Ngưng tim, ngưng thở vẫn cứu sống
Người bị tai nạn đột ngột dẫn đến ngưng tim, ngưng thở vẫn có cơ hội sống sót nếu được sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời.
Ngừng thở, tim ngừng đập theo suy nghĩ của nhiều người chính là biểu hiện của cái chết, không còn cách nào chữa chạy. Chính suy nghĩ này khiến không ít người bị nạn không được cứu giúp kịp thời hoặc chuyển đến bệnh viện (BV) mà chưa được sơ cứu đúng cách, dẫn đến công tác cấp cứu gặp nhiều khó khăn, để lại di chứng hoặc đáng buồn hơn là đã quá trễ để cứu sống nạn nhân.
"Thời gian vàng": 3-5 phút
Trên thực tế, khá nhiều trường hợp được xác định tử vong trước khi nhập viện - với các biểu hiện ngưng tim, ngưng thở, mạch ngoại biên không bắt được… - đã được hồi sinh. Đầu tháng 5 vừa qua, BV Thống Nhất (TPHCM) cũng đã cứu sống được 2 trường hợp tai nạn điện giật dẫn đến ngưng tim, ngưng thở mà theo các bác sĩ (BS), "phép mầu" không chỉ nằm sau cánh cửa phòng cấp cứu mà còn ở động tác sơ cứu kịp thời của thân nhân.
Theo BS Tô Vĩnh Ninh, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, tình trạng ngưng tim, ngưng thở có thể gặp ở rất nhiều dạng bệnh lý, chấn thương. Loại trừ các trường hợp ngưng tim, ngưng thở do những bệnh lý mãn tính đã vào giai đoạn cuối, cơ thể bệnh nhân đã suy kiệt thì những người đang khỏe mạnh, đang lao động, sinh hoạt bình thường, bỗng dưng bị ngưng tim, ngưng thở do gặp phải tai nạn điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã, chấn thương… vẫn có thể được trả lại cuộc sống nếu được sơ cứu và cấp cứu đúng cách. "Thời gian vàng" tính từ khi bị nạn đến khi được sơ cứu hồi sinh tim phổi là 3-5 phút, khi đó bệnh nhân có cơ hội sống sót mà không gặp di chứng về não.
BS Lê Bảo Huy, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Thống Nhất, lưu ý phải ép tim, thổi ngạt liên tục cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh hoặc đến khi tiếp cận được với nhân viên y tế. "Khá nhiều trường hợp nạn nhân được sơ cứu đúng cách khi vừa bị nạn nhưng đến giai đoạn chuyển đến BV - thông thường là bằng phương tiện cá nhân hoặc taxi, xe ôm - người nhà lại lúng túng không biết cách xử trí hoặc không nghĩ đến việc phải duy trì việc ép tim, thổi ngạt. Trong trường hợp tự di chuyển đến BV, tốt nhất nên sử dụng xe hơi cá nhân hoặc xe taxi để có không gian tiếp tục hồi sinh tim phổi cho nạn nhân, nếu dùng xe máy thì không cách gì thực hiện được" - BS Huy khuyên.
Theo BS Ninh, tốt nhất là nên gọi xe cấp cứu và trong thời gian chờ đợi thì thực hiện ép tim, thổi ngạt. Khi xe cấp cứu đến, nhân viên y tế sẽ có đầy đủ phương tiện để giúp người bị nạn tốt hơn.
Lưu ý các chấn thương
BS Huy cho biết còn có tình huống người bị nạn ngưng tim, ngưng thở vì sang chấn do các chấn thương nặng. Lúc đó rất cần giải quyết những chấn thương này. Ví dụ như người bị gãy xương đùi - vốn là một xương lớn và có thể gây cảm giác đau mạnh khiến nạn nhân ngất đi. Nếu cứ cố gắng thực hiện các bước sơ cứu khác mà không cố định vùng gãy xương, khiến vùng này bị tác động liên tục thì việc sơ cứu sẽ kém hiệu quả.
Ép tim, thổi ngạt đúng
cách
Theo các BS, khi gặp người bị té ngã, tai nạn dẫn đến ngất, trước hết cần lay gọi nạn nhân và gọi thêm người giúp đỡ. Nếu nạn nhân không đáp ứng, có thể kiểm tra nhịp tim đập, bắt mạch. Trong trường hợp không chắc có đúng là ngưng tim, ngưng thở hay không, cũng nên tiến hành sơ cứu. Phương pháp đúng là ép tim 30 lần và thổi ngạt 2 lần, bảo đảm trong mỗi phút ép tim được ít nhất 100 lần. Vị trí đặt tay để ép tim là vị trí giao nhau giữa đường nối từ
cuối xương ức tới chấn thủy và đường nối giữa 2 núm vú. Cần đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng để bảo
đảm lực ép xuống tác động đúng chỗ. "Khi thổi ngạt, nhiều người thắc mắc "tôi thở ra carbonic, làm
sao cung cấp ôxy cho nạn nhân" nhưng thực tế cơ thể người hít vào không khí với 21% - 23% ôxy nhưng
chỉ sử dụng 5% -6%, nên tỉ lệ ôxy còn lại trong hơi thở vẫn đủ để cứu sống người bị nạn" - BS Ninh
giải thích.
|
Theo Người Lao Động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình