Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tiểu đường khi nào cần khám mắt để đề phòng biến chứng võng mạc?

Tổn thương của bệnh đái tháo đường (tiểu đường) rất nặng nề gây thoái hóa hoàng điểm, bệnh lý võng mạc, không chỉ làm giảm thị lực mà có thể dẫn đến mù lòa. Dưới đây là lời khuyên hữu ích từ ThS.BS.CK2 Phan Phước Thái Bình - Trưởng khoa Mắt - Trưởng phòng KHTH BV Mắt Phương Nam dành cho người bệnh đái tháo đường.

1. Bệnh đái tháo đường gây ra các biến chứng nguy hiểm nào cho mắt?

Trong rất nhiều những biến chứng do đái tháo đường, thì biến chứng trên mắt là những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể là những biến chứng gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Phan Phước Thái Bình trả lời: Các biến chứng của bệnh đái tháo đường:

- Biến chứng bệnh võng mạc tiểu đường, nguy cơ gây mù lòa rất cao.

- Biến chứng bệnh cườm nước là biến chứng rất nặng và nguy hiểm.

- Biến chứng đục thủy tinh thể có thể giải quyết bằng phẫu thuật.

2. Bệnh võng mạc đái tháo đường nguy hiểm thế nào?

Nhờ BS phân tích về tính chất nguy hiểm của bệnh võng mạc đái tháo đường? Tại sao bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong những bệnh lý có số lượng người mắc cao?

ThS.BS.CK2 Phan Phước Thái Bình trả lời: Bệnh tiểu đường gây tổn thương lên các mạch máu nhỏ trên toàn bộ cơ thể chúng ta. Đặc biệt sẽ gây biến chứng tại các cơ quan như tim, mắt, não, thận.

Với đôi mắt, khi tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc, các mạch máu nhỏ này sẽ tổn thương lên thành mạch dẫn đến tắc mạch và gây ra hiện tượng xuất tiết, xuất huyết võng mạc, phù hoàng điểm. Khi đó người bệnh sẽ nhìn mờ, gây hiện tượng thiếu máu võng mạc.

Khi thiếu máu võng mạc sẽ tiết ra chất gây tăng trưởng mạch máu, làm xuất hiện các mạch máu nhỏ ở võng mạc với mục đích bù đắp sự thiếu máu. Tuy nhiên các mạch máu nhỏ này rất mong manh, dễ vỡ nếu vỡ ra sẽ gây hiện tương xuất huyết ở võng mạc pha lê thể, lúc này người bệnh sẽ nhìn mờ. Nếu những trường hợp này không được can thiệp và điều trị sẽ dẫn đến bệnh cảnh bệnh võng mạc tăng sinh gây co kéo võng mạc, võng mạc sẽ bị rách, bị bong. Và khi bong võng mạc người bệnh sẽ mù lòa (là bệnh cảnh cuối cùng).

Nếu người bệnh kiểm soát đường huyết, huyết áp tốt, kiểm soát cân nặng, hạn chế hút thuốc lá bệnh sẽ đến chậm hơn.

3. Vì sao sau 10 - 15 năm người bệnh tiểu đường hay gặp biến chứng võng mạc?

Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra trong 90% các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm, bất kể đái tháo đường phụ thuộc Insulin hay không? Hiểu về điều này như thế nào?

ThS.BS.CK2 Phan Phước Thái Bình trả lời: Đái tháo đường gặp ở người trẻ hoặc đái tháo đường type 2 là không phụ thuộc insulin. Đái tháo đường type 1 thường gặp ở người lớn tuổi nên gọi là phụ thuộc insulin. Dù là type 1 hay type 2 thì võng mạc đều bị tổn thương do tiểu đường gây ra.

Khi tổn thương thành mạch, bị tắc mạch sẽ gây hiện tượng xuất huyết, xuất tiết, phù hoàng điểm làm người bệnh nhìn mờ. Tuy nhiên không xảy ra tức thì mà xảy ra từ ngày này qua ngày khác, đến khi người bệnh thấy mờ. Thông thường lúc đó võng mạc đã xuất huyết nhiều và hoàng điểm đã bị phù.

Sau khoảng 10 năm, bác sĩ sẽ khám trên mắt và thấy trực tiếp những tổn thương hoặc qua hình ảnh chụp võng mạc bác sĩ sẽ xác định được có tổn thương ở võng mạc do bệnh tiểu đường hay chưa. Như vậy, thường sau 10 năm người bệnh sẽ bị bệnh võng mạc tiểu đường dù là type 1 hay type 2.

4. Người bệnh tiểu đường khi nào cần khám mắt?

Bệnh lý võng mạc ở giai đoạn khởi phát hầu như không có triệu chứng rõ ràng để cho bệnh nhân có thể cảnh giác. Nên thường bệnh nhân sẽ dễ bỏ qua giai đoạn khởi phát. Nhờ BS chia sẻ về bệnh lý võng mạc ở giai đoạn khởi phát, cũng như khuyến cáo cho tất cả mọi người?

