Hotline 24/7
08983-08983

Người đột quỵ sau 6 tháng vẫn có cơ hội phục hồi nếu kiên trì tập luyện

Đó là nhận định của TS Lê Khánh Điền - Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật 2024. Với sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh cùng nhiều y học chứng cứ, phục hồi chức năng hiện nay đã có tiếng nói hơn, trong đó, phục hồi mất ngôn ngữ và giảm thiểu nguy cơ viêm phổi hít đang được chú trọng và điều trị hiệu quả.

TS Lê Khánh Điền - Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh, cứu sống là quan trọng, nhưng sau đó sống như thế nào cũng là vấn đề cần quan tâm

1/3 bệnh nhân sau đột quỵ bị mất ngôn ngữ

Trong bài báo cáo “Cập nhật về phục hồi mất ngôn ngữ và giảm thiểu nguy cơ viêm phổi hít”,  TS Lê Khánh Điền cho biết, phục hồi chức năng (PHCN) tập trung quan tâm đến vấn đề khuyết tật của người bệnh hơn vấn đề sống còn, bởi vì khuyết tật là gánh nặng sau khi bệnh nhân điều trị.

Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và khuyết tật hàng đầu. Trên trang web bệnh Đột quỵ của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Tại Bệnh viện An Bình hiện đang điều trị PHCN cho khoảng 10 bệnh nhân đột quỵ đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp (40-50 tuổi).

Chuyên gia chia sẻ, trước đây, việc điều trị PHCN chỉ tập trung vào vận động, tuy nhiên sau đột quỵ, người bệnh còn bị hạn chế về ngôn ngữ, lời nói, khả năng nuốt, nhận thức, cảm xúc… do đó cần phối hợp đa chuyên khoa với PHCN để điều trị cho bệnh nhân.

Mất ngôn ngữ ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội, bản thân người bệnh và những người chăm sóc. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây mất ngôn ngữ với tỷ lệ 1/3 bệnh nhân sau đột quỵ có thể gặp vấn đề này.

TS Lê Khánh Điền - Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình nhận định, nhờ sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh và đã có nhiều y học chứng cứ mà đến nay, PHCN đã có tiếng nói hơn

Dẫn chứng một nghiên cứu nước ngoài, TS Lê Khánh Điền nhận định, một người đột quỵ sau 6 tháng vẫn có cơ hội phục hồi nếu tập luyện. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ vẫn thắc mắc sau 6 tháng, bệnh nhân đột quỵ đã qua thời gian vàng tập luyện thì không còn khả năng phục hồi hoặc phục hồi rất ít. Chuyên gia giải thích, vấn đề nằm ở bệnh nhân cần tiếp tục nỗ lực tập luyện, nếu không cơ hội phục hồi rất ít. Người bệnh phải tập luyện để giúp não có các kích thích ngoại biên, gây khó chịu, từ đó não tìm cách đáp ứng.

Một nghiên cứu của Hội Tim mạch Đột quỵ Hoa Kỳ thấy rằng, những yếu tố liên quan tiên lượng phục hồi ngôn ngữ rất khó vì có rất nhiều yếu tố. Trong đó một yếu tố là can thiệp sớm sẽ tối ưu hóa phục hồi ngôn ngữ. Việc phục hồi này không chỉ ở giai đoạn dưới 6 tháng và bệnh nhân sau đột quỵ trên 6 tháng vẫn có khả năng phục hồi.

Thực tế những bệnh nhân trên một năm không có khả năng phục hồi sẽ từ bỏ tập luyện, tuy nhiên y học chứng cứ đã khẳng định trên 2 năm, cả người lớn tuổi vẫn có khả năng hồi phục nếu tập luyện.

Hiện nay, tính linh hoạt về thần kinh ở người mất khả năng ngôn ngữ được đề cập rất nhiều. Chức năng ngôn ngữ của người đột quỵ có thể đi xuống rất nhanh ở giai đoạn đầu, sau đó hồi phục dần. Khi được tập luyện ở giai đoạn mạn tính, khả năng phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, với những người đã từng đột quỵ 2-3 lần trước đó, hoặc nhồi máu não rải rác đa ổ sẽ làm việc phục hồi khó khăn hơn so với người chưa từng đột quỵ.

Người mất ngôn ngữ sau đột quỵ muốn nói được trước khi biết đi

Chuyên gia bày tỏ, nhờ sự tiến bộ của chẩn đoán hình ảnh, ngành PHCN có tiếng nói mạnh hơn, còn trước đây luôn cho rằng phương pháp này không đem lại hiệu quả.

Hiện nay đã có nhiều chứng cứ chứng minh tập luyện có thể thay đổi chức năng, kể cả cấu trúc của não, đây là tín hiệu đáng mừng, thuyết phục cho hiệu quả của việc tập luyện.

