Hotline 24/7
08983-08983

Máy tập duỗi cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân cho người bệnh đột quỵ đoạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM

Máy tập duỗi cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân cho bệnh nhân di chứng vận động sau đột quỵ là sáng chế của BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng, ý tưởng nảy sinh từ quá trình luyện tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Mới đây, máy tập duỗi cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân cho bệnh nhân di chứng vận động sau đột quỵ do BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - trưởng khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115 sáng chế đã đoạt giải 3 Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2.

Từ thực tế điều trị cho bệnh nhân, giúp người sau đột quỵ phục hồi các chức năng, BS Thắng trăn trở về việc phục hồi cho vị trí khó tập và khó phục hồi nhất là vị trí cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân, ví trí liên quan trực tiếp đến phục hồi sinh hoạt và lao động của người bệnh. Từ đó, bác sĩ đã lên ý tưởng và chế tạo chiếc máy tập duỗi cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân cho bệnh nhân di chứng vận động sau đột quỵ. Ban đầu, công trình chỉ là tấm đỡ thô sơ để tay chân lành hỗ trợ tay chân yếu, dần dần máy được cải tiến, có động cơ, giúp người bệnh thao tác dễ dàng.

BS Thắng cho biét cơ chế của máy là qua hệ thống truyền chuyển động tạo nên sự trợ giúp của vận động tay chân lành tạo vận động cho tay chân liệt; tay và chân hỗ trợ nhau tạo ra cử động; sử dụng động cơ giảm tốc tạo vận động cho tay chân liệt; sử dụng cơ với tần số vòng quay thấp kết hợp với tay chân lành trợ giúp tạo vận động cho tay chân liệt.

Đây là sản phẩm hoàn toàn mới và đã được chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Với mục đích chú trọng vào tập duỗi cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân mà các phương pháp, thiết bị trước đây còn hạn chế tập cho vị trí này.

Sáng chế của BS Thắng giúp giải quyết việc thiếuthiết bị tập cho vị trí chi liệt khó tập, khó phục hồi vận động trên bệnh nhân di chứng vận động sau đột quỵ với vị trí cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân. Trong khi đây là vị trí quan trọng giúp bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt lao động.

Ngoài ra, máy còn khắc phục các điểm hạn chế của các phương pháp đã được chứng minh hiệu quả phục hồi liệt vận động sau đột quỵ nhưng lại có hiệu quả hạn chế với vị trí cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân. Những phương pháp này bao gồm: Bobath, PNF, gương trị liệu, tác vụ trị liệu, tập theo khuyến cáo của WHO và các thiết bị tập chủ yếu là tập co cho vị trí này.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng hướng dẫn bệnh nhân thao tác với máy tập duỗi cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân

Máy còn giúp giảm thời gian tập của kỹ thuật viên và người nhà cho bệnh nhân; rút ngắn thời gian phục hồi do vị trí được tập toàn diện hơn, bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường, giảm bớt gánh nặng kinh tế; vật liệu chế tạo máy dễ tìm kiếm, chi phí sản xuất rẻ, có thể sản xuất hàng loạt.

Với số lượng khoảng 200.000 người bị đột quỵ mới hàng năm ở Việt Nam thì tàn tật vận động sau đột quỵ vẫn chiếm tỷ lệ tàn tật cao nhất. Với việc thêm một thiết bị tập dựa trên cơ chế phục hồi và tích hợp các phương pháp đã được công nhận hiệu quả, sẽ giúp giảm tàn phế ở nhóm bệnh nhân này, tăng số người bệnh có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thiết bị cũng có thể dùng cho bệnh nhân di chứng vận động sau chấn thương sọ não, liệt tủy sống.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM do TPHCM phát động nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống và năng lực sáng tạo của mọi người dân, cũng như lan tỏa, đưa các công trình sáng tạo ứng dụng vào cuộc sống. Qua 2 lần phát động, giải thưởng thu hút nhiều công trình có tính ứng dụng cao, giúp tạo ra những tiện ích phục vụ đời sống người dân cũng như hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X