Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh mạn tính nên ăn uống thế nào để tránh thừa năng lượng?

Tuy nhiên người bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gout… cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề khi ắn uống để hạn chế ảnh hưởng đến tình trạng bệnh lý. BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư sẽ chia sẻ rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Bữa ăn ngày Tết đưa đến các vấn đề gì cho sức khỏe người bệnh mạn tính?

Những bữa ăn thịnh soạn liên miên, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết sẽ khiến chúng ta mất cân bằng các chất trong cơ thể như thế nào? Dễ bị thừa dưỡng chất nào và thiếu dưỡng chất nào, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Tết đến xuân về là ngày ông bà con cháu, các anh chị em quây quần bên nhau. Những người đi làm xa sẽ rất vui khi có dịp tụ họp cùng gia đình. Theo thói quen chúng ta sẽ chuẩn bị mâm cỗ hoành tráng, để người thân được ăn uống sung túc, no đủ, vui vẻ và hưởng một mùa xuân sum vầy.

Chính vì vậy đôi khi chúng ta sẽ hơi quá tay trong mâm cỗ của mình. Từ bánh chưng, bánh tét đến gà, heo, bò, dưa hành, củ kiệu,… dẫn đến nguy cơ nạp quá nhiều năng lượng trong bữa ăn. Do đó, chúng ta thường nghe câu “ăn Tết xong tăng cân” và rất khó để giảm cân lại.

Đối với các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, các bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về khớp (gout là thường gặp nhất) thì ngày Tết là lúc dễ bị xáo trộn các chỉ số theo dõi bệnh lý.

- Người bị tiểu đường: Có nguy cơ tăng đường huyết sau bữa ăn vì ăn quá nhiều tinh bột từ bánh chưng, bánh tét.

- Người tăng huyết áp: Dễ bị cao huyết áp do ăn nhiều thực phẩm chứa natri như giò thủ, giò chả, tương ớt, các loại muối chấm trên bàn ăn để tăng khẩu vị.

- Người bị bệnh gout: Dễ tăng các cơn đau cấp do gout gây ra. Nếu lỡ ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất đạm, nhân purin sẽ dẫn đến xáo trộn các chỉ số cũng như triệu chứng bệnh lý.

Để phòng ngừa chúng ta cần có chế độ ăn cân bằng và hợp lý, vừa phải các loại thực phẩm. Từ đó giúp cân đối tốt hơn và có bữa ăn ngày Tết vui tươi, đầm ấm.

2. Nếu lỡ ăn vượt giới hạn, nên cân bằng bằng cách nào?

Trong trường hợp, nếu bữa trước đó lỡ ăn vượt giới hạn, vậy trong các bữa kế tiếp, chúng ta nên ăn uống như thế nào để cân bằng lại, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đây là việc rất khó kiểm soát, đôi khi trong bữa ăn vui quá nên ăn thêm một ít hoặc người thân hỏi “sao ăn ít vậy, ăn thêm đi” và gắp vào chén của mình. Điều này sẽ dẫn đến dễ tăng cân hoặc có những xáo trộn.

Đồng thời trong ngày Tết vì quá vui, mải trò chuyện mà quên đi thời gian và bỏ kế hoạch tập luyện hằng ngày. Ví dụ mỗi ngày đi bộ 30 - 60 phút nhưng ngày Tết lại quên đi bộ. Đối với bệnh nhân bệnh tiểu đường việc tập luyện là một cách ổn định đường huyết. Do đó, cần lưu ý:

- Định lượng thực phẩm: Khi bị tiểu đường bệnh nhân đã được tư vấn về dinh dưỡng và được bác sĩ dinh dưỡng hướng dẫn chế độ ăn. Một bữa cơm nên ăn từ 1 - 2 chén tùy theo thể trạng. Người bệnh nên định lượng sẵn và nói với người thân để họ hiểu được và chia sẻ với mình, sẽ không quá lo lắng hay ép ăn những món ngon.

- Thiết lập về giờ giấc: Để không bỏ quên kế hoạch luyện tập thể lực.

- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt ngày Tết: Tránh xáo trộn quá nhiều so với sinh hoạt ngày thường. Ăn Tết đôi khi không chỉ 3 ngày mà 7 - 10 ngày. Vì vậy cần có kế hoạch trước và chia sẻ với người thân cùng nhau phối hợp để có mùa xuân trọn vẹn. Tránh trường hợp ăn Tết một vài ngày thì bệnh lý không ổn định phải nhập viện.

