Hotline 24/7
08983-08983

Nắng mưa thất thường, trẻ chưa tiêm ngừa phế cầu dễ viêm hô hấp, viêm mũi họng

Theo BS Đỗ Thành Đông - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, phế cầu khuẩn có thể gây ra viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp, viêm nội tâm mạc và hiếm gặp hơn là viêm phúc mạc. Trẻ chưa tiêm vắc xin, bệnh sẽ đến nhanh và tiến triển nặng hơn.

1. Nguyên nhân nào gây gia tăng số ca mắc phế cầu trong mùa nắng nóng?

Xin hỏi BS, thời tiết như hiện nay tạo điều kiện cho vi khuẩn phế cầu như thế nào?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Hiện ở khoa Hô hấp của bệnh Nhi đồng thành phố đang tiếp nhận rất nhiều trẻ nhỏ nhập viện do các vấn đề về viêm phổi do phế cầu. Khi các bác sĩ thực hiện cấy vi khuẩn ra, bản thân nó cũng chính là phế cầu khuẩn.

Với thời tiết nắng nóng, có thể xen kẽ bởi những cơn mưa bất chợt, không riêng về vi khuẩn phế cầu, những loại vi khuẩn, virus khác cũng có thể gia tăng đột biến và gây bệnh cho trẻ trong giai đoạn này.

2. Những nhóm tuổi nào dễ bị phế cầu khuẩn tấn công?

Phế cầu khuẩn tấn công trẻ nào và ở những độ tuổi nào, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Phế cầu khuẩn thường tấn công vào nhóm trẻ em dưới 5 tuổi và có những bệnh nền như tim bẩm sinh, thận mạn, suy giảm miễn dịch…

3. Vi khuẩn phế cầu gây ra những bệnh lý nào cho trẻ?

Phế cầu khuẩn nguy hiểm với trẻ em như thế nào? Vi khuẩn này có thể gây ra những bệnh lý nào trên trẻ em, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Phế cầu khuẩn có thể gây ra những bệnh lý như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp, viêm nội tâm mạc và hiếm gặp hơn là viêm phúc mạc.

4. Trẻ thường nhiễm phế cầu khuẩn trong những tình huống nào?

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ thường bị nhiễm phế cầu khuẩn trong những tình huống nào, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Thông thường trẻ đến thăm khám trong tình trạng bệnh cảnh sốt cao liên tục, ly bì hoặc đau nhức tai.

5. Làm thế nào để nhận biết trẻ bị nhiễm phế cầu khuẩn?

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm phế cầu khuẩn gồm những gì? Hiện nay có những phương pháp nào điều trị phế cầu khuẩn ạ?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Khi trẻ nhập viện, có thể dựa vào tình trạng sốt cao liên tục, ly bì, lừ đừ, chán ăn và bỏ ăn để nhận biết trẻ có bị nhiễm phế cầu khuẩn hay không. Tuy nhiên, để khẳng định chính xác trẻ có thực sự bị nhiễm phế cầu khuẩn không cần thực hiện các xét nghiệm về vi sinh.

6. Tiêm vắc xin liệu có bảo vệ trẻ 100% trước tác nhân gây bệnh?

Để phòng ngừa phế cầu khuẩn, giải pháp nào khả thi ạ? Tiêm vắc xin phế cầu khuẩn có phải sẽ bảo vệ 100% trước tác nhân này? Nhờ BS chỉ rõ thêm, vai trò thực sự của vắc xin ngừa phế cầu khuẩn ạ?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Có nhiều phương pháp để có thể phòng ngừa nhiễm phế cầu khuẩn, cũng như các bệnh lý về hô hấp. Phương pháp phòng ngừa dễ thực hiện nhất là mang khẩu trang và giữ vệ sinh tay thật sạch. Điều quan trọng nhất trong việc phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt ở phế cầu khuẩn chính là phải tiêm ngừa vắc xin.

Việc tiêm ngừa vắc xin không thể phòng ngừa được 100% cho trẻ không mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu đã được tiêm ngừa, trẻ sẽ ít mắc bệnh hơn, ví dụ như nếu có nhiễm bệnh, trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng nhẹ và dễ dàng điều trị bằng những loại thuốc kháng sinh thông thường.

7. Lịch tiêm vắc xin phế cầu khuẩn như thế nào?

Hiện nay có những vắc xin nào giúp phòng ngừa phế cầu khuẩn ở trẻ em ạ? Liệu trình tiêm ra sao và đến khi nào thì cần tiêm nhắc lại, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại vắc xin dành cho phế cầu khuẩn, là Prevenar 13Synflorix 10. Tuỳ từng loại vắc xin và tuỳ theo lứa tuổi của trẻ sẽ có những liệu trình tiêm vắc xin thích hợp.

Ví dụ ở một trẻ 2 tháng lịch tiêm 4 mũi phế cầu sẽ là: 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 1 tuổi.

Đối với những trẻ chưa được tiêm vắc xin phế cầu, phụ huynh cũng không cần quá lo lắng, có thể đến ngay tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có tiêm ngừa phế cầu để được tiêm ngay mũi đầu tiên. Sau đó, cách khoảng 2 tháng phụ huynh có thể đưa trẻ đến tiêm nhắc lại.

8. Trẻ được tiêm ngừa vắc xin phế cầu sẽ dễ dàng phục hồi hơn trẻ không tiêm ngừa

BS nhìn nhận, khả năng phục hồi khi bị nhiễm phế cầu khuẩn ở trẻ được tiêm ngừa và trẻ không được tiêm ngừa ra sao ạ?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Đối với những trẻ đã được tiêm vắc xin phế cầu, khi mắc bệnh bé có thể dễ dàng vượt qua hơn. Trong điều trị, đôi khi chỉ cần những loại kháng sinh uống thông thường, trẻ cũng có thể khỏi bệnh.

Đối với những trẻ chưa tiêm vắc xin, bệnh sẽ đến nhanh và dễ dàng chuyển biến nặng hơn. Đối với những trẻ viêm phổi, việc không tiêm ngừa vắc xin có thể khiến bệnh nhi phải thở máy. Ở những trẻ viêm màng não có thể tình trạng sẽ trở nặng rất nhanh.

9. Phụ huynh nên làm gì khi trẻ được chẩn đoán nhiễm phế cầu khuẩn

Vậy nếu không may trẻ nhiễm phế cầu khuẩn, cha mẹ cần dối diện với tình huống này ra sao? Chăm sóc ra sao, những điều cần tránh để trẻ nhanh khỏe ạ?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, việc quan tâm và chăm sóc sức khỏe cho trẻ rất quan trọng.

Phụ huynh nên cho trẻ bổ sung nhiều nước, sẽ giúp cho niêm mạc, đường hô hấp của con không bị khô. Giúp cho niêm mạc mũi, họng của trẻ có thể tự đẩy lùi những virus, vi khuẩn ra bên ngoài.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý, luôn cho trẻ mang khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc đi học và vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, tránh tụ tập ở những nơi quá đông người.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X