Hotline 24/7
08983-08983

Món ăn giúp ngủ ngon

Thiếu ngủ hoặc mất ngủ sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại cho sức khỏe, như suy nhược thần kinh, cao huyết áp...

Để có được giấc ngủ ngon, trong bữa ăn  hằng ngày nên dùng thường xuyên các thực phẩm sau:
 
- Rau nhút: Nếu ăn sống thì hái đọt non rửa thật sạch, ăn cả cọng lẫn lá. Lá thường được ăn sống, chấm với nước mắm kho hoặc nước tương; nấu canh chua với cá, tôm, tép hoặc canh riêu cua với khoai sọ. Theo đông y, nhút có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng an thần, điều hòa tạng phủ, thông lợi trường vị, tiêu thũng, mát gan... rất tốt cho người mất ngủ, suy nhược thần kinh. Ngày dùng 50-100 g lá tươi.
 
Nếu mất ngủ kéo dài, người mệt mỏi thì có thể dùng bài thuốc sau: Rau nhút 100 g tươi hoặc 30 g khô, khoai sọ 50 g, lá sen 30 g tươi hoặc 10 g khô, lá vông nem hoặc lá lạc tiên 12 g khô. Tất cả sắc với 750 ml nước còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
 
- Hoa thiên lý: Có vị ngọt nhạt, tính bình, tác dụng bình can, minh mục, tiêu viêm, thanh nhiệt giải độc, an thần nên thường dùng để làm thức ăn bổ mát, trị mất ngủ. Liều dùng 6 – 12 g/ngày dạng thuốc sắc uống. Có thể dùng lá và quả để thay cho hoa lá hoặc phơi sấy khô để dùng.


 
Người Việt Nam ta thường nấu canh hoa lý với thịt heo nạc hoặc cá diếc vào mùa hè nóng nực. Món này có tác dụng đem lại cảm giác  sảng khoái, dễ ngủ và ngủ ngon giấc. Cách chế biến món này như sau: Thịt heo nạc 150 – 200 g  xắt nhỏ ướp gia vị (hoặc cá diếc 200 – 300 g làm sạch, bỏ vảy, ruột luộc chín, bóc lấy thịt ướp gia vị, xương cá nấu lấy nước lọc bỏ xương).
 
Hoa thiên lý 30 - 50 g  rửa sạch, xắt nhỏ. Đun nước sôi vừa đủ, cho thịt heo nạc hay cá  diếc vào cùng với hoa thiên lý, đảo đều, cho sôi lại là được. Món này cần ăn nóng vào bữa ăn chiều là tốt nhất.
 
Nếu mất ngủ thường xuyên, có thể thêm vào món canh nói trên 30 – 50 g lá vông nem rửa sạch, xắt nhỏ cho vào nấu canh chung để ăn liên tục 4 – 6 ngày.
 
- Long nhãn: Là cùi của hạt nhãn. Theo đông y, long nhãn có vị ngọt, tính ấm, không độc, tác dụng bổ tâm, bổ tì, an thần, trấn tĩnh thần kinh. Đối với long nhãn khô, cách ăn tốt nhất là nhai nhỏ rồi ngậm và từ từ nuốt nước; không nên chỉ nhai sơ qua rồi nuốt liền. Mỗi ngày chỉ nên dùng 8-20 g long nhãn khô, dùng riêng hoặc phối hợp với hạt sen 20-30 g khô, hồng táo 10-15 quả để nấu chè hoặc nấu cháo ăn rất bổ dưỡng, giúp ngủ ngon giấc.
 
Nếu uống được rượu, bạn có thể làm rượu long nhãn theo cách: Ngâm 200 g long nhãn khô với 0,5 lít rượu trắng, sau 2 tuần là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20 ml, trước bữa ăn.
 
- Hạt sen: Hạt sen 100 g, long nhãn khô 20 g, vỏ quýt 1 miếng nhỏ, gạo nếp 100 g. Hạt sen bóc vỏ, rửa sạch, thông tim. Long nhãn khô rửa sạch, để ráo. Vỏ quýt rửa sạch, thái sợi. Gạo nếp vo sạch. Cho tất cả vào nồi đất. Đổ nước ngập quá mặt nguyên liệu khoảng 3 cm. Nấu lửa lớn cho sôi, vớt bọt, để lửa nhỏ cho sôi liu riu. Nấu đến khi sen và nếp chín mềm là được. Thêm ít mật ong, đường hoặc muối để ăn lúc đói bụng.
 
- Củ sen: Các món ăn dùng củ sen để chữa mất ngủ như sau: Củ sen 500 g, hồng táo 200 g. Hai thứ hầm chín nhừ, thêm đường phèn vừa đủ, dùng ăn nóng vào buổi chiều tối. Củ sen, lá vông nem rửa sạch, xắt nhỏ. Gan heo làm sạch, xắt miếng ướp gia vị. Xào củ sen, lá vông nem chín tới, cho gan heo vào đảo đều. Dùng ăn nóng vào buổi chiều, lúc đói bụng.
 
- Lá vông nem: Dùng loại lá không non cũng không già quá, chế biến như sau: Lá vông nem 50 g, cá diếc 300 g, hoa thiên lý 50 g. Gia vị vừa  đủ. Nấu canh ăn nóng buổi chiều. Ăn liên tục trong 5 ngày. Bạn cũng có thể làm món cháo lá vông - mè đen để chữa mất ngủ: Lá vông nem 30 g, mè đen 100 g, đậu đen 100 g, gạo nếp 50 g; nấu cháo ăn lúc đói bụng.

Theo Lương y Đinh Công Bảy - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X