3. Đâu là nguyên nhân gây tăng đường huyết và làm cách nào để khắc phục?

Nhiều người bệnh tiểu đường than phiền về việc đường máu kiểm soát kém hơn trong những dịp Tết.

- Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa BS?

- Trong bữa ăn thịnh soạn, đặc biệt là trong dịp Tết, đâu là những món ăn, thực phẩm gây tăng đường huyết nhiều nhất, thưa BS?

- Nên ăn uống thế nào để cân bằng, duy trì mức đường huyết ổn định trong dịp lễ Tết ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Một số cô bác khám bệnh tiểu đường ở khoa dinh dưỡng, Bệnh viện quận Bình Thạnh chia sẻ đường huyết vào ngày Tết có nguy cơ tăng cao hoặc dễ bị xáo trộn. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:

- Thay đổi kế hoạch sinh hoạt hằng ngày: Ngày thường chỉ ăn 3 bữa nhưng ngày Tết lại ăn rất nhều bữa.

- Khó kiểm soát lượng bia, rượu, bánh mứt và các loại thực phẩm khác nạp vào cơ thể.

- Nói chuyện, vui đùa quên thời gian dẫn đến thức khuya và làm tăng đường huyết.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết trong ngày Tết, nhưng điều này phụ thuộc vào kế hoạch sinh hoạt bị xáo trộn bao nhiêu thì nguy cơ đường huyết sẽ tăng bấy nhiêu. Do đó để phòng ngừa, chúng ta nên:

- Bảo vệ kế hoạch sinh hoạt hằng ngày.

- Ăn uống điều độ bữa chính và bữa phụ.

- Có kế hoạch rèn luyện sức khỏe, tập thể dục như đi bộ.

- Lên kế hoạch giờ thức, giờ ngủ, hoặc những chế độ sinh hoạt khác.

- Cố gắng tránh đa những xáo trộn nếu có thể.

- Mâm cơm ngày Tết thường thiếu các loại rau tươi, quả tươi. Vì vậy, nên lưu ý chuẩn bị sẵn trong bữa ăn để vừa đa dạng, ấm cúng vừa giúp ổn định, kiểm soát đường huyết.

4. Người bệnh tiểu đường nên sử dụng các loại đồ nếp, bánh mứt như thế nào?

Người bệnh tiểu đường có cần kiêng tuyệt đối đồ nếp như bánh chưng, bánh tét, xôi, các loại bánh mứt? Nếu được ăn thì giới hạn ở mức nào để tránh hại sức khỏe thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thống không thể thiếu, người bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn được. Tuy nhiên cần lưu ý, bột nếp có tính chèn ép và nén chặt dẫn đến lượng tinh bột trong một chén xôi sẽ nhiều hơn một chén cơm rất nhiều. Do đó, đồ nếp như bánh chưng chỉ nên ăn một lượng ít. Ví dụ bánh chưng 1kg thì người bệnh có thể ăn một góc nhỏ khoảng 1/16 hoặc tối đa là 1/18.

Trong quá trình ăn bột nếp (thuộc nhóm tinh bột) phải kết hợp với các loại thực phẩm khác để bữa ăn đa dạng, tránh trường hợp chỉ ăn bánh chưng. Đặc biệt nhóm giúp ổn định đường huyết tốt là rau xanh, hoa quả tươi. Nếu ăn bánh chưng với thịt kho hột vịt mà thiếu rau tươi, rau xanh quá nhiều sẽ dẫn đến đường huyết không ổn định và dễ tăng đường sau bữa ăn.

Chính vì vậy, trong bữa ăn ngày Tết ngoài những món ăn truyền thống thường xuyên gặp, chúng ta nên ăn thêm rau quả tươi. Người bệnh tiểu đường nên ăn ít nhất 300g rau tươi hoặc 200g quả tươi trong một ngày, dù ngày Tết hay là ngày thường.

5. Người bệnh tiểu đường có nên ăn uống thoải mái và uống thuốc sau đó?

Nhiều người bệnh tiểu đường cho rằng, chẳng mấy khi có dịp tụ họp cùng gia đình, ăn thật thoải mái rồi uống thuốc sau. Quan điểm của BS như thế nào về vấn đề này ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với người bệnh tiểu đường, tăng đường huyết, hay các bệnh lý mãn tính thường các cơ quan nội tạng trong cơ thể đã có tổn thương. Những tổn thương này nằm ở mức độ vi thể.

