Hotline 24/7
08983-08983

Món ăn thuốc cực tốt cho người ung thư phổi

Bên cạnh việc dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh ung thư phổi cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp.

Người bệnh ung thư phổi ngoài việc dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp.

Ngoài ra nên sử dụng một số thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa và giàu chất dinh dưỡng như canh thịt bò hầm, canh hạt sen, canh nấm linh chi và một số loại hoa quả, củ giàu vitamin tác dụng thanh nhiệt giải độc như nho, cam, táo, lê, củ cải hầm đường phèn, hạn chế uống đồ lạnh.

Khi ho, rát họng, ho ra máu, nên kiêng những thực phẩm thô ráp làm tổn thương vòm họng (bánh mì, ngũ cốc nguyên cám)...

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn bài thuốc trong y học cổ truyền có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

1223365nguyennhankhongbeo21420963025965

Ung thư phổi thể phế thận lưỡng hư

Triệu chứng: Tức ngực, khó thở, ho có đờm dính máu (sắc không tươi), dễ đổ mồ hôi, ngại nói, môi tím, mặt nặng, chân phù, hồi hộp, đánh trống ngực, đại tiện lỏng lúc tảng sáng; nam giới hoạt tinh, liệt dương; nữ giới kinh bế, kinh thiểu. Dùng một trong các món ăn bài thuốc sau:

- Vịt trắng 1 con, đông trùng hạ thảo 15 g, tỏi vỏ tím 20 g, gừng tươi 10 g, gia vị vừa đủ. Vịt làm sạch, chặt miếng, ướp gừng và tỏi rồi đem hầm nhừ cùng đông trùng hạ thảo. Chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi tuần ăn 2 lần.

Thịt vịt tư bổ ngũ tạng, huyết vịt có chứa chất kháng ung. Đông trùng hạ thảo ích thận, bổ phế, có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Các vị thuốc phối hợp tạo nên công dụng ích phế, tăng tinh, phù chính, kháng ung của bài thuốc.

- Đông trùng hạ thảo 6 g, kỷ tử 15 g, bào ngư 60 g. Bào ngư rửa sạch, ngâm nước ấm trong 3 giờ, sau đó luộc chín. Sau đó cho vào bát sành cùng với đông trùng hạ thảo và kỷ tử, hấp chín, ăn cái, uống nước.

Kỷ tử nhuận phế, tư âm, bổ thận, ích tinh. Bào ngư rất giàu chất dinh dưỡng và có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

- Nhân sâm 6 g, hồ đào nhục 20 g (không bỏ vỏ), gừng tươi 9 g, đường phèn vừa đủ. Đem 3 vị thuốc sắc trong 30 phút rồi bỏ bã gừng, hòa với đường phèn, chia uống 2 lần trong ngày.

Nhân sâm đại bổ nguyên khí, có tác dụng cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể và chống ung thư. Hồ đào bổ thận, cố tinh, ôn phế, chỉ khái, ích khí, dưỡng huyết, có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ác tính.

Ung thư phổi thể phế tỳ khí hư

Triệu chứng: Ho nhiều, đờm trắng, dễ khạc, khó thở, ngại nói, sợ gió, sợ lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, bụng đầy, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong, dài.

- Phổi lợn 100 g, ý dĩ 50 g, gạo tẻ 100 g, gia vị vừa đủ. Ý dĩ và gạo tẻ đãi sạch, cho vào nồi nấu cháo, khi đã nhừ cho phổi lợn (đã cắt thành miếng) vào, đun thêm một lát là được. Chế gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Ý dĩ kiện lợi tỳ, lợi thấp, bổ phế, có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Phổi lợn nhuận phế, bổ hư.

- Vịt trắng 1 con (chừng 1 kg), đại táo 60 g, sâm linh bạch truật tán 30 g (dạng viên tễ), gừng tươi và gia vị vừa đủ. Vịt làm thịt, bỏ lòng rồi cho đại táo (đã bỏ hạt) và sâm linh bạch truật tán vào trong bụng, hầm nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.

Sâm linh bạch truật tán có công năng bổ khí, kiện tỳ, trừ thấp, hòa vị. Thịt vịt bổ ngũ tạng, huyết vị có chất chống ung thư. Các vị phối hợp tạo nên công dụng bồi bổ phế tỳ của bài thuốc, hỗ trợ đắc lực cho các biện pháp điều trị khác.

Về kiêng kỵ trong ăn uống

Phải tùy theo triệu chứng và bệnh tình của từng người. Nếu triệu chứng chủ yếu là đờm nhiều, có thể căn cứ vào màu sắc của đờm, độ đặc của đờm và có dễ khạc ra hay không để quyết định kiêng kỵ những thứ gì.

Đờm trắng ở trạng thái bọt, dễ nhổ ra, kèm theo rêu lưỡi trắng và nhầy, hoặc sợ lạnh: Kiêng ăn các thứ dầu mỡ ngậy béo, quá bổ dưỡng như thịt mỡ, gà béo, vịt béo, tôm, cua, cá hồi, các hải sản tanh. Không uống các thứ lạnh, kiêng lạc, khoai lang vì chúng gây đờm, làm bệnh nặng thêm.

- Nếu đờm vàng, tương đối đặc, khó khạc nhổ, kèm theo rêu lưỡi vàng và nhầy, nên chọn các thức ăn vừa hóa được đờm lại vừa có tác dụng thanh nhiệt như quả lê, đường phèn hầm củ cải, quả hồng... Kiêng ăn các thức ngậy béo, cay (hạt tiêu, bột hạt cải, bột cari, ớt, rượu), đồ hun nướng. Kiêng hồ đào, lạc.

- Nếu trong đờm có lẫn máu hoặc khạc ra máu thì ngoài việc kiêng kỵ nghiêm ngặt các thức trên, bệnh nhân còn phải kiêng các thức thô ráp và cấm dùng đồ rán, nướng, quay, hun…

- Nếu thể chất hư nhược, nên ăn uống các thứ ôn hòa, giàu dinh dưỡng mà dễ tiêu hóa như thịt lợn nạc, thịt bò hầm suông, cháo hạt sen và ý dĩ.

Trong khi tẩm bổ cũng cần coi trọng vấn đề kiêng kỵ. Nếu bụng trướng, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng và nhầy, phải dùng ít hoặc kiêng dùng sữa bò, đường, dưa muối, trái cây sống lạnh, dầu mỡ ngậy béo.

Nếu miệng khát, người gầy, lưỡi đỏ, khạc ra máu thì cấm ăn các thức cay, động hỏa, hại âm. Nếu người hư nhược đến độ phải dùng các thuốc bổ như nhân sâm thì cần kiêng ăn cải củ, uống trà đặc.

Người bị ung thư phổi đã xạ hoặc hóa trị nếu thấy chán ăn hoặc tiêu chảy thì nên ăn uống thanh đạm, dùng các thứ tươi mới, không có dầu mỡ, ăn thứ bổ vừa phải.

Việc không chú ý kiêng kỵ trong ăn uống chẳng những gây thêm phản ứng nặng sau khi điều trị bằng phóng xạ và hóa chất mà còn làm suy thoái công năng tỳ vị, khiến bệnh tình nặng hơn.

Theo TH - Sức khỏe Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X