ThS.BS.CK2 Phan Phước Thái Bình trả lời: Bệnh võng mạc tiểu đường không có triệu chứng, người bệnh không thấy đau nhức và chưa thấy mờ ở giai đoạn đầu nên thường không đi khám mắt. Khi người bệnh đến khám thường đã có biến chứng, mắt đã mờ, bác sĩ khám trên võng mạc sẽ phát hiện tổn thương rất nhiều, có những thay đổi trên thành mạch, xuất huyết, xuất tiết, thậm chí hoàng điểm bị phù. Khi bác sĩ thấy những tổn thương đó và xác định người bệnh bị võng mạc tiểu đường thì đã muộn, lúc này bác sĩ sẽ phải tìm cách để điều trị cho bệnh nhân.

Nếu bị tiểu đường phải đi khám mắt sớm:

- Đối với người bệnh tiểu đường type 1: Khi phát hiện tiểu đường 5 năm sau nên đi khám chuyên khoa mắt và sau đó 2 năm sẽ đi khám mắt một lần.

- Đối với người trẻ bị bệnh tiểu đường: Khi phát hiện tiểu đường phải đi khám ngay lập tức và sau đó mỗi năm sẽ khám mắt một lần.

- Phụ nữ mang thai bị tiểu đường: Phải đi khám ngay và sau đó khoảng 3 tháng phải khám mắt một lần.

Khi bác sĩ phát hiện tổn thương trên mắt sẽ tìm hướng điều trị cho bệnh nhân ngay dù mắt chưa mờ, để chặn đứng bệnh, cố gắng không để bệnh nặng thêm, khi đó hiệu quả sẽ tốt.

Trường hợp đến với bác sĩ mắt đã mờ, thậm chí không thấy đường lúc đó mọi điều trị đều khó khăn.

5. Yếu tố nguy cơ của bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Nguy cơ bệnh võng mạc đái tháo đường phụ thuộc vào những yếu tố nào? (Ví dụ: thời gian bị đái tháo đường, mức độ đường máu và các yếu tố khác như cao huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận, có thai, các phẫu thuật trong nhãn cầu có thể tăng nguy cơ và mức độ trầm trọng của bệnh võng mạc đái tháo đường)

ThS.BS.CK2 Phan Phước Thái Bình trả lời: Khi bệnh nhân bị tiểu đường sẽ có những yếu tố nguy cơ làm bệnh võng mạc tiểu đường nặng hơn.

Nguy cơ đường huyết:

- Nếu đường huyết tăng, HbA1c (đánh giá lượng đường huyết trong 3 tháng) tăng 1% thì nguy cơ bệnh tiểu đường tăng lên 18% và nguy cơ bệnh võng mạc tiểu đường cũng tăng lên 18%.

- Việc kiểm soát đường huyết cực kỳ quan trọng, người bệnh phải theo dõi đường huyết liên tục, phải được bác sĩ điều trị và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ nội tiết, bác sĩ nội khoa.

Thời gian bệnh:

- Thời gian mắc bệnh tiểu đường càng dài, nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường càng cao.

- Nếu thời gian mắc bệnh từ 5 - 10 năm, nguy cơ bị bệnh tiểu đường là 20% (trong 10 người sẽ có 2 người bị bệnh võng mạc tiểu đường).

- Nếu bị tiểu đường từ 10 - 20 năm, thì trong 10 người sẽ có từ 3 - 9 người bị bệnh võng mạc tiểu đường.

Tuổi mắc bệnh:

- Người bệnh tiểu đường càng trẻ tuổi nguy cơ càng cao.

- Trường hợp người trẻ bị bệnh tiểu đường khi đi khám ngay, cứ 10 người sẽ có 2 người bị bệnh võng mạc tiểu đường.

- Đồng thời nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn cũng nhanh hơn.

Yếu tố mang thai:

- Khi bị tiểu đường và có thai, nguy cơ xuất hiện bệnh võng mạc tiểu đường sẽ cao hơn.

- Nếu đã bị bệnh võng mạc tiểu đường mà mang thai thì tiến triển của bệnh càng nhanh hơn.

- Phụ nữ bị tiểu đường mang thai phải đi khám mắt ngay, sau đó 3 tháng phải khám mắt một lần. Để bác sĩ xem nếu có tổn thương xuất hiện sẽ điều trị ngay.

Nguy cơ về mặt huyết áp, mỡ trong máu, béo phì, hút thuốc lá:

- Nếu các nguy cơ này tăng cao sẽ làm khả năng bị bệnh võng mạc tiểu đường.

- Cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X