Người bệnh tiểu đường luôn hiện diện nguy cơ tổn thương các mạch máu nhỏ hay vi cầu thận trong cơ thể. Bệnh nhân phải cố gắng ngăn ngừa, làm chậm những tổn thương và các biến chứng càng chậm càng tốt.

Để làm được điều này, mức đường huyết phải liên tục và thường xuyên ổn định dưới mục tiêu điều trị. Nếu đường huyết cao hơn mục tiêu điều trị và sau đó giảm xuống thấp hơn do ăn bù hoặc điều chỉnh sau đó sẽ dẫn đến các cơ quan, các mạch máu nhỏ hay các vi thần kinh dễ tổn thương hơn.

Bệnh nhân tăng huyết áp cũng tương tự. Nếu người bệnh ăn mặn, lượng natri tăng lên, áp lực thẩm thấu tăng lên sẽ dẫn đến tăng huyết áp đột ngột sau bữa ăn hoặc sau một vài ngày. Khi đó sẽ có nguy cơ đột quỵ hoặc những nguy cơ liên quan đến bệnh lý huyết áp.

Chính vì vậy việc kiểm soát các bệnh mạn tính cần phải thực hiện hằng ngày. Trong bữa ăn không nên có tâm lý ăn thoải mái hôm nay rồi ngày mai tính sau, hậu quả sẽ rất khó kiểm soát.

6. Người bệnh tăng huyết áp, tim mạch có nên ăn dưa hành, củ kiệu không?

Dưa muối, hành muối là món ăn truyền thống, làm giảm độ ngán khi ăn nhiều món ăn giàu chất đạm, chất béo. Người bệnh tăng huyết áp, tim mạch nên ăn các thực phẩm này như thế nào là tốt nhất ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Những món ăn như bánh chưng, bánh tét đặc trưng là nhiều dầu mỡ, chất béo. Khi chúng ta ăn với dưa hành, củ kiệu vị chua và vị mặn sẽ cân bằng vị béo trong bánh chưng giúp ngon miệng hơn dẫn đến ăn nhiều và tăng cân hoặc lượng natri nạp vào lớn gây tăng huyết áp.

Để kiểm soát vấn đề này chúng ta nên định lượng sẵn. Ví dụ trong bữa ăn có thể thay một chén cơm bằng 1/16 bánh chưng (khoảng 50g hay 100g). Sau đó cắt sẵn vào đĩa của mình và sử dụng kèm một ít dưa hành, củ kiệu hay củ cải (khoảng vài lát, tầm 20 - 30g). Chỉ ăn đúng khẩu phần đã gắp sẵn, nếu vẫn thấy chưa no hoặc muốn ăn cùng gia đình thì nên đổi qua thực phẩm khác như cơm, rau tươi, trái cây sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

Tóm lại, để kiểm soát nên chia sẵn khẩu phần dự định ăn trong ngày và ăn đúng theo khẩu phần đó. Vì nếu gắp từng chút một sẽ không kiểm soát được dẫn đến gắp quá nhiều mà không nhận ra. Từ đó giúp lượng natri hoặc năng lượng nạp vào cơ thể không quá nhiều.

Khi sử dụng bánh chưng hay các loại dưa sẽ dẫn đến tăng natri nên phải hạn chế những thực phẩm như chả lụa, giò thủ, các loại thực phẩm đóng hộp. Hôm nay đã ăn bánh chưng và dưa kiệu thì bữa ăn tiếp theo nên hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối, thức uống có gas, có cồn. Vì một số loại nước ngọt vẫn chứa natri để cân bằng vị ngọt, nếu không chú ý và uống nhiều sẽ làm tăng lượng natri trong máu.

7. Người bị rối loạn mỡ máu, nên ăn uống như thế nào để tránh thừa năng lượng?

Với những người rối loạn mỡ máu, nên ăn uống như thế nào để tránh bị thừa năng lượng ạ? Nên ăn tăng cường món ăn nào và hạn chế món ăn nào, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với người rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu), người có thể trạng hơi tròn thường quan tâm đến vấn đề làm sao để không bị tăng cân hoặc tăng cholesterol sau ngày Tết. Những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, các loại giò, thực phẩm đóng hộp chứa rất nhiều chất béo bão hòa, nếu sử dụng quá nhiều sẽ dẫn đến tăng cân, tăng cholesterol trong máu.