PHCN có nhiều vấn đề tập luyện từ cá nhân đến nhóm. Theo guideline năm 2022 của Neuzealand cho rằng, mất ngôn ngữ cần được đánh giá càng sớm càng tốt và phải được phục hồi các vấn đề nghe hiểu, đọc hiểu, viết và nói. Thời gian bắt đầu tốt nhất là 4 tuần sau đột quỵ, vấn đề này tại Bệnh viện An Bình đã có sự phối hợp rất tốt giữa khoa Phục hồi chức năng với khoa Nội thần kinh.

Theo những quan điểm của người mất ngôn ngữ nhấn mạnh rằng, họ thường bị cô lập, trầm cảm nặng. Bên cạnh đó, người mất ngôn ngữ muốn phục hồi khả năng ngôn ngữ trước khi đi được. Như vậy, việc nói rất quan trọng. Bệnh nhân còn cảm thấy bị tổn thương về sự tôn trọng vì nói không được.

Đột quỵ ngày càng tăng và trẻ hóa, việc điều trị đột quỵ không chỉ quan tâm đến vấn đề sống còn  mà còn phải mang lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Âm ngữ trị liệu phối hợp đa chuyên ngành giúp bệnh nhân nói được.

Theo TS Lê Khánh Điền, nguyện vọng của những bệnh nhân đột quỵ mất khả năng ngôn ngữ muốn nói được trước khi họ có thể đi

Hít sặc có thể gây viêm phổi, thậm chí tử vong

Một vấn đề khác có thể gặp ở người bệnh đột quỵ là viêm phổi trong hít sặc. Một nghiên cứu cho thấy người bệnh đột quỵ có khả năng hít sặc khi ăn gấp 4,5 lần nếu được người khác đút cho ăn.

Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng đặt ống ăn có thể giảm nguy cơ hít sặc. Tuy nhiên theo nghiên cữu cho thấy việc đặt ống ăn làm tăng nguy cơ hít sặc hơn, đồng thời gây viêm nhiễm tại chỗ, tăng trào ngược hơn so với không đặt ống ăn. Hoặc khi người bệnh uống thuốc quá nhiều, một người có 4-5 bệnh nền trở lên có khả năng hít sặc rất cao.

TS Lê Khánh Điền thông tin thêm, đối với vệ sinh răng miệng, nếu bệnh nhân xử lý không tốt có thể gây nấm, nhiễm trùng miệng, dẫn đến nguy cơ viêm phổi rất cao do vi trùng ở miệng cuốn vào phổi.

Bên cạnh đó, bệnh nhân không thể ăn uống vì nấm miệng, nhiễm trùng gây đau, rát. Tuy nhiên điều này không ai biết, một số cơ sở không bao giờ yêu cầu bệnh nhân mở miệng, khi đến Bệnh viện An Bình kiểm tra đã xuất hiện ổ nấm nhiễm trùng nặng nề.

Vị chuyên gia nhận định, việc sặc thức ăn, thức uống chưa nguy hiểm bằng sặc chất trào ngược, vì chất này mang tính axit. Một số yếu tố cho rằng vô hại ví dụ như nước, chất cứng, nhưng khi sặc có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Hiện nay Bệnh viện An Bình đã phối hợp với trường đại học Sydney xây dựng chương trình quản lý nuốt cho người nhà bệnh nhân với 9 chương, người nhà bệnh nhân được huấn luyện các vấn đề: bữa ăn có ý nghĩa gì?, một số dấu hiệu khó nuốt, chuẩn bị khi không ăn ở nhà, các câu chuyện, thảo luận để người nhà bệnh nhân biết được tầm quan trọng trong chăm sóc ăn uống.

TS Lê Khánh Điền và BSNT.BS.CK1 Hồ Hữu Thật - Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện An Bình tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật 2024 (từ trái qua)

 >>> Bệnh viện An Bình đạt chứng nhận Vàng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới

>>> Vai trò quan trọng của khối cơ đối với cơ thể

Bài báo cáo của TS Lê Khánh Điền nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật Bệnh viện An Bình 2024, tổ chức tại TPHCM sáng 28/12/2024. Hội nghị đón nhận hơn 300 đại biểu là chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện, trường đại học, hội chuyên khoa Việt Nam và khu vực TPHCM.

Năm 2024, hội nghị mang đến 22 bài báo cáo với 2 phiên, diễn ra song song tại 2 hội trường, nội dung trải đều ở các lĩnh vực chuyên khoa, các phương pháp điều trị tiên tiến, cập nhật kiến thức y khoa và các vấn đề khác trong y học.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X