Hotline 24/7
08983-08983

Mất ngủ triền miên vì giảm béo bằng lá sen

Trừ hạt, ngó và tâm sen thì các bộ phận khác đều có chứa Alkaloid - một chất có tác dụng an thần và tác dụng lên tim mạch.

Lá sen có lợi cho người béo nhưng dùng quá nhiều có thể gây ngộ độc. Ảnh minh họa
 
Không hiểu thế nào mà cả hai vợ chồng chị Lan và cậu con trai đang học lớp 6 đều thuộc loại thừa mỡ. Thế nên nghe có cách giảm béo nào đơn giản, dễ làm chị Lan đều thực hành thử cho cả nhà. Gần đây, cả nhà chị chuyển qua uống nước lá sen để giảm cân.

Chị Lan cho biết, lần đầu uống vào, cả nhà chị đều thấy mát ruột nên thống nhất dùng lá sen uống thay nước lọc. Chỉ 100.000 đồng là mua được một kg lá sen đã phơi khô, thái nhỏ thành trà. Mỗi lần chị mua hẳn 5 kg về để dành uống dần.

Đều đặn hằng ngày, bà nội trợ này đều pha sen với nước sôi rồi chia cho cả nhà, mỗi người một chai uống từ sáng đến chiều. Thế nhưng uống đến 5 tháng, vợ chồng lẫn con cái vẫn không thấy giảm lạng nào. Gần đây, chị hay bị mất ngủ nhưng chỉ nghĩ tại công việc vất vả.

”Đến khi con cũng kêu mệt, người uể oải như bị đói thì tôi bắt đầu thấy ngờ ngợ do lá sen. Thôi thì chả giảm cân nữa, cả nhà lại quay về uống nước như bình thường lại ngủ được”, chị Lan nói.

Cũng nghe mọi người đồn thổi về công dụng giảm béo của lá sen, vỏ hạt sen, chị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) thử mua vỏ hạt sen về hãm uống. Ở chợ, một cân vỏ hạt sen chỉ có giá 10.000 đồng. Thế là đều đặn hằng ngày chị đun nươc sôi rồi cho vỏ hạt sen vào uống, mỗi ngày một chai 1,5 lít.

Thế nhưng sau 3 tháng, cân đi cân lại chị vẫn thấy mình chả sút cân tý nào. Không những thế, người lúc nào cũng uể oải do chán ăn, mất ngủ triền miên.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, sen là cây thuốc quý đã được biết đến từ lâu, tất cả các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc. Trong đó, lá sen cũng được nghiên cứu và có nhiều tác dụng khác nhau.

Chẳng hạn, như nuciferin có tác dụng giải co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, giảm đau, an thần, chống rối loạn nhịp tim, cầm máu (lá sen được sử dụng chữa chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết, đại tiện ra máu). Hay chất flavonoid trong lá sen có tác dụng chống oxy hóa lipid màng tế bào gan chuột...

“Đã có một số nghiên cứu chứng minh lá sen giúp hạ cholesterol và lipid máu, tuy nhiên tác dụng yếu. Một số thầy thuốc đã phối hợp lá sen với một số dược liệu khác có tác dụng hạ cholesterol để điều hòa lipid máu. Có thể nói là lá sen dùng có lợi cho người béo chứ không thể nói là uống để giảm cân được”, phó giáo sư Thuần nói.

Ông cũng khuyến cáo, trừ hạt, ngó và tâm sen thì các bộ phận khác đều có chứa Alkaloid - một chất có tác dụng an thần và tác dụng lên tim mạch. Với chất này thì phải dùng đúng liều quy định. Nếu quá liều thì nó lại trở thành chất độc, gây nên các triệu chứng tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng, nôn nao, hoảng hốt, da xanh tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, co giật, mạch nhỏ yếu, khó bắt, tim đập chậm, không đều, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp...

Với lá sen, chỉ được dùng 15-20 g mỗi ngày cho người lớn, nếu dùng quá liều sẽ gây độc. Thực tế nếu dùng tâm sen, lá sen quá liều lại làm mất ngủ do làm rối loạn nhịp tim. Bởi vậy, người dùng cần có tư vấn của thầy thuốc.

Theo Phương Trang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X