Do đó chúng ta cần kiểm soát khẩu phần ăn của mình trong bữa ăn. Một chén cơm có thể quy đổi bằng 1/8 cái bánh chưng. Nếu đã ăn bánh chưng thì nên bớt cơm lại. Trong bữa ăn phải đặc biệt lưu ý những thực phẩm tốt cho người bị mỡ máu như các loại rau tươi và quả tươi, một số loại trà tươi để bổ sung trong nước hằng ngày. Tránh sử dụng những loại thức uống có gas sẽ giúp kiểm soát chỉ số mỡ máu tốt hơn.

Đồng thời cần lưu ý duy trì thói quen luyện tập thể lực hằng ngày, đi bộ từ 30 - 60 phút/ngày. Duy trì thói quen chơi thể thao, rủ người thân tham gia các hoạt động thể thao, đi bộ để du xuân.

8. Người bị rối loạn mỡ máu nên ăn các món chứa chất béo trong giới hạn nào?

Nhiều món hấp dẫn nhưng lại nhiều mỡ động vật như canh măng nấu chân giò, thịt đông, giò thủ (giò xào)…

- Người bị rối loạn mỡ máu nên ăn các món này trong giới hạn nào ạ? Có cách nào để giảm bớt lượng chất béo, mỡ trong các món này để an toàn hơn cho người bệnh?

- Còn với người bệnh tiểu đường hay tim mạch, tăng huyết áp có được thưởng thức các món ăn này? Nếu được thì nên ăn như thế nào là tốt nhất ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với những người rối loạn mỡ máu nên lựa chọn những thực phẩm không chứa chất béo bão hòa.

- Trong món thịt kho hột vịt nên sử dụng thịt nạc và trứng để chế biến, hạn chế tẩm ướp nhiều gia vị.

- Các loại như giò thủ hay chả giò cần sử dụng rất nhiều dầu để chiên. Thực tế vẫn phải sử dụng một ít dầu để thực phẩm được ngon và giòn nhưng nếu chiên ngập dầu sẽ làm tăng năng lượng cũng như chất béo ngấm vào thực phẩm. Chúng ta có thể thay thế bằng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu.

- Bánh chưng, bánh tét, giò đông chứa nhiều chất béo, nếu muốn sử dụng nên dùng một lượng ít. Lưu ý kết hợp cùng các loại thực phẩm như rau tươi, quả tươi.

- Đặc biệt, duy trì thói quen luyện tập thể lực, chơi thể thao hằng ngày để “đốt cháy” năng lượng dư thừa.

9. Người bệnh gout nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Với những người bệnh gout, bữa ăn thịnh soạn có thể gây ra đợt cấp, sưng đau.

- Để phòng ngừa đợt cấp tiến triển này, người bệnh gout nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào trong dịp Tết?

- NÊN ăn gì và TRÁNH các món nào?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Không ai muốn bị cơn đau gout hành hạ vì nó làm cho bệnh nhân khó chịu và hạn chế trong sinh hoạt. Tuy nhiên, ăn uống là một trong những thú vui của cuộc sống. Đặc biệt là trong ngày Tết, mọi người ăn uống vui vẻ mà chúng ta không ăn thì người thân sẽ lo lắng.

Như vậy, trong mâm cỗ ngày Tết, người bệnh gout nên lưu ý:

- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều nhân purin như các loại thịt đỏ, hải sản. Nên chuẩn bị thực phẩm từ thịt trắng hoặc cá (có thể thay thịt bò nướng tẩm nhiều gia vị bằng món cá nướng).

- Bổ sung thêm các loại rau quả tươi trong bữa ăn. Không chỉ bị người bệnh gout mà tất cả chúng ta cũng nên bổ sung rau để cân bằng dinh dưỡng cũng như duy trì sức khỏe tốt trong dịp Tết.

- Duy trì thói quen rèn luyện thể lực phù hợp trong sinh hoạt hằng ngày và ngày Tết để giúp cơn đau khớp, những vấn đề liên quan đến cân nặng, chuyển hóa có thể giảm xuống.

- Nên lập kế hoạch, ghi chú hằng ngày. Mỗi ngày trước khi đi ngủ hoặc trước khi nghỉ ngơi nên dành ra khoảng 5 - 10 phút để xem ngày hôm nay đã thực hiện kế hoạch như thế nào. Từ đó giúp tổng quan lại một ngày của mình và nếu mỗi ngày đều điều độ sẽ giúp ngày Tết không bị ảnh hưởng. Và sau Tết sẽ có sức khỏe ổn định, không bị tăng cân hay cơn đau gout hành hạ.

