Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ do giảm kali huyết

Giảm kali huyết là nồng độ ion K+ huyết tương dưới 3,5mmol/L và là hậu quả của một hay nhiều nguyên nhân.

Bệnh gây mệt mỏi, đau cơ, suy nhược chi dưới, thoái hoá cơ vân, tắc ruột do liệt, liệt hô hấp và liệt hoàn toàn.

Vì sao cơ thể bị mất K+?

Mất kali xảy ra ngoài thận và trong thận.

Mất K+ ngoài thận trong các trường hợp: đổ nhiều mồ hôi, tăng aldosteron thứ phát làm tăng bài tiết K+ trong nước tiểu. Giảm kali huyết do mất dịch dạ dày ruột khi bị tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc xổ... Mất dịch dạ dày dẫn đến nhiễm kiềm chuyển hoá, cả hai đều có tác dụng làm tăng bài tiết kali niệu. Giảm lưu lượng máu kích thích phóng thích aldosteron, làm tăng tiết K+.

Mất K+ trong thận do các yếu tố làm tăng nồng độ K+ trong ống sinh niệu hoặc làm tăng tốc độ dòng chảy xa. Tăng aldosteron tiên phát do u tuyến thượng thận, ung thư biểu mô hoặc tăng sản vỏ thượng thận. Tăng renin huyết do tăng huyết áp mạch thận và tăng huyết áp ác tính dẫn đến tăng aldosteron thứ phát và suy giảm K+ trong thận. Do ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư biểu mô buồng trứng và khối u Wilms. Tăng sản sinh chất kháng corticoid không aldosteron trong chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh.

Thực phẩm giàu Kali

Hội chứng Liddle là một bệnh gia đình, có đặc trưng là tăng huyết áp, nhiễm kiềm chuyển hoá giảm kali huyết, hao mòn K+ ở thận và giảm tiết renin và aldosteron. Nhiễm acid ketone trong đái tháo đường có thể dẫn đến mất K+ trong thận.

Hội chứng Bartter có đặc trưng là giảm kali huyết, nhiễm kiềm chuyển hoá, tăng aldosteron, tăng renin huyết thứ phát. Lạm dụng thuốc lợi tiểu gây mất chất dịch K+. Mức độ giảm kali niệu sẽ nặng hơn với các thuốc có tác dụng lâu dài. Tăng bài tiết K+ trong thận chủ yếu là do tăng chuyển tải chất tan ở xa và tăng aldosteron thứ phát (do giảm thể tích chất dịch).

Dấu hiệu cơ thể bị giảm K+ 

Biểu hiện suy giảm K+ ở mỗi người rất khác nhau, với mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào mức độ giảm kali huyết. Triệu chứng chỉ xuất hiện khi nồng độ K+ huyết tương giảm xuống dưới 3mmol/L. Khi đó bệnh nhân thấy mệt mỏi, đau cơ và suy nhược cơ ở hai chi dưới. Giảm kali huyết nặng hơn có thể dẫn đến suy nhược tăng tiến, giảm thông khí do ảnh hưởng đến cơ hô hấp và sau cùng là liệt hoàn toàn. Suy giảm chuyển hoá cơ và mất đáp ứng sung huyết khi vận động cùng với giảm K+ nặng làm tăng nguy cơ thoái hoá cơ vân. Chức năng cơ trơn cũng có thể bị ảnh hưởng và có biểu hiện tắc ruột do liệt, tăng nguy cơ loạn nhịp tâm thất, nhất là với bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc phì đại tâm thất trái. Một số nghiên cứu đã chứng minh có sự liên quan giữa khẩu phần ăn thiếu K+ với khả năng bị tăng huyết áp.

Giảm kali huyết thường kèm theo rối loạn acid base liên quan tới bệnh tiềm ẩn. Bệnh nhân có biểu hiện khát nhiều và đa niệu. Hiện tượng không dung nạp glucose có thể xảy ra cùng với giảm kali huyết và được cho là do giảm tiết insulin hoặc đề kháng insulin.

Chuối chứa nhiều Kali

Điều trị và phòng bệnh

Mục đích điều trị là giảm thiếu hụt K+ và giảm thiểu sự mất thêm nữa. Kali clorua là thích hợp nhất để sửa chữa giảm kali huyết và nhiễm kiềm chuyển hoá. Kali bicarbonat và kali citrat có khuynh hướng kiềm hoá và thích hợp hơn cho bệnh nhân giảm kali huyết đi kèm với tiêu chảy mạn tính.

Đối với bệnh nhân giảm kali huyết nặng hoặc bệnh nhân không thể ăn uống được cần phải dùng liệu pháp truyền tĩnh mạch với KCl. Nên rất cẩn thận khi truyền nhanh K+ qua đường tĩnh mạch và cần phải quan sát kỹ các biểu hiện lâm sàng của giảm kali huyết.

Các phương pháp phòng bệnh gồm: tránh mất nhiều mồ hôi khi lao động hay luyện tập nặng bằng cách thường xuyên uống nước ngay cả khi chưa thấy khát, tốt nhất là nước oresol. Điều trị tích cực bệnh tiêu chảy, không lạm dụng thuốc xổ và thuốc lợi tiểu, chú ý chọn thực phẩm giàu kali. Phát hiện và điều trị sớm các bệnh gây giảm kali huyết nói trên.

AloBacsi.vn
Theo BS. Trần Tất Thắng, Sức khỏe & đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X