Hotline 24/7
08983-08983

Mùa dịch, chăm sóc bệnh nhân hen suyễn tại nhà như thế nào?

Hen suyễn đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian lâu dài. Những kỹ năng chăm sóc người bệnh hen suyễn tại nhà trong mùa dịch COVID-19 sẽ được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM hướng dẫn.

1. Triệu chứng và yếu tố nguy cơ của bệnh hen suyễn

Triệu chứng lâm sàng của bệnh hen suyễn là gì, thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Bệnh nhân hen suyễn sẽ có triệu chứng đa dạng, nhưng điển hình là ho, khò khè, có tiếng rít như huýt sáo, khó thở, nặng ngực, có đàm.

Tuy nhiên có những bệnh nhân chỉ có triệu chứng ho hoặc khó thở hoặc chỉ lên cơn khi giao mùa, do đó, họ thường không nghĩ bản thân mắc bệnh hen suyễn.

Những yếu tố nguy cơ nào đưa tới những triệu chứng này?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Nguồn gốc gây ra bệnh hen suyễn là sự tương tác giữa di truyền và môi trường sống. Nếu cha hoặc mẹ bị hen suyễn hoặc cả cha và mẹ cùng bị hen suyễn thì nguy cơ em bé sinh ra mắc bệnh này sẽ rất cao.

Bên cạnh đó, vai trò môi trường cũng rất quan trọng. Những nguy cơ gây ra bệnh suyễn do yếu tố môi trường như không khí quá ô nhiễm, hít nhiều chất độc hại, bụi bặm, khói thuốc lá, dùng kháng sinh sớm khi chào đời, không được sinh thường.

Yếu tố khởi phát cơn hen suyễn cấp? Triệu chứng khi khởi phát hen suyễn cấp?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ, điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải nhận ra những yếu tố nguy cơ của bản thân. Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân 12 yếu tố nguy cơ để họ dễ nhận biết.

Thông thường, yếu tố nguy cơ lớn nhất là thay đổi thời tiết. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh, bụi bặm, lông thú cưng, mùi hương, khói nhang, nấm mốc, thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen cấp.

Có hai nhóm nguy cơ rất quan trọng và nguy hiểm đối với bệnh nhân hen, đó là dị ứng thức ăndị ứng thuốc. Nếu bệnh nhân ăn phải thức ăn dị ứng sẽ làm bộc phát cơn hen rất mạnh, thậm chí gây sốc phản vệ.

Do vậy, bệnh nhân hen suyễn phải nhận ra được yếu tố kích phát cơn hen để phòng tránh.

Bệnh nhân hen suyễn nếu không điều trị dứt điểm sẽ có các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, nhưng ở mức độ chịu đựng được. Nhưng khi lên cơn hen suyễn cấp, bệnh nhân ho dồn dập, đàm tiết ra nhiều hơn, khò khè, khó thở, nặng ngực, không thể nói thành lời.

Khi đó, chúng ta sẽ thấy lõm ở xương ức, xương đòn; trẻ em sẽ bị hóp bụng, thở nhanh, cơ liên sườn trong bị co rút, nặng hơn trẻ sẽ bị tím môi.

Bệnh nhân đều được hướng dẫn nhận biết tất cả những dấu hiệu của cơn hen cấp và xử trí khi cần thiết.

2. Chẩn đoán cơn hen suyễn cấp như thế nào?

Chẩn đoán cơn hen suyễn cấp như thế nào? Chuyên khoa nào có thể chẩn đoán bệnh hen suyễn?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Trong ngành y, chẩn đoán là việc khó khăn nhất. Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, sau 20 năm thành lập khoa Quản lý hen và COPD trong cộng đồng, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân đến thăm khám với lý do chủ yếu là khó thở.

Tuy nhiên, có 26 nguyên nhân gây khó thở, các bác sĩ sẽ phải phân biệt hen với 25 nguyên nhân còn lại. Để chẩn đoán đúng, bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố:

  • Bệnh sử: cha mẹ em bé có bị hen không, em bé có tiền sử bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, khò khè hay không. Khám lâm sàng: chỉ khi bệnh nhân trong cơn hen, bác sĩ mới nghe được tiếng rít trong phổi.
  • Chụp X-quang ngực: để loại trừ lao phổi và các bệnh lý khác
  • Thăm dò chức năng hô hấp bằng phương pháp hô hấp ký (đối với bệnh nhân trên 5 tuổi): bệnh nhân phải thổi vào dụng cụ để bác sĩ xem đường thở có bị tắc nghẽn hay không, sau đó phun thuốc giãn phế quản để kiểm tra mức độ đáp ứng thuốc của người bệnh. Hiện nay, có thêm phương pháp giao động xung ký cho bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên.

Điều quan trọng để chẩn đoán bệnh hen suyễn là thăm dò chức năng hô hấp. Do vậy, những cơ sở y tế có trang bị hô hấp ký có thể chẩn đoán bệnh được.

Trong 20 năm qua, chúng tôi luôn cố gắng nhân rộng phương pháp hô hấp ký ở các bệnh viện tại TPHCM. Hy vọng các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có thể trang bị máy đo hô hấp ký này.

3. Lưu ý gì khi chăm sóc người thân mắc bệnh hen suyễn?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Khi trong gia đình có người lên cơn hen suyễn khiến cho những thành viên còn lại rất lo lắng. Do đó, trước tiên, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở uy tín để được chẩn đoán hen. Bởi có rất nhiều bệnh có triệu chứng giống hen suyễn. Nếu chẩn đoán sai sẽ dẫn đến chăm sóc không đúng.

Điều quan trọng mà các bác sĩ luôn dặn dò bệnh nhân nhân rằng hen là bệnh mạn tính và hiện tại chưa có phương pháp chữa dứt gốc bệnh hen. Do đó, các thông tin thuốc tây y, gia truyền, dân tộc trị dứt gốc bệnh hen là không có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta kiểm soát hen rất tốt. Bệnh nhân hen tuân thủ tốt sẽ sống, làm việc, tập thể dục thể thao như người bình thường.

Cho nên, nếu gia đình có người bị hen thì người nhà phải biết cách sử dụng thuốc đúng. Bởi hiện nay, thuốc trị bệnh hen rất tiên tiến, có dạng bình xịt đưa thẳng lượng nhỏ thuốc vào phổi. Người nhà phải biết sử dụng đúng cách để giúp người thân trong cơn hen cấp. Ngoài xịt đúng cách, bệnh nhân phải dùng đúng liều.

Đồng thời, bệnh nhân phải kiêng cữ các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen như lạnh, thay đổi thời tiết, vận động gắng sức, mùi hương nồng, lông động vật, dị ứng thức ăn và thuốc.

Mạt nhà cũng là yếu tố nguy cơ gây cơn hen cấp mà chúng ta rất khó nhìn thấy. Mạt nhà sống ở những vật dụng có bông như gối, mền, khăn; nó ăn vảy da và phân của nó là chất gây khởi phát cơn hen.

Nếu chúng ta xịt thuốc để diệt mạt nhà thì người bệnh hen cũng không thể chịu được. Do đó, chúng ta nên vệ sinh gối mền 1 lần/ tuần.

Hiện nay, nhiều em nhỏ bị béo phì và đó là nguyên nhân khiến khó kiểm soát cơn hen.

Ngoài ra, bệnh nhân hen suyễn có những bệnh lý đi kèm như viêm mũi xoang, trào ngược. Do đó, người bệnh cần phải được điều trị và kiểm soát những yếu tố nguy cơ này để không khỏi phát cơn hen suyễn cấp.

4. Chăm sóc bệnh nhân hen suyễn sai cách gây ra hậu quả gì?

Nếu người nhà chăm sóc sai cách sẽ làm ảnh hưởng đến bệnh nhân hen suyễn như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Nếu tình trạng nhẹ, trẻ sẽ bị ho, khó thở kéo dài.

Nhưng nguy hiểm nhất là bệnh nhân không kiêng cữ thức ăn mà đã biết đó là thức ăn gây dị ứng. Ví dụ như dị ứng sầu riêng nhưng lại ăn bánh có sầu riêng và tử vong ngay tại bệnh viện.

Do đó, nếu trẻ bị dị ứng loại thức ăn nào thì gia đình không ăn món ăn đó.

Một điều đáng lưu ý mà bác sĩ hay dặn, đó là không để bệnh nhân hen suyễn uống thuốc không tên, không toa. Đây là điều vô cùng nguy hiểm.

Nhiều bệnh nhân uống thuốc, sau đó bị sưng hết khuôn mặt, khó thở, có nguy cơ sốc phản vệ và tử vong trong vài phút. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi thì bệnh nhân không biết đó là loại thuốc gì.

Vì vậy, bệnh nhân hen suyễn phải uống thuốc có toa, nếu là loại thuốc không cần toa thì phải biết đó là loại thuốc gì.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐHYD TPHCM đang thăm khám cho người bệnh

5. Những sai lầm thường gặp khi của bệnh nhân hen suyễn?

Nhiều bệnh nhân không biết sử dụng thuốc hoặc mua thực phẩm chức năng, thuốc có chứa corticoid để giảm cơn hen. Xin nhờ bác sĩ đưa ra ý kiến với những trường hợp này ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Hen suyễn là bệnh nguy hiểm, xảy ra ở mọi lứa tuổi, có thể gây tử vong (khoảng 340.000 người tử vong trên thế giới). Đây là bệnh có thể ngăn ngừa, vì vậy việc tử vong do hen suyễn là điều đáng tiếc.

Theo Tổ chức y tế thế giới, những trường hợp tử vong do hen suyễn xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Vậy, vì sao lại xảy ra trường hợp tử vong do suyễn trong khi chúng ta có rất nhiều loại thuốc tốt?

Thứ nhất, người bệnh không thể tiếp cận được các đơn vị chăm sóc hô hấp uy tín. Hiện nay, tại TPHCM, các bệnh viện quận đã được trang bị máy móc và kiến thức để quản lý hen và COPD trong cộng đồng.

Thứ hai, khi đi khám và có toa thuốc thì bệnh nhân phải tuân thủ điều trị. Dân gian hay truyền miệng với nhau về toa thuốc, tuy nhiên toa thuốc của mỗi người sẽ khác nhau.

Tâm lý của người bệnh sẽ muốn trị dứt điểm căn bệnh, nên khi biết thuốc trị dứt gốc hen họ sẽ nghe theo. Bên cạnh đó, còn có một số loại thuốc chứa corticoid.

Hen suyễn sẽ có những loại thuốc riêng biệt: ngừa cơn, cắt cơn. Bệnh nhân hen suyễn nghĩ rằng, nếu họ cắt cơn được nghĩa là đã điều trị được bệnh hen. Tuy nhiên, bệnh hen suyễn là ngừa cơn, không phải đợi lên cơn mới cắt.

Nhiều bệnh nhân lạm dụng thuốc cắt cơn hen. Nếu trong 1 tháng, bệnh nhân sử dụng hết 1 bình thuốc cắt cơn thì nguy cơ tử vong rất cao; dùng thường xuyên thuốc cắt cơn sẽ có nguy cơ lên cơn hen cấp.

Cho nên, việc điều trị hen suyễn phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và kỹ lưỡng trong cuộc sống thì sẽ kiểm soát tốt cơn hen.

Nhiều bệnh nhân mong muốn trị dứt điểm bệnh hen nên đã sử dụng thuốc nhiều hơn bình thường hoặc sẽ ngưng thuốc khi đã cắt cơn hen. Trường hợp này, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên nào cho bệnh nhân?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chúng tôi luôn căn dặn bệnh nhân: thuốc là thuốc, phải có liều lượng, loại thuốc cho từng nhóm bệnh, người bệnh, độ tuổi. Khi bác sĩ đã kê toa thuốc thì họ đã rất cân nhắc. Vì vậy, bệnh nhân không dùng quá liều thuốc và tránh xúc động để không khởi phát cơn hen.

Đối với nam giới, họ hay ỷ y sức khỏe của mình hoặc không cảm nhận đúng được việc xấu đi của đường thở. Ví dụ, bác sĩ chỉ định sáng xịt 2 nhát, chiều 2 nhát nhưng lại chỉ xịt 2 nhát buổi sáng hoặc chỉ khi lên cơn hen mới xịt thuốc.

Điều này xảy ra thường xuyên với bệnh nhân hen, đặc biệt là người bị hen nhẹ.

Trong bệnh hen, chúng tôi chia thành 5 bậc hen (bậc 1 đến bậc 5). Ví dụ, bệnh nhân hen khi điều trị là bậc 4, nếu họ điều trị tốt và có hiệu quả, thì sau 3 tháng sẽ xuống bậc. Khi bệnh nhân ở bậc 2 trở xuống, triệu chứng hen ít hơn, bệnh nhân bắt đầu không tuân thủ điều trị và họ chỉ sử dụng thuốc cắt cơn.

Việc chỉ sử dụng thuốc cắt cơn rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay có loại thuốc vừa ngừa cơn vừa cắt cơn. Bác sĩ luôn dặn bệnh nhân phải mang theo thuốc ngừa cơn, cắt cơn bên mình.

Những sai lầm thường gặp nào làm tình trạng bệnh hen xấu hơn?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Thứ nhất, bệnh nhân đã được chẩn đoán hen suyễn hay chưa? Có nhiều bệnh nhân bị hen nhưng lại nghĩ bản thân mắc bệnh tai mũi họng. Đến khi bệnh nhân được phát hiện ra bệnh hen thì đường thở gần tắc nghẽn và rất khó hồi phục. Do đó, nếu có những triệu chứng lặp lại nhiều lần như: ho, khò khè, có đàm, khó thở, phải tìm đến các cơ sở để được chẩn đoán hen.

Thứ hai, sau khi được bác sĩ kê toa và hướng dẫn, bệnh nhân cần biết cách sử dụng đúng bình xịt thuốc, đúng liều thuốc. Sau khi xịt thuốc, bệnh nhân phải súc miệng để thuốc không đọng lại vùng hầu họng.

Thứ ba, người bệnh phải tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen của bản thân. Nếu bệnh nhân có bệnh lý đi kèm thì phải điều trị.

Ngoài ra bệnh nhân nên uống sữa, tập thể dục 30 phút, phơi sáng sáng 20 phút, ăn nhiều cam, chanh, quýt, bưởi và tái khám theo lịch hẹn. Như vậy, bệnh nhân có thể sống như người bình thường.

Tôi xin nhấn mạnh, có nhiều lực sĩ bị hen đoạt huy chương vàng Olympic.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X