Một số món ăn người bị bệnh gout nên tránh là:

- Những loại thịt đỏ chứa nhiều nhân purin như thịt bò: Tùy vào mức độ axit uric trong máu cũng như khả năng tái phát cơn đau gout cấp mà sẽ có mức độ sử dụng phù hợp. Có thể ăn 30g hoặc 50g; tần suất sử dụng 1 tuần/lần, 1 tháng/lần hoặc hoàn toàn không ăn những loại thịt có màu đỏ.

- Hải sản: Đôi khi trong gia đình chế biến các món ăn như tôm nướng, mực nướng rất ngon dẫn dến khó kiểm soát. Người bệnh vẫn có thể ăn 1, 2 lát (khoảng 10 - 20g) và sau đó ăn những thực phẩm khác phù hợp hơn. Để có thể vừa ăn ngon vừa kiểm soát được cơn đau gout khởi phát.

- Đồ hộp: Thực phẩm đồ hộp không chỉ chứa nhân purin không tốt cho người bị bệnh gout mà còn chứa rất nhiều muối dẫn đến ảnh hưởng huyết áp.

Những thực phẩm người bệnh gout có thể sử dụng để tránh đau gout và hưởng Tết vui vẻ:

- Thay thịt đỏ bằng thịt trắng

- Nên ăn cá

- Thay đồ hộp bằng ăn các thực phẩm tươi, rau tươi, quả tươi

10. Người bệnh mạn tính nên sử dụng rượu bia như thế nào để hạn chế rủi ro?

Rượu bia là thức uống khó khước từ trong dịp lễ Tết.

- Nhờ BS chia sẻ, người bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch… nên uống rượu bia như thế nào để vừa vui, vừa khỏe?

- Đặc biệt là với những người bệnh gout, rượu bia nên dừng ở ngưỡng nào để không kích hoạt các cơn đau ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Tùy vào bệnh lý đang ở mức độ nào và nguy cơ khởi phát gout cao hay thấp.

Tuy nhiên có thể sử dụng các sản phẩm bia, rượu từ một đơn vị trở xuống cho một lần uống. Hạn chế số ngày sử dụng trong tuần, có thể uống 1 - 2 lần. Chia sẻ với người thân rằng mình đang bị gout nếu uống nhiều sẽ đau khớp để người thân thông cảm và không ép uống.

Mỗi loại sẽ có một đơn vị sử dụng khác nhau, một đơn vị phải tính theo nồng độ cồn trong thực phẩm uống đó. Ví dụ đối với bia khoảng 3.6 - 3.9% độ cồn; rượu có một số loại 12 độ, có loại 30 độ hoặc 40 độ. Ở Việt Nam thường gặp là bia và người bệnh có thể uống khoảng dưới 1 lon.

Nếu uống quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ khởi phát cơn gout. Khi đi du xuân, chúc Tết nên uống các loại thức uống khác như trà để giữ phép lịch sự trong giao tiếp vừa bảo vệ sức khỏe.

11. Những nguyên tắc ăn uống nào người bệnh mạn tính cần lưu ý?

Cuối chương trình, nhờ BS tổng kết lại những nguyên tắc ăn uống mà người bệnh mạn tính cần lưu ý để vui Xuân, đón Tết an lành ạ!

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Vào những ngày đầu xuân chúng ta thường vì vui mà quên đi chế độ sinh hoạt hằng ngày. Nên lưu ý duy trì các vấn đề đã được bác sĩ điều trị, bác sĩ dinh dưỡng cũng như các chuyên gia hướng dẫn.

- Duy trì thói quen rèn luyện thể lực, thói quen chơi thể thao.

- Trong mâm cỗ ngày Tết thường quá tải các lượng thực phẩm, đặc biệt là nhóm tinh bột và chất béo. Lưu ý chọn thực phẩm hạn chế chất béo. Thay vì ăn nhiều bánh chưng thì nên ăn ít lại, ăn kèm với cơm hoặc đã ăn đủ bánh chưng sẽ không ăn cơm nữa.

- Rau và quả tươi giúp ổn định đường huyết, kiểm soát đường huyết tốt ở người bệnh tiểu đường. Bổ sung kali và các chất khoáng khác tốt cho người bị tăng huyết áp. Hạn chế các cơn khởi phát của người bệnh gout. Trên mâm cỗ nên bổ sung rau quả tươi. Không chỉ riêng người bệnh mạn tính mà người trưởng thành và trẻ em, phụ nữ mang thai cũng cần sử dụng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X