Hotline 24/7
08983-08983

Người nhà hạn chế thăm nuôi để bảo vệ các bệnh viện và người bệnh nặng

Trước tình hình một số bệnh viện đóng cửa, tạm ngưng nhận bệnh nhân trong làn sóng COVID-19 thứ tư, TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh việc hạn chế thăm nuôi để bảo vệ các bệnh viện, tránh nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 từ ngoài vào.

Đi thăm bệnh là tập quán đẹp nhưng cần hạn chế trong đại dịch COVID-19

Những thời điểm có COVID-19 như thế này thì chúng ta nên áp dụng như phương tây. Phương tây họ tuyệt đối không cho người nhà vào thăm bệnh, chỉ có thể gọi điện, kể cả bệnh nhân nặng cũng không được vào, kết quả điều trị thế nào thì bác sĩ sẽ thông báo cho gia đình.

Việc thăm bệnh là thể hiện tình cảm nhưng chúng ta phải rút kinh nghiệm. Khi khỏi bệnh rồi hãy thăm, vì lúc này chúng ta tặng đồ ăn thức uống họ mới có thể ăn được. Còn khi bệnh nhân đang ở bệnh viện, đang truyền dịch thì không thể ăn gì.

Cho nên, mình cần thay đổi những phong tục tập quán đó bằng những hành động phù hợp hơn (có thể hỏi thăm bằng các phần mềm video call) để bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân và người thăm bệnh.

Ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nguồn lây là từ ngoài vào, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 không bị lây

Trong các trường hợp bị nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì chỉ có 4 cán bộ y tế, còn lại là chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các thầy thuốc trực tiếp điều trị cho khu vực cách ly COVID-19 thì không có ai nhiễm bệnh. Điều đó chứng tỏ nguồn lây nhiễm này là mang từ cộng đồng vào.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, 80% các trường hợp nhiễm bệnh lần này đều không có triệu chứng lâm sàng. May mắn, có 1 trường hợp chúng ta phát hiện kịp thời và xác định là F0, từ đó truy vết các F1, F2 để đưa vào cơ sở cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính. Cho nên, chúng ta cần phải tránh việc các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 lọt vào bệnh viện hoặc người thăm, nuôi người nhà bị ốm - đây là phong tục của người Việt khi có người thân bị ốm nằm viện.

Bệnh viện là thành trì cuối cùng để ngăn chặn, điều trị COVID-19 cho nên mặc dù Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phát hiện ra những ca bệnh như vậy thì đã kịp thời xử lý, cách ly ổ dịch. Vì vậy những bệnh nhân nặng vẫn được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị bởi vì đây là cơ sở cao nhất để điều trị với đầy đủ các phương tiện kỹ thuật và đã điều trị hơn 1.000 ca bệnh, kể cả những ca bệnh nặng phải chạy ECMO, ngừng tim 3 lần vẫn được cứu sống (bệnh nhân 19). Mặc dù bệnh viện đóng cửa nhưng vẫn tiếp nhận, điều trị cho những ca bệnh COVID-19.

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, hiện là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam

Bệnh viện đóng cửa, bệnh nhân đến đâu để điều trị?

Khi phát hiện ca nhiễm trong bệnh viện thì phải khoanh vùng dập dịch, cần phát hiện thật sớm để cách ly những người này. Những bệnh viện khác phải trong tư thế sẵn sàng ứng cứu. Bên cạnh đó, chúng ta đã lập được hệ thống bệnh viện dã chiến và Việt Nam đã thành lập được trung tâm tư vấn, hỗ trợ điều trị những bệnh nhân này.

Trung tâm này đặt tại Cục khám chữa bệnh Bộ Y tế. Khi có ca bệnh nặng, cần hội chẩn, cần có ý kiến của giáo sư đầu ngành của các chuyên ngành khác nhau thì chúng tôi sẽ đến trung tâm và kết nối trực tiếp với từng điểm đang điều trị bệnh nhân nặng. Với những kinh nghiệm của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành sẽ giúp cho bệnh nhân nằm ở tuyến huyện, không phải chuyển lên tuyến trên những vẫn được cấp cứu kịp thời. Điều đó rất tốt.

Đây chính là áp dụng công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh, các giáo sư không nhất thiết phải đến tận nơi. Chúng tôi sẽ ngồi nghe các báo cáo bệnh án, chi tiết từng kết quả xét nghiệm, điện tim qua telehealth. Đây là điều mà Việt Nam đã làm được. Điều này sẽ giúp cho hệ thống tuyến dưới an lòng hơn, có thể xin ý kiến các thầy từ xa. Bên cạnh đó, các nhóm về chẩn đoán hình ảnh, hồi sức,… sẽ tạo group chat, có thể liên hệ với nhau bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải tất cả chuyên gia cùng lên trung tâm.

Chỉ khi nào cần hội chẩn của nhiều chuyên khoa thì mới cùng nhau lên trung tâm ở Bộ Y tế. Các chuyên gia sẽ xem xét về nhiều khía cạnh về lâm sàng, xét nghiệm, oxy, lọc máu, dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải; phân tích chi tiết cho từng ca bệnh lâm sàng để cấp cứu cho bệnh nhân. Ví dụ như ca phi công người Anh mắc COVID-19 thì chúng tôi vẫn ngồi ở Hà Nội để hội chẩn cùng BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM và nhóm bác sĩ của BV Chợ Rẫy.

Bộ Y tế sẽ sát sao hơn trong việc kiểm soát bệnh viện có ca bệnh COVID-19. Nếu bệnh viện đóng cửa thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế sẽ “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Những người ở ngoài bệnh viện có thể là người nhà hoặc bệnh nhân mới.

Khi Bộ Y tế có quyết định đóng cửa bệnh viện đó thì phải có phương án ứng cứu ngay lập tức, ví dụ chuyển bệnh nhân về bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện đa khoa có khoa ung thư hoặc bệnh viện chuyên ung thư. Lúc đó có thể ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (telehealth).

Hiện nay có các bệnh viện lớn như BV Việt Đức, Bệnh viện K, BV Đại học Y Hà Nội, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, BV Nhi trung ương, Bệnh viện E,… đều có cầu nối đến bệnh viện tuyến dưới để tư vấn. Nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư điều trị ngoại trú thì bây giờ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân về cơ sở y tế gần nhà, nhận thuốc ngoại trú.

Nếu trước đây bệnh nhân nhận thuốc hàng tháng thì bây giờ chúng tôi sẽ cho nhận thuốc 3 tháng, kéo dài thời gian theo dõi trong tình hình dịch bệnh. Như vậy sẽ giải tỏa được bệnh nhân phải nằm chờ.

Riêng đối với bệnh nhân Bệnh viện K trong giai đoạn hóa trị, xạ trị… vẫn được nhập viện để điều trị, vì sinh mạng người bệnh là trên hết.

Dịch xảy ra trong bệnh viện mặc dù nghiêm trọng nhưng việc khống chế vẫn dễ hơn trong cộng đồng, vì chỉ tập trung tại một khu đó thôi, còn trong cộng đồng mọi người đi lung tung rất khó kiểm soát.

Chúng ta cũng đừng quá hoang mang khi nghe bệnh viện đóng cửa, thông thường bệnh viện sẽ đóng cửa cho đủ thời gian cách ly, sau đó sẽ mở cửa lại sau khi đã thanh trùng. Tuy nhiên thân nhân vẫn hạn chế vào thăm để bảo vệ bệnh viện, bảo vệ các bệnh nhân nặng đang điều trị.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X