Các em bé bị suy hô hấp cấp tức là thở mệt và nhanh phải được nhập viện để điều trị.

2. Thời điểm nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính

Thưa BS, thời điểm dễ nhiễm hô hấp cấp tính trong năm là thời điểm nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Mùa nắng nóng có 2 đợt. Sắp đến đây, sẽ có giai đoạn bệnh hô hấp cấp diễn ra rất mạnh. Tháng 9 và tháng 10 là thời điểm trẻ bị hô hấp cấp do virus hợp bào gây nên. Giai đoạn giao mùa khiến trẻ dễ bị hô hấp cấp.

3. Độ tuổi trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính?

BS Trương Hữu Khanh:

Viêm hô hấp cấp thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, trẻ dưới 12 tháng dễ bị viêm hô hấp cấp. Đây là căn bệnh thường gặp, không trẻ nào là không bị, cho nên các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm để chăm sóc đúng cách, nhận biết tốt dấu hiệu cần đi bệnh viện kịp thời.

4. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, bệnh lây lan mạnh như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Người lớn bị cảm không rầm rộ, đến mùa lạnh họ bị cảm nên họ lây mầm bệnh sang cho em bé. Các em bé lớn sẽ lây qua cho các em bé nhỏ.

Có hai nhóm virus gây bệnh: virus hợp bào (gọi tắt là RSV) và theo sau là các virus cúm. Khi bị nhiễm virus thì trẻ có thể bị bội nhiễm bởi các vi khuẩn. Lúc đó, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Virus sẽ lây lan nhanh theo mùa.

5. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có bao nhiêu loại, triệu chứng thế nào?

Nhờ BS phân tích nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có bao nhiêu loại và triệu chứng của chúng ra sao?

BS Trương Hữu Khanh:

Các cơ quan hô hấp được chia thành 2 vùng: vùng hô hấp trên và vùng hô hấp dưới. Sau đó, mới chia thành vị trí cụ thể. Vùng hô hấp trên có thể chia thành viêm mũi, viêm họng, viêm tai. Hô hấp dưới có thể viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

Các phụ huynh cần biết viêm hô hấp có khó thở cho trẻ hay không. Trẻ thở nhanh và mệt chính là biểu hiện của viêm hô hấp biến chứng. Khi đó, các bậc cha mẹ phải đưa con đi khám bệnh.

6. Dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ?

Nhờ BS hướng dẫn cách nhận biết sớm tình trạng hô cấp tính ở trẻ nhỏ.

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ bị viêm hô hấp thường thuộc tình trạng viêm hô hấp cấp tính. Ta cần phải chú ý ngay, con chúng ta bị sổ mũi liên tục không phải viêm hô hấp.

Viêm hô hấp thường kèm theo sốt, khi theo dõi ho sốt ta cũng cần theo dõi cách thở của em bé. Phụ huynh cần chú ý khi con mình thở ở tốc độ nhanh hơn đó là điều bất thường.

Khi trẻ thở, bình thường ngực sẽ nâng lên nhưng rồi nó hụt xuống. Tình trạng nặng hơn là trẻ phải mở miệng ra thở, mặt mày tím tái hơn. Ta có thể tập đếm bằng cách dùng đồng hồ, ta kéo áo trẻ lên và đặt đồng hồ song song với nhịp thở của trẻ, nếu ta đếm đúng nó sẽ tùy theo tốc độ.

Đối với em bé nhỏ, nhịp thở sẽ là 40, 60, 50. Tuy nhiên, em bé lớn thở hơn 40 sẽ thành vấn đề. Tất cả tùy thuộc vào lứa tuổi của em bé, em bé thở nhanh hơn và ngực lõm xuống thì các bậc cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện.

Nếu bé chỉ bị ho, sốt thì ta cho bé uống thuốc hạ sốt, thuốc ho thảo dược, ta nhỏ mũi sinh lý. Nếu em bé vẫn chơi đùa bình thường, bú và ăn tốt thì đứa bé sẽ tự ổn định nhiệt độ từ ba đến năm, bảy ngày. Chúng ta cần nhớ rằng ho và sổ mũi sẽ chậm hơn sốt và nó sẽ kéo dài lâu hơn. Ta vẫn phải tiếp tục chăm sóc tại nhà.

7. Trường hợp nào có thể điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại nhà, trường hợp nào đưa trẻ đến bệnh viện?

BS Trương Hữu Khanh:

Đa số trường hợp viêm hô hấp sẽ tự ổn định, đó là các trường hợp do siêu vi gây nên. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ, ta vẫn phải đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu trẻ thở quá nhanh, quá nặng, không hạ sốt được thì ta cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám. Tại đó, bác sĩ sẽ đánh giá có biến chứng ở đường hô hấp dưới hay không, tình trạng có nặng hơn hay không. Có thể bác sĩ sẽ đưa ra các bước cần thiết tiêm thuốc, thở oxy, ...

Khi theo dõi tại nhà, cha mẹ chỉ cần cho con uống thuốc ho thảo dược và nhỏ nước muối sinh lý, cha mẹ không nên dùng thuốc chống nghẹt mũi hay tân dược không hợp với tuổi của bé. Vì làm như vậy, bé sẽ bị mệt hơn hay nói cách khác là phản tác dụng.

8. Cách điều trị viêm hô hấp cấp tính, chế độ dinh dưỡng để giúp trẻ phục hồi nhanh

Thưa BS, các cơ sở y tế điều trị viêm hô hấp cấp tính ở trẻ bằng cách nào, chế độ dinh dưỡng để giúp trẻ phục hồi?

BS Trương Hữu Khanh:

Bác sĩ sẽ đo mức độ thở của bé, nếu em bé thở nhanh nhưng bị thiếu oxy bác sĩ sẽ cung cấp oxy. Thông thường, họ sẽ đánh giá đó là do virus hay vi khuẩn gây nên hoặc bé bị bội nhiễm virus rồi bị nhiễm thêm vi khuẩn. Lúc đó, các bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh. Kháng sinh có thể được uống hoặc tiêm, trong trường hợp em bé bị bội nhiễm nặng bác sĩ sẽ cho chích nhiều loại kháng sinh.

Một số em bé có miễn dịch kém, suy hô hấp nhiều thì bác sĩ phải nâng thở oxy lên thở áp lực dương thậm chí phải thở bằng máy. Quy trình điều trị sẽ bị kéo dài. Trong quá trình điều trị, bệnh viện sẽ cung cấp cho em bé đủ dinh dưỡng, đủ nước. Hai yếu tố đó rất quan trọng.

Cách điều trị ở nhà cũng rất quan trọng, nếu em bé kén ăn ta sẽ cho ăn lỏng nhiều bữa. Trẻ nhỏ cần bú đủ và trẻ lớn cần uống đủ nước (không cung cấp đủ sữa hay nước sẽ không làm loãng đàm). Tắc đàm sẽ gây khó thở và lâu hết bệnh hơn.

9. Cách rửa mũi tại nhà cho trẻ

BS Trương Hữu Khanh:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xịt nước mũi từ mũi này qua mũi kia là điều hết sức nguy hiểm. Trẻ càng nhỏ sẽ dễ bị sặc, ví dụ như sặc nước khi đi bơi cũng đủ gây khó chịu. Cảm giác khó chịu ấy cũng xảy ra ở trẻ. Khi ta làm vậy, phản ứng đóng đường thở chuyển qua đường ăn diễn ra rất chậm. Vì vậy, xịt thẳng vào mũi sẽ có nguy cơ làm nước muối rơi thẳng vào đường thở. Cách làm như thế sẽ khiến trẻ bị sặc sụa và ám ảnh cảnh nhỏ mũi.

Vì vậy, ta chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý. Ta cho trẻ nằm nghiêng một chút rồi nhỏ nhẹ vào trong mũi. Ta có thể hiện bước bấc sâu kèn: ta quấn một đầu nhỏ và một đầu lớn ở tờ giấy, tờ giấy phải ngấm nước và không được bở.

10. Cách phòng bệnh viêm hô hấp cấp tính

Thưa BS, khép lại chương trình, bác sĩ có thể hướng dẫn quý khán giả cách phòng bệnh tốt nhất?

BS Trương Hữu Khanh:

Tìm hiểu về bệnh hô hấp ở trẻ là điều các phụ huynh buộc phải làm. Đây là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em, trẻ càng lớn thì mới bớt mắc bệnh này. Trẻ dưới 6 tháng có thể ít bệnh hơn nhờ lượng kháng thể của mẹ truyền qua, nhưng lớn hơn một chút lượng kháng thể giảm đi.

Trước hết, ta cần biết xử trí đúng nóng, ho và sổ mũi. Nóng thì ta dùng thuốc hạ sốt, ho thì ta dùng thuốc thảo dược, sổ mũi thì ta nhỏ mũi. Ban đầu, ta sẽ theo dõi cách thở của một em bé, nếu trẻ thở nhanh và mệt, thậm chí bỏ ăn lâu, chắc chắn ta phải đưa trẻ đến bệnh viện để đánh giá cách điều trị cao hơn.

Thứ hai, mỗi bậc phụ huynh phải biết cách phòng ngừa. Cách phòng ngừa tốt nhất là cho bú mẹ trong 6 tháng - 24 tháng đầu vì sữa mẹ có nhiều chất bảo vệ trẻ trong quá trình lớn lên khi tiếp xúc với virus đường hô hấp. Khi thời tiết thay đổi, trẻ cần uống nhiều sữa và nước, ngủ đủ giấc trẻ mới có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ta phải chủng ngừa các bệnh ho gà, sởi, bạch hầu cho trẻ. Ngoài ra, ta có thể chích thêm phế cầu cho trẻ để phòng ngừa tốt hơn. Khi trẻ bị bệnh, ta phải chăm trẻ để phát hiện các biến